LONGFORMĐại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông sinh năm 1922, quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Trải qua nhiều cương vị cho đến khi thôi tham gia công tác ở độ tuổi 70, ông đã có những đóng góp quan trọng vào hầu hết các giai đoạn đặc biệt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ 20.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam; Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan TCCT QĐND Việt Nam chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Nguyễn Quyết.

Từ nhỏ, với bản tính thông minh, điềm đạm lại ngay thẳng, chăm chỉ nên Nguyễn Quyết được thầy cô và bạn bè quý mến. Tuy nhiên, do cuộc sống ở quê hương nghèo khó nên vừa sang tuổi 15, Nguyễn Quyết rời quê lên Hà Nội để tìm việc làm. Ông xin được vào làm thư ký kiêm phát hành báo cho Báo Đuốc Tuệ, của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ, có trụ sở ở chùa Quán Sứ. Ngoài giờ làm việc ở tòa soạn báo, ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều người thuộc các giới và tầng lớp khác nhau.

Đúng thời gian này, cuộc vận động dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển mạnh, Nguyễn Quyết đã nhanh chóng bị lôi cuốn vào các hoạt động của phong trào này. Được gần gũi với nhiều công nhân, người lao động thành phố, ông hiểu tình cảnh của họ, và nhận ra rằng thân phận người dân mất nước thì ở nông thôn hay thành thị, đều bị bọn thực dân cướp nước và tay sai bán nước đè nén, áp bức, bóc lột và chịu sự bất công, bất bình đẳng như nhau.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Ảnh 1: Đồng chí Nguyễn Quyết trước giờ lên đường Nam tiến, cuối năm 1945.
Ảnh 2: Đồng chí Nguyễn Quyết (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ Nam tiến, năm 1946.
Ảnh 3: Đồng chí Nguyễn Quyết (bên trái), Chính trị viên và Đàm Quang Trung, Chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng (1947-1948).
Ảnh 4: Hội nghị chiến sĩ thi đua Phòng Chính trị Liên khu 5 năm 1953-1954 (từ năm 1953 đến năm 1954 đồng chí Nguyễn Quyết là Trưởng phòng Chính trị Liên khu 5).

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại khu vực Nhà Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của hàng vạn người. “Có mặt trong hàng ngũ những người tham gia cuộc mít tinh khổng lồ ấy, tôi mang tâm trạng háo hức lạ thường khi lần đầu tiên được chứng kiến sức mạnh có khả năng “dời non, lấp biển” của quần chúng nhân dân dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng”-ông kể.

Rất tiếc sau đó, phong trào bị thực dân Pháp đàn áp. Bản thân cũng bị mật thám theo dõi, ông phải trở về quê hương. Và lần trở lại này, ông đã gặp đồng chí Nguyễn Văn Tích (tức Tạo) - một đảng viên cộng sản là cán bộ Liên tỉnh B (gồm các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An...) và được giao nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng phong trào phản đế ở huyện Kim Động. Chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Quyết đã vận động được nhiều người tham gia vào các đoàn thể, như thanh niên, nông dân, phụ nữ phản đế…

Với những hoạt động tích cực trong công tác vận động quần chúng và được thử thách trong công việc được giao, năm 1940, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Kể từ đây ông chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản suốt đời phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Quyết (Xuân 1949).

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Cuối tháng 8-1943, 3 năm tuổi đảng, 21 tuổi đời, đồng chí Nguyễn Quyết được Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định tham gia Ban Cán sự Đảng Hà Nội, được phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và công tác công vận (vận động công nhân).

Sinh ra ở nông thôn, xuất thân trong một gia đình nông dân, nhưng bằng sự nỗ lực cá nhân, sự cộng tác giúp đỡ của các đồng chí có kinh nghiệm hoạt động trong phong trào công nhân, đồng chí nhanh chóng hòa nhập được với anh chị em công nhân. Để hoàn thành nhiệm vụ, ông phải móc nối thành lập chi bộ, đồng thời thông qua việc giác ngộ số công nhân đang cư trú ở ngoại thành để bắt mối đi vào các nhà máy, các cơ sở sản xuất trong nội thành.

Ông cùng các đồng chí của mình xông xáo nhưng thận trọng xây dựng được nhiều cơ sở mới ở nội, ngoại thành Hà Nội, tích cực làm công tác phát triển đảng. Phong trào cách mạng ở Hà Nội đã tạo được sự phát triển vừa tuần tự, vừa đột biến trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Gặp gỡ thân mật các cán bộ, đội viên tự vệ chiến đấu đã tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội (đồng chí Nguyễn Quyết - hàng trước, thứ 3 từ trái sang).

Mùa hè năm 1944, Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng triệu tập tham dự một lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Khi trở lại Hà Nội, ông được Thành ủy phân công phụ trách công tác quân sự. Nhưng chỉ vài tháng sau, đồng chí lại được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo do bị lộ nên Trung ương điều đi nhận nhiệm vụ khác.

Ông nhớ lại: “Đó là thời kỳ “một ngày bằng hai mươi năm” sục sôi không khí chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân đang đến gần. Nhằm củng cố Ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đủ sức lãnh đạo phong trào đang phát triển mạnh mẽ, xứ ủy đã kịp thời bổ sung một số đồng chí vừa vượt ngục trở về hoạt động vào Thành ủy. Tôi được phân công đặc trách công tác quân sự, đồng chí Phương phụ trách công vận, đồng chí Vũ Oanh phụ trách thanh vận... Chúng tôi nắm chắc các đội tự vệ vũ trang mới thành lập, tổ chức huấn luyện dưới những hình thức khác nhau. Đây sẽ là lực lượng vũ trang hậu thuẫn quan trọng cho nhân dân giành chính quyền ở Hà Nội”.

Đêm 17-8-1945, nhận thấy thái độ án binh bất động, cố thủ trong doanh trại của Nhật, Thành ủy Hà Nội đã có cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết đề ra một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Hà Nội khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Không chờ Quân giải phóng từ chiến khu về.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Ảnh 1: Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội gặp nhau tại Hà Nội đầu năm 1960.
Ảnh 2: Chính ủy Nguyễn Quyết thăm trận địa pháo của Quân khu Tả Ngạn, năm 1964.
Ảnh 3: Đại tướng Nguyễn Quyết (ngồi hàng phía trước, ngoài cùng bên trái) dự cuộc họp báo cáo tình hình với Bộ Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, năm 1968.
Ảnh 4: Đồng chí Nguyễn Quyết (thứ 2 bên trái) cùng Bộ tư lệnh Quân khu Tả Ngạn họp bàn chi viện chiến trường, năm 1974.

Về quyết định trên, sau này ông nhiều lần tâm sự, đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ. Ông nói: “Khi đó tôi biết chắc chắn rằng nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể những người đã gắn bó, sống chết với phong trào thành phố trong nhiều năm, những người nắm rõ tình hình địch - ta diễn biến qua từng ngày hơn ai hết, trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là một quyết định nóng vội chủ quan bởi tình cảm khát khao được giải phóng chi phối. Hơn nữa, nếu để tuột thời cơ ngàn năm có một đó, để nó trôi qua rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao khi quân Đồng minh đến Hà Nội”.

Thực tế đã chứng minh Hà Nội khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19-8-1945 và giành thắng lợi rực rỡ, trọn vẹn, không đổ máu, là sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương chưa khởi nghĩa trong toàn quốc…

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đồng chí Nguyễn Quyết (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 320B (390) sau thắng lợi năm 1972.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Được phân công phụ trách quân sự trong Cách mạng Tháng Tám đã mở ra cuộc đời binh nghiệp của tướng Nguyễn Quyết sau này. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, hoàn thành việc xây dựng, củng cố 5 tiểu đoàn chủ lực ở Hà Nội và 2 chi đội ở các tỉnh lân cận, ông đề nghị Trung ương được vào Nam chiến đấu.

Nhận được chỉ thị, ông về Ninh Bình xây dựng một chi đội để Nam tiến. Sau ít ngày tổ chức, biên chế và huấn luyện cấp tốc, Chi đội Độc lập 1 do ông làm chính trị viên được lệnh Nam tiến.

“Chi đội 1 cũng như các đơn vị Nam tiến khác tuy lực lượng không lớn nhưng rất quan trọng, là đội quân đi đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến đấu dũng cảm, góp sức cùng nhân dân miền Nam làm chậm bước tiến của đội quân xâm lược và đã chiến thắng từ những ngày đầu, tạo sức mạnh to lớn của đại đoàn kết dân tộc”-ông tự hào khẳng định.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đồng chí Nguyễn Quyết (đầu tiên, hàng ngồi bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Đà Lạt, cuối năm 1975.

Từ năm 1946 đến năm 1950, với cương vị là Chính trị viên, rồi Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, ông đã sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, lãnh đạo quân và dân chiến đấu dũng cảm, lập chiến công oanh liệt ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ta kìm chân địch, giữ vững một nửa tỉnh Quảng Nam nối liền 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thành vùng tự do rộng lớn liên hoàn, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài của Liên khu 5 và miền Nam Đông Dương. Thắng lợi của các trận đánh như: Đèo Hải Vân, Gò Cả, diệt đồn Núi Lở, cứ điểm Thu Bồn đến những trận đánh vang dội ở tại Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc... dưới sự chỉ huy của ông và đồng đội đã khiến kẻ thù khiếp sợ.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đồng chí Nguyễn Quyết (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn cán bộ quân sự Cuba thăm Đại đội 4 - Đại đội dân quân gái Cống Lân, Tiền Hải, Thái Bình.

Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng chí Nguyễn Quyết là một trong bộ ba chỉ huy chiến dịch, được phân công trực tiếp chống chiến dịch Át-lăng, chiến dịch lớn chưa từng có của Pháp nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5 để vơ vét nhân tài, vật lực và làm bàn đạp đánh chiếm chiến trường chính Bắc Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy 5, các tỉnh vùng tự do vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, vừa chiến đấu quyết liệt, vừa huy động cao nhất sức người, sức của phục vụ kịp thời cho mặt trận chính Tây Nguyên, các tỉnh vùng bị chiếm của Liên khu 5 và cả Đông Miên tới Hạ Lào.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đồng chí Nguyễn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (ngoài cùng bên phải) trong một buổi giao lưu quốc tế.

Chiến cuộc kết thúc thắng lợi giòn giã, đồng bộ, là thắng lợi lớn nhất ở Liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, giải phóng phần lớn Bắc Tây Nguyên, nhiều vùng rộng lớn ở nam Tây Nguyên và các tỉnh ven biển, giữ vững vùng tự do, làm phá sản kế hoạch Nava, phối hợp hiệu quả với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Những hình ảnh tư liệu về Đại tướng Nguyễn Quyết.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong nhiều lần gặp mặt đồng đội cũ, Đại tướng Nguyễn Quyết luôn thấy phấn khởi, tự hào đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của khúc ruột miền Trung gian lao mà anh dũng. “9 năm chiến đấu ở Liên khu 5, đã củng cố những bài học cũ và cung cấp thêm cho tôi những bài học mới về công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là những bài học về xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, 3 chức năng của quân đội, vấn đề đoàn kết quân dân, mối quan hệ giữa chiến đấu và sản xuất, giữa hậu phương với tiền phương, vấn đề quan hệ phối hợp giữa Đảng bộ quân đội với Đảng bộ địa phương. Đó là những bài học tuy còn mới mẻ nhưng rất sâu sắc, có giá trị xuyên suốt trong cả cuộc đời binh nghiệp của tôi sau này”-ông tâm sự.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết trong lần ra thăm và làm việc tại Quần đảo Trường Sa, tháng 5-1989.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Nguyễn Quyết được điều về làm Chính ủy Sư đoàn 305 (một trong hai sư đoàn chủ lực của Liên khu 5), đưa đơn vị ra miền Bắc tập kết.

Năm 1955, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có sự điều chỉnh biên chế tổ chức và lực lượng cho phù hợp với tình hình mới. Liên khu 3 giải thể để thành lập Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn, Nguyễn Quyết được điều về làm quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn.

Suốt gần 3 thập kỷ, ông đã cùng Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chủ động tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngay trong điều kiện hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chuẩn bị sẵn sàng thế trận toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt.

Nhờ vậy, Quân khu 3 có sự chuyển biến to lớn về nhiều mặt, nhanh chóng chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, thực hiện cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước trên cơ sở tiến hành một cách sáng tạo cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện phát triển cao, phong phú và triệt để..

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết và tuổi trẻ Thủ đô.

Nhận thức rõ vai trò chiến lược của cơ sở, trong quá trình lãnh đạo Quân khu, ông luôn xác định “mọi nhiệm vụ đều phải gắn liền với cơ sở, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xã là một pháo đài”.

Ông thường xuyên và có những lúc tập trung toàn lực xây dựng cơ sở, kiên trì thực hiện và chỉ đạo chặt chẽ theo yêu cầu của từng vùng, từng cơ sở, từng thời gian và từng nhiệm vụ. Đặc biệt chú trọng các vùng trọng điểm, vùng xung yếu, vùng biên giới, hải đảo, vùng đô thị, vùng dân tộc ít người, vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa, biến những nơi này từ “4 không” (không có chi bộ, không có dân quân, không có đoàn thể, không có hợp tác xã) thành “4 có”; biến “địa bàn có nhiều phỉ” thành “toàn dân đánh biệt kích Mỹ - Diệm, biệt kích Mỹ - Tưởng”, biến “lô cốt chống cộng” thành pháo đài bắn máy bay Mỹ, đánh tàu chiến Mỹ.

Trên cương vị Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Quân khu, ông rất quan tâm tới việc lãnh đạo toàn diện, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó đặc biệt quan tâm tới khả năng cơ động của lực lượng vũ trang địa phương, kể cả dân quân tự vệ, để từng thời gian tập trung vào các trọng điểm, bởi chiến tranh diễn ra không đều. Ông có ý thức và quan điểm rõ ràng về vấn đề này.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Ảnh trái: Đại tướng Nguyễn Quyết trò chuyện thân mật với đại diện dòng họ tại quê nhà.

Ảnh phải: Đại tướng Nguyễn Quyết xem các cuốn sách viết về cuộc đời mà sự nghiệp của mình.

Theo ông, tất cả các lực lượng đều phải có khả năng cơ động. Cơ động trong tác chiến, cơ động trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất và khẩn cấp. Các quân đoàn, sư đoàn chủ lực của bộ phải cơ động trên phạm vi cả nước để thực hiện những “quả đấm” quyết định. Các đơn vị chủ lực của quân khu cơ động trên địa bàn quân khu, còn lực lượng vũ trang địa phương cơ động trong phạm vi từng tỉnh, từng huyện. Dân quân tự vệ cũng phải nâng cao tính cơ động. Cơ động tốt mới tạo được sức mạnh tập trung vào các hướng, các nhiệm vụ chủ yếu. Có như thế mới nâng cao được sức mạnh chiến đấu của các lực lượng.

Đây có thể được coi là một tư duy sáng tạo trong xây dựng lực lượng vũ trang của Đại tướng Nguyễn Quyết. Không phải ai cũng nhận thức được vấn đề này. Khi đề cập đến việc huấn luyện nâng cao tính cơ động cho bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, thì không ít người đã phản đối, không đồng tình với lý do dân quân tự vệ là lực lượng chiến đấu tại chỗ ngay tại địa phương, xí nghiệp của mình, do vậy không cần phải huấn luyện cơ động. Thực tế hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc Việt Nam trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX trên địa bàn Quân khu 3 đã được kiểm chứng tư duy ấy là hoàn toàn đúng đắn.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết tặng quà đại diện các thành viên trong dòng họ đang sinh sống và làm việc xa quê hương.

Với tầm nhìn chiến lược, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trên cơ sở phán đoán âm mưu và thủ đoạn của địch từng thời gian, ông cùng Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu xác định đúng trọng điểm và tập trung toàn lực lượng chủ lực của Quân khu đánh thắng địch ở trọng điểm đó. Thực tiễn đã chứng minh trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, quân khu đã xác định Hàm Rồng - Thanh Hóa là trọng điểm và trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, quân khu xác định Hải Phòng là trọng điểm là hoàn toàn chính xác.

Trên cương vị Chính ủy quân khu, ông đến nhiều chiến hào, trận địa còn nồng nặc mùi thuốc súng để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân đồng thời để kiểm tra các phương án lãnh đạo, chỉ đạo của mình.

Vốn là người sâu sát thực tế, ông luôn có mặt ở đơn vị, địa phương có khó khăn nhất hoặc những nơi xuất hiện nhân tố mới để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Trên cương vị của mình, ông đã góp nhiều ý kiến quan trọng với Đảng ủy và Bộ tư lệnh quân khu kịp thời rút kinh nghiệm từ thực tiễn để chỉ đạo các đơn vị, địa phương hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết và gia đình.

Quân khu 3 “kho người, kho của” của hậu phương miền Bắc xác định chi viện cho miền Nam là nhiệm vụ hàng đầu. Mặc dù khối lượng chi viện rất to lớn, rất khẩn trương, có lúc có cơ sở, có địa phương tưởng như “cạn nguồn, hết quân”, nhưng ông và Quân khu ủy đã cùng các tỉnh, thành ủy tiến hành các biện pháp sáng tạo, tạo ra nguồn lực dồi dào để hoàn thành nhiệm vụ chi viện, quyết không chịu bó tay để thiếu quân.

Hàng nghìn con em đồng bào trên địa bàn quân khu đã lên đường nhập ngũ tới mọi chiến trường, mặt trận, làm nhiệm vụ quốc gia và quốc tế. Số người nhập ngũ trong thời kỳ đánh Mỹ ở địa bàn Quân khu 3 chiếm tới trên 10% số dân, cứ 10 người dân có hơn một người lính, một tỷ lệ làm kinh ngạc các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự.

Cảng Hải Phòng, nơi tiếp nhận hàng viện trợ quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, và đây cũng là nơi xuất phát những con tàu không số chở vũ khí, đạn dược chi viện cho miền Nam chiến đấu, bị địch phong tỏa, hòng chặn đứng mọi nguồn tiếp tế từ ngoài vào, từ miền Bắc chi viện cho tiền tuyến, quân dân Quân khu 3 vẫn bằng mọi cách kết hợp cả phương tiện thô sơ và hiện đại, huy động mọi lực lượng, mở luồng, mở đường chi viện, quyết không để thiếu vũ khí, đạn dược cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Ảnh trên: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Quyết trong buổi gặp mặt truyền thống 50 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu.

Ảnh dưới bên trái: Đại tướng Nguyễn Quyết cùng các thành viên trong chuyến công tác tại Campuchia.

Ảnh dưới bên phải: Đại tướng Nguyễn Quyết trong chuyến thăm và làm việc tại Sư đoàn Không quân 372, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Quân và dân Quân khu 3 rất tự hào vì đã làm tròn các nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho, trong đó có sự nỗ lực, cố gắng của ông - người đã gắn bó với quân khu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với cương vị Chính ủy, Tư lệnh, Bí thư Quân khu ủy. Ông đã hoàn thành trọng trách của mình ở hậu phương với tiền tuyến…

Những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Nguyễn Quyết đã để lại một dấu ấn khá sâu đậm về vai trò “chủ soái” của ông trong phong trào “làm giàu, đánh thắng”, “vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3. Phong trào này thể hiện rõ sự táo bạo và đổi mới trong cách nghĩ của một cán bộ có tầm chiến lược. Phong trào phát triển nhanh chóng, sâu rộng và có hiệu quả thiết thực, tạo nên một “hiện tượng” đối với toàn quân và cả nước thời gian đó. Nhiều chủ trương, nhiều kinh nghiệm là tiền đề cho sự nghiệp đổi mới khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết đi bỏ phiếu bầu cử.

Ý tưởng này khi mới ra đời và ngay cả khi nó đã phát triển thành phong trào quần chúng sâu rộng không chỉ trong lực lượng vũ trang mà được các tỉnh, thành ủy và nhân dân trên địa bàn quân khu hưởng ứng mạnh mẽ, cũng như các quân khu khác đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, không hẳn đã được mọi người thừa nhận là đúng; trong đó có cả một số người là cấp trên của ông. Thậm chí có ý kiến cho rằng quân đội “dính” vào kinh tế để “làm giàu” thì không thể “đánh thắng” được, không thể duy trì kỷ luật quân đội. Riêng vấn đề phát động từng người, từng nhà làm kinh tế gia đình, cũng là vấn đề gay cấn lớn. Lo ngại phát triển mạnh kinh tế gia đình sẽ phát triển kinh tế tư bản, đi chệch đường lối kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa.

Các đơn vị của Quân khu 3 “dưới thời Nguyễn Quyết” đã tích cực tham gia sản xuất với nhiều loại hình khác nhau phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của từng đơn vị, đời sống bộ đội được cải thiện, kỷ luật quân đội bảo đảm, huấn luyện đạt chất lượng, góp phần đập tan mọi hoạt động phá hoại trên địa bàn quân khu trong cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt hết sức thâm độc của kẻ thù. Những năm nền kinh tế đất nước gặp khó khăn nhất trong thập niên 80 của thế kỷ XX, các đơn vị của Quân khu 3 đã khắc phục được khó khăn, cải thiện được đời sống cho bộ đội, đảm bảo khả năng chiến đấu và chiến thắng.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Quân khu 3 qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu 3. Ảnh chụp tháng 10-2020.

Nhờ kết quả của phong trào “làm giàu, đánh thắng” mà quân khu đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong công tác chính sách cán bộ và hậu phương quân đội. Rất nhiều cán bộ của quân khu sau bao nhiêu năm chiến đấu nguyện vọng có một nơi ăn ở tử tế mà chưa thực hiện được. Khi phong trào “làm giàu, đánh thắng” được phát động cùng với sự quan tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quân khu, được sự giúp đỡ của các địa phương, chính sách cán bộ và hậu phương quân đội thực hiện khá tốt trong Quân khu 3. Nhiều cán bộ, sĩ quan trong quân khu đã được cấp đất hoặc giúp vật liệu làm nhà, thực hiện được nguyện vọng chính đáng của mình.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Năm 1986, Thượng tướng Nguyễn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3, được Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng điều về nhận nhiệm vụ mới, là Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong bối cảnh khá đặc biệt, trong lúc Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị bắt đầu được thực hiện nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Ông được chỉ định làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội do ông làm trưởng đoàn đã có nhiều ý kiến xác đáng, thuyết phục với Đại hội Đảng toàn quốc về đường lối chung cũng như vấn đề quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới trong dự thảo đổi mới tư duy, góp phần làm nên thắng lợi của Đại hội lần thứ VI, đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Lễ trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng Đại tướng Nguyễn Quyết.

Sau đại hội, trên cương vị mới: Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, đồng chí Nguyễn Quyết đã lần lượt đi nắm tình hình, đặc biệt những nơi có vấn đề bức xúc nhất, như biên giới, hải đảo ở trong nước và các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia. Ông đã có những ý kiến quan trọng giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương đề xuất với Bộ Chính trị ra những nghị quyết về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trong tình hình mới, thực hiện một cuộc điều chỉnh chiến lược lớn: chuyển từ trạng thái thời chiến sang thời bình, bố trí lại lực lượng và thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, chấn chỉnh tổ chức biên chế, giảm mạnh quân thường trực và dân quân tự vệ. Coi trọng huấn luyện và tổ chức quản lý lực lượng dự bị động viên, gắn với củng cố và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ. Rút hết Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia về nước. Tập trung huấn luyện và rèn luyện bộ đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong đợt công tác thị sát chiến trường Campuchia, ông nhận thấy cuộc chiến tranh ở đây từ chiến tranh giải phóng đã trở thành nội chiến. Quân tình nguyện Việt Nam sau 10 năm chiến đấu hy sinh, gian khổ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, đã hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân Campuchia không lực lượng nào có thể làm tốt hơn và hiệu quả hơn chính người Campuchia. Và thực tế, khi Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, quân của Pol Pot có nống ra hòng chiếm lại những vùng trước đó do Quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ, nhưng quân đội cách mạng Campuchia đã chiến đấu chống lại và giành thắng lợi. Từ đó, lòng tự tin, tự lực của bạn được nâng lên.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết trao sách tặng Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đối với biên giới phía Bắc, cũng có những ý kiến khác nhau, nhất là vấn đề đề phòng đối phương gây chiến tranh lớn, nhưng cuối cùng cũng đã nhất trí là phải điều chỉnh lực lượng cho phù hợp với tình hình thực tế lúc bấy giờ.

Rút quân tình nguyện ở Lào và Campuchia về nước, điều chỉnh lực lượng từ thời chiến sang thời bình đã khó khăn, nhưng thực hiện giảm quân, nhất là giảm cán bộ lại còn khó khăn hơn. Nhiều đồng chí cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội không tin có thể làm được.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và Nghị quyết của Bộ Chính trị về quân sự và quốc phòng trong thời kỳ mới, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam do ông làm Chủ nhiệm phải quan tâm toàn diện cả về công tác tư tưởng chính trị, công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ và công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.

Then chốt của công tác chính trị là phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững và kiên định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, đường lối quân sự - quốc phòng nói riêng, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thành tích lớn nhất của công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân những năm dưới sự chỉ đạo của ông là đã góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, bảo vệ thành công vai trò lãnh đạo của Đảng trước sự chống phá của mọi loại kẻ thù.

Trong điều kiện tình hình thế giới đã thay đổi, so sánh lực lượng không còn như trước, đất nước khó khăn bước vào thời kỳ đổi mới, với lập trường kiên định vững vàng, đồng chí cùng với các cộng sự của mình trong vai trò đứng đầu cơ quan tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội đã chuẩn bị cho toàn quân chuyển sang tình thế mới một cách chủ động.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Dù ở tuổi 100 nhưng Đại tướng Nguyễn Quyết hằng ngày vẫn cập nhật thông tin trên báo chí.

Đại tướng Nguyễn Quyết giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi quân đội đã thực hiện trở lại cơ chế Đảng ủy lãnh đạo. Từ Đảng ủy Quân sự Trung ương đến các tổ chức cơ sở đảng đã nắm chắc tình hình, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nghị quyết số 07 vẫn còn nặng nề, tổn hại đến sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, đảng viên, làm mất đoàn kết nội bộ, làm giảm sức chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang. Hậu quả đó, ông đã cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng cục Chính trị phải tập trung giải quyết trong suốt những năm ông đảm đương cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Công tác cán bộ luôn luôn là khâu then chốt. Trong điều kiện quân số giảm, nhưng phải đảm bảo chất lượng cao, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ đủ sức làm nòng cốt cho một đội quân trong tình hình đất nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn của thời kỳ hiện tại và trong tương lai, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ chiến lược. Điều cần khẳng định là phải đổi mới cán bộ, đổi mới công tác cán bộ, nhưng phải bảo đảm đội ngũ kế tiếp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực trí tuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự phát triển không ngừng của tình hình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo cơ chế “07” trong đó bỏ hệ thống Đảng ủy từ cấp sư đoàn trở lên, cơ quan cán bộ trực thuộc người chỉ huy. Do đó công tác cán bộ không gắn công tác xây dựng Đảng, quản lý cán bộ không gắn với quản lý đảng viên, nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo công tác cán bộ không được chấp hành đầy đủ, thiếu công khai, không dân chủ. Khuyết điểm lớn này đã được uốn nắn, sửa chữa và đi dần vào nền nếp. Theo ý kiến đề xuất của ông, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra nghị quyết và quy chế công tác cán bộ của Đảng ủy các cấp, thành lập lại cơ quan bảo vệ trong quân đội, xác định rõ vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc và thể thức tiến hành công tác cán bộ, công tác bảo vệ trong quân đội. Xác định công tác cán bộ, công tác bảo vệ là một bộ phận rất quan trọng và thường xuyên của Đảng ủy các cấp.

Đây là cả một quá trình đấu tranh để gạt bỏ những quan điểm và cách làm cũ, xây dựng những quan điểm và cách làm mới.

Đi đôi với công tác chính trị tư tưởng, có thể nói trong việc điều chỉnh chiến lược, giảm quân số và quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, nếu không có chính sách thỏa đáng thì không thể giải quyết được.

Theo đề nghị của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng cục Chính trị mà Nguyễn Quyết là người chịu trách nhiệm chính, trong thời gian này Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách phù hợp được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 47 của Bộ Chính trị. Coi đổi mới chính sách đối với quân đội không chỉ là vấn đề cần thiết mà là vấn đề cấp bách cần giải quyết cả về tinh thần lẫn vật chất. Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng cục Chính trị, Chính phủ và các ngành, các cấp quán triệt thực hiện tốt đem lại những kết quả rõ rệt và tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội chấp hành nghiêm việc giảm quân số và chấn chỉnh quân thường trực, góp phần giải quyết một số mặt còn trì trệ trong việc xây dựng quân đội. Chính sách đã quy định chế độ ưu đãi để thu hút thanh niên trong và ngoài quân đội đi học sĩ quan, chế độ đối với cán bộ quân đội chuyển ngành, về hưu, nghiên cứu và ban hành chế độ tiền lương theo chức vụ, cấp bậc, tháo gỡ việc đăng ký hộ khẩu vào các thành phố lớn; đặc biệt quan tâm đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo, cán bộ các quân, binh chủng kỹ thuật, cán bộ khoa học kỹ thuật, chăm lo hậu phương gia đình cán bộ quân đội.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Gặp mặt truyền thống các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu nhân kỷ niệm 50 năm ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội (19-8-1945/19-8-1995).

Bên cạnh chính sách của Đảng và Nhà nước, ông chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng của quân đội phải tự thân tìm cách tháo gỡ khó khăn trong vấn đề lớn nhất là việc giải quyết nhà ở. Với phương châm “trên dưới cùng lo, tổ chức và cá nhân cùng làm” mà ông đã thực hiện ở Quân khu 3; bằng khả năng của quân đội cùng với sự giúp đỡ của các địa phương, đến cuối năm 1993, đã có hơn 20 vạn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đã có nhà ở. Trong những ngôi nhà mới được xây dựng hay cải tạo đó, kinh phí của Bộ Quốc phòng chỉ chiếm 20%, số còn lại là đơn vị và cá nhân tự lo. Nhiều cán bộ quân đội trở về được cấp một phần vật liệu do quân đội làm ra như: Gạch, ngói, than, đá, gỗ, vôi, xi măng… để xây dựng nhà ở quê hương.

Giải quyết các vấn đề trên đây cùng với chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đã làm yên lòng cán bộ, chiến sĩ. Công tác tuyển quân, tuyển sinh, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, Tổng cục Chính trị đã phát động toàn quân, toàn dân xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ, thương binh gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Được nhà, nhiều cán bộ, nhân viên quốc phòng và gia đình chính sách yên tâm, phấn khởi. Đây là chính sách của Đảng, Nhà nước, một phần cũng là kết quả của bộ đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Đó chỉ là số ít trong nhiều đóng góp quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội mà Đại tướng Nguyễn Quyết là người chủ trì. Với cương vị của mình, Nguyễn Quyết đấu tranh kiên quyết với những quan điểm, tư tưởng sai lầm, mục đích chống lại đường lối của Đảng, cho dù đó là quan điểm của cá nhân đang giữ chức vụ quan trọng trong Đảng. Vào thời gian đầu của công cuộc đổi mới, hành động này không phải là dễ dàng và chưa trở thành thông lệ. Trong Đảng bộ Quân đội cũng diễn ra cuộc đấu tranh với các tư tưởng chính trị sai lầm làm cho uy tín của Đảng được nâng lên, vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố, xây dựng được niềm tin và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với đường lối đổi mới của Đảng.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông luôn luôn được phân công ở những vị trí chiến lược: Hà Nội, Liên khu 5, Quân khu 3 và cuối cùng là Tổng cục Chính trị. Có thể nói, ở Nguyễn Quyết hội tụ được nhiều phẩm chất cao quý của một cán bộ, đảng viên cộng sản. Và chính những đức tính tốt đẹp đó đã giúp ông luôn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trước Đảng và nhân dân trong bất cứ tình huống khó khăn, nguy hiểm nào.

Tháng 8-1945, khi nghe tin Nhật đầu hàng Đồng minh, mặc dù chưa nhận được Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, nhưng với trách nhiệm là Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm phụ trách quân sự, ông đã triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng quyết định chớp lấy thời cơ, dùng phương thức nổi dậy bằng lực lượng chính trị của quần chúng có lực lượng tự vệ làm nòng cốt, giành chính quyền thắng lợi trọn vẹn. Như vậy là rất sáng tạo, rất kiên quyết và rất kịp thời với tinh thần tự lực cao “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” giành thắng lợi quyết định ở một vị trí chiến lược quyết định, trung tâm đầu não của kẻ thù.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Nguyễn Quyết năm nay tròn 100 tuổi.

Gần 30 năm xây dựng và chiến đấu ở địa bàn Quân khu 3, trong khi mọi người còn hoài nghi về khả năng chi viện lớn cho các chiến trường, cho rằng Quân khu 3 không đủ sức xây dựng những binh đoàn chủ lực đánh lớn ở miền Nam, hoài nghi về khả năng và vai trò của dân quân tự vệ trong đánh máy bay và tàu chiến Mỹ. Nguyễn Quyết đã cùng Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh quân khu và các địa phương có những biện pháp sáng tạo, đi sâu cơ sở, phát động quần chúng giải quyết vấn đề “thấp, bé, nhẹ cân” thực hiện công bằng dân chủ trong tuyển quân, xây dựng phân đội dự bị, “bộ đội làng” chuẩn bị sẵn sàng chi viện ngay từ cơ sở. Những sư đoàn, trung đoàn của Quân khu 3 vào chiến trường đều đánh giỏi, lập công xuất sắc, nhiều đơn vị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Một lần nữa, dù chưa nhận được chỉ thị của cấp trên, nhưng do nắm vững tình hình, trong cuộc chiến chống lại chiến dịch dùng B-52 của đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội và Hải Phòng, ông đã chủ động cùng Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sơ tán hơn 1,7 triệu dân, trước khi B-52 đánh vào thành phố Cảng, tháng 12- 1972.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ, khi mà hầu hết các lực lượng chủ lực của Quân khu 3 đã được điều vào chiến trường miền Nam, và làm nghĩa vụ quốc tế, ông chủ trương xây dựng nhiều đơn vị dân quân, tự vệ mạnh (do dân nuôi), được binh chủng hóa, cơ động phối hợp chiến đấu và sẵn sàng thay thế chủ lực bắn máy bay và tàu chiến Mỹ. Ông nhận thức sâu sắc rằng, số máy bay và tàu chiến Mỹ do dân quân tự vệ bắn rơi, bắn chìm không lớn nhưng điều quan trọng có tính quyết định là làm cho địch bị bế tắc về chiến lược, tạo điều kiện cho chủ lực ta đánh thắng máy bay và tàu chiến Mỹ.

Đây là vấn đề về vai trò và khả năng của dân quân tự vệ đã được khẳng định trong chiến tranh ở Việt Nam, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng được thuyết phục khi nhiệm vụ giao cho lực lượng này mà không chuẩn bị kỹ về mọi mặt.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Lương Cường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Thượng tướng Đỗ Căn và lãnh đạo các cơ quan TCCT QĐND Việt Nam chụp ảnh cùng Đại tướng Nguyễn Quyết.

Từ khởi xướng phong trào “Ra quân, ra của, ra chiến thắng” trong kháng chiến chống Mỹ, đứng trước trạng thái vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh với muôn vàn khó khăn của đất nước, của quân đội, ông lại khởi xướng phong trào “làm giàu, đánh thắng” trong lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn Quân khu 3. Với chiều sâu tư duy sắc sảo, táo bạo và nhạy bén, có tầm nhìn xa trông rộng, Nguyễn Quyết đã có những phát hiện đi trước thời gian. Khi phát động phong trào “vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng”, mặc dù còn nhiều ý kiến chưa nhất trí, thậm chí phản bác, cho là trái với đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, ông đã coi kinh tế gia đình không phải là “kinh tế phụ” mà là một thành phần kinh tế có vị trí chiến lược.

Đây là cách nhìn rất thực tiễn, rất phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất nhỏ, rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và ông đã cùng với các tỉnh, thành ủy trong quân khu động viên toàn dân làm kinh tế gia đình, góp phần quan trọng giải quyết đời sống cho nhân dân từ thiếu đói đi lên đủ ăn, có dự trữ, có đóng góp. Từ giữa năm 1979, sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, căn cứ vào tình hình trong nước và xu thế của thế giới, ông khẳng định là chưa có khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn.

Vì vậy, trong hoàn cảnh khó khăn gay gắt của đất nước, với vị trí và đặc điểm của Quân khu 3, ông cùng Quân khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu quyết định “không ôm súng ngồi” mà đồng thời làm hai nhiệm vụ trung tâm: Vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện, đồng thời tranh thủ hòa bình, đưa bộ đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, tiếp tục đưa phong trào “làm giàu, đánh thắng” lên bước cao hơn.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
Đại tướng Lương Cường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Thượng tướng Đỗ Căn và lãnh đạo các cơ quan TCCT QĐND Việt Nam chụp ảnh cùng Đại tướng Nguyễn Quyết trong không gian trưng bày một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật về quá trình hoạt động cách mạng của đại tướng.

Đi đôi với vận động nhân dân tham gia cách mạng, tổ chức cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng, Đại tướng Nguyễn Quyết còn rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thực hiện chính sách nhất là đối với những người có công, những đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn, nguy hiểm. Ông chú ý lắng nghe và thường dễ xúc động trước những hy sinh mất mát của đồng bào, đồng chí, của cán bộ, chiến sĩ. Công tác chính sách cán bộ và hậu phương quân đội dưới sự chỉ đạo của ông trong những năm ông làm Chính ủy, rồi Tư lệnh Quân khu 3 cũng như khi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã có những chuyển biến căn bản và tác dụng tích cực đến việc ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Chính nhờ việc thực hiện tốt các chính sách này, đặc biệt là chính sách nhà ở cho đội ngũ cán bộ, đi đôi với công tác tư tưởng, công tác tổ chức mà Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng có thể thực hiện được kế hoạch giảm biên chế trong quân đội một cách tốt nhất, tạo được bầu không khí phấn chấn trong tuyển quân, xây dựng quân đội. Các cán bộ quân đội dù tiếp tục cống hiến cho quân đội hay chuyển ra ngoài quân đội, về hưu… đều góp phần hoàn thành nhiệm vụ. Nguyễn Quyết xứng đáng được cán bộ các cấp trong quân đội tặng cho cái tên trìu mến “vị tướng của cơ sở”, “vị tướng của chính sách”!

Do những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng và quân đội, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

Huân chương Sao vàng

Huân chương Hồ Chí Minh

Huân chương Quân công hạng Nhất

Huân chương Chiến công hạng Nhất

Huân chương Chiến thắng hạng Nhất

Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất

Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng

Và nhiều huân, huy chương, huy hiệu và danh hiệu cao quý khác.

Đến nay, Đại tướng Nguyễn Quyết đã tròn 100 tuổi đời, 82 năm tuổi Đảng, trải qua quá trình thực tiễn hoạt động cách mạng đầy sôi động đã khẳng định ông là một người cán bộ, đảng viên, nhất là trên cương vị chủ trì cơ quan hay đơn vị, luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, dân tộc và quân đội lên trên hết trước hết. Mặc dù có những thăng trầm, với muôn vàn khó khăn thử thách nhưng ông luôn nêu cao ý chí chiến đấu, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và chấp hành pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng

  • Đại tướng Nguyễn Quyết, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng
  • Nội dung: SONG THANH
  • Ảnh: TRỌNG HẢI, TƯ LIỆU, Báo QĐND, Báo Lao động
  • Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC

top