LONGFORMThượng tướng Nguyễn Chơn – “Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung”

Thượng tướng Nguyễn Chơn – “Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung”

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Mười chín tuổi, ông đã tham gia cách mạng. Ba năm sau, ông trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Từ người lính phát triển thành vị tướng, cuộc đời ông gắn liền với trận mạc, hết đánh Pháp, rồi lại đánh Mỹ. Ông cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội, được mệnh danh là linh hồn của “Sư đoàn thép”, khiến kẻ thù khiếp sợ. Ông là cán bộ quân sự tài năng, nhưng lại rất sâu sắc về công tác chính trị. Ông thẳng thắn, nghiêm khắc, nhưng lại rất rộng lượng và bao dung, đa cảm. Con người nhân hậu, văn võ song toàn ấy là Thượng tướng Nguyễn Chơn…

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVTND, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, đã về cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong trái tim bao người…

Cách đây 8 năm, tôi may mắn được đến thăm và trò chuyện cùng Thượng tướng Nguyễn Chơn để viết về chuyến “vượt biển” đầu tiên của Đoàn tàu không số vào Tết Canh Tý - 1960, mà ông là người được cấp trên giao nhiệm vụ đi đón con tàu đó. Thời điểm này sức khỏe của ông còn khá, nên tôi tranh thủ “tác nghiệp” hết công suất. Trò chuyện với ông, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời cách mạng với những chiến công lẫy lừng của vị tướng anh hùng.

Nguyễn Chơn sinh năm 1927. Chưa đến tuổi thanh niên nhưng khi đó ông đã mơ ước trở thành người chiến sĩ. Để thể hiện quyết tâm của mình, ông chặt đứt ngón chân út và nói rằng: Thà chặt đứt ngón chân còn hơn lành lặn mà ngồi nhìn quê hương, đất nước bị giặc xâm lăng.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung
Ảnh minh họa: Tư liệu

Khát khao cháy bỏng ấy của chàng trai trẻ giàu lòng yêu nước được toại nguyên. Ngày đi bộ đội, Chơn hứa với người mẹ thân yêu của mình: “Mẹ ơi! Con nguyện đánh tan quân bán nước và lũ giặc cướp nước để trả thù cho quê hương!”. Lời hứa với mẹ và buổi chia tay ngày ấy trên bến sông quê như một lời thề thiêng liêng theo suốt cuộc đời vị trướng huyền thoại. Bàn chân trái thiếu ngón út của chàng trai trẻ Nguyễn Chơn đã in dấu trên kháp các chiến trường, tạo nên bản lĩnh, vóc dáng của vị tướng tài ba trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Vào quân ngũ, Nguyễn Chơn được biên chế về Tiểu đoàn 19 - Quảng Nam.

Tài năng quân sự và bản lĩnh chỉ huy của Nguyễn Chơn bộc lộ từ khi còn là cán bộ cấp cơ sở. Các trận đánh do ông chỉ huy luôn diễn ra mau lẹ, ít thương vong. Năm 1947, ở Đội cảm tử quân thuộc Tiểu đoàn 14 (Trung đoàn 803- Liên khu 5), Nguyễn Chơn cùng các chiến sĩ diệt gọn một Đại đội Âu Phi của quân Pháp tại đồn Thu Bồn. Hai năm sau, Nguyễn Chơn được kết nạp vào Đảng ở tuổi 22. Tháng 7 năm 1954, Nguyễn Chơn tập kết ra Bắc theo hiệp định Giơ-ne-vơ, học tại Trường sĩ quan Lục quân khóa 10. Sau gần 5 năm học tập, rèn luyện tại trường, tháng 1-1959, Nguyễn Chơn cùng 29 cán bộ trở về chiến trường Miền Nam. Về tới Khu 5, Nguyễn Chơn và các cán bộ chủ chốt được giao nhiệm vụ xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang của Quảng Nam.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Cuối năm Kỷ Hợi, Nguyễn Chơn được cấp trên giao nhiệm vụ băng rừng đến khu vực chân đèo Hải Vân đón tàu hàng gồm: Súng đạn, lương thực, một máy làm giấy và quà Tết. Tàu sẽ vào bãi Hố Chuối, dưới chân đèo Hải Vân, đón tàu từ đêm mồng một Tết.

Nguyễn Chơn được cử phụ trách tổ đi đón tàu gồm 8 người. Các anh từ đầu nguồn sông A Vương, vượt qua sông Bung về Bà Nà - Núi Chúa. Bản đồ không có, tổ cứ nhằm trên các đỉnh núi mà đi. Lương thực mang đi chỉ đủ ăn trên đường. Đoàn của Nguyễn Chơn đi lạc qua Lăng Cô, rồi từ đó men theo đường mòn trên đèo Hải Vân mà về Hố Chuối. Theo lời dặn của cấp trên ở căn cứ, Nguyễn Chơn đến bến Sủng Cọ, ở đó có hai phuy gạo, có thuốc men và bông băng cơ sở đã chuẩn bị từ trước.

Nhưng khi đến nơi, tìm được nơi giấu gạo, thì bao ni lông bị chuột cắn, nước mưa thấm vào, gạo đã hỏng hết nên tám người không có gì ăn. Hằng đêm anh em thay nhau men theo đường xe lửa xuống đào trộm khoai lang, củ từ của dân, nhưng không lấy nhiều, phải lấy mỗi nơi một ít và không để lại dấu vết; không có quang gánh nên chỉ bỏ vào quần dài mang đi.

Khi nấu ăn, anh em lật ngược một hòn đá, đốt lửa mặt dưới, nấu xong úp trở lại đúng vào chỗ cũ để xóa hết các dấu tích. Cuối cùng thì năm người phải quay về, chỉ còn ba người ở lại, ban ngày vào hang nằm, đêm đến ra ghềnh đá chờ tàu. Tín hiệu của tàu cập bến là đèn pin quay ba vòng từ phải sang trái, trong bờ đáp lại quay ba vòng từ trái sang phải. Những đêm chờ đợi ấy cứ lần lượt qua đi mà vẫn không thấy có ánh đèn pin mong đợi.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung
Trong hơn 10 năm, đoàn tàu không số đã chở một lượng lớn hàng hóa, vũ khí và hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một buổi sáng từ ghềnh đá về hang, Nguyễn Chơn nhìn thấy có ba bóng người đang tới chỗ các anh đang ở. Anh đột ngột đến gần, hô lớn:

- Dừng lại? Các anh đi đâu?

Cả ba người bị bất ngờ, sững người trước sự xuất hiện của ba người lạ.

- Bọn tôi vào núi tìm cây mức làm guốc - Một người trong bọn họ trả lời.

Nguyễn Chơn nhận định được ngay đó là bọn mật thám đã đánh hơi được nơi các anh ở. Anh giữ ba tên này từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều mới cho về. Các anh lập tức chuyển chỗ ở trong đêm. Từ bên này suối qua bên kia suối. Đúng như dự đoán của anh, chín giờ sáng hôm sau, một trung đội địch từ đèo Hải Vân lội xuống chỗ ở cũ của các anh. Súng nổ râm ran cả giờ. Nguyễn Chơn nhắc nhở anh em giữ bí mật nghiêm ngặt hơn.

Đêm giao thừa trôi qua. Ba tháng nữa lại trôi qua. Con tàu mong đợi vẫn không đến. Nguyễn Chơn đưa anh em quay về căn cứ. Sau này gặp được Huỳnh Ba, quê thôn Xuân Dương, xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang - người đi trên con tàu đó, Nguyễn Chơn mới biết: Tàu gặp gió mùa cấp 6, cấp 7 vào đêm giao thừa, tay lái bị gãy, không thể vào theo hướng Hải Vân được. Thuyền trưởng Nguyễn Bất cho tàu ra khơi chờ biển lặng. Tàu bồng bềnh suốt đêm mồng một Tết, gãy tiếp tay lái phụ. Sáng mồng bốn, thuyền trôi gần đảo Lý Sơn.

Theo nguyên tắc tuyệt đối giữ bí mật lúc đó, tất cả số hàng gồm 600kg vải, 400kg ni lông đi mưa, thuốc chống sốt rét, máy làm giấy và toàn bộ súng đạn đều phải thả xuống biển, không để lọt vào tay địch. Tất cả thủy thủ đoàn bị địch bắt vào 4 giờ chiều. Chúng đày đi Côn Đảo đến tháng 4 năm 1974 mới được thả.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Đề cập đến tài cầm quân của Thượng tướng Nguyễn Chơn, Trung tướng Nguyễn Long Cáng, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 khẳng định: “Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Nguyễn Chơn là vị tướng của nhiều giai thoại. Nói về Nguyễn Chơn, có rất nhiều ngôn từ hay nhất về nghệ thuật cầm quân của ông trên khắp chiến trường từ đồng bằng lên Tây Nguyên, từ trong nước qua hai nước bạn Lào và Campuchia. Những câu như: “Cảm nhận khói thuốc súng mới xuất trận”, “Xuất trận là đánh thắng”,“Đánh cho địch không kịp trở tay”, “Nắm thời cơ và kiên quyết”, “Vào tận hang ổ địch để diệt địch”, “Mang sở chỉ huy mình đặt cạnh sở chỉ huy địch”, “Lấy ít đánh nhiều”, “Tiêu diệt gọn, thương vong ít”, “Trí dũng song toàn” “Sáng tạo và táo bạo”, “Thực tế và cụ thể”, “Giỏi đánh giặc, giỏi nắm tâm lý đối phương”...

Thượng tướng Nguyễn Chơn có một phương châm chỉ huy có một không hai mà ông yêu cầu các cán bộ, chỉ huy thuộc quyền của ông phải thuộc lòng là: “1 diệt, 4 cắt”. Nghĩa là, muốn tiêu diệt địch thì phải chú trọng, tập trung diệt sở chỉ huy đầu não của địch, đánh rắn đánh dập đầu; chia cắt bộ binh của địch với không quân, bộ binh với pháo binh, bộ binh với xe tăng và bộ binh với bộ binh nhằm hạn chế hỏa lực địch, phát huy tối đa hỏa lực bắn thẳng của ta.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Để đập tan ý đồ của đế quốc Mỹ và tay sai, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) cơ động vào Quảng Ngãi. Với khí thế tiến công mạnh mẽ, từ ngày 29 đến 31-5-1965, Trung đoàn 1 đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn lính tinh nhuệ của ngụy, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn miền Tây Sơn Tịnh, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong trận này, Nguyễn Chơn với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90 đã xung kích đánh trận Ba Gia lừng lẫy.

Cũng từ đó, Trung đoàn 1 được mang tên Trung đoàn Ba Gia. Từ đêm 17 đến rạng ngày 19-8-1965, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn Ba Gia) hiệp đồng đơn vị đặc công áp sát quân địch và lập nên Chiến thắng Vạn Tường, giáng đòn choáng váng lên quân Mỹ. Năm 1970, Nguyễn Chơn, khi đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, được lệnh tiêu diệt và chặn đứng cuộc hành quân của Sư đoàn American của Mỹ.

Trận này, ông đã dùng chiến thuật “nghi binh nhử địch, phục kích theo thế chân vạc”, khiến quân địch hao tổn lực lượng hết sức nặng nề. Với những chiến công lừng lẫy, tháng 7-1970, Nguyễn Chơn được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trận đánh tiêu biểu quán triệt phương châm “1 diệt, 4 cắt” của Thượng tướng Nguyễn Chơn chính là trận đánh Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Sư đoàn 2 từ nhiệm vụ chủ yếu là “thê đội hai” gấp rút chuyển sang tấn công tiêu diệt Sư đoàn 1 ngụy đổ quân xuống các điểm cao 748, 660 và 462.

Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn đề ra cách đánh: Vừa dùng hỏa lực đánh nát bên trong, vừa thắt chặt dùng lực lượng nhỏ đột phá đánh chiếm từng trận địa giữ lại, dùng 2 tiểu đoàn đón lõng, rồi nới lỏng để địch tháo chạy ra ngoài công sự về phía đông. Sau đó, dùng các mũi tiến công từ phía tây và tây nam xuống để tiêu diệt.

Bày binh bố trận xong, ông chỉ đạo các đơn vị làm theo mệnh lệnh. Điều Tiểu đoàn 40 đảm nhận mũi tấn công chủ yếu; tiểu đoàn công binh, đặc công, ngăn chặn dọc đường giao liên; pháo binh đánh mạnh vào điểm cao 723; phòng không khống chế không cho trực thăng hạ cánh. Trận đánh đã diễn ra đúng như ý đồ của ta. Sư đoàn 2 đã thắng lợi giòn giã ở chiến trường đường 9 Nam Lào.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Năm 1972, Nguyễn Chơn chỉ huy Sư đoàn 2 hiệp đồng với Bộ tư lệnh Tây Nguyên mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Tố chất của một người chỉ huy tài ba đã giúp Nguyễn Chơn rút được kế hoạch tiêu diệt cụm địch trọng yếu Đắc Tô - Tân Cảnh từ 7 ngày xuống còn 24 giờ đồng hồ.

Tính quyết đoán, nắm chắc thời cơ của Thượng tướng Nguyễn Chơn chính là trận tiến công Tam Kỳ mùa xuân 1975. Thời điểm ấy, cấp trên đã phổ biến hướng tiến công vào Quảng Ngãi, nếu thời cơ xuất hiện thì tiến công mạnh vào đầu não địch để hoàn thành công cuộc giải phóng, trong đó Đà Nẵng là mục tiêu chính.

Nguyễn Chơn vốn nhạy bén với tình hình, nên quyết tâm tiến về giải phóng Đà Nẵng. Sau khi thu hút lực lượng Sư đoàn 2 của địch về phía tây Tam Kỳ, ta tiến đánh cho địch tơi tả. Biết được tình hình quân địch ở căn cứ Chu Lai hết pháo, Nguyễn Chơn cho quân thần tốc đánh chiếm Tam Kỳ. Sau đó, chỉ huy các trung đoàn hành quân theo trục đường 1 ra hướng Bắc.

Nguyễn Chơn nhận định, địch đã hoang mang, dao động, biết tin quân ta tiến công như vũ bão thì sẽ càng mau rã ngũ. Thực tế đúng như vậy. Khi Sư đoàn 2 do Nguyễn Chơn chỉ huy tiến ra Đà Nẵng, đánh thẳng vào sào huyệt Quân đoàn 1 thì Tư lệnh Quân đoàn phải cuống cuồng bỏ chạy.

Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, người dành nhiều thời gian nghiên cứu tài cầm quân của vị tướng Đà Nẵng, nói rằng: “Thượng tướng Nguyễn Chơn đã để lại kho tàng lý luận có giá trị to lớn về nghệ thuật chỉ huy. Kho tàng đó được đúc kết, bổ sung vào nền quân sự độc đáo của Việt Nam trong thời bình”.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Bản lĩnh, tài năng và đức độ của Thượng tướng Nguyễn Chơn đã được lịch sử ghi nhận. Lời tựa của cuốn tiểu thuyết sử thi “Vị chỉ huy huyền thoại” của tác giả Đặng Đình Loan – NXB Quân đội nhân dân 2009 có đoạn: “Nguyễn Chơn chiến đấu và chiến thắng hàng trăm trận. Mưu trí sáng tạo, dũng cảm, nắm chắc lực lượng ta, hiểu rõ tình hình địch, quyết đoán, luôn giành thế chủ động, dồn địch vào thế bị động, bất ngờ, sắc sảo trong giải quyết hiệu quả những tình huống ngẫu nhiên mới nảy sinh… là những nét đặc sắc nhất trong cuộc đời chỉ huy trận mạc của Thượng tướng Nguyễn Chơn...”.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Có thể nói, hiếm có cặp vợ chồng nào đặc biệt như Thượng tướng Nguyễn Chơn và Đại tá Trần Thị Lý. Khi cưới nhau cả hai đã là sĩ quan quân đội, hai Anh hùng LLVT nhân dân, hai vị đại biểu Quốc hội.

Thời điểm này, chú rể Nguyễn Chơn là Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, người mà mỗi khi nhắc đến tên ông đều khiến cho quân Mỹ-ngụy trên các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và Hạ Lào khiếp sợ. Còn cô dâu Trần Thị Lý là Đại úy, cán bộ chính trị của Đoàn 871, người con gái quê hương Quảng Bình cùng các chiến sỹ dân quân trải qua 29 trận chiến đấu anh dũng đánh trả máy bay Mỹ.

Nguyên cớ để hai người gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ cũng giản dị như cuộc đời người chiến sĩ của họ vậy. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất cả nước năm 1976 (khóa VI), Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Chơn được bầu là đại biểu Quốc hội. Đầu năm 1977, ông được ra Hà Nội học văn hóa và chính trị ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay).

Trong thời gian này, ông gặp nữ Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý, là đại biểu Quốc hội, cán bộ chính trị Đoàn 871 (TCCT). Vì là cùng dân “Xứ Quảng”, nên hai người đem lòng yêu thương nhau. Sau một thời gian tìm hiểu và được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm vun đắp, đến giữa năm 1977 hai quyết định “về chung một nhà”.

Đám cưới của hai vị anh hùng diễn ra trong không khí ấm nồng và khá đặc biệt vì chủ hôn đám cưới là đồng chí Võ Chí Công, Phó thủ tướng Chính phủ. Điều đặc biệt thứ hai, trong đám cưới, cô dâu, chú rể được nhận quà quý của Bác Hồ là hai chiếc đồng hồ Poljot và mấy mét vải do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác mang đến tặng theo như lời Bác đã nói với Anh hùng Trần Thị Lý trước đây khi chị có vinh dự được gặp Bác: “Lúc nào cháu xây dựng gia đình, báo cho Bác biết để Bác đến chúc mừng”.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Chuyện tình của Thượng tướng Nguyễn Chơn với nữ Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý là những những tháng ngày hạnh phúc, viên mãn. Nhưng rồi năm 1998, bà Trần Thị Lý đã từ trần để lại cho ông khoảng trống không gì bù đắp được. Thế nên mỗi khi xem những thước phim ghi lại khoảnh khắc đầm ấm, hạnh phúc bên người vợ hiền cùng hai con gái Hồng Dung, Thanh Bình là mắt ông đẫm lệ, đôi vai gầy rung lên.

Cả cuộc đời chinh chiến của ông gắn với những giai thoại: “Đánh cho địch không kịp trở tay”, “vào tận hang ổ địch để diệt địch”, “mang sở chỉ huy mình đặt cạnh sở chỉ huy địch”...

Trong chiến đấu, ông dũng mãnh là thế, nhưng mỗi khi nhắc đến đồng đội, nhân dân đã hy sinh, ông luôn tràn đầy cảm xúc và mau nước mắt. Những năm đã nghỉ hưu, ông hay dành thời gian thăm lại các địa phương, các gia đình từng giúp đỡ, cưu mang ông và đơn vị trong chiến đấu. Ông day dứt là chưa có điều kiện làm tốt hơn công tác quy tập mộ liệt sĩ...

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Trong lần đến thăm Thượng tướng Nguyễn Chơn, tôi thực sự ấn tượng bởi nội dung câu đối trang trọng treo tại phòng khách: “Trai trẻ lẫy lừng nơi trận mạc. Tuổi già đúc kết trí cầm quân”.

Giờ ông mất, đọc tiểu sử và những trang sách, bài thơ viết về ông, ngẫm nghĩ lại những dòng trên câu đối, tôi mới hiểu vì sao mọi người lại tôn trọng, tiếc thương ông đến vậy. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, từ người chiến sĩ đến vị tướng, Nguyễn Chơn đều là tấm gương mẫu mực về lối sống cũng như phương pháp, tác phong công tác.

Ông thường nói “dụng nhân như dụng mộc”, cán bộ chiến sĩ còn khiếm khuyết thì phải nghiêm khắc nhắc nhở, phê bình, nhưng phải trên cơ sở tạo điều kiện để họ phấn đấu, tiến bộ, chứ không phải phê bình theo lối chì chiết, trù dập. Muốn vậy, người cán bộ, chỉ huy phải gương mẫu để cho chiến sĩ noi theo. Vì thế, ngay cả trong thời kỳ chiến trường “Khu 5” gian khổ, ác liệt, khó khăn là vậy nhưng 100% cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Tháng 5-1987, Trung tướng Nguyễn Chơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách tác chiến. Sau này khi đã là Thượng tướng, Thứ trưởng BQP, ông là người trực tiếp đi khảo sát Trường Sa và các tuyến đảo gần bờ, tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng về xây dựng chiến lược phòng thủ Biển Đông, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, công trình phòng thủ dọc tuyến biên giới, biển đảo, thể hiện tầm nhìn chiến lược về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Tận hiếu, tận trung với Đảng, với cách mạng; tận tình, tận nghĩa với đồng đội, với nhân dân, thế nên khi Thượng tướng Nguyễn Chơn về cõi vĩnh hằng vào lúc 11 giờ ngày 30-12-2015, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tỏ lòng tiếc thương vô hạn. “Nghe tin Thượng tướng Nguyễn Chơn mất, tôi không cầm được nước mắt. Vậy là anh đã đi về cõi vĩnh hằng! Cách đây chưa lâu, tôi còn được đồng đội thông báo là anh đang điều trị tại Viện 108, sức khỏe có dấu hiệu tiến triển, vậy mà…”. Đại tá Huỳnh Phương Bá, nguyên Chính ủy Trung đoàn Pháo binh 573 – người có thời gian gắn bó với Thượng tướng Nguyễn Chơn, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời tâm sự đầy cảm động, chân thành như thế. Theo Đại tá Huỳnh Phương Bá, Thượng tướng Nguyễn Chơn là một tài năng quân sự thiên bẩm có trái tim quả cảm, bởi ông khởi đầu ít học lý thuyết quân sự mà giỏi thực hành, đánh trận gan lỳ và đầy sáng tạo táo bạo, bất ngờ.

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó trưởng phòng Quân báo Quân khu 5, rưng rưng xúc động: Thượng tướng Nguyễn Chơn là nhà quân sự tài ba, là vị vị chỉ huy yêu thương cấp dưới như ruột thịt.

Ông xứng đáng với những vần thơ, bài văn, trang sách tôn kính viết về ông: “Dùng người như Thần toán. Quyết đoán như Thái sơn. Kỷ cương như sắt thép. Mưu trí thật phi thường. Uy danh trùm bờ cõi. Ngàn thu tỏa ánh dương”.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5, cảm động khi nói về người thầy, người anh của mình: “Dẫu biết rằng, ở tuổi 89, lại mấy năm nằm trên giường bệnh, nên Thượng tướng Nguyễn Chơn về với tổ tiên là điều đã được dự báo từ trước. Thế nhưng, thông tin về sự ‘ra đi’ của Thượng tướng vẫn khiến hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung rưng rưng xúc động và tỏ lòng tiếc thương vô hạn. Hình ảnh vị tướng huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam đã in đậm trong trái tim của mỗi con người...”.

Trung tướng Nguyễn Long Cáng khẳng định, Thượng tướng Nguyễn Chơn là một nhân cách lớn về đạo đức cách mạng, hết mực yêu thương cán bộ, chiến sĩ. Trưởng thành từ người chiến sĩ cảm tử quân rồi trở thành người chỉ huy các cấp, Thượng tướng Nguyễn Chơn đã không ngừng phát triển tư duy sáng tạo và vận dụng kinh nghiệm thực tiễn để tìm ra cách đánh tốt nhất, luôn dành cho quân địch những đòn bất ngờ.

Bài học luôn tạo thế chủ động để đánh địch và tư duy về nghệ thuật quân sự của Thượng tướng Nguyễn Chơn luôn được các đơn vị trong quân khu học tập, ứng dụng trong huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung
Thượng tướng Nguyễn Chơn để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và đồng bào cả nước.

Bây giờ thì “Con chim ưng trên sóng duyên hải Miền Trung” đã ngừng bay. Trong những năm tháng gắn bó với chiến trường “Liên khu 5”, Thượng tướng Nguyễn Chơn cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ qua các thời kỳ đã biết dựa vào dân, kiên cường trụ vững trên địa bàn chiến lược, trọng điểm; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện.

Cầm súng đánh giặc từ rất sớm, trưởng thành từ phong trào cách mạng địa phương, phát triển lên tới cấp Thứ trưởng, quân hàm Thượng tướng, những gì ông và đồng đội đã cống hiến đều là vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Giản dị mà khiêm tốn, thẳng thắn mà chân thành, nhân ái và bao dung, phẩm chất bình dị, cao quý ấy cũng đã nói lên ân tình của vị tướng một thời xông pha trận mạc.

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung

  • Thượng tướng Nguyễn Chơn – Con chim ưng trên sóng duyên hải miền Trung
  • Nội dung: PHAN TIẾN DŨNG
  • Ảnh: Xuân Quang, bqp.vn, vtc.vn, tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRẦN HOÀI - QUỲNH OANH

top