Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc: Tiếp thêm động lực cho hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới
-------------------***-------------------
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 18 đến 20-8.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi đảm nhiệm cương vị mới và là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2024.
-------------------***-------------------
Tiếp nối tinh thần hợp tác hữu nghị truyền thống
Tình hữu nghị mà các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thời gian qua, đặc biệt sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tháng 12-2023, quan hệ giữa hai nước duy trì xu thế phát triển với những kết quả tích cực. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao đã góp phần tích cực vào việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Kể từ đó đến nay, quan hệ hai nước tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành và tạo ra không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực. Trong đó, tin cậy chính trị được cải thiện, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra hết sức mật thiết. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có hai đoàn lãnh đạo chủ chốt gồm Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Trung Quốc. Ngoài ra, một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã thăm Trung Quốc. Hai bên cũng mở ra các lĩnh vực hợp tác mới, thiết lập thêm cơ chế trao đổi thường niên ở cấp cao giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc.
Hợp tác vẫn là dòng chảy chính
T
rong hơn 74 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950 / 18-1-2024), hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Những năm gần đây, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân và thanh niên... cũng chứng kiến nhiều khởi sắc. Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu đã tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án cấp mới tại Việt Nam.
Năm 2024 đánh dấu 25 năm ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Việc ký kết Hiệp ước đã giải quyết triệt để vấn đề phân định biên giới trên đất liền hai nước về mặt pháp luật, thể hiện ý chí và quyết tâm kiên định mà hai bên nỗ lực vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Sự kiện này trở thành một hình mẫu thành công mà hai bên thông qua hiệp thương hữu nghị giải quyết vấn đề biên giới, tăng cường mạnh mẽ niềm tin của hai bên về đối thoại, giải quyết tốt bất đồng đối với vấn đề biên giới và trên biển khác. Hai bên đã thực hiện tốt Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, nhân dân ở biên giới hai nước an cư lạc nghiệp, sống chung hài hòa, gắn bó như anh em một nhà. Khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã trở thành khu vực biên giới hòa bình, ổn định, giao lưu thương mại, đi lại sôi nổi.
Hợp tác quốc phòng tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, được cả hai bên quan tâm thúc đẩy, đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; đào tạo; giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; giao lưu giữa các lực lượng (biên phòng, sĩ quan trẻ, quân khu, tuần tra chung)…
Tháng 4-2024, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước đã đồng chủ trì Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8 tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đạt kết quả tốt đẹp, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các lực lượng chức năng và nhân dân hai bên biên giới.
Cùng với đó, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.
Lượng du khách Trung Quốc 6 tháng đầu năm đã vượt tổng số năm 2023. Hợp tác về giáo dục cũng tăng mạnh. Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Hai bên cũng đang thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác mới về hạ tầng, tiện lợi hóa thương mại.
Tăng thêm sức sống cho tình hữu nghị truyền thống
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc ngay sau khi đảm nhiệm cương vị mới nhằm khẳng định chủ trương nhất quán coi trọng, ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc; đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9-1-2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Chuyến thăm còn nhằm cụ thể hóa, triển khai Kết luận số 71-KL/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trao đổi ở cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước, đánh giá về quan hệ hai Đảng, hai nước, đặc biệt là những kết quả đạt được trong việc thực hiện những thỏa thuận chung cấp cao giữa lãnh đạo của hai Đảng, hai nước.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương hai nước sẽ trao đổi về các nội dung, cơ chế hợp tác mới trong thời gian tới. Hai bên sẽ trao đổi về những biện pháp để thực hiện Tuyên bố chung năm 2023, nhằm thực hiện “6 hơn”: Đó là 6 phương hướng hợp tác lớn, bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Hai bên cũng sẽ cùng trao đổi về những biện pháp đã đề ra, có thể bổ sung về nội hàm để góp phần thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển vững chắc, toàn diện và thiết thực. Ngoài hoạt động gặp các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng sẽ có những hoạt động rất quan trọng với đại diện nhân dân Trung Quốc.
Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thành công tốt đẹp, tiếp nối và tăng thêm sức sống, động lực mới cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc. Các hoạt động phong phú và đặc biệt là nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, hai nước đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm lần này sẽ là cơ sở để góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển vững chắc, toàn diện và thiết thực, mang lại thêm nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước.
- Nội dung: LINH OANH
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC