Văn hóa là “sợi dây” kết nối tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc - Bài 2: Giao lưu nhân văn là điểm sáng trong quan hệ hữu nghị Việt-Trung
Những năm gần đây, hợp tác và giao lưu nhân văn giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, nội dung và hình thức, góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân trong hai ngày 12 và 13-12, Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn đã có một số chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân.
---------------------*****---------------------
Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá thế nào về hợp tác và giao lưu văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm qua?
Tham tán Bành Thế Đoàn: Những năm gần đây, giao lưu và hợp tác về văn hóa, du lịch và nhân dân giữa hai nước chúng ta đang trên đà phát triển nhanh chóng. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đà phát triển này càng được khôi phục và đẩy mạnh. Đây chính là thành quả đạt được dưới sự dẫn dắt chính trị cấp cao của hai Đảng, kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm, nỗ lực xúc tiến hợp tác thực chất, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Nhiều điểm sáng có thể kể đến, như các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa lãnh đạo ngành văn hóa, du lịch hai nước thông qua những hình thức linh hoạt, đa dạng; hoạt động du lịch được khôi phục có trật tự; hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch tại mỗi nước. Sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại cho du lịch theo đoàn (tháng 3-2023), số du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt trên 1,5 triệu lượt người và giữ đà tăng trưởng hơn 10%/tháng. Số lượng lưu học sinh Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay đã khôi phục lại bằng năm 2019.
Hợp tác về văn hóa nghệ thuật giữa các địa phương của hai nước cũng khá nhộn nhịp. Việc tổ chức đoàn văn nghệ sang thăm và biểu diễn, tham dự các hoạt động giao lưu và ngày lễ của nhau… đã trở thành truyền thống. Ngoài ra, các hội thảo, mở lớp đào tạo nhằm giúp nhau khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội được hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức với các nội dung phong phú và phù hợp với nhu cầu thực tế, đạt được nhiều kết quả tích cực.
PV: Đồng chí vừa nhắc tới định hướng, dẫn dắt cấp cao của hai Đảng cho quan hệ hai nước. Vậy hai bên cần làm gì để tận dụng tốt nền tảng hợp tác song phương nhằm cùng nhau khai thác tiềm năng phát triển văn hóa và du lịch của mỗi nước trong thời gian tới?
Tham tán Bành Thế Đoàn: Một đặc điểm nổi bật của quan hệ Trung Quốc và Việt Nam là luôn tuân theo sự dẫn dắt chính trị của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước. Giao lưu nhân văn là nền tảng để phát triển mối quan hệ truyền thống và sự thịnh vượng của mỗi nước. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển. Đồng chí Tập Cận Bình cũng đề ra “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” kêu gọi tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh thế giới, phát huy các giá trị chung của nhân loại, tăng cường giao lưu và hợp tác nhân văn quốc tế.
Thành quả mới của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Việt Nam là phát triển theo hướng xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, cùng gánh vác trách nhiệm phát triển con người, an ninh và thịnh vượng và chia sẻ những kết quả tốt đẹp đạt được. Trong quan hệ Trung Quốc và Việt Nam, sự phát triển của nước này là cơ hội cho nước kia, và sẽ là một phần của nền tảng phát triển của mỗi bên. Đất nước phát triển ổn định thì việc phát triển văn hóa mới có cơ sở vững chắc, mới mang lại cơ hội ngày càng lớn cho ngành du lịch. Tốc độ phát triển của hai nước Trung Quốc và Việt Nam đều đứng hàng đầu thế giới, khi hai nước bắt tay hợp tác thì không những văn hóa và du lịch của mỗi nước đều sẽ phát triển, mà còn làm tăng thêm giá trị và sức lôi cuốn của chế độ xã hội chủ nghĩa, thu hút khách du lịch từ các nước khác. Tin tưởng rằng, khi quan hệ hai nước được nâng lên một tầm cao mới thì hợp tác trong lĩnh vực nhân văn sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
PV: Theo đồng chí, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa hai nước còn những lĩnh vực tiềm năng nào cần tập trung thúc đẩy? Đâu là trọng tâm hợp tác trong thời gian tới?
Tham tán Bành Thế Đoàn: Có thể thấy rằng, hợp tác, giao lưu văn hóa giữa hai nước rất phong phú, đa dạng, bao gồm các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân như giáo dục, du lịch; đồng thời có những lĩnh vực về tinh thần và sản phẩm tinh thần, như giao lưu và hợp tác xuất bản, giao lưu nghệ thuật, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo....
Trung Quốc đã trải qua quá trình phát triển nhanh chóng, sự nghiệp giáo dục của đất nước chúng tôi đã có bước tiến vượt bậc. Giao lưu và hợp tác giáo dục góp phần quan trọng đào tạo nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng hiện đại hóa và phát triển toàn diện, bền vững của mỗi nước. Trung Quốc và Việt Nam chia sẻ chung nhiều giá trị phương Đông, đã và đang tạo nên nền văn hóa rực rỡ, đóng góp tích cực thúc đẩy sự phát triển của mỗi nước. Hợp tác về giáo dục; du lịch; công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo mới, văn học và văn hóa nghệ thuật... là những lĩnh vực tiềm năng, nhiều dư địa hợp tác giữa hai nước thời gian tới.
Hiện nay, ngành văn hóa và du lịch hai nước đang phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện toàn diện “Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027” đã được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10-2022. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa Trung Quốc đã được thành lập tại Hà Nội, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ một trung tâm tương tự của Việt Nam được thiết lập tại Bắc Kinh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
- Nội dung: VĂN DUYÊN (thực hiện)
- Ảnh: Tân hoa xã, hanu.vn, VOV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC