LONGFORMNhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục

Ngành giáo dục và đào tạo đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ lớn, trọng trách nặng nề, thực hiện trong bối cảnh toàn xã hội trong giai đoạn chuyển đổi. Hơn bao giờ hết, nhà giáo cần phải bám vững chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề nghiệp, đó là sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2023), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi gắm thông điệp mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo để đồng hành cùng tiến trình phát triển của xã hội.

Hơn 1,6 triệu nhà giáo đang vượt qua thách thức để vẫn yêu nghề, hy sinh vì học trò

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục đang trong giai đoạn đổi mới toàn diện, đội ngũ nhà giáo hiện nay có đáp ứng được yêu cầu này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chưa bao giờ ngành giáo dục có được một lực lượng nhà giáo đông đảo như thời điểm này, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô.

Dù hiện nay giáo viên đang thiếu khá nhiều, nhưng đó là xét về mặt nhu cầu để phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và đảm nhiệm đủ người giảng dạy cho số học sinh, trẻ em ngày càng tăng. So với nhiều năm về trước, đây là giai đoạn lực lượng nhà giáo lớn mạnh, đông đảo. Đây là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành để thực hiện những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: vietnamnet.vn

Về chất lượng, nhà giáo được đào tạo tốt hơn hẳn so với giai đoạn trước. Tỷ lệ nhà giáo được đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là giảng viên đại học, số lượng người có trình độ tiến sĩ tăng đáng kể. Nhà giáo cũng được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp giảng dạy, khoa học giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Luật Giáo dục 2019 đặt vấn đề về nâng chuẩn, đặt yêu cầu cao hơn với việc nâng cao trình độ của nhà giáo một mặt là áp lực, nhưng về tổng thể đã thúc đẩy nhà giáo nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đổi mới, cũng như về chất lượng giáo dục.

Nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng vẫn giữ được tinh thần, phẩm chất, nhiệt thành của nhà giáo từ trong truyền thống. Trên 1,6 triệu nhà giáo vẫn là những người rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng người; vẫn đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức để vẫn yêu nghề, hy sinh vì học trò, chăm lo cho các thế hệ học trò.

Lực lượng nhà giáo cũng đang không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp 4.0, hoàn thành tốt công việc của mình. Đây là điều tôi rất ấn tượng và tự hào.

Đứng trước những yêu cầu mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước, tôi tin tưởng lực lượng nhà giáo sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn toàn có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Toàn ngành đang đứng trước thách thức rất lớn, thách thức của sự phát triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Nhưng những thách thức, áp lực như vậy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, tiếp tục trưởng thành.

Phóng viên (PV): Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Những khó khăn mà ngành giáo dục đang đối mặt để giúp đội ngũ nhà giáo vượt qua cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và thay đổi?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đối với lực lượng nhà giáo, tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn đó là các cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo.

Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục
Các nhà giáo tham gia tập huấn STEM nâng cao nghiệp vụ sư phạm.

Chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Trong vòng 3 năm học, tính từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến hơn 40.000. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người.

Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000 biên chế mới. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.

Khó khăn đến từ sự chuẩn bị các điều kiện ở phía địa phương cho công cuộc đổi mới. Do điều kiện kinh tế, mức độ quan tâm cũng như khó khăn khác nhau của mỗi địa phương dẫn đến việc đáp ứng điều kiện cho đổi mới còn nhiều hạn chế.

Thực tế, trước khi đổi mới giáo dục đã có nhiều khó khăn chưa khắc phục xong, giờ lại phải bước vào một hành trình đổi mới với nhiều khó khăn hơn. Ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, thách thức sẽ còn chồng chất hơn nữa nếu như không có sự hỗ trợ hiệu quả. Trong khi đó, ở các đô thị lớn lại gặp khó khăn về sự dịch chuyển dân cư cơ học, tăng dân số cao, thiếu đất để xây trường. Như vậy, mỗi nơi đều có các khó khăn riêng.

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục
Những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn. Có rất nhiều nhà giáo đang cắm bản ở tạm không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2-3 trình độ…

Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt

Phóng viên (PV): Điểm thấy rõ nhất trong nhiệm kỳ của mình là Bộ trưởng đã có nhiều chính sách tốt để phát triển, hỗ trợ nhà giáo. Tuy nhiên, để những quan tâm này thực sự hiệu quả, chúng ta cần làm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trước hết phải khẳng định thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến giáo dục và lực lượng nhà giáo, có rất nhiều những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Tuy nhiên, nhà giáo vẫn có những mong đợi để công việc tốt hơn.

Trong đó nhà giáo mong chờ trước hết khi đặt ra nhiệm vụ lớn, đòi hỏi cao thì mong Nhà nước có thêm những chính sách đảm bảo được đời sống của nhà giáo, nhà giáo có thể hoàn toàn sống bằng lương, chỉ làm một công việc của nhà giáo mà có thể sống được. Đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên trẻ.

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục
Về tâm tư, nguyện vọng, nhà giáo rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận kịp thời, đầy đủ những đóng góp của lực lượng nhà giáo, cả với quy mô của ngành và với từng trường hợp, để nhà giáo có thể thấy những hy sinh, đóng góp của mình được ghi nhận một cách xứng đáng.

Những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn. Có rất nhiều nhà giáo đang cắm bản ở tạm không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2-3 trình độ… Chúng ta không khỏi đau lòng khi vừa qua vợ chồng thầy cô giáo ở Hà Giang trên đường đi vào trường đã xảy ra tai nạn thương tâm…

Về cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo dục, nhà giáo mong muôn được tốt hơn, đảm bảo hơn, trường học được kiên cố hoá nhiều hơn, đỡ khó cho cả nhà giáo và cho học sinh; có thêm nhà công vụ, nhà vệ sinh, trường lớp khang trang hơn.

Trước khi có yêu cầu về chất lượng giáo dục cao thì yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện được đặt ra một cách ráo riết trong thời gian sắp tới.

Về tâm tư, nguyện vọng, nhà giáo rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận kịp thời, đầy đủ những đóng góp của lực lượng nhà giáo, cả với quy mô của ngành và với từng trường hợp, để nhà giáo có thể thấy những hy sinh, đóng góp của mình được ghi nhận một cách xứng đáng. Đây cũng là sự động viên về mặt tinh thần.

Do đó, lực lượng nhà giáo mong muốn, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sẽ tiếp tục quan tâm, từ cấp trung ương đến địa phương, tiếp tục có đầy đủ cơ sở vật chất để nhà giáo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ dạy của mình, chú tâm vào chuyên môn.

Đối với ngành Giáo dục, từ trong truyền thống, nghề giáo là nghề tôn nghiêm, cao quý, nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm. Điều đó đương nhiên phải bắt đầu từ những người làm nhà giáo nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, mà còn phải cần tinh thần từ phía xã hội. Giáo dục có tôn nghiêm thì hiệu quả giáo dục mới tốt, sự dạy dỗ đối với con người mới hiệu quả. Trong một xã hội khi nghề nhà giáo tôn nghiêm còn là giá trị, tinh thần lành mạnh của xã hội.

Phóng viên (PV): Giải pháp nào để nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong thời kỳ chuyển đổi của xã hội có những điều chỉnh của hệ giá trị, hoặc trong sự phát triển của giáo dục cũng có một bộ phận, có những người, có những việc khiến cho xã hội thấy chưa hài lòng; đương nhiên có những tổn hại đến tôn nghiêm của lực lượng nhà giáo. Tuy nhiên, đó chỉ có tính chất bộ phận, còn với truyền thống hiếu học, với văn hoá của Việt Nam, nghề nhà giáo vẫn là một nghề cao quý, tôn nghiêm. Vấn đề hiện nay là làm thế nào củng cố sự cao quý, tôn nghiêm đó, để trong thời kỳ thay đổi của xã hội, ngày càng xác lập và vun cao hơn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp.

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục

Tôi vẫn nhắc lại rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bao giờ nhà giáo cũng coi đó là trách nhiệm của chính mình, bằng sự mẫu mực đạo đức, nhân cách, bằng tinh thần khoa học, tinh thần giáo dục để tự mình thuyết phục xã hội nhiều hơn.

Sự cố gắng của nhà giáo là một chuyện, cần có cả sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía xã hội nữa.

Giá trị đạo đức nhà giáo phải là một bộ phận chấn chỉnh của toàn bộ đạo đức xã hội. Các câu chuyện ứng xử xã hội cần có sự điều chỉnh, chứ không chỉ là quan hệ phụ huynh với nhà giáo hay học sinh với nhà giáo, mà cần những điều chỉnh trong xây dựng gia trị đạo đức xã hội, những chuẩn mực. Khi chúng ta làm tốt uốn nắn với cái chung, trong đó những giá trị tốt đẹp của hoạt động giáo dục, của nhà giáo sẽ được cải thiện.

Cần cơ chế phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục

Phóng viên (PV): Bộ trưởng nói nhà giáo là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục. Tuy nhiên, trước làn sóng giáo viên bỏ việc vừa qua, các chính sách cần thay đổi thế nào để thu hút đội ngũ trẻ, giỏi gắn bó với sư phạm?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Định hướng lâu dài của ngành là muốn có nền giáo dục chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Muốn làm được vậy thì phải thu hút được nhiều người trẻ, người giỏi vào học sư phạm.

Để học sinh muốn thi vào sư phạm phải làm nhiều việc, trong đó yếu tố đời sống bao giờ cũng là yếu tố ban đầu. Nghề giáo ở các quốc gia khác cũng vậy, không phải là một nghề giàu có về mặt lương và thu nhập nhưng ít phải đảm bảo mức sống để người ta có thể sống bằng nghề.

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, thu hút học sinh giỏi vào học các trường đại học sư phạm bằng việc đặt hàng, hỗ trợ sinh hoạt. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Từ khi có Nghị định 116 việc thu hút học sinh vào học sư phạm cũng được cải thiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sinh hoạt phí và đặt hàng triển khai của địa phương còn một số vấn đề vướng và hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tham mưu Chính phủ để sửa Nghị định 116 theo hướng thu hút được người giỏi vào học sư phạm nhiều hơn.

Các trường học trong quá trình đổi mới cũng cần có những điều chỉnh để môi trường làm việc gia tăng yếu tố dân chủ để khi nhà giáo tham gia hoạt động được sáng tạo nhiều hơn, thể hiện mình tốt hơn, có cơ hội được phát triển và luôn luôn được hỗ trợ. Được quan tâm, được kỳ vọng nhưng phải được hỗ trợ, được tôn vinh.

Có rất nhiều yếu tố nhưng tôi nghĩ khi tham gia hoạt động nghề nghiệp nhà giáo được phát triển bản thân, được khẳng định mình, có đời sống tốt, phát huy được năng lực… khi đó sẽ thu hút được nhiều hơn những người có năng lực, trình độ. Đặc biệt là khối giáo dục đại học, nếu không thu hút được lực lượng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển thành lực lượng chuyên gia, những nhà khoa học đầu ngành sẽ rất khó có một nền khoa học, một nền giáo dục đại học cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, đáp ứng nhân lực ngày càng đòi hỏi cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ. Như vậy, cần phải có cả cơ chế cho sự phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Cũng trong lĩnh vực giáo dục đại học, cơ chế trong sở hữu trí tuệ, để những sản phẩm trí tuệ được thương mại hoá phục vụ cho sản xuất, cơ chế thông thoáng vừa kích thích đổi mới sáng tạo trong nhà trường, sự đổi mới sáng tạo của từng cá nhân và đó cũng là con đường để thu hút nhân tài tham gia vào lĩnh vực giáo dục đại học.

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục
Sự đổi mới của giáo viên mang lại cơ hội học tập cho tất cả học sinh.

Phóng viên (PV): Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có gửi gắm gì đến với đội ngũ nhà giáo trên cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ, chính các nhà giáo là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng, đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của nghề cao quý.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng mong rằng, mỗi chúng ta sẽ kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và chúc mừng Bộ trưởng nhân Nhà giáo Việt Nam 20-11!

Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục
Đối với ngành Giáo dục, từ trong truyền thống, nghề giáo là nghề tôn nghiêm, cao quý, nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm.

  • Nhà giáo là vốn quý, tài sản lớn nhất của ngành giáo dục
  • Nội dung: THU HÀ
  • Ảnh: THU HÀ
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top