Đại tướng Hoàng Văn Thái – Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội ta
Ngày 7-9-1945 Bộ Tổng Tham mưu được thành lập. Ông Hoàng Văn Thái được chỉ định làm Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên khi mới 30 tuổi. Ba năm sau, ông được phong quân hàm Thiếu tướng – một trong những Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1980, ông Hoàng Văn Thái được thăng quân hàm Đại tướng – vị Đại tướng thứ 4 của Quân đội Nhân dân Việt Nam (sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Văn Tiến Dũng). Cuộc đời ông gắn bó nhiều năm với cơ quan tham mưu chiến lược.
Đại tướng Hoàng Văn Thái tên thật là Hoàng Văn Xiêm, sinh tháng 5-1915 tại làng An Khang, tổng Đại Hoàng (nay là xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Hoàng Văn Xiêm là một học sinh chăm chỉ, ham học nhưng năm 13 tuổi đã phải bỏ học đi làm thuê.
Đồng chí Hoàng Văn Thái năm 1945.
Thông tin từ Cổng thông tin Điện tử Bộ Quốc phòng cho biết: Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân, tổ chức các hội Tương tế, Ái hữu, tham gia chống thuế, chống bắt phu, bắt lính; tuyên truyền và tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trong nhân dân. Tháng 3-1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9-1940, ông bị địch bắt, không tìm được chứng cứ, địch buộc phải thả. Tháng 10-1940, ông hoạt động bí mật ở căn cứ Lạng Giang, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang), tham gia xây dựng và làm Đội trưởng Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Tháng 9-1941, ông lấy bí danh là Quốc Bình, cùng với Hoàng Minh Thảo, Đàm Quang Trung, Vũ Lập được cử đi học tại trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Tháng 10-1944, ông về nước và được giao nhiệm vụ quan trọng.
Ngày 22-12-1944, Hoàng Văn Thái là một trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, được phân công là người cầm lá cờ trong buổi lễ thành lập đội. Trong trận đánh đồn Nà Ngần, ông cũng là người cắm lá cờ chiến thắng.
Những ngày cuối tháng 8-1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng (khi về Thủ đô đã cải tổ thành Chính phủ lâm thời) Hồ Chí Minh cùng nhiều cán bộ rời Tân Trào (huyện Sơn Dương – tỉnh Tuyên Quang) về Hà Nội. Ông Hoàng Văn Thái cùng một số cán bộ khác như Lê Giản, Trần Thị Minh Châu… ở lại Tân Trào.
Một hôm, đang ở Lục Yên (khi đó còn thuộc tỉnh Tuyên Quang) bàn bạc công việc cùng các ông Song Hào, Tạ Xuân Thu,… ông Thái nhận được thư của ông Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ lâm thời - gọi về Hà Nội gấp. Chiều 6-9-1945, ông Hoàng Văn Thái có mặt tại Thủ đô, sáng hôm sau, ông đến Bắc Bộ phủ.
Đại tướng Hoàng Văn Thái trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị kháng chiến toàn quốc năm 1950.
Hà Nội vẫn còn đây dư âm hân hoan của ngày Lễ độc lập. Trên mỗi đường phố, trên từng mái nhà, lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay. Băng-rôn, khẩu hiệu, tiếng Việt có, tiếng nước ngoài có, căng cao trên các đường phố, ở mỗi ngã tư, ngã năm. Có cả tiếng đồng ca trầm hùng của một nhóm thanh niên nam nữ đang tập hát bài Diệt phát xít của nhạc sĩ trẻ không chuyên Nguyễn Đình Thi: “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than/ Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang…”.
Đúng 7 giờ sáng, ông Hoàng Văn Thái qua cổng Bắc Bộ phủ. Lên đến gác hai, nơi có phòng làm việc của Hồ Chủ tịch, đã thấy ông Võ Nguyên Giáp đang đợi. Hai người cùng đi vào phòng, thấy Hồ Chủ tịch đang chăm chú ghi chép gì đó. Hai ông lên tiếng chào, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngẩng đầu lên, rồi nhanh nhẹn đứng dậy bắt tay hai ông, mời hai ông ngồi và hỏi:
- Thế nào, chú Bình, à chú Khang, có mạnh khỏe không, đi đường xa có mệt không?
Ông Thái có chút ngỡ ngàng vì trí nhớ của cụ Chủ tịch. Ngô Quốc Bình là tên ông hồi còn học ở Trường quân sự Điền Đông (Hoa Nam – Trung Quốc), còn Khang là tên hồi ông ở Khu giải phóng. Lúc này, tên chính thức của ông là Hoàng Văn Thái. Ông được Chủ tịch Chính phủ gọi từ Tân Trào về để trao một trọng trách mới. Trong Chính phủ đã có Bộ Quốc phòng do ông Chu Văn Tấn làm Bộ trưởng. Nay phải thành lập cơ quan tham mưu để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang toàn quốc. Ông Hoàng Văn Thái được tín nhiệm giao làm Tổng Tham mưu trưởng… Nghe xong, ông băn khoăn:
- Thưa Bác, việc này lớn quá, cháu chưa làm nổi… Vả lại, cháu chưa biết gì về công việc tham mưu…
Những cán bộ thời kỳ đầu thành lập Bộ Tổng Tham mưu.
Từ một chiến sĩ Cứu Quốc quân, ông đã có mấy năm ra nước ngoài học quân sự ở Điền Đông, kiến thức quân sự của ông được mở mang thêm. Về nước, ông đảm nhiệm công tác trinh sát của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân rồi cùng ông Thanh Phong phụ trách 2 khóa Quân chính kháng Nhật ở Khu giải phóng. Chưa bao giờ ông Thái nghĩ mình sẽ làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.
- Chúng ta làm cách mạng, bây giờ đã giành được chính quyền, nhưng chú thấy, trong Chính phủ đã ai biết điều hành chính quyền thế nào đâu? – Chủ tịch Hồ Chí Minh thuyết phục ông Hoàng Văn Thái - Làm cách mạng, phải vừa làm, vừa học. Chú chưa hiểu về công tác tham mưu, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, sẽ có nhiều khó khăn, nhưng phải rút kinh nghiệm dần dần, phải vừa làm, vừa học, miễn là có chí thì thế nào cũng học được, làm được.
Bác dặn ông câu cuối cùng: - Chú cứ về bàn bạc với anh em đi.
Bộ Tổng Tham mưu những ngày trứng nước ấy, cán bộ phụ trách tuổi đời cũng chỉ trên dưới ba mươi, tất cả đều mới bắt tay vào nắm chính quyền. Đại tá Trần Trọng Trung, người thư ký của ông Hoàng Văn Thái, đã kể lại: Sau khi nhận nhiệm vụ thành lập cơ quan, trong cuộc họp đầu tiên, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và 6 cán bộ ngồi trên chiếc chiếu rải trên sàn một căn phòng không bàn không ghế.
Ông Hoàng Đạo Thúy, vị huynh trưởng Hướng đạo toàn Đông Dương, có “tên rừng” Hổ Sứt, là người cao tuổi nhất năm ấy 45 tuổi. Ông Thúy còn là một nhà giáo viết văn, tác giả các đầu sách “Nghề thầy” và “Trai nước Nam làm gì” được thanh niên hân hoan tìm đọc. Ông có biết về một số kiến thức về thông tin liên lạc. Thêm vào đó, mấy cựu binh sĩ vốn là sĩ quan, hạ sĩ quan khố xanh, khố đỏ thời Pháp, được giác ngộ và có mặt ở cơ quan tham mưu. Ông Mai Hữu Thao biết ít nhiều về công tác tham mưu trung đoàn của quân đội Pháp. Ông Nguyễn Văn Trang (tức Nguyễn Văn Nấp) lo toan sinh hoạt vật chất toàn cơ quan. Kiến thức quân sự của họ tuy còn rất hạn chế so với yêu cầu của một sĩ quan tham mưu chiến lược, nhưng lúc đó đã là vốn quý. Tiếp đó, ông Hoàng Minh Đạo mới 22 tuổi, từ Chiến khu Đông Triều về có chút kinh nghiệm về công tác nắm địch được phân công phụ trách tình báo…
Vừa học vừa làm, chỉ một tuần sau, bộ máy cơ quan Bộ Tổng Tham mưu dần hình thành, nhưng quân số cũng chỉ khoảng 20 người. Các ông Mai Hữu Thao và Đỗ Xuân Sáng phụ trách tác chiến; Hoàng Minh Đạo và Bùi Huy Bê lo việc tình báo; Hoàng Đạo Thúy và Vũ Hán Thăng, Lê Dung làm thông tin liên lạc, Tạ Quang Đệ (Quang Đạm) và Đinh Loan Thuyên phụ trách mật mã; Nguyễn Chính (Du Phong) và Nguyễn Văn Trang làm công việc Văn phòng, quản lý nội bộ... Đến đầu năm 1946, Phòng Nhân sự (sau này là Quân lực) mới hình thành và từ đầu tháng 4 do ông Trần Văn Lư – nguyên Chủ tịch Hội Binh sĩ Cứu quốc làm Trưởng phòng.
Chưa một ai biết về công tác tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược. “Cả về trình độ nghiệp vụ tham mưu cũng như về cơ sở vật chất, tất cả đều bắt đầu từ con số 0”, Đại tá Trần Trọng Trung cho biết.
Chỉ riêng Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là người có kiến thức quân sự hơn các thành viên khác trong cơ quan lúc đó nhờ trải qua chiến đấu ở căn cứ du kích Bắc Sơn và học lớp huấn luyện quân sự Điền Đông (Hoa Nam – Trung Quốc). Tiếp đó, ông hoạt động trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và phụ trách hai khóa huấn luyện của Trường Quân chính kháng Nhật ở Tân Trào.
Bài ca “Phất cờ Nam tiến” do ông Hoàng Văn Thái sáng tác hồi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ và thiết thực những ngày Đội tiến quân trên trục đường từ Ngân Sơn sang Chợ Rã, xuống Chợ Đồn, Chợ Chu. Đại tá Trần Trọng Trung đã viết như vậy khi nhớ đến người thủ trưởng của mình qua một tác phẩm dày dặn, khái quát hành trình của đội quân từ nhân dân mà ra đã đi một chặng đường dài hơn 30 năm từ hang Cốc Bó (Cao Bằng) đến Dinh Độc Lập (Sài Gòn).
Bài hát "Phất cờ Nam tiến". Nguồn QĐND
Trong Mùa Xuân chiến đấu do liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng phát động diễn ra cuối tháng 2-1945, dưới sự chỉ huy của Hoàng Sâm, trận phục kích trên đường Nà Ngần - Đèo Gió đã tiêu diệt gọn đoàn xe vận tải của địch. Tiếng hát “Phất cờ Nam Tiến” vang lên cùng khẩu hiệu "tiến mạnh về phía Nam", chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ tổng khởi nghĩa. "Cờ giải phóng phất cao mau thắng tiến/ Trời phương Nam dân chúng đang chờ ta"... Những lời ca hùng tráng ấy ra đời do một chàng trai quê lúa Thái Bình chẳng được đào tạo qua một lớp học nào về âm nhạc. Đó là những ca từ mong ước trong sâu thẳm trái tim người dân mất nước đang khát khao cháy bỏng cởi ách nô lệ, giành độc lập dân tộc.
Nhà báo Khánh Vân chia sẻ về hoàn cảnh ra đời bài hát "Phất cờ Nam Tiến" mà chúng tôi tóm lược lại dưới đây:
Nắng chiều cuối ngày 22-12-1944 nhạt dần. Hoàng Văn Thái (lúc này mang bí danh là Khang) vừa trở về lán, thì có tin đồng chí Văn (bí danh của ông Võ Nguyên Giáp) đang tìm. Ông hối hả đến, thấy ông Văn đang trò chuyện cùng ông Xích Thắng – Chính trị viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tươi cười, ông Văn nói với ông Khang:
Đại tướng Hoàng Văn Thái vui văn nghệ.
- Tôi nghe anh em kể đồng chí có biết ít nhiều về âm nhạc phải không?
Nghe hỏi vậy, ông Khang trả lời: - Biết chút ít nhạc dân tộc thôi anh ạ.
Ông Văn khuyến khích: - Đồng chí thử xem có sáng tác được một bài hành khúc cho Đội không?
Sững người. Chưa bao giờ ông Thái dám nghĩ mình lại có thể sáng tác được bài hát, lại còn là một bài hành khúc. Từ những ngày còn ở quê nhà Thái Bình, ông có biết chơi một vài nhạc cụ dân tộc như nhị, hồ, đàn tứ. Khi trổ các bài Lưu thủy, Hành vân, Xuân nữ, Bình bán… thì cũng luyến láy ra trò. Song ông nào dám nghĩ đến sáng tác. Lần này, ông Văn lại giao sáng tác phục vụ theo yêu cầu của đoàn thể thì ông phải gắng làm. Những người thoát ly gia đình đi làm cách mạng giải phóng dân tộc đâu có ai được quyền lựa chọn nhiệm vụ, quần chúng và đoàn thể cần gì là phải tự mày mò để hoàn thành.
Không biết ghi nốt nhạc. Cũng chẳng có nhạc cụ nào trong tay kể cả cây đàn tứ, ông Hoàng Văn Thái nghĩ chỉ có cách hát lên lời cho thành làn điệu là thuận nhất. Phải có ngay một bài hát để động viên đội quân vừa thành lập đang chuẩn bị đánh trận đầu tiên.
Đoàn quân nhạc chơi bài "Phất cờ Nam tiến" Tết năm 1969. Ảnh: Đại Đoàn Kết.
Bên đống lửa chập chờn dưới sương khuya, ông Hoàng Văn Thái ngồi bó gối một mình. Cứ nghĩ về lời ca đã. Ký âm các nốt nhạc sẽ tính sau. Ông nhớ đến những ý kiến trao đổi khá sôi nổi về tiền đề của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân: "Nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".
"Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến" – ông cất giọng khe khẽ rồi nhẩm lại cho nhớ và hát tiếp: "Trời phương Nam dân chúng đang chờ ta"... Câu sau nối câu trước. Ông nhẩm vài lần rồi lại hát tiếp: "Mau phất cờ lên cho kịp thời cơ".
Quá nửa đêm, ông cảm thấy rất phấn chấn dù mới làm được năm câu. Ghi lại những câu hát đã thuộc, rồi hát, rồi ghi tiếp: "Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long, trên thành Huế, Sài Gòn, trên mũi Cà Mau", "Tiến bước mau nhằm phía Nam ta thẳng tiến".
Khi gà rừng eo óc gáy báo trời đã sắp sáng thì cũng là lúc Hoàng Văn Thái hoàn thiện câu hát cuối cùng: "Quyết đem máu hồng thề giành lại non sông".
Bài hát "Phất cờ Nam tiến" nhanh chóng lan khắp các châu huyện thuộc Chiến khu đang nô nức thành lập các đội vũ trang địa phương.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội, ông cùng với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch tác chiến của Tư lệnh Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ. Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội đã kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong thành phố hai tháng, thêm thời gian chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Sau đó, Bộ Tổng Tham mưu lên Việt Bắc lại một phen hú vía khi thực dân Pháp nhảy dù tấn công đúng cơ quan đầu não hồi tháng 10-1947.
Ngày 20-1-1948, Hoàng Văn Thái nhận quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên. Từ năm 1949, ông đã đề xuất hệ thống ký hiệu tổ chức đơn vị quân đội Việt Nam theo ký hiệu ABC, được sử dụng thống nhất trong toàn quân cho đến ngày nay.
Sự lúng túng bỡ ngỡ trong những ngày đầu qua đi sau đó. Tổng Tham mưu trưởng dần dày dặn kinh nghiệm. Ông đã lần lượt có mặt tại nhiều trận đánh và nhiều chiến dịch, vừa làm công tác tham mưu vừa là Tư lệnh, tiểu biểu như trận Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (Thu đông 1950).
Ngày 25-7-1950, Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới gồm các ông: Võ Nguyên Giáp – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh; Hoàng Văn Thái – Tham mưu trưởng; Lê Liêm – Chủ nhiệm Chính trị; Trần Đăng Ninh – Chủ nhiệm Hậu cần và Bùi Quang Tạo. Trước khi Tư lệnh Mặt trận Võ Nguyên Giáp lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn: “Chiến dịch này quan trọng, chỉ được thắng, không được thua”.
Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chọn Đông Khê làm trận mở màn chiến dịch. Bộ Tư lệnh Mặt trận chỉ định Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Chỉ huy trưởng trận đánh Đông Khê, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 (Sông Lô) Lê Trọng Tấn làm chỉ huy phó. Tham gia Chiến dịch Biên giới (Thu đông 1950) có Đại đoàn 308 (Quân Tiên phong) nhận nhiệm vụ tiêu diệt quân tiếp viện từ Thất Khê lên hoặc từ Cao Bằng rút về; hai trung đoàn mạnh trực thuộc Bộ là Trung đoàn 209 (Sông Lô) và Trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng) có nhiệm vụ tiêu diệt đồn Đông Khê. Trợ chiến đánh Đông Khê có Tiểu đoàn 11 và Tiểu đoàn 426 của Liên khu Việt Bắc cùng với lực lượng pháo binh yểm trợ.
Trung tướng Hoàng Văn Thái (thứ 2 từ trái qua) tại lễ phong quân hàm cấp tướng năm 1959.
Ngày 26-11-1953, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái dẫn đầu đoàn cán bộ tiền trạm Bộ Tư lệnh tiền phương lên đường đi Tây Bắc. Ông được bí mật cử làm Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 30-11, ông dừng lại nghiên cứu tập đoàn cứ điểm Nà Sản rất kiên cố của Pháp. Chính những nghiên cứu thực địa kỹ lưỡng này đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm cho trận quyết chiến Điện Biên Phủ với công sự kiên cố của quân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, có mặt tại cơ quan Tổng hành dinh - Nhà Con Rồng chỉ đạo tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).
Các vị tướng chỉ huy Miền năm 1968 - Từ phải sang trái: Hoàng Văn Thái, Trần Độ, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Ngô Vương Anh, trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã nhận định: “Dù bằng cách nào và bất cứ khi nào thời cơ chiến lược xuất hiện, bản kế hoạch yêu cầu các lực lượng phải ngay lập tức hành động và khai thác triệt để thời cơ, mở cuộc tấn công bằng mọi sức mạnh có thể có để giành toàn thắng trong thời gian ngắn nhất có thể được trước khi "đối phương có xu hướng can thiệp", nghĩa là trước khi Hoa Kỳ và Trung Hoa kịp có phản ứng”.
Mùa xuân năm 1975, ông được phân công là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng chi viện, Phó Tổng Tham mưu trưởng Thứ nhất và trên thực tế ông đã đảm nhiệm vai trò Tổng Tham mưu trưởng lần thứ ba, thay cho tướng Văn Tiến Dũng bí mật vào Nam để trực tiếp chỉ huy chiến trường. Năm 1980, ông được phong quân hàm Đại tướng. Trước Đại hội Đảng lần thứ VI, ngày 2-7-1986, ông đột ngột qua đời.
Kinh qua hai cuộc kháng chiến, ông đã tham gia chỉ huy 15 chiến dịch lớn, được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Ông là vị tướng tham mưu tài giỏi, là linh hồn của Bộ Tổng Tham mưu. Người Mỹ đã từng coi ông là người số 1 trong Danh sách Việt Cộng tại miền nam Việt Nam.
- Nội dung: KIỀU MAI SƠN
- Ảnh: TƯ LIỆU
- Kỹ thuật, đồ họa: VĂN DUYÊN - TÔ NGỌC - QUỲNH OANH