LONGFORMTư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dù đã ở tuổi gần bách niên, nhưng Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổng kết lịch sử chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Từ năm 1948 đến năm 1951, ông được giao nhiệm vụ là Bí thư quân sự của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; từ năm 1952 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954) là phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu trong các chiến dịch do Bộ Quốc phòng tổ chức. Do có điều kiện làm việc gần gũi bên Đại tướng, nên ông cho biết đã học tập được từ Đại tướng phương pháp tư duy, tác phong công tác, đạo đức nhân văn của một người chỉ huy mẫu mực, tài ba.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tháng 5-1948, tại Lục Rã, chân đèo Re (phía Tuyên Quang), Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quân hàm Đại tướng cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

“Với tư cách là một cán bộ cơ quan Tổng hành dinh, được đào tạo cơ bản trong nước và nước ngoài, có nhiều thời gian được trực tiếp phục vụ Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch, nhất là những chiến dịch lớn như: Biên Giới - 1950, Hòa Bình cuối năm 1951 đầu 1952, chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ…, qua những hoạt động chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tôi và những cán bộ phụ trách về tham mưu tác chiến được trực tiếp phục vụ ngày đêm ở Sở Chỉ huy. Hơn nửa thế kỷ nhìn lại, tôi xin phép được tổng kết mấy vấn đề về tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thế này”-Đại tá Nguyễn Bội Giong nói.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được hình thành trên nhiều yếu tố. Đó là tư duy chỉ đạo chiến lược của các bậc tiền nhân, các anh hùng thời lập quốc, giữ nước như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ - Quang Trung... Ông còn tìm hiểu từ tư duy chiến lược quân sự của các tướng lĩnh phương Tây thông qua việc ông đọc thêm sách báo. Ông đọc về tướng của Phổ (Đức), đọc về Napoléon, đọc sách Liên Xô, đọc nhiều tài liệu tiếng Pháp, ông cũng giao cho tôi đọc, rồi cùng trao đổi. Nhưng trên hết, từ một người tư chất thông minh cộng với tinh thần ham học hỏi, ham hiểu biết cùng với những trải nghiệm qua thực tiễn hoạt động đã hình thành trong con người Võ Nguyên Giáp một tư duy chỉ đạo chiến lược đặc sắc.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh trái: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc (1949)

Ảnh phải: Phút yên bình của Đại tướng cùng đồng chí Trần Đăng Ninh trên chiến khu Việt Bắc.

Thứ nhất, trong tư duy chỉ đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định phải có tính mục đích rõ ràng. Bất luận trong nghệ thuật chỉ đạo chiến thuật, chiến dịch hay chiến lược thì cũng luôn luôn phải có mục đích rõ ràng. Mục đích ở đây được hiểu là trước khi bước vào một chiến dịch, một trận đánh phải đặt mục tiêu là gì? Khi tiến hành tác chiến, mọi diễn biến chúng ta có thể linh hoạt vận dụng các phương pháp khác nhau, nhưng phải đạt được mục đích đề ra. Còn nhớ, trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, mục đích xác định là tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Không “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, chúng ta chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” cũng mục đích là tiêu diệt. Sau này, ta bức hàng địch cũng là tiêu diệt nhưng không phải tiêu diệt sinh lực địch đến cùng mà thôi. Điều này, càng thể hiện rõ chất nhân văn của Đại tướng, Tổng Tư lệnh.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ hai, tư duy chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là luôn luôn chủ động bám sát thực tiễn, chứ không phải dựa theo cảm nhận của riêng mình hay những cái mình đã dự định trước. Có nghĩa là người cán bộ phải có trình độ nghiên cứu và phân tích rất sâu về quân địch, xem xét thật khách quan những chỗ mạnh và chỗ yếu của chúng, từ binh sĩ cho đến người chỉ huy cao nhất của đối phương, đối chiếu với những chỗ mạnh, yếu thực chất của những đơn vị tham chiến trên chiến trường, lấy những chỗ đó làm cơ sở để tính toán thật cụ thể kế hoạch tiến công tiêu diệt quân địch. Chủ động nghiên cứu thật kỹ mọi tình huống kể cả những tình huống có lợi cũng như khó khăn cho ta, không chủ quan, không ảo tưởng để không bị bất ngờ trước những biến chuyển đột ngột.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bởi theo Đại tướng, nếu chỉ dựa theo cảm nhận của riêng mình hay những cái mình đã dự định trước sẽ đi đến những ảo tưởng, mà ảo tưởng là thất bại. Mà ở trên (cấp chiến lược), do ảo tưởng mà hành động vội vàng thì ở dưới (cấp phân đội) sẽ tổn thất rất lớn. Cho nên, phải “hết sức chống” ảo tưởng. Điều này Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc đi nhắc đối với các cán bộ cơ quan tham mưu tác chiến chúng tôi cũng như trong nhiều cuộc họp chỉ đạo các cấp. Theo Đại tướng, nguồn gốc của ảo tưởng là phương pháp hành động chỉ xử lý việc theo những cái là dự kiến của mình.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ ba, cần vận dụng phương pháp luận Mác - Lênin để phân tích các vấn đề một cách biện chứng, phải đi vào thật chi tiết để phân tích, tìm ra sự tác động qua lại lẫn nhau. Không chủ quan, ảo tưởng bởi những dự định của mình, ông nhấn mạnh, phải có một cái gan dạ là bỏ hết những cái dự định, phải bám sát thực tiễn chiến trường, mà đó là thực tiễn đang phát triển chứ không phải thực tiễn đã dừng lại, thực tiễn đã hết giá trị; lấy đó làm căn cứ để đánh giá, xem xét các sự việc dựa theo những nguyên lý của phương pháp luận Mác - Lênin, tức là phải phân tích, đánh giá từng bước, tổng hợp, qua thực tiễn hành động, để thấy được phần trước đã diễn ra như thế nào, sắp tới sẽ ra sao... Qua đó, mới hiểu được quy luật hoặc một phần quy luật. Mà đã hiểu quy luật thì phải hành động theo quy luật thì mới thắng lợi được, rời quy luật là sẽ thất bại.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân.

Như vậy, tư duy chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trước hết ở tính mục tiêu, mục đích phải rõ; thứ hai là, tính thực tiễn phải rất sâu sắc; thứ ba là, sự phân tích, phán đoán, suy nghĩ cho kỹ, sâu trên cơ sở vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, qua đó càng làm nổi bật tài năng, nhân cách đặc biệt của vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Võ Nguyên Giáp.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Gia đình Đại tướng những ngày đất nước mới hòa bình sau năm 1954.
Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo chiến lược thành công, được thế giới ca ngợi. Người Pháp nói về tướng Giáp thành công và hơn người hẳn là vì ông nắm vững phương pháp “dẫn dắt tư duy”. Tức là ông nắm vững việc dẫn dắt tư duy của ông, dùng cái sự tư duy chín chắn để truyền lại cho người khác, cho nên khi ông đã hạ quyết tâm là ở dưới nhất trí và tin tưởng quyết tâm đó sẽ thắng lợi. Chính lòng tự tin và phong thái điềm đạm vốn có của Đại tướng, Tổng Tư lệnh nên trong quá trình tổ chức thực hiện mọi chủ trương tác chiến, ông đã có sức thuyết phục rất cao, biết khơi dậy sự sáng tạo của cán bộ các cấp, tạo nên sự thống nhất sâu sắc trong phân tích và kết luận về các tình huống tác chiến, khuyến khích mọi người đi sâu tìm hiểu những khía cạnh còn tiềm ẩn trong các tình huống đang diễn ra trên chiến trường, từ đó tạo nên sự chủ động tích cực trong hành động của các cấp do đã tin vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, dù tình hình có biến động khác với lúc được giao nhiệm vụ.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bức ảnh chụp cùng Đại tướng tại nhà riêng được ông Nguyễn Bội Giong nâng niu giữ gìn.

Nhưng phương pháp “dẫn dắt tư duy” không phải người nào cũng có, mà phải là một người có trình độ cao về kiến thức, có dũng cảm, dám bỏ những cảm nhận, dự tính riêng khi quyết định một vấn đề lớn. Khi quyết định vấn đề lớn phải dựa vào hoàn cảnh thực tế, theo dõi, phân tích, theo nguyên lý để đánh giá đúng, hiểu quy luật của chiến trường. Khách quan mà xem xét, trong chỉ đạo chiến tranh, đạt được những kết quả đó vì tư duy của người lãnh đạo chỉ huy cao nhất, có tầm nhìn xa và toàn diện, nhưng rất cụ thể. Tư duy của ông đã tạo cho chúng tôi sự tin tưởng. Những ý kiến dặn dò, hướng dẫn trong công tác của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường là những chỉ thị cụ thể vào từng việc, đối với từng tình huống, đối với từng cấp. Vậy nên, khi gặp những khó khăn, cán bộ cấp dưới có khả năng chủ động ứng phó một cách kịp thời và có hiệu quả, không rơi vào những ảo tưởng, nhầm lẫn gây tổn thất.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn phân tích cho anh em chúng tôi quy luật chiến tranh. Cuộc chiến của dân tộc ta với thực dân Pháp cũng có quy luật, ví dụ như “quy luật mùa”, Việt Nam đánh Pháp không thể ngoài “quy luật mùa” được: Nắng lên không đánh được, phải đợi mùa mưa, mùa mưa mình có điều kiện, hạn chế được địch; nắng dân công mình không thể mang vác được, nhưng mưa, tuy vất vả nhưng dân công mình vẫn đi được.

Hoặc là phải đánh trên địa hình rừng núi, không thể đánh ở đồng bằng được, vì đánh ở đồng bằng thì xe tăng, pháo của địch sẽ phát huy được hỏa lực, còn đánh ở rừng núi thì có địa thế, cây cối che chở làm hạn chế: một là, uy lực của hỏa lực địch; hai là, sự cơ động của địch; ba là, hạn chế tính sát thương lớn gây ra từ vũ khí của địch... Như vậy, quy luật phải cần có một tầm nhìn, cách nhìn, nhất là phải có kinh nghiệm thực tiễn của bản thân mới có thể khám phá được quy luật và vận dụng sáng tạo quy luật. Đã hiểu quy luật thì phải hành động theo quy luật thì mới thắng lợi, rời quy luật là sẽ thất bại. Cho nên tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khác hẳn với người khác và đưa đến thành công rất lớn là ở chỗ đó.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt đề cao và thực hiện triệt để việc phát huy dân chủ quân sự. Chính nhờ có thực hiện quân sự dân chủ trong mọi công tác, trên tuyến chiến đấu cũng như ở các tuyến phục vụ chiến đấu, nên đã bảo đảm phát huy được tối đa sức sáng tạo của đông đảo cán bộ, chiến sĩ ở các cấp nhằm khắc phục kịp thời những khó khăn. Năm 1954 vừa là Tư lệnh Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) đồng thời là Tổng tư lệnh quân đội, Đại tướng luôn theo dõi sát sao tình hình. Tôi nhớ gần như hằng ngày, ông đều lên đài quan sát của bộ chỉ huy chiến dịch ở bản Mường Phăng để quan sát tình hình địch ở khu vực Mường Thanh. Với chiếc ống nhòm do quân đội Liên Xô tặng có thể nhìn xa và rõ, ông vẫn theo dõi hoạt động của không quân địch ở phía tây Mường Thanh.

Thấy Đại tướng chăm chú quan sát những đợt máy bay vận tải hạng nặng lên xuống liên tục và những hoạt động trinh sát trên không của các máy bay B-26, những sĩ quan tham mưu được trực tiếp phục vụ tại sở chỉ huy chúng tôi càng hiểu rõ sự quan tâm và những suy nghĩ tập trung của Đại tướng. Ở Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một cách làm việc và nghe báo cáo rất đặc biệt. Ông không hạn chế người báo cáo để phát huy cao độ tinh thần quân sự dân chủ trong mọi công tác. Ông thường xuyên trao đổi với những ủy viên trong Đảng ủy chiến dịch, có khi riêng từng người. Anh em trong cơ quan cũng báo cáo kịp thời, liên tục. Nghe xong, Đại tướng sẽ hỏi lại, tập trung rất sâu về những chi tiết mà chính người báo cáo nhiều lúc cũng không nghĩ tới. Kết quả là sau khi trả lời những câu hỏi của Tổng tư lệnh, người báo cáo cũng nắm được rõ ràng và sâu sắc hơn những tình huống mà mình vừa phản ánh.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chính nhờ đã thực hiện được dân chủ quân sự đầy đủ mà trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cán bộ và chiến sĩ đã mạnh dạn đề xuất, sáng tạo và thực hiện nhiều phương pháp chiến đấu mới làm địch bất ngờ, không thể đối phó được. Thí dụ như, trong khi đào chiến hào đánh lấn, các chiến sĩ đã sáng tạo ra cách chống đỡ với những lựu đạn và mảnh súng cối của địch để chặn quân ta không tiếp cận được. Đó là làm những con cún bằng những khúc gỗ, quấn xung quanh rất nhiều vòng rơm, lá cây, dây leo để đẩy ở trên mặt hào theo tiến trình của động tác đào công sự lấn vào sát điểm tựa địch, đồng thời mỗi chiến sĩ cũng có một cái mũ đan bằng dây thừng ken nhiều lớp lá rừng, đội khi đào chiến hào vào sát địch,... những cái đó đã giảm rất nhiều thương vong cho chiến sĩ ta.

Hoặc như, với pháo cao xạ 37mm, bộ đội ta luôn tận dụng để đưa đến sát địch, mục đích khống chế được không phận gần nhất, làm cho máy bay địch không dám bay thấp để thả dù tiếp tế, phải thả ở độ cao lớn, thiếu chính xác. Trong thực tế, nhiều lần do đưa pháo đến gần khiến địch thả hàng rơi ngay vào những trận địa của ta, giúp cho việc đoạt dù tiếp tế của địch, vừa bổ sung vật chất kỹ thuật cho quân ta, vừa dồn quân địch vào thế túng thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược.

Và còn rất nhiều những sáng tạo cụ thể khác đã được tạo ra trong quá trình tác chiến, giúp cho chúng ta từng bước tước bỏ được những ưu thế sẵn có của địch, nhất là về mặt hỏa lực của không quân đối với bộ binh của ta.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh của Đại tướng ở Hà Nội (ảnh bên trái). Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, những người từng chỉ huy hai bên chiến tuyến, gặp mặt trực tiếp hai lần sau khi Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ (ảnh phải).
Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bên cạnh Đại tướng, chúng tôi thấy được nghị lực làm việc phi thường của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là người có trí tuệ lớn, đồng thời lại là người cảm thông sâu sắc nhất đối với những gian khổ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp phục vụ chiến đấu trên chiến trường như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Rất nhiều cán bộ cơ quan chỉ đạo trong các chiến dịch lớn đã thấy ông với đôi mắt đỏ hoe sau một số trận đánh quyết định, mà mỗi thắng lợi đều có những đau thương, mất mát nhất định.

Cá nhân tôi cũng có một kỷ niệm về lần đầu tiên được gặp Đại tướng khi mới được điều về công tác tại Văn phòng Tổng Chính ủy năm 1948. Dù trước đó khi học trường Bưởi, tôi đã nghe danh thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp, nhưng chưa có cơ hội gặp mặt. Chính vì vậy, gặp đầu tiên ấy rất đặc biệt với tôi. Hôm ấy, tôi được Chánh Văn phòng Nguyễn Cơ Thạch yêu cầu lên báo cáo anh Văn. Khi tôi đến nơi làm việc, anh Văn đã ngồi chờ bên chiếc bàn tre. Tôi đứng nghiêm chào, anh Hai ra bắt tay rồi bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Anh hỏi thăm về vết thương của tôi và xem tôi đã quen công việc chưa rồi cười vui vẻ nghe tôi báo cáo. Tôi không ngờ anh còn biết có việc tôi bị thương nặng ở chân hồi quân Pháp tấn công lên an toàn khu cuối năm 1947. Sự thân tình ấy của Đại tướng đã xóa tan những thấp thỏm vẫn tồn tại trong tôi trước đó.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Suốt chặng đường cách mạng, đôi vai nặng gánh việc nước, việc quân, hàng chục năm tham gia Bộ Chính trị, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm, sử dụng báo chí để đem lại hiệu quả lớn lao trong mọi thời kỳ, ở mọi tình huống. Ảnh: Trần Hồng.

Sự nhân văn, tình yêu thương bộ đội của Đại tướng còn ở thể hiện ở những lúc khi cán bộ ở dưới lên làm việc với ông, bao giờ cũng thấy ông tỉnh táo và thân ái, mặc dù ai cũng biết rằng chính ông cũng đã qua nhiều ngày đêm liên tục nắm sát tình hình tác chiến, nhất là những khó khăn, thử thách mà các đơn vị đã gặp trong tác chiến. Đại tướng dành nhiều thời gian, tâm trí vào việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm chiến đấu của các cấp và cả bản thân để thấy rõ các chỗ còn yếu của ta và bàn bạc kỹ với cán bộ chỉ huy cũng như cơ quan phục vụ ở Bộ Tổng Tư lệnh, để tìm được những biện pháp khắc phục một cách có hiệu quả những thiếu sót đã phạm phải. Chính trí tuệ sáng suốt và tâm hồn thương yêu cấp dưới của ông đã làm cho khoảng cách giữa người lãnh đạo chỉ huy cao nhất là Tổng Tư lệnh với người cán bộ cấp dưới như chúng tôi không còn nữa. Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trí tuệ và tâm hồn đã hội tụ hết sức mật thiết hướng theo mục đích cao cả là hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao cho.

Như vậy, trong quá trình vận động và hình thành, tạo dựng và vận dụng tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì công sức trước hết là do bản thân của Đại tướng. Bởi thực tế, phải xuất phát từ tấm lòng sắt son với cách mạng, luôn “Dĩ công vi thượng” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng đã chịu khó, ham học, đi sâu nghiên cứu, không bỏ qua bất cứ một cái gì dù là một chi tiết nhỏ nhất, nhằm lấy tri thức phục vụ cho cách mạng, cho nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải có tinh thần cách mạng bền bỉ, kiên định mới hình thành nên tư duy chiến lược quân sự đó, chứ không có thì không thể hình thành được. Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hết sức phong phú, Đại tướng để lại một tấm gương sáng về tư duy và nhân cách của một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, xuất chúng. Đây là một bài học để cho các thế hệ lãnh đạo vận dụng vào chỉ đạo kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự.

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân chụp.

  • Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
  • Nội dung: Đại tá NGUYỄN BỘI GIONG - Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng Tham mưu về tổng kết chiến tranh
  • Ảnh: TRẦN HỒNG - TƯ LIỆU - Nhân vật cung cấp
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top