Xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
--------------------------*****--------------------------
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30-7 đến 1-8. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Ấn Độ sau 10 năm và là chuyến thăm đầu tiên ở cấp Thủ tướng giữa hai nước sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2016.
--------------------------*****--------------------------
Nền tảng truyền thống và hữu nghị bền chặt
Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống và hữu nghị bền chặt, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ tiền bối của Ấn Độ như Mahatma Gandhi, Jawaharlal Nehru cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Năm 1958, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi tin rằng cuộc đi thăm lần này sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước chúng ta, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nước Á - Phi và củng cố hòa bình châu Á và thế giới” (trích “Hồ Chí Minh: Toàn tập”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 256).
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, hai nước tiếp tục truyền thống hợp tác chặt chẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Việc hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016 thể hiện sự tin cậy sâu sắc, chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung
Trong hơn 50 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ đã và đang phát triển hết sức tốt đẹp. Quan hệ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân được mở rộng, thường xuyên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, các kênh. Các cơ chế hợp tác đối thoại, tiểu ban hợp tác chuyên ngành... được duy trì và phát huy hiệu quả. Việc lãnh đạo hai nước thông qua Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam-Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân (năm 2020) đã tạo thêm những động lực mới phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên nhiều lĩnh vực hợp tác, mang lại những lợi ích thiết thực cho chính phủ và nhân dân hai nước.
Ấn Độ và Việt Nam có quan điểm cơ bản tương đồng trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các cơ chế của ASEAN mà Ấn Độ là đối tác tham gia như Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) mà Ấn Độ là một thành viên tích cực. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Mê Công, hợp tác Mê Công-Sông Hằng (MGC). Ấn Độ coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi ASEAN là một trụ cột và nền tảng của chính sách “Hành động hướng Đông”.
Có thể nói, là hai quốc gia cùng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích chiến lược, Việt Nam và Ấn Độ luôn tích cực phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện để mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Cơ hội rộng mở để hiện thực hóa tiềm năng hợp tác
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ luôn được lãnh đạo hai bên quan tâm, thúc đẩy và đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, hợp tác quốc phòng song phương luôn được quan tâm, thúc đẩy, trở thành một trụ cột quan trọng. Trong những năm qua, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ luôn được quan tâm thúc đẩy, triển khai phù hợp với các khuôn khổ, các văn bản, thỏa thuận hợp tác đã ký, đạt được những kết quả thiết thực trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế tham vấn, đối thoại; hợp tác đào tạo; hợp tác quân, binh chủng; công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nghiên cứu chiến lược...
Trên cơ sở Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam- Ấn Độ đến năm 2030, hai bên nhất trí tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và hợp tác giữa hai bên; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng và tham vấn sĩ quan tham mưu lực lượng hải quân-lục quân-không quân, giao lưu sĩ quan trẻ; hợp tác đào tạo, quân, binh chủng, công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... đồng thời nghiên cứu thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như: An ninh mạng, quân y, cứu hộ, cứu nạn... phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện (năm 2016), đạt hơn 14 tỷ USD trong năm 2023.
Hai nước còn nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại, đầu tư với nhiều thế mạnh như thị trường đông dân nhất thế giới, kinh tế phát triển năng động. Các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang thúc đẩy triển khai hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dầu khí, dược phẩm, hạ tầng cảng biển, logistics. Về phía Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet đã mở thêm nhiều chuyến bay thẳng đến các thành phố lớn của Ấn Độ, Công ty VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ với số vốn cam kết 2 tỷ USD.
Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông, văn hóa-du lịch, giáo dục-đào tạo đều phát triển tích cực. Hiện nay, Ấn Độ cấp cho Việt Nam 150 suất học bổng theo Chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ (ITEC), 30 suất học bổng thuộc Chương trình CEP/GCSS, và 2-4 suất/năm đào tạo tiếng Hindi và Văn hoá Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã thành lập Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội, Trung tâm tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng.
Trong bối cảnh như trên, chuyến thăm Ấn Độ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, góp phần thắt chặt quan hệ giữa lãnh đạo hai nước. Bên cạnh đó, chuyến thăm còn tạo ra xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; vừa củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, vừa mở rộng sang những lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh như: Điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI)....
Chúng ta tin tưởng rằng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp, sâu sắc, hiệu quả, góp phần xây dựng, củng cố ổn định, hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Nội dung: LINH OANH
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC