“6 hơn” trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc được đưa ra nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12 đến 13-12, khẳng định hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào 6 phương hướng hợp tác lớn: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Các phương hướng này có mối quan hệ biện chứng, tác động và hỗ trợ, bổ sung cho nhau, trong đó, việc thúc đẩy tin cậy chính trị cao hơn là nền tảng.
TIN CẬY CHÍNH TRỊ - NỀN TẢNG CỦA QUAN HỆ GIỮA HAI ĐẢNG, HAI NƯỚC |
Tin cậy chính trị hơn được xếp ở vị trí đầu tiên trong 6 phương hướng hợp tác lớn mà hai bên khẳng định trong Tuyên bố chung. Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, khẳng định tin cậy chính trị chính là nền tảng của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Trong Tuyên bố chung lần này, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chiến lược, kiên trì đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị.
Tin cậy chính trị hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc còn được hai bên khẳng định qua Tuyên bố chung với việc nhất trí “phát huy đầy đủ vai trò đặc biệt của kênh Đảng”. Theo đó, không chỉ ở cấp cao mà hiệu quả giao lưu, hợp tác giữa các cơ quan tương ứng của hai Đảng ở Trung ương, các tổ chức đảng địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh (khu) giáp biên sẽ được nâng cao. Theo phương hướng nêu trong Tuyên bố chung, hai bên sẽ thông qua cơ chế hội thảo lý luận giữa hai Đảng, kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ, trao đổi đoàn kênh Đảng, tăng cường giao lưu, tham khảo lẫn nhau về xây dựng Đảng và quản lý đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong các lĩnh vực như tổ chức, tuyên giáo/tuyên truyền, kiểm tra kỷ luật, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, dân vận/mặt trận thống nhất, kinh tế-xã hội...
Sự tin cậy chính trị không chỉ giúp hợp tác trên các lĩnh vực của hai nước đạt được tiến triển tích cực, toàn diện, mà còn giúp hai bên kiểm soát bất đồng nảy sinh trong quan hệ hai nước. Ví dụ, khi có bất đồng trên biển, hai bên căn cứ vào nhận thức chung mà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được, tuân theo các nguyên tắc xử lý vấn đề trên biển, trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.
TRỤ CỘT HỢP TÁC QUỐC PHÒNG, AN NINH |
Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề xuất với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc coi hợp tác quốc phòng, an ninh (QPAN) là một trong những trụ cột trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Tuyên bố chung lần này đã khẳng định: Hợp tác QPAN là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Theo Đại tá, ThS Vũ Văn Khanh, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Quốc tế, Viện Chiến lược Quốc phòng, Việc hợp tác QPAN được xác định là một trong những trụ cột của quan hệ hai nước trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc vừa qua cho thấy sự đánh giá cao của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước về vai trò của hợp tác QPAN trong củng cố sự tin cậy chiến lược giữa hai nước, góp phần củng cố quan hệ hợp tác, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước của hai nước. Đây cũng là thời điểm quan trọng để Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác QPAN lên tầm cao mới.
Để thúc đẩy hợp tác QPAN thực chất hơn, cùng với việc duy trì, phát huy và làm sâu sắc thêm các hình thức đã có, hai nước cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra các sáng kiến hoặc mở rộng các hình thức hợp tác mới.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tình đoàn kết hữu nghị Việt-Trung nhằm nâng cao nhận thức về tình đoàn kết hữu nghị cho mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT hai nước. Hai là, tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước. Ba là, tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác các cấp trong quân đội, trên các kênh, các lĩnh vực như Tuyên bố chung đã nêu. Đồng thời, có thể xem xét hướng tới nâng cấp và thiết lập các cơ chế hợp tác QPAN mới như: Nâng cấp đối thoại chiến lược quốc phòng; thiết lập đường dây nóng ở cấp cao nhất giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước; ký thỏa thuận về việc tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuyệt đối không nổ súng trên Biển Đông; thiết lập đường dây nóng giữa các Tư lệnh Quân khu biên giới Việt Nam và Tư lệnh Chiến khu miền Nam, Trung Quốc... Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác nghiên cứu trao đổi học thuật giữa quân đội và công an hai nước.
HỢP TÁC THỰC CHẤT SÂU SẮC HƠN |
Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác thực chất sâu sắc hơn trong nhiều lĩnh vực. Điều này sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam và Trung Quốc trong nỗ lực hợp tác cùng có lợi, phục vụ sự phát triển của hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và thế giới.
TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, cơ hội có rất nhiều từ những tác động mang tính cụ thể hơn, nỗ lực để hai bên cùng có lợi, nhất là cho Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, khoáng sản then chốt, tài chính, tiền tệ, lương thực, tăng trưởng xanh, xuất khẩu…
Việc hai bên nhất trí cùng xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường” cũng là hướng đi tích cực, tạo lợi thế thương mại và thúc đẩy giao thương, đầu tư, du lịch giữa hai nước, nhất là hiệu quả trong nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, logistics. Tuy vậy, theo TS Lê Xuân Sang, cần có những đánh giá, tính toán, nhất là xây dựng chính sách mang tính chiến lược và nâng cao nhiều hơn lợi ích kinh tế của Việt Nam trên phương diện nào; Việt Nam tham gia như thế nào, nguồn nhân lực, vật lực, nguồn vốn, điều kiện sử dụng nguồn vốn ra sao trên cơ sở tính toán đầy đủ lợi ích, chi phí khi tham gia trong trung hạn và dài hạn. Cũng cần có các chế tài hữu hiệu trong xử lý vi phạm đối với hai bên.
NỀN TẢNG XÃ HỘI VỮNG CHẮC HƠN - NGUYỆN VỌNG CỦA NHÂN DÂN HAI NƯỚC |
Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên sẽ thúc đẩy “nền tảng xã hội vững chắc hơn”. Điều này thể hiện mong muốn và xuất phát từ lợi ích của nhân dân hai nước. Phát biểu tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc ngày 13-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Những nguyện vọng thiết tha sâu xa từ bao đời nay của nhân dân hai nước về hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển chính là nguồn sức mạnh to lớn và cơ sở vững chắc cho niềm tin về tương lai tươi sáng của quan hệ giữa hai nước láng giềng anh em đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Thực tế chứng minh, khi nhân dân hai nước đồng thuận, nền tảng xã hội, tin tưởng xã hội cao hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để thực hiện các phương hướng, nội dung hợp tác khác thực chất, sâu sắc hơn. Và khi các lĩnh vực hợp tác được thực hiện hiệu quả, sẽ giúp củng cố hơn nữa niềm tin và đồng thuận xã hội. Đơn cử như các cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung với nòng cốt là Quân đội, nhưng còn có sự tham gia của các ban, bộ, ngành hữu quan, chính quyền, đoàn thể địa phương và đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân hai bên biên giới. Thông qua giao lưu, hai bên hiểu nhau hơn, tin nhau hơn, thân nhau hơn cũng chính là nền tảng xã hội được củng cố vững chắc hơn.
Hay như trong quản lý và giải quyết các khác biệt, bất đồng, nhất là vấn đề trên biển, cần có nhận thức xã hội sâu sắc ở cả hai bên, cùng nhau thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, tôn trọng các lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện DOC, thúc đẩy COC phù hợp với UNCLOS 1982.
HƯỚNG TỚI KIỂM SOÁT VÀ GIẢI QUYẾT BẤT ĐỒNG TỐT HƠN |
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, thời gian qua, việc kiểm soát, giải quyết các bất đồng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những chuyển biến so với trước đây, song vẫn tồn tại những phức tạp, khó khăn cả trên thực tế lẫn xét theo các nguyên tắc pháp lý. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai bên, nhằm đưa ra những giải pháp tích cực, từ đó kiểm soát và giải quyết bất đồng tốt hơn như mục tiêu nêu trong Tuyên bố chung. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có bờ biển liền kề và đối diện nhau, vì vậy, khi vận dụng UNCLOS năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa đã xuất hiện những vùng chồng lấn. Việc hai nước đàm phán và ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000 trên tinh thần cầu thị, có tính đến lợi ích của mỗi bên là một dấu mốc lịch sử. Hiệp định cũng có thể được coi là thành quả quan trọng của quá trình hợp tác đàm phán, kiểm soát và giải quyết bất đồng giữa hai nước, là thực tiễn quan trọng và bài học để lại cho khu vực và quốc tế.
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ là cơ sở để Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước theo lộ trình “dễ trước khó sau”, cụ thể là từ việc hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ tiến tới bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Đến nay, dù đã xúc tiến đàm phán nhưng hai nước vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng. Điều này xuất phát từ thực tế là các quan điểm và nguyên tắc mà hai bên đưa ra đối với việc phân định vùng chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chưa thống nhất.
Giải quyết được vấn đề phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ còn đem tới tác dụng rất lớn khác, bởi nó cho thấy thiện chí của hai bên trong nỗ lực đạt được những thành quả mang tính thực chất chứ không chỉ là thành quả trên giấy. Qua đó cũng tạo sự ổn định trên biển và để các nước trong khu vực cũng như quốc tế nhìn nhận rằng, Việt Nam và Trung Quốc đã từng giải quyết được những vấn đề hết sức phức tạp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Công Trục lưu ý rằng, để kiểm soát và giải quyết bất đồng trên biển tốt hơn, cần có sự ra đời của những hành lang pháp lý phù hợp, chẳng hạn như “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).
- Nội dung: NGỌC HƯNG-VĂN DUYÊN-VŨ HÙNG
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC