LONGFORMTổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ
Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ

--------------------------*****--------------------------

Vào những ngày tháng 7 thiêng liêng, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ- những người đã ngã xuống trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu.

--------------------------*****--------------------------

Đóng góp vào chiến công chung đó, lớp lớp những người làm báo vừa cầm bút, vừa cầm súng, đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống. Các anh đã nằm lại đất mẹ nhưng tinh thần quả cảm vì nghĩa lớn còn vang vọng mãi.

Với niềm biết ơn vô hạn đối với những thế hệ nhà báo đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và cả trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhiều năm qua đã nỗ lực sưu tầm tài liệu, lập hồ sơ 511 nhà báo đã hy sinh và in trang trọng trên bức vách màu đỏ đặt tại khu vực tưởng niệm của Bảo tàng.

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ
Các đại biểu dâng hoa tưởng niệm các nhà báo liệt sĩ.

Danh sách các nhà báo liệt sĩ do Bảo tàng Báo chí Việt Nam lập trong nhiều năm qua và hiện vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Bảo tàng đã tham khảo, đối chiếu thông tin và tổng hợp lại từ nhiều nguồn, trong đó có các cuốn sách: “Nhà báo liệt sĩ” do Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản năm 2006; “Tri ân nhà báo liệt sĩ” của Tạp chí Người làm báo; “Dáng đứng dưới tầm bom” của nhà báo Văn Hiền và các tư liệu, hình ảnh, sách, báo, kỷ yếu, các bản ghi chép do các cơ quan báo chí, các nhà báo và gia đình nhà báo cung cấp…

Để tri ân những nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc và kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2024), Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức dâng hương tại khu vực tưởng niệm của Bảo tàng.

Mỗi đại biểu, nhà báo đương đại cầm trên tay một bông hồng đỏ thắm kính dâng lên anh linh những nhà báo, liệt sĩ. Trong một không gian vô cùng thiêng liêng, tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” hòa trong khói hương trầm lan tỏa khắp khu vực tưởng niệm khiến lòng như được lắng xuống, để cảm nhận về quá khứ hào hùng, về những nhà báo vừa cầm bút, vừa cầm súng, kiên cường và anh dũng năm xưa.

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ
Nhóm tượng các nhà báo liệt sĩ trưng bày tại Bảo tàng.

Họ là những cây bút ưu tú, tinh thông nghiệp vụ, những cán bộ, nhân viên dũng cảm thuộc nhiều cơ quan báo chí của cả nước, như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Nhân Dân, Cứu quốc, Giải phóng…

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn, chương trình tưởng niệm, tri ân các nhà báo liệt sĩ lần đầu tiên được tổ chức sẽ là hoạt động thường niên trong những năm tiếp theo bởi đây là hoạt động ý nghĩa của thế hệ làm báo hiện tại đối với những nhà báo đã hy sinh vì độc lập, vì nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ
Kỷ vật của các nhà báo liệt sĩ.

Đến với không gian khu vực tưởng niệm, trưng bày các hiện vật của những nhà báo liệt sĩ ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, người xem được “thực mục sở thị”, chạm tay vào lịch sử và như được ngược dòng thời gian trở về quá khứ, để hiểu rõ hơn sự hy sinh của những nhà báo-chiến sĩ năm xưa.

Trong số những nhà báo liệt sĩ đã hy sinh có nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư của Báo Quân đội nhân dân. Năm 2015, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức lễ truy tặng liệt sĩ, nhà báo Lê Đình Dư danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ

Tổ phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Bắc Quảng Trị. Từ trái sang, các đồng chí: Nguyễn Đức Toại, Nguyễn Ngọc Nhu, Lê Đình Dư. Trong chuyến công tác này, hai nhà báo Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu đã hy sinh trong trận đánh tại Lâm Xuân Đông, bờ nam sông Bến Hải, năm 1968.

Nhà báo liệt sĩ Lê Đình Dư sinh năm 1931, từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó được điều về công tác tại Phòng Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh, Báo Quân đội nhân dân). Là nhà báo, chiến sĩ, đồng chí Lê Đình Dư luôn trau dồi bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng; dù tác nghiệp ở chiến trường nào, đồng chí cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm và gương mẫu, hết mình vì toàn soạn, vì bạn đọc, vì chất lượng và hiệu quả tuyên truyền của Báo Quân đội nhân dân; xông xáo tác nghiệp ở các chiến trường, trận địa ác liệt…

Câu nói nổi tiếng của nhà báo Lê Đình Dư: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn, còn phóng viên chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù” đã góp phần thôi thúc cán bộ, chiến sĩ quyết tâm chiến đấu chống quân thù. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của nhà báo-chiến sĩ Lê Đình Dư mãi là tấm gương sáng chói cho những nhà báo hiện tại và tương lai.

Trong không gian trưng bày ở khu vực tưởng niệm còn có rất nhiều hiện vật của các nhà báo, liệt sĩ gồm những bức ảnh, bài bút ký, máy ảnh, bút mực… đã nhuốm màu thời gian và thấm đẫm mùi khói lửa chiến tranh, đó là hiện vật của nhà báo, liệt sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng (TTXVN); hiện vật của nhà báo, liệt sĩ Tô Chức, Hồ Tương Phùng (Đài Tiếng nói Việt Nam)… Thời gian có thể làm phai mờ nét chữ, trang giấy có thể ố vàng, hiện vật có thể cũ đi nhưng giá trị lịch sử thì còn mãi.

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ
Những hiện vật của các nhà báo liệt sĩ.

Bày tỏ cảm xúc khi được nghe lại những câu chuyện kể về các nhà báo liệt sĩ, em Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Là thế hệ sinh ra trong hòa bình và chỉ biết đến chiến tranh qua báo chí, truyền thông. Khi đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, được nghe những câu chuyện xúc động về các nhà báo liệt sĩ, em càng thêm yêu ngành học mà em đã lựa chọn. Các thế hệ nhà báo đi trước mãi là tấm gương sáng để chúng em học tập và noi theo”.

Nối tiếp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, những hoạt động tưởng nhớ, hiện vật của các nhà báo liệt sĩ sẽ là "cầu nối" giữa quá khứ và hiện tại cũng như tương lai, để tiếp tục tô thắm thêm trang sử vàng của nền báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ
Người xem tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

  • Tổ quốc mãi ghi công các nhà báo liệt sĩ
  • Nội dung: KHÁNH HUYỀN
  • Ảnh: Khánh Huyền, Trần Huấn, Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top