LONGFORMThúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên WEF lần thứ 55 tại Davos, Thụy Sĩ (Hội nghị WEF Davos) và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến 23-1.

Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh

WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu với vai trò diễn giả chính tại Phiên đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” nhân tham dự Hội nghị WEF Davos 2024 ở Davos, Thụy Sĩ, chiều 16-1-2024. Ảnh: TTXVN

Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019, 2024) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó thủ tướng); 2 lần tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong WEF tại Thiên Tân/Đại Liên (2023, 2024); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó thủ tướng Chính phủ).

Hội nghị WEF Davos năm nay có chủ đề “Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh”, bao gồm 5 nội dung trọng tâm: (i) Tái định hình tăng trưởng; (ii) Các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên thông minh; (iii) Đầu tư vào nguồn nhân lực; (iv) Bảo vệ hành tinh; (v) Tái thiết lòng tin. Hội nghị dự kiến có sự tham dự của khoảng 2.700 đại biểu, trong đó có khoảng 60 người đứng đầu các chính phủ, nhà nước, tổ chức quốc tế và đại diện hoàng gia các nước, lãnh đạo các tập đoàn lớn, các giáo sư, học giả, đại diện các tổ chức phi chính phủ...

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" nhân dự Hội nghị WEF Davos 2024. Ảnh: TTXVN

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều sự bất định, với thuận lợi và thách thức đan xen. Trong khi đó, khoa học-công nghệ và xu hướng đổi mới sáng tạo có sự phát triển đột phá, tác động sâu rộng, đa chiều trên phạm vi toàn thế giới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong quản lý, quản trị toàn cầu.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên WEF 2023 tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: baochinhphu.vn

Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và WEF ngày càng được triển khai mạnh mẽ và thực chất. Lãnh đạo hai bên thường xuyên tiếp xúc, thúc đẩy các chương trình hợp tác, triển khai hiệu quả biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai bên giai đoạn 2023-2026. Ngày 25-9-2024, hai bên khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại Thành phố Hồ Chí Minh, là C4IR thứ 2 trong mạng lưới 19 C4IR của WEF trên toàn cầu.

Việc WEF liên tục mời Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị thường niên toàn cầu cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam; đồng thời khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, phát triển, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đây còn là dịp để Việt Nam chuyển tải thông điệp về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh; qua đó khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo, đột phá; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, biến ý tưởng thành hành động, kết quả cụ thể.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) gặp Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, Bảo vệ dân sự và Thể thao Thụy Sĩ Viola Amherd nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, tháng 10-2024. Ảnh: VOV

Song song với đó, quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ cũng phát triển tích cực. Hai bên duy trì thường xuyên tiếp xúc cấp cao, nổi bật gần đây là việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Thụy Sĩ nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (10-2024). Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều 11 tháng của năm 2024 đạt 732,7 triệu USD.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas nhân dịp đoàn đại biểu cấp cao Hạ viện Thụy Sĩ thăm chính thức Việt Nam, tháng 6-2023. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11-2024, Thụy Sĩ là nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu và đứng thứ 20/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 220 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 2,113 tỷ USD.

Việt Nam-Séc: Đối tác hợp tác truyền thống hữu nghị

Việt Nam có mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời với Séc. Từ năm 1950, Séc là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Séc luôn được giữ gìn và phát triển. Nhân dân Việt Nam luôn nhớ đến sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức quý báu về vật chất và tinh thần của nhân dân Séc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước sau này. Đây là tiền đề hết sức thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Séc trên mọi lĩnh vực.

Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nổi bật gần đây là đoàn Thủ tướng Séc Petr Fiala thăm Việt Nam (4-2023) và đoàn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (nay là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) thăm Séc (6-2023).

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala nhân dịp thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến 22-4-2023. Ảnh: TUẤN HUY

Kim ngạch thương mại hai chiều 11 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 1,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Séc 1,6 tỷ USD. Thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như: Cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giầy dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính… Việt Nam nhập khẩu từ Séc: Hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thủy tinh… Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế ngoài EU. Séc là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Năm 1998, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước được thành lập. Sau khi Séc gia nhập EU, hai bên đã thành lập mới Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế dựa trên Hiệp định Hợp tác kinh tế ký năm 2006. Hai bên dự kiến sẽ tiến hành Khóa họp UBLCP lần thứ VIII tại Hà Nội vào Quý I/2025.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bà Jana Cernochova, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Séc duyệt Đội danh dự QĐND Việt Nam, ngày 7-12-2022. Ảnh: TRỌNG HẢI

Về hợp tác quốc phòng, việc Séc mở Phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Việt Nam vào tháng 8-2020, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước trong các lĩnh vực: Hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phòng không-không quân, công nghiệp quốc phòng... Hai bên còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là trên các lĩnh vực như: Đào tạo, công nghiệp quốc phòng, bảo đảm kỹ thuật...

Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, văn hóa, thể thao phát triển tích cực. Cộng đồng người Việt Nam ở Séc có gần 100.000 người, hội nhập tốt với xã hội sở tại, được Séc công nhận là dân tộc thiểu số vào năm 2013, có truyền thống đoàn kết, hướng về quê hương, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại và quan hệ hai nước.

Còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ba Lan

Việt Nam và Ba Lan lập quan hệ ngoại giao ngày 4-2-1950. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nổi bật gần đây là đoàn Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm Ba Lan (3-2024) và đoàn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan thăm Việt Nam (2023).

Về kinh tế-thương mại, Ba Lan là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung và Đông Âu; Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Ba Lan tại ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều giai đoạn 2021-2023 đều đạt trên 2,5 tỷ USD/năm. Kim ngạch trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 3,151 tỷ USD.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ba Lan Zbigniew Rau, chiều 16-3-2023.

Tính đến cuối tháng 10-2024, Ba Lan đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 473 triệu USD, hình thức chủ yếu là 100% vốn nước ngoài. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư 1,84 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế biến.

Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước thời gian qua tiếp tục được quan tâm thúc đẩy, nhất là từ khi hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương (năm 2010), nổi bật trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn, đào tạo nguồn nhân lực và công nghiệp quốc phòng.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp xã giao Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel, chiều 17-1-2022. Ảnh: PHƯƠNG LINH

Tuy nhiên, dư địa để tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, tài nguyên-môi trường, văn hóa, du lịch, trùng tu di tích, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông, lao động...

Chuyến thăm chính thức Ba Lan và Séc, tham dự Hội nghị WEF Davos 2025 và làm việc song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là minh chứng rõ nét cho sự phát triển tích cực, tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt; đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy tin cậy chính trị, đưa quan hệ hợp tác với WEF, Thụy Sĩ, Ba Lan và Séc tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới. Chuyến thăm góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ

  • Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với WEF, Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ
  • Nội dung: LINH OANH
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top