Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân sinh ngày 18-4-1939 tại xã Lương Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Quê gốc của ông ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thượng tướng Phạm Thanh Ngân từng xuất kích chiến đấu trên 100 lần, trực tiếp bắn rơi 8 máy bay của Không quân Hoa Kỳ và yểm hộ cho đồng đội bắn rơi 8 máy bay địch; là 1 trong 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Aces (Át chủ bài).
------------* * *------------
QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
Tháng 6-1957, đồng chí tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên tại địa phương. Ngày 21-3-1959, đồng chí nhập ngũ, được biên chế về trung đội chỉ huy, thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 374, Sư đoàn 351.
Tháng 4-1961, trong một đợt kiểm tra thể lực tuyển phi công, đồng chí trúng tuyển và được cử đi huấn luyện tại Trường Dự khóa bay thuộc Cục Không quân, ở Sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Tháng 10-1961, đồng chí được cử sang Liên Xô học lái máy bay MiG-17. Tại đây, ngày 8-12-1963, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10-1964, đồng chí trở về nước và trở thành phi công lái máy bay MiG-17 tại Trung đoàn Không quân 921.
Tháng 8-1965, đồng chí được cử đi học chuyển loại lái máy bay MiG-21 tại Liên Xô. Tháng 6-1966, đồng chí về nước và lần lượt giữ chức vụ Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng lái máy bay MiG-21 tại Đoàn Không quân Sao Đỏ. Từ đây, ông bắt đầu trực tiếp tham gia chiến đấu.
Ngày 18-6-1969 đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi đang là Đại úy, Đại đội trưởng thuộc Trung đoàn Không quân 921.
Tháng 9-1970, đồng chí tiếp tục được cử sang Liên Xô theo học tại Học viện Không quân Gagarin. Tháng 9-1975, đồng chí về nước.
Tháng 6-1977, đồng chí được giao làm Sư đoàn phó Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Không quân.
Tháng 8-1978, đồng chí được cử đi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Tháng 3-1979, đồng chí trở về làm Sư đoàn phó, sau đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371.
Tháng 8-1982, lần thứ 4 đồng chí sang Liên Xô học tập tại Học viện Bộ Tổng tham mưu Voroshilov. Tháng 7-1984, đồng chí về nước và được giao giữ chức vụ Phó tham mưu trưởng thứ nhất Quân chủng Không quân, phụ trách tác chiến.
Tháng 9-1986, đồng chí được thăng chức Phó tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân chủng kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Không quân. Đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng tháng 6-1988.
Tháng 4-1989, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Không quân.
Tháng 9-1991, đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII với cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân. Tháng 6-1992, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng.
Tháng 1-1996, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII. Tháng 5 năm đó, đồng chí được đề bạt chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 7-1997, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa X.
Tháng 12-1997, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII.
Từ tháng 1-1998, đồng chí được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 11-1999, đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng.
Tháng 5-2001, đồng chí thôi chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được giao phụ trách Ban Tổng kết chiến lược về Quân sự và Quốc phòng trực thuộc Bộ Chính trị.
------------* * *------------
VINH DỰ 4 LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ
Trong cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, có một điều khá thú vị là phần lớn những kỷ vật của ông đều gắn với những kỷ niệm về Bác Hồ: Ông được Bác Hồ tặng 8 chiếc huy hiệu, vì 8 lần bắn rơi máy bay. Lần đầu tiên ông bắn rơi một máy bay không người lái ở độ cao cực thấp 300m vào ngày 14-12-1966. Sau đó, ông đã có 3 lần bắn rơi máy bay F-4 được mệnh danh là “Con ma”, 3 lần bắn rơi máy bay F-105 được mệnh danh là “Thần sấm” và 1 lần bắn rơi chiếc máy bay RF-101.
Điều đặc biệt là 2 trong số máy bay MiG-21 mà ông từng điều khiển, mang số hiệu 4324 và 4326, đều là những chiếc máy bay có số lần bắn hạ đối phương cao nhất (4324 với 14 lần và 4326 với 13 lần), đồng thời cũng có số lượng phi công từng điều khiền đạt đẳng cấp Ace nhiều nhất.
Trong quá trình công tác của mình, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân còn vinh dự được gặp Bác Hồ 4 lần. Năm 1968, trong lần gặp mặt anh hùng, chiến sĩ thi đua, thanh niên xung phong tiêu biểu có nhiều thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở hai miền Nam - Bắc tại Phủ Chủ tịch, ông vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác trực tiếp hỏi chuyện và trả lời.
Người căn dặn: "Các chú phải chăm học tập, rèn luyện hơn nữa, càng học tập, càng tiến bộ, càng tiến bộ thì đánh địch càng giành thắng lợi". Lời dạy của Bác in sâu trong tâm trí ông suốt cuộc đời.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân là một phi công chiến đấu mưu trí, dũng cảm, hiệu suất chiến đấu cao; một lãnh đạo, chỉ huy tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Không quân nhân dân Việt Nam, đồng thời có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
------------* * *------------
XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ
Trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Ông nhấn mạnh: Việc xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị luôn luôn là một nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, nhằm làm cho quân đội luôn là một lực lượng chính trị và là một lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân, của dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới. Xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, thực chất là xây dựng và phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc đang diễn ra phức tạp hiện nay, mà trước hết là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.
Do xác định đúng vị trí, vai trò công tác giáo dục chính trị dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục chính trị trong quân đội. Công cuộc đổi mới đã được tiến hành qua từng bước, từng giai đoạn cụ thể từ giáo dục lý luận chính trị trong các nhà trường, giáo dục lý luận chính trị gắn với hoạt động thực tiễn công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị. Vì vậy đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các hoạt động công tác chính trị trong toàn quân, bảo đảm cho quân đội luôn luôn vững vàng về chính trị, là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng, của dân. Chính điều đó tạo cho quân đội - lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân - hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; ngăn ngừa âm mưu "diễn biến hòa bình" của kẻ thù, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phức tạp khác.
Đặc biệt, thời kỳ này, ông quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2); triển khai sâu rộng cuộc vận động xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao. Đồng thời tích cực đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động công tác dân vận, quản lý giáo dục bộ đội giữ nghiêm kỷ luật quân đội, không ngừng củng cố tăng cường mối quan hệ máu thịt quân dân, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Phát huy cao độ bản chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, trong bất kỳ tình huống nào cũng nêu cao tinh thần dũng cảm xả thân, không ngại hy sinh gian khổ, có mặt ở những nơi quyết liệt, khó khăn nhất để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng cứu dân, giúp đỡ nhân dân, cùng với nhân dân chia ngọt sẻ bùi.
Với nhiều công lao, cống hiến, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:
• 2 Huân chương Quân công hạng Ba
• Huân chương chiến công hạng Nhất
• 3 Huân chương chiến công hạng Nhì
• 3 Huân chương Chiến công hạng Ba
• Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì
• Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba)
• Huân chương Quân kỳ Quyết thắng
• 8 Huy hiệu Hồ Chí Minh
• Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng (2023) và nhiều phần thưởng cao quý khác
- Nội dung: THU HƯƠNG (tổng hợp)
- Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, TTXVN, VOV, phongkhongkhongquan
- Kỹ thuật, đồ họa: TRẦN HOÀI