Tình báo quốc phòng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” - Bài 1: Bám sát đường đi, nước bước của B-52
Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 là một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Quân át chủ bài “Pháo đài bay” bất khả chiến bại B-52 của đế quốc Mỹ đã thất bại trên bầu trời Hà Nội. Một lần nữa, quốc gia nhỏ bé Việt Nam đánh bại một cường quốc, sau chiến thắng vang dội trước thực dân Pháp trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Đóng góp không nhỏ vào kỳ tích này là chiến công của Tình báo Quốc phòng Việt Nam.
Theo Đại tá Đào An Việt, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, “Chiến thắng lịch sử ‘Điện Biên Phủ trên không’ năm 1972 là chiến thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, có đóng góp của rất nhiều lực lượng, đặc biệt là đóng góp trực tiếp của lưới lửa phòng không ba thứ quân và của nhân dân chúng ta. Thế nhưng để có được kỳ tích 12 ngày đêm vang dội đó, chúng ta không thể không nhắc đến những chiến công thầm lặng của Tình báo quốc phòng”.
Trong các phiên họp từ ngày 10-11 đến 13-12-1972 tại Paris, phía Mỹ đã tự ý sửa đổi 69 điều trong bản dự thảo hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Phái đoàn ta kiên quyết phản đối hành động của Mỹ. Hội nghị lâm vào bế tắc.
Ngày 13-12-1972, khi biết chắc sẽ tái đắc cử, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố hoãn các cuộc thương lượng, đồng thời nhấn mạnh: “Hành động duy nhất để đạt được mục đích là đẩy mạnh ném bom, buộc miền Bắc Việt Nam phải chấp nhận giải pháp do Mỹ đưa ra”. Ngày 14-12-1972, sau khi hội kiến với Tổng thống Nixon, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đe dọa nếu sau 72 giờ miền Bắc Việt Nam không quay lại Paris tiếp tục đàm phán thì sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ ra lệnh cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân lập kế hoạch sử dụng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội mang tên Chiến dịch Linebacker II.
Linebacker II là chiến dịch mà phía Mỹ gọi là “Vạch phạt đền” hay “Cứu bóng trước khung thành”, một cách nói ví von ngụ ý khẳng định ưu thế tuyệt đối, sức mạnh vô biên thuộc về Không lực Hoa Kỳ với những loại vũ khí tối tân nhất khi đó như máy bay ném bom chiến lược “Pháo đài bay” B-52, máy bay “Cánh cụp cánh xòe” F-111. Có thể nói, đây là một trong những cuộc sử dụng không quân tập trung nhất trong lịch sử chiến tranh với nhiệm vụ làm suy yếu khả năng tiến công của ta ở miền Nam, với dã tâm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, đồng thời xoay chuyển thế cờ trên bàn đàm phán ở Paris.
Về cuộc hành quân bất ngờ của B-52, Đại úy Bob Certain và các thành viên đội bay B-52 tại Căn cứ không quân Andersen ở Guam nhớ lại, ngày 15-12-1972, đội nhận được thông báo tạm dừng toàn bộ các đợt bay luân phiên. Kế hoạch có thay đổi!. “Suy nghĩ đầu tiên và hy vọng của đội bay là chiến tranh đã kết thúc và chúng tôi ở lại Guam để đưa tất cả máy bay về Mỹ”, hoa tiêu Bob Certain hồi tưởng trong hồi ký của mình. Nhưng cả đội đã “vỡ mộng”. Sáng hôm sau, điều mà họ thấy là “tất cả máy bay B-52 đang được tiếp nhiên liệu và nạp bom”.
Trưa 18-12-1972, họ nhận được thông báo: “Mục tiêu của các anh tối nay là Hà Nội”.
Sau Hiệp định Geneva, do nắm được âm mưu của Mỹ sẽ can thiệp vào miền Nam, ta chủ động xây dựng lực lượng điệp báo chiến lược bất hợp pháp, tìm cách cài vào các cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, từng bước tiếp cận và mở rộng quan hệ với các tướng lĩnh cấp cao của ngụy quân và cố vấn Mỹ, qua đó khai thác tin tức, nắm sớm, nắm chắc các âm mưu, kế hoạch, biện pháp, nội dung chỉ đạo của quan thầy Mỹ đối với chính quyền tay sai và thái độ của giới chóp bu trong chính quyền ngụy đối với Nhà Trắng.
Ngay từ giữa năm 1971, trinh sát kỹ thuật đã nghiên cứu, nắm tính năng kỹ-chiến thuật cũng như những thông tin liên quan đến máy bay ném bom chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ. Trinh sát kỹ thuật bước vào chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 với một sự chuẩn bị công phu, có kế hoạch từ rất sớm, được triển khai theo cách hết sức đặc biệt, riêng có của Việt Nam. Sự chuẩn bị ấy bắt nguồn từ tiên lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1967 sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng phụ trách phòng không - không quân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
(Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu về quân sự. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203).
Khẳng định này là kết quả của những nghiên cứu rất kỹ của Bác Hồ về các kết cục chiến tranh mà người Mỹ tiến hành: Các thành phố Dresden của Đức, Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, Bình Nhưỡng của Triều Tiên đều đã trở thành những đống tro tàn trước khi kết thúc chiến tranh bởi các cuộc không kích của “pháo đài bay” B-52.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, ngay từ tháng 6-1965, khi Không quân Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 trên chiến trường miền Nam, chủ trương phải nghiên cứu cách đánh B-52 đã được đưa ra. Tháng 6-1966, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương: “Sớm đưa tên lửa phòng không vào Nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cho bộ đội Phòng không - Không quân: “Muốn thắng địch thì phải hiểu địch, nắm chắc địch, muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”. Nhiều kế hoạch được xây dựng và thực hiện, tập trung vào cách đối phó của ta trước các đợt tập kích của Không lực Hoa Kỳ leo thang đánh phá miền Bắc.
Ngoài lực lượng Phòng không - Không quân, Trinh sát kỹ thuật cũng bắt đầu lần tìm, dò nắm quy luật hoạt động của Không quân Mỹ. Riêng việc nắm máy bay ném bom chiến lược B-52 đã được lực lượng Trinh sát kỹ thuật thực hiện từ giữa năm 1971. Thời gian sau đó, nhất là từ tháng 4-1972, Mỹ huy động không quân, hải quân mở chiến dịch Linebacker I đánh phá miền Bắc, sử dụng máy bay B-52 đánh phá các thành phố Vinh, Hải Phòng, đồng thời thả thủy lôi phong tỏa các cảng biển và các cửa sông ở miền Bắc.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao cảnh giác, tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống, chủ động đối phó với khả năng Mỹ sử dụng B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội, tháng 7-1972, Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị chuyên đề tìm cách đánh B-52. Sau đó, Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng và tổ chức tập luyện theo “Phương án tháng Bảy”, “Phương án tháng Chín”, “Phương án năm cánh sao”...
Đối với lực lượng Trinh sát kỹ thuật, câu hỏi làm thế nào để có được tin tức về hoạt động của B-52 và F-111 luôn được đưa ra tại nhiều phiên họp, cả của tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể, được quán triệt sâu sắc từ trên xuống dưới. Cả lực lượng lao vào nghiên cứu, dấy lên phong trào thi đua đặc biệt. Bằng nhiều cách khác nhau, lực lượng dần có được những thông tin về B-52. Mới đầu dấu hiệu ít, tin tức rời rạc, lẻ tẻ, sau kinh nghiệm nhiều hơn, thông tin nắm tương đối đầy đủ và chính xác.
Chính nhờ việc liên tục bám nắm từng đường đi, nước bước của B-52 từ sớm, từ giữa năm 1972, việc cung cấp tin tức liên quan đến Không quân Mỹ đã được tiêu chuẩn hóa với độ tin cậy ngày càng cao, giúp Trinh sát kỹ thuật nắm và thông báo trước nhiều giờ những trận đánh quan trọng của Không quân Mỹ, trong đó có những trận ta nắm được thông tin 24 giờ trước khi B-52 xuất kích. Trinh sát kỹ thuật cũng nắm chắc hoạt động của các hàng không mẫu hạm, sở chỉ huy, các máy bay Mỹ xuất kích đánh phá miền Bắc thông qua việc chặn nghe điện, nắm các khu trục hạm dẫn đường.
Tới tháng 7-1972 thì Trinh sát kỹ thuật đã phát hiện ra bộ sóng quản lý đường bay, trong đó có đường bay của B-52. Từ những tin tức đó, Tình báo quốc phòng đã báo cáo lên trên: “Địch chuẩn bị có một đợt hoạt động lớn của không quân Mỹ ra ngoài vĩ tuyến 20, chú ý Hà Nội, Hải Phòng”.
(còn nữa)
- Nội dung: HỮU DƯƠNG - MAI HƯƠNG
- Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, Tư liệu Tổng cục II
- Kỹ thuật, đồ họa: TRẦN HOÀI - QUỲNH OANH