Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Thượng tướng Lê Khả Phiêu
Đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu (1931-2020), nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam. Trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy tâm huyết, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân; luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, phẩm chất nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
--------------------------*****--------------------------
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- Đồng chí Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27-12-1931; quê quán: Xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19-6-1949.
- Từ năm 1947 đến năm 1949: Đồng chí dạy bình dân học vụ ở xã. Tháng 6-1949 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách công tác tuyên truyền, làm Chánh Văn phòng Chi bộ xã.
- Từ tháng 5-1950 đến tháng 8-1954: Đồng chí nhập ngũ, làm chiến sĩ, rồi đảm nhiệm các chức vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội, Chính trị viên Đại đội, Trung đoàn 66, Đại đoàn 304.
- Từ tháng 9-1954 đến tháng 3-1955: Đồng chí học bổ túc quân chính trung cấp khóa I.
- Từ tháng 3-1955 đến tháng 3-1958: Đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng Tiểu ban Tổ chức Trung đoàn, Chính trị viên Tiểu đoàn; Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.
- Tháng 4-1958: Đồng chí là học viên Trường Chính trị trung cao.
- Từ tháng 6-1961 đến năm 1966: Đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Phó ban Cán bộ rồi Trưởng ban Tổ chức, Phòng Chính trị Sư đoàn 304; sau đó làm Phó chính ủy rồi Chính ủy Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu Hữu Ngạn, Đảng ủy viên Sư đoàn.
- Tháng 7-1967: Đồng chí vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu, làm Chính ủy Trung đoàn 9. Tháng 1-1968, đồng chí kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9.
- Năm 1970: Đồng chí làm Trưởng phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên.
- Từ tháng 10-1971 đến tháng 2-1974: Đồng chí làm Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên.
- Tháng 3-1974: Đồng chí làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên (sau là Quân đoàn 2), Đảng ủy viên Quân đoàn.
- Tháng 2-1978: Đồng chí làm Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9.
- Tháng 8-1980: Đồng chí làm Phó tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, được bầu vào Thường vụ rồi Phó bí thư Đảng ủy Quân khu.
- Tháng 3-1983: Đồng chí giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9.
- Tháng 4-1984: Đồng chí làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh 719, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng.
- Năm 1986: Đồng chí làm Phó tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh 719, làm Ủy viên rồi Phó bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh 719.
- Tháng 6-1988: đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng.
- Tháng 8-1988: đồng chí làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (phụ trách khối tổ chức, cán bộ, bảo vệ).
- Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).
- Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa VII, Đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
- Tháng 6-1992: Đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng.
- Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 1-1994), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
- Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
- Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa VIII (tháng 12-1997), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).
PHẦN THƯỞNG:
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí Lê Khả Phiêu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Những cống hiến, đóng góp tiêu biểu
Tâm huyết với công tác xây dựng Đảng
Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí luôn chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí đã khẳng định: “Chỉ có Đảng thật trong sạch vững mạnh thì sự nghiệp của Đảng mới trường tồn”.
Sau khi nhận trọng trách là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nỗ lực cao độ cho công tác xây dựng Đảng. Từ vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, từ yêu cầu của thời kỳ mới, từ thực trạng của Đảng ta, theo chương trình toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII xác định Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) bàn và quyết định những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trên một số vấn đề trọng yếu của công tác xây dựng Đảng
Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là một cuộc đấu tranh để xây dựng cái mới và loại trừ cái cũ không còn phù hợp, là sự nghiệp mãi mãi của các thế hệ Việt Nam. Chúng ta khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi, tiếp tục thực hiện con đường cách mạng vinh quang đó tới đích. Chúng ta biết rằng: Thời kỳ quá độ lên CNXH là một thời kỳ dài, nhưng không phải là vô hạn. CNXH nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. (Trích bài viết "Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn" trong cuốn sách "Lê Khả Phiêu-Những điều tâm đắc", do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2011)
Chính từ hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng, trong 2 năm, từ ngày 19-5-1999 đến ngày 19-5-2001, tạo sự chuyển biến cơ bản, sau đó trở thành nền nếp thường xuyên. Đồng chí yêu cầu các cấp bộ Đảng và cán bộ đảng viên phải học tập, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức cách mạng của Bác Hồ để thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chuẩn bị và tiến hành tốt việc tự phê bình và phê bình từ Trung ương xuống đến cơ sở. Nâng cao tính đảng, tính chiến đấu, ý thức tự giác trong tự phê bình và phê bình để cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt chất lượng cao. (Theo sách Lê Khả Phiêu - Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000, Trang 47-58)
Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội
Đồng chí Lê Khả Phiêu đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Đảng bộ Quân đội. Đồng chí cho rằng, muốn xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, trước hết phải quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ lấy chính trị làm “gốc” trong xây dựng Quân đội về chính trị, coi CTĐ, CTCT là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội ta.
Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997), Bí thư Trung ương Đảng (6-1992), Ủy viên Bộ Chính trị (1-1994) và Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Tổng cục Chính trị đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT), xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.
Đồng chí Lê Khả Phiêu đã chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm túc và sáng tạo cuộc vận động đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức đảng cũng như Đảng bộ Quân đội ngang tầm với nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, trước hết, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công phụ trách, bảo đảm bất cứ ở đâu, lúc nào, tổ chức đảng cũng là hạt nhân lãnh đạo chính trị, đảng viên tổ chức hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ đem hết nhiệt tình, trách nhiệm, kiến thức, năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình”. (Trích trong: Lê Khả Phiêu, Tuyển tập, Tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.75).
“Nếu không có Đảng, quân đội rèn luyện, không có dân chăm nuôi, bảo vệ thì làm sao có ngày hôm nay. Dù làm đến chức vụ gì, ở vị trí cao đến mấy cũng không được quên quá khứ, không được quên nhân dân. Ai quên quá khứ là quên chính mình” – Lê Khả Phiêu.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí đã rút ra ba vấn đề cơ bản: Một là, phải thường xuyên quan tâm chăm lo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp với xây dựng tổ chức, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức cơ sở đảng. Hai là, phải kết hợp chặt chẽ công tác phát triển đảng gắn chặt với giáo dục, rèn luyện và quản lý đảng viên. Ba là, phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu vẫn còn nguyên giá trị, cần vận dụng vào công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh tiêu biểu hiện nay. (Theo bài viết “Đồng chí Lê Khả Phiêu với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị” của Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG - Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, năm 2020).
Trích các đánh giá, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội
Đồng chí Lê Khả Phiêu, kể từ khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí Thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến nay, đã có những đóng góp tích cực trong việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, tích cực chống tham nhũng. Đồng chí luôn kiên định lập trường cách mạng, sống giản dị gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân…”. (Trích diễn văn bế mạc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IX Đảng Cộng sản Việt Nam (22-4-2001).
Phát biểu tại buổi lễ trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đồng chí Lê Khả Phiêu là một cán bộ đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, nhất là được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong lần ra thăm và làm việc với Báo QĐND năm 1993, vào đúng dịp kỷ niệm 43 năm Ngày truyền thống Báo QĐND (20-10-1950 / 20-10-1993), đồng chí Lê Khả Phiêu đã có bài phát biểu rất quan trọng, trong đó đưa ra những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, trên thực tế là những lời dặn dò tâm huyết với những người làm Báo QĐND, trong đó nêu yêu cầu “cán bộ, phóng viên Báo QĐND phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và một tầm nhìn chiến lược”. Đồng chí nói: “Mọi phóng viên phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trình độ, hiểu rộng, hiểu sâu trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, an ninh, đối ngoại... Cần bám sát diễn biến của thời cuộc, phân tích cả cái đã dự báo và cái chưa được dự báo. Đó là bản lĩnh chính trị, độ nhạy cảm chính trị của người làm báo". (Theo bài viết “Những lời tâm huyết với Báo Quân đội nhân dân của đồng chí Lê Khả Phiêu” của Trung tướng LÊ PHÚC NGUYÊN - Nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, năm 2020).
- Nội dung: THU HƯƠNG
-
Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, TTXVN, sggp.org.vn.
- Kỹ thuật, đồ họa: THÙY ANH