Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967), tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Năm 1933 - 1934, Nguyễn Vịnh được giác ngộ, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Kinh qua nhiều lĩnh vực công tác, đảm nhận nhiều cương vị, 53 tuổi đời, hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên trung, mẫu mực; một nhà lãnh đạo tài năng; một người con ưu tú của dân tộc; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhanh chóng trưởng thành, đồng chí đã được Đảng giao nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy IV, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II và khóa III), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng thể hiện bản lĩnh chính trị, tầm nhìn chiến lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Quá trình công tác
1938: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên;
1938 - 1943: Nhiều lần bị thực dân Pháp bắt cầm tù;
1945 - 1947: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ ủy Trung Bộ, Ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, được cử vào Tổng bộ Việt Minh;
1946 - 1948: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân Khu ủy Bình - Trị - Thiên;
1948 - 1950: Bí thư Liên khu ủy khu IV;
1950 - 1961: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân ủy;
1951 - 1960: Giám đốc Trường Chính trị trung cấp Quân đội, nay là Học viện Chính trị;
1961 - 1964: Được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử phụ trách công tác nông nghiệp, giữ chức vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương;
1965 - 1967: Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam;
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I - III;
Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III;
Đại biểu Quốc hội khóa II, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.
(Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành)
Những đóng góp nổi bật
Để xây dựng Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động vào công tác trong Quân đội. Ngày 11 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Liên khu ủy 4 làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Không được đào tạo cơ bản mà chỉ tự học, tự nghiên cứu là chính, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh nắm rất chắc lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực hiện rất nguyên tắc lý luận trong việc xây dựng cơ chế Đảng lãnh đạo Quân đội, các nguyên tắc công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, xây dựng bản chất giai cấp công nhân của Quân đội.
Để làm cho công tác chính trị thực sự là linh hồn, là mạch sống của Quân đội, trong bài nói chuyện tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra một số yêu cầu xây và chống trong việc cải tiến tác phong công tác của cán bộ chính trị. Đó là: Xây dựng tác phong làm việc thực tế, cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, thâm nhập thực tế, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương và chống lại tác phong ba hoa sáo rỗng, đại khái chung chung, quan liêu bàn giấy, lề mề, vô trách nhiệm. Đại tướng khẳng định người làm công tác chính trị không thể ngồi trong buồng mà nghĩ ra cái mới được; cái mới phải tìm ở dưới đại đội, trong quần chúng. Đại tướng luôn yêu cầu người chỉ huy phải lắng nghe ý kiến của chiến sĩ, thành thật giải quyết những yêu cầu của họ, nhưng không “theo đuôi” quần chúng.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khái quát thành năm nguyên tắc, sáu phương pháp lãnh đạo công tác tư tưởng trong hoạt động CTĐ, CTCT. Những nguyên tắc, phương pháp lãnh đạo tư tưởng của Đại tướng thể hiện tính khoa học sâu sắc và rất hiệu quả trong xây dựng nền nếp, chế độ công tác chính trị và phát huy sức mạnh trong công tác tư tưởng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Năm nguyên tắc lãnh đạo tư tưởng
1. Lãnh đạo tư tưởng cần có tinh thần tích cực và ý thức xây dựng.
2. Phải giải quyết vấn đề tận gốc.
3. Phải chủ động, nhìn xa thấy trước vấn đề, theo phương châm phòng bệnh kết hợp với chữa bệnh.
4. Phải có tính nguyên tắc và tinh thần đấu tranh sắc bén.
5. Lãnh đạo tư tưởng là một công việc lâu dài, hết sức phức tạp và khó khăn, cho nên lãnh đạo tư tưởng cần phải căn cứ vào sự thay đổi của hoàn cảnh, nhiệm vụ, đặc điểm của đối tượng cụ thể mà kịp thời đề ra nội dung yêu cầu khác nhau.
Sáu phương pháp lãnh đạo tư tưởng
1. Luôn hiểu rõ tình hình tư tưởng, phân tích nguyên nhân tư tưởng.
2. Khéo biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục.
3. Phát huy tác dụng phê bình, tự phê bình trên tinh thần tự giác và có tính chất quần chúng.
4. Hướng mọi hình thức, công cụ giáo dục chính trị vào mục đích lãnh đạo tư tưởng từng thời kỳ.
5. Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo tổ chức.
6. Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với việc lãnh đạo thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.
(Theo: Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 2, Sđd, tr.252 – 253)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người tiên phong “nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đại tướng chỉ rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: Nó thể hiện ra từng nơi, từng lúc khác nhau và tùy trình độ, cương vị công tác từng người... Ở nông thôn, biểu hiện ra ở chỗ tự tư, tự lợi trong vấn đề thuế khóa, diện tích, sản lượng, xét định thành phần, trong vấn đề cá nhân và hợp tác xã... Còn trong Quân đội ta, có khi biểu hiện bằng tham ô, lãng phí, công thần, kiêu ngạo, địa vị, đòi hưởng thụ... Để đấu tranh, diệt trừ chủ nghĩa cá nhân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận định phải sử dụng hiệu quả phê bình và tự phê bình; đồng thời, đề cao tu dưỡng đạo đức cách mạng, tu dưỡng chủ nghĩa tập thể, tu dưỡng lập trường; biết đặt lợi ích của cách mạng, của tập thể lên trên hết, trước hết. Phải xây dựng một lối sống đạo đức xã hội chủ nghĩa lành mạnh; chống những thói hư tật xấu, như: Quan liêu, khinh quần chúng, tự cao tự đại...
Với lối viết giản dị, giàu hình ảnh, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nhưng rất sắc bén, thể hiện tầm nhìn chiến lược, một loạt tác phẩm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như: “Chống chủ nghĩa cá nhân”, “Phát huy chủ nghĩa tập thể, tiếp tục chống chủ nghĩa cá nhân”, “Vài ý kiến về mối quan hệ giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xét lại hiện đại”… với những phê bình mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “Bị động cơ chủ nghĩa cá nhân chi phối, người ta sẽ đi đến cộng (+) thêm và trừ (-) bớt sự vật khách quan trái với tinh thần duy vật biện chứng. Muốn hay không muốn, do bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, người ta sẽ xuyên tạc sự thật, điều chỉnh sự vật một cách giả tạo theo hướng có lợi cho cá nhân mình và lẽ cố nhiên là có hậu và gây khó khăn cho cách mạng, dù chỉ là “mỗi cái một tí thôi”. (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổng tập, NXB QĐND, Hà Nội, 2022, tr.77)
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: “Cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là cuộc đời cách mạng sôi nổi và liên tục, với nhiều cống hiến xuất sắc. Đó là di sản tinh thần quý báu của Đảng, Quân đội và dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu, lưu giữ, vận dụng và phát huy những di sản tinh thần quý báu đó trong giai đoạn cách mạng hiện nay là hết sức cần thiết”.
Trước những chuyển biến mới của cách mạng miền Nam, đặc biệt sau thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường trong những tháng cuối năm 1963, đầu năm 1964, Bộ Chính trị chủ trương tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị và một số cán bộ cao cấp có kinh nghiệm xây dựng bộ đội chủ lực và chỉ huy các trận đánh lớn cho chiến trường miền Nam. Thực hiện chỉ thị của Trung ương, tháng 10-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều động trở lại Quân đội giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy quân giải phóng miền Nam. Với các “quả đấm” chủ lực được xây dựng và ngày càng phát triển, Bộ tư lệnh Miền liên tiếp mở các chiến dịch tiến công lớn. Thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam chứng minh chủ trương chiến lược chọn hướng và đối tượng tiến công của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hoàn toàn chính xác.
Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành các phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo, trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng nhanh chóng lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường. Đại tướng chỉ đạo bộ đội, du kích thực hiện chiến thuật “ở gần, đánh gần”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... Trong thời điểm khó khăn có tính chất bước ngoặt, những kết luận thể hiện tầm nhìn chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng chí đã kịp thời định hướng cho quân và dân miền Nam nỗ lực vượt qua mọi hy sinh, thử thách, hoàn thành quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta phát triển lên một bước mới, tiến lên giành thắng lợi quyết định. (Trích "Dám đánh và quyết thắng" - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước).
Do những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng và quân đội, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
Huân chương Sao vàng,
Huân chương Hồ Chí Minh,
Huân chương Quân công hạng Nhất,
Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tên “Nguyễn Chí Thanh” đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học... ở nhiều địa phương trên cả nước.
Trích các câu nói ấn tượng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
“Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm. Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân”.
Trích: Tổng cục Chính trị, Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 1960
“Quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta gắn liền với việc không ngừng củng cố và tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Công tác Đảng và công tác chính trị là linh hồn và mạch sống của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một quân đội tất thắng”.
Trích: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội, Nxb QĐND, Hà Nội, 1997, tr.287.
Tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất được tổ chức tại khu căn cứ Tây Ninh (2-5 đến 6-5-1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu quyết tâm “cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ”.
Trích: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập IV, Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.45
Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành các phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo, trở thành khẩu hiệu hành động cách mạng, như: “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “10 kinh nghiệm đánh Mỹ ở Củ Chi”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”,...
Trích: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997
-
Nội dung: QUỲNH DIỆP
Ảnh: Tư liệu, TTXVN
Kỹ thuật, đồ họa: ĐẶNG CƯỜNG