LONGFORMVì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài

Nhân tài là nguồn lực quý giá của đất nước, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc trọng dụng nhân tài là một chính sách trọng yếu của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài, nhưng hiệu quả chưa cao. Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao giữa khu vực công và khu vực tư ngày càng gay gắt, việc tuyển chọn và giữ chân nhân tài trong khu vực công là một bài toán khó. Để giải quyết bài toán này, không chỉ cần có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống mà tư duy về trọng dụng nhân tài cũng cần thay đổi.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài

Từ xưa đến nay, các quốc gia trên thế giới đều có chính sách trọng dụng nhân tài. Ngược dòng lịch sử, qua các triều đại, từ Lý - Trần đến Lê - Nguyễn, các bậc vua chúa thường có nhiều chính sách để chiêu mộ người tài, tổ chức các kỳ thi khắt khe để phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài.

Vua Lý Thái Tổ đã có chiếu cầu hiền, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng bia tiến sĩ để khắc ghi những người tài, vua Quang Trung đã lập nhà học để đào tạo nhân tài…

Bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) trong Văn Miếu Quốc Tử Giám đã khắc ghi câu nói của Thân Nhân Trung:

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.

Lịch sử đã chứng minh, sự hưng thịnh của đất nước gắn liền với việc trọng dụng nhân tài.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm thực hiện và căn dặn phải trọng dụng người tài, phát huy trí tuệ, năng lực, sở trường của cán bộ để xây dựng đất nước. Người từng nói: “Người tài giỏi là nguyên khí của quốc gia”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Chính phủ đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Nghị viện nhân dân bầu ra, bao gồm những người tài, đức, không phân biệt đảng phái chính trị, nguồn gốc xuất thân, miễn là vì dân, vì nước.

Nhìn rộng ra thế giới, thu hút nhân tài luôn là vấn đề được các quốc gia quan tâm. Nhiều nước cùng có chung thách thức trong việc thu hút và giữ chân người tài. Các nước phát triển trên thế giới đều coi trọng nhân tài và có những chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài hiệu quả. Để thu hút nhân tài, các chính sách nhiều nước tập trung tạo môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, cơ hội phát triển nghề nghiệp. Như Hoa Kỳ là nới lỏng chính sách nhập cư, cấp visa lao động cho người nước ngoài có trình độ cao; tạo điều kiện cho người nước ngoài học tập, nghiên cứu và làm việc tại nước sở tại. Đức có hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, chú trọng phát triển nhân tài ngay từ khi còn trẻ. Nhật Bản có chính sách tuyển chọn nhân tài nghiêm ngặt, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài
Sinh viên Khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Phenikaa.

Hàn Quốc ưu tiên phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Singapore có chính sách thu hút nhân tài từ nước ngoài bài bản, hiệu quả. Đối với nhóm chính sách trọng dụng nhân tài, đó là xây dựng hệ thống giáo dục, đào tạo chất lượng cao để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; tạo điều kiện cho nhân tài phát huy năng lực, cống hiến cho đất nước; thực hiện chính sách đãi ngộ xứng đáng với năng lực của nhân tài.

Từ bài học của tiền nhân, kinh nghiệm của các nước và căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc phát hiện, tuyển dụng, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng đều đề cập đến vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng về xây dựng tinh hoa của đất nước trong thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định “có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước”, “xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài”.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài
Hệ thống giáo dục vượt trội đã đóng một vai trò trung tâm trong nền kinh tế và thu hút rất nhiều người đến Singapore học tập. Ảnh: sgh.com.sg

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định phương hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Trong đó, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và “tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam”.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhiều chính sách đã được ban hành để thu hút, trọng dụng nhân tài, trong đó có các chính sách đặc biệt dành cho các ngành đặc thù như y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực tế là không ít người tài được thu hút vào khu vực công, sau một thời gian làm việc đã “dứt áo ra đi”.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ trong “làn sóng” 39.552 người thôi việc, chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư 2,5 năm qua (từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2022), ngành y có 9.680 người. Trong số người thôi việc, chuyển việc, có 653 tiến sĩ, 133 bác sĩ chuyên khoa II, 4.018 thạc sĩ, 1.066 bác sĩ chuyên khoa I. Trình độ đại học có 19.637 người, cao đẳng có 6.027 người, trung cấp có 6.972 người, sơ cấp là 1.046 người. Việc “chảy máu chất xám” này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài

Người xưa có câu “dụng nhân như dụng mộc” để thấy rằng, nếu được bố trí đúng chỗ, hợp với sở trường, người tài sẽ phát huy được năng lực của mình. Những người năng lực tư duy tốt thì ngoài nỗ lực học tập, nghiên cứu, làm việc, phát triển bản thân và gia đình, họ còn có sứ mệnh đóng góp cho cộng đồng, tạo ra những giá trị tích cực và lan tỏa những điều nhân văn cho cộng đồng. Năng lực của nhân tài được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Trí tuệ, tư duy, sáng tạo, kỹ năng, kinh nghiệm... Qua đó, góp phần tạo ra một thế hệ trẻ vừa có năng lực, vừa có trách nhiệm xã hội để chung vai gánh vác đưa đất nước sớm phát triển.

Nhìn chung, người giỏi đều muốn được trọng dụng. Việc được trọng dụng thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao đối với năng lực của họ. Điều này sẽ tạo động lực cho họ phát huy hết khả năng của mình, cống hiến cho sự phát triển của tổ chức, doanh nghiệp, đất nước. Tuy nhiên, có một số người tài có thể không thích được trọng dụng theo cách truyền thống, như: Được cất nhắc vào những vị trí cao, được hưởng những chế độ ưu đãi đặc biệt. Họ có thể thích được trọng dụng theo cách khác, như: Được tạo cơ hội phát triển, được tôn trọng, được ghi nhận những đóng góp của mình.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài
Hội thảo góp ý dự thảo “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” do Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức ngày 24-3-2023. Ảnh: Bộ Nội vụ

Có nhiều lý do khiến người tài không muốn cống hiến trong lĩnh vực công. Trong đó mức lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với năng lực là nguyên nhân chủ yếu khiến người giỏi không muốn vào làm việc trong lĩnh vực công. Mức lương và chế độ đãi ngộ của cán bộ, công chức nhà nước hiện nay vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của thị trường lao động, đặc biệt là đối với những người có trình độ cao, năng lực giỏi.

Thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu là một trong những vấn đề gây bức xúc cho người dân và cũng là một trong những nguyên nhân khiến người giỏi không muốn vào làm việc trong lĩnh vực công. Việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính trong các cơ quan, đơn vị nhà nước thường rất chậm trễ, phức tạp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng chúng ta đang có nhiều người tài giỏi nhưng chưa được bố trí sử dụng đúng. Khi không được trọng dụng, không được sử dụng đúng, không được đãi ngộ phù hợp thì những nhân tài này rất dễ “ra đi”.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam.

Có những vị trí cần người chuyên cần hơn người tài, có vị trí cần người thực thi mẫn cán và có vị trí thực sự cần người tài. Điều đó hệt như một đội bóng, mỗi cầu thủ sẽ đảm nhiệm một vị trí trên sân, có cầu thủ lấy bóng để chuyền cho cầu thủ có khả năng sáng tạo. Không thể cả 11 cầu thủ đều là đội trưởng hay huấn luyện viên. Gỗ cũng vậy, có loại gỗ tốt, gỗ vừa vừa và gỗ không tốt lắm nhưng người thợ giỏi là từ số gỗ đó dựng lên một bộ bàn ghế đẹp. Tương tự, chúng ta cần tạo một hành lang như nhau để tất cả người lao động cùng vào làm việc. Trong điều kiện hệ thống lành mạnh sẽ sàng được những người giỏi và họ sẽ được đề bạt. Như vậy, câu chuyện thu hút, trọng dụng nhân tài nên coi thành việc tạo ra môi trường lành mạnh để ai cũng có thể phát triển và cống hiến theo khả năng của mình.

Theo Tiến sĩ Dương Quang Tung, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), để thu hút, trọng dụng nhân tài, phải tập hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ có đãi ngộ. Muốn trọng dụng thì người đứng đầu phải biết sử dụng người.

Cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực công còn hạn chế, đặc biệt là đối với những người trẻ, có năng lực. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người giỏi không muốn gắn bó lâu dài với lĩnh vực này. Thực ra người có tài về bản chất họ đã có lợi thế hơn người khác bởi năng lực tư duy tốt, được đào tạo tốt. Nên trong cùng một điều kiện phát triển công bằng, tự họ sẽ nổi lên và vào các vị trí quan trọng để dẫn dắt hệ thống. Bởi vậy, họ rất cần môi trường phát huy được khả năng. Ở đó khả năng thăng tiến được đánh giá thực chất.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, là yếu tố quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Để thu hút và giữ chân nhân tài, cần có chính sách thu hút, trọng dụng phù hợp. Trọng dụng nhân tài là tiền đề để phát huy chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài. Đầu tư cho nhân tài là đầu tư rủi ro, nhưng không nên để nhân tài bị rủi ro. Nhân tài có thể rơi rụng, có thể chưa phát huy được năng lực, sở trường ở từng thời điểm nhất định. Tuy nhiên, nếu họ được trọng dụng, sẽ mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi.

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn đã từng nhận định, cần thay đổi tư duy về vấn đề lựa chọn nhân tài. Đã là tìm nhân tài thì không nên dừng lại ở người tuổi trẻ mà phải bao hàm cả người cao tuổi và không nên quá coi trọng bằng cấp. Tuổi không phải là yếu tố quyết định tài năng. Bằng cấp chỉ là một tiêu chí để xác định, tìm kiếm nhân tài.

Theo bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) 2021, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu về chỉ số Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu trong nhóm 36 quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên thế giới, nhưng lại không nằm trong số 10 quốc gia có xếp hạng cao về Chỉ số “Thu hút nhân tài”, “Giữ chân nhân tài” của nhóm này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, theo hướng tinh gọn, cơ bản công chức phải là tinh hoa. Muốn vậy, phải khẩn trương rà soát đội ngũ, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất và có chỗ để thu hút người có tài năng. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa chính sách thu hút nhân tài và quan trọng hơn là phải có người đứng đầu uy tín, có tâm, có tầm, xây dựng được hình tượng người đứng đầu có nhân cách, có tố chất lãnh đạo, có khả năng quy tụ để thu hút được nhân tài.

Đi cùng với việc thu hút nhân tài, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng thì việc bảo vệ ngươi giỏi, để họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo vì lợi ích chung, để họ được thăng tiến, được đặt vào đúng chỗ là vô cùng cần thiết.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài
Hội thảo khoa học "Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công" ngày 17-7-2019. Ảnh: Tạp chí Tổ chức nhà nước

Sau nhiều năm chuẩn bị, Bộ Nội vụ đã xây dựng xong Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài. Đề án đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia. Đề án nêu quan điểm, thu hút, trọng dụng nhân tài là một nhiệm vụ quan trọng, cần được coi trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thu hút và giữ chân nhân tài, cần có sự đổi mới tư duy, đa dạng hóa các chính sách và tạo môi trường làm việc tốt, tôn trọng nhân tài. Trọng dụng nhân tài bao hàm cả tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đãi ngộ. Chính sách trọng dụng được coi là mấu chốt để thu hút nhân tài.

Bộ Nội vụ dự kiến đề ra 12 giải pháp lớn để thực hiện Đề án, trong đó có các giải pháp đáng chú ý như: Hoàn thiện môi trường sống văn minh, hiện đại; môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt. Chế độ đãi ngộ phải bảo đảm tương xứng với sự cống hiến của nhân tài. Đa dạng hóa các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực. Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài là một bước quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ nhân tài cho đất nước. Đề án được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút và giữ chân nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài
Đào tạo nhân tài phải bắt đầu từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

  • Vì sao khó thu hút người tài vào khu vực công? Bài 1: Thay đổi tư duy về trọng dụng nhân tài
  • Nội dung: THU HÀ
  • Ảnh: THU HÀ, Báo QĐND, Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top