Tình cảm của những người đồng chí Trung Quốc đối với Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn
Là vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, “Lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn được biết đến là một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng giữa Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã nhận được sự tri ân to lớn, những tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc.
Những cống hiến to lớn đối với cách mạng Trung Quốc
Nguyễn Sơn sinh năm 1908, mang trong mình tinh thần yêu nước và sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản; ông tên thật là Vũ Nguyên Bác[1] thuộc thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Tuy là người Việt Nam, nhưng Nguyễn Sơn tham gia Quân đội Trung Quốc từ khi còn là đơn vị du kích (1925-1926, nội chiến); (1937-1945, kháng Nhật), tới khi tiến lên chính quy, hiện đại (1956).
Tại Trung Quốc, Nguyễn Sơn có nhiều năm công tác trên mặt trận giáo dục. Ông có năng lực sở trường về giảng bài, nói năng hoạt bát, lý lẽ rành rọt, có sức hấp dẫn, được các học viên nhận xét tốt, nhiều học viên của ông sau này giữ các chức vụ chủ chốt của các quân, binh chủng trong Quân đội Trung Quốc.
Là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và trình độ lý luận, năm 1930, Nguyễn Sơn được điều động đến giảng dạy tại Trường Quân sự Chính trị Trung ương của Hồng quân mới được thành lập ở Thụy Kim. Cuối năm 1932, ông tham gia thành lập đoàn kịch đầu tiên của Hồng quân công nông và làm Đoàn trưởng. Tháng 1 năm 1934, ông là một trong hai người nước ngoài được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa do Mao Trạch Đông làm Chủ tịch, là đại biểu “dân tộc ít người”. Ông hai lần tham gia làm báo, cả hai lần ông đều là người phụ trách và làm Tổng Biên tập. Năm 1938, ông phụ trách Báo “Kháng địch” của Biên khu Tấn - Sát - Ký vùng giáp ranh ba tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc và Sát Cáp Nhĩ. Năm 1955, ông làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Tạp chí “Huấn luyện chiến đấu”. Đối với Nhân dân Trung Quốc, ông là vị tướng bình dị, sâu sát và gần gũi.
Sự tri ân và tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc dành cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn
Năm 1955, để xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc chủ trương phong quân hàm và khen thưởng cán bộ trong toàn quân. Được xem là một trong 72 đại công thần Trung Quốc, trong đợt phong quân hàm vào ngày 27-9-1955, ông được Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng. Ông cũng được Chính phủ Trung Quốc tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất.
Mùa hè năm 1956, do nhiều năm “Nam chinh Bắc chiến” đầy khó khăn gian khổ, Thiếu tướng Nguyễn Sơn mắc bệnh nặng, chẩn đoán bị ung thư phổi. Thủ tướng Chu Ân Lai yêu cầu “chọn bác sĩ giỏi nhất để mổ cho đồng chí Hồng Thủy”. Chính phủ và Quân đội Trung Quốc đã hết lòng chữa chạy và có ý định đưa ông sang Liên Xô chữa bệnh, nhưng biết bệnh tình của mình quá nặng nên ông đã từ chối. Ông nói với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, người thủ trưởng cũ của mình: “Trung ương không cần phải lãng phí tiền của vì tôi”, hành động mà sau này tướng quân Tiêu Khắc nhận xét “Đồng chí Hồng Thủy coi trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc còn hơn cả sinh mệnh bản thân”.
Thể theo nguyện vọng của Thiếu tướng Nguyễn Sơn muốn được trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tổ chức, sắp xếp một cuộc tiễn đưa gia đình Nguyễn Sơn về nước với hy vọng “về Việt Nam được gặp lại bạn bè, gia đình, con cháu, tinh thần cởi mở, có khi lại đỡ lại”[2]. Ngày 25 tháng 9 năm 1956, Nguyễn Sơn đến chào Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và những người đồng chí, người bạn thân thiết. Chủ tịch Mao Trạch Đông cầm tay Thiếu tướng Nguyễn Sơn dặn dò: “Chú về nước chữa bệnh cho tốt, khỏi bệnh quay trở lại”. Nhưng, lúc đó Thiếu tướng Nguyễn Sơn linh cảm và biết rõ: “Ông như chiếc lá vàng sắp rơi, đây là lần chia tay vĩnh viễn”[3].
Sau sự chuẩn bị chu đáo, nghĩa tình của phía Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Sơn rời Bắc Kinh ngày 27-9-1956, được các đồng chí Bành Đức Hoài, Diệp Kiếm Anh và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Trung Quốc ra ga Tiền Môn tiễn biệt[4].
Trong lần tiễn biệt này, tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đúng như Thiếu tướng Nguyễn Sơn cảm nhận là: “Cuộc tiễn đưa đầy tình lưu luyến”. Tại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, khi cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các đồng chí trong Thường vụ - Những người cùng chung gian khổ trong chiến đấu, đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, dặn dò ông khi về nước. Đồng chí Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Bành Đức Hoài… nói lời từ biệt trong nghẹn ngào!
Để đảm bảo an toàn và chu đáo cho chuyến hồi hương của Thiếu tướng Nguyễn Sơn, đích thân Chủ tịch Mao Trạch Đông đã sắp xếp và kiểm tra việc này. Gia đình Thiếu tướng Nguyễn Sơn được bố trí một toa tàu riêng, có thư ký, cần vụ và hai bác sĩ đi cùng về tận Thủ đô Hà Nội để chăm sóc sức khỏe. Đồng chí Bành Đức Hoài căn dặn Hàn Thủ Văn, người Bí thư của Hồng Thủy rằng: “Đồng chí Hồng Thủy ốm, các đồng chí đưa về nước, gặp Hồ Chủ tịch phải báo cáo rõ… Đồng chí Hồng Thủy đã cống hiến rất nhiều cho cách mạng Trung Quốc, vì lao lực mà thành bệnh, nhân dân Trung Quốc mãi mãi cảm ơn”[5].
Cùng với tình cảm trân quý dành cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn, về vật chất, vì lo cho cuộc sống vất vả và bệnh tật của ông, đồng thời cũng là món quà thể hiện ân tình của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đối với Nguyễn Sơn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bành Đức Hoài và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Hoành Khắc Thành đã lệnh cấp cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn 30.000 Nhân dân tệ tiền mặt. Với bản tính trung thực, ngay thẳng, Thiếu tướng Nguyễn Sơn không nhận sự tri ân này.
Ông nói: “Lương cao nhất ở Việt Nam là Hồ Chủ tịch chỉ bằng 30 nhân dân tệ, còn cán bộ khác chỉ bằng 20 nhân dân tệ, tôi làm sao có thể nhận số tiền lớn như vậy!”.
Ngày 27-9-1956, hơn 200 vị trong đó có nhiều bậc khai quốc công thần như: Bành
Đức Hoài, Diệp Kiếm Anh, Hoàng Khắc Thành, Tiêu Khắc, Tôn Nghị…; các đồng chí ở Bộ Ngoại giao, các tổng cục trong Quân ủy, các quân, binh chủng ra tận nhà ga tiễn Thiếu tướng Nguyễn Sơn về nước.
Bà Trần Kiếm Qua (người vợ Trung Quốc của Thiếu tướng Nguyễn Sơn) đã kể lại trong cuốn hồi ký "Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình" (Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương) rằng, ông cứ đứng mãi ở cửa xe, ánh mắt ông chăm chú nhìn từ đầu đến cuối đoàn người ra tiễn, hy vọng được nhìn thấy Tiểu Phong và Tiểu Việt một lần cuối. Ông lại chuyển ánh mắt nhìn vào các bạn chiến đấu cũ của ông trong hơn 30 năm qua, nước mắt long lanh ở hai khóe mắt. Ông dùng hết sức bình sinh, cất cao giọng sang sảng, đầy tính chiến đấu cả một đời người, hô lớn: “Tạm biệt các bạn chiến đấu! Tình hữu nghị Trung-Việt muôn năm!”
Những dấu ấn còn mãi
Có thể nói, kể từ khi mối quan hệ Việt - Trung được xây dựng, phát triển tính đến năm 1956, chưa có cuộc tiễn biệt nào của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đối với một người Việt Nam lại lưu luyến, chân thành đến vậy. Bởi, cũng dễ hiểu, Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã sống, chiến đấu và cống hiến rất nhiều cho cách mạng Trung Quốc. Khi ông về nước, thì đó không chỉ là sự tiễn biệt một người có công với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc, mà đó còn là sự tiễn biệt của tình đồng chí, đồng đội, nghĩa tình sâu nặng của những người đã từng sống, chiến đấu, cùng chung hoạn nạn. Thiếu tướng Nguyễn Sơn về nước trong tình trạng bệnh tật, tiễn ông về nước lần này, trong ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc cũng hiểu rằng, việc được gặp gỡ và làm việc với ông một lần nữa là rất khó.
Ngày Thiếu tướng Nguyễn Sơn lên tàu về nước, tại ga Tiền Môn rất đông người dân địa phương và các tỉnh lân cận, trong đó có cả những cụ già, những em nhỏ đã đứng chờ để tiễn biệt ông, vẫy tay chào ông. Đó là thứ tình cảm đặc biệt quý giá, bởi những năm Thiếu tướng Nguyễn Sơn sống, chiến đấu và cống hiến ở Trung Quốc, những nơi ông sống, những nơi bước chân ông đi qua, ở đâu ông cũng để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân. Thật hiếm có một người nước ngoài nào lại cống hiến, hy sinh cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc nhiều đến vậy. Do đó, khi biết tin ông bệnh nặng, phải về nước, nhân dân không ai bảo ai, họ kéo đến ga để tiễn biệt ông - tiễn biệt một con người, một minh chứng sinh động của tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Tình cảm sâu nặng đó còn lưu giữ đến tận ngày nay và mai sau. Nhà văn Trung Quốc Ngụy Nguy đã viết: “Đối với Hồng Thủy, một con người có một cuộc đời oanh liệt và tinh thần cách mạng triệt để, tôi rất kính trọng”; “Ông là một trong bốn người nước ngoài đã tham gia Vạn lý trường chinh... trải qua chiến đấu cực kỳ gian khổ, ba lần vượt “Núi Tuyết”, “Thảo Nguyên”, cuối cùng chỉ một mình, đơn thương độc mã, đói ăn khát uống, tìm đến được Diên An”[6]. Sự khâm phục và kính trọng ấy không chỉ là của riêng Nhà văn Ngụy Nguy, mà còn đến từ rất nhiều những người đồng chí của Nguyễn Sơn cùng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh, trong đó có những tướng lĩnh nổi tiếng như: Chu Đức, Lưu Bá Thừa...
Ngày 21-10-1956, Thiếu tướng Nguyễn Sơn trút hơi thở cuối cùng - Ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong sự tiếc thương vô hạn của gia quyến, bạn bè và những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã đi xa vào cõi vĩnh hằng, nhưng những cống hiến của ông đối với cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam vẫn sẽ còn mãi. Và trên tất thảy, ông mãi là một trong những biểu hiện cao đẹp của tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Trung Quốc - Việt Nam ở trong quá khứ, hiện tại và tương lai; tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
[1] Nguyễn Sơn còn có tên khác là Lý Anh Tự, Hồng Thủy.
[2] Minh Quang, Nguyễn Sơn vị tướng huyền thoại, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr.101-102.
[3] Báo Quân đội nhân dân, ngày 27-9-2006.
[4] Nguyễn Sơn - “Lưỡng quốc tướng quân văn võ toàn tài”. Dẫn theo: http://www.tapchicongsan.org.vn
[5] Minh Quang, Nguyễn Sơn vị tướng huyền thoại, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2001, tr.102
[6]Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương, tôi và Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (Hồi ký), Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr.531-532.
- Nội dung: NGUYỄN VĂN SÁU - NGUYỄN VĂN DUYÊN
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC