Mở rộng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 đến 17-11. Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự diễn đàn APEC năm nay cho thấy sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương nói chung, cũng như đối với tiến trình APEC nói riêng, góp phần mở rộng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu một số nét về APEC và sự tham gia của Việt Nam vào tổ chức đa phương này.
APEC được thành lập năm 1989, là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đến nay, APEC đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả 3 trụ cột hợp tác. Bên cạnh những thành tựu về tự do hóa thương mại và đầu tư, về thuận lợi hóa kinh doanh, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua các lần cắt giảm 5% vào các năm 2006, 2010 và 10% vào năm 2015. Về hợp tác kinh tế - kỹ thuật, mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án hợp tác và nâng cao năng lực với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.
Các chiến lược, chương trình hợp tác lớn mà APEC đang triển khai:
- Chương trình nghị sự tăng cường về cải cách cơ cấu đến năm 2025.
- Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến năm 2025.
- Kế hoạch kết nối tổng thể đến năm 2025.
- Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến năm 2030.
- Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến năm 2025.
- Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng Bao trùm đến năm 2030.
Ngày 15-11-1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Chặng đường 25 năm tham gia APEC đã chứng minh Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, chủ động đóng góp cho hoạt động hợp tác của Diễn đàn, qua đó góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại khu vực.
4 thành tựu nổi bật :
- Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017.
- Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án hợp tác, với hơn 150 dự án trên nhiều lĩnh vực.
- Việt Nam có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như: Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt.
- Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao.
Năm 2023 là lần thứ ba Hoa Kỳ đăng cai APEC, tiếp theo các năm 1993 và 2011. Năm APEC 2023 có chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường, bền vững cho tất cả mọi người”, tập trung vào ba ưu tiên:
- Kết nối - xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện.
- Đổi mới sáng tạo - thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững.
- Bao trùm - củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân.
Dự kiến, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 diễn ra tại San Francisco, Hoa Kỳ, đoàn Việt Nam sẽ tham dự tất cả các hoạt động lớn, tiếp xúc rộng rãi với các đối tác quan trọng trong APEC và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở khu vực.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục đà phát triển tích cực, hai bên đẩy mạnh tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao. Đặc biệt, hai nước đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023 nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điểm sáng “hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư”
Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm, tăng hơn 550% từ 21,8 tỷ USD năm 2011 lên hơn 123 tỷ USD năm 2022.
Kim ngạch thương mại song phương 10 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 90,1 tỷ USD.
Hợp tác song phương và đa phương chặt chẽ
Bên cạnh đó, đà phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ còn được thể hiện thông qua nhiều lĩnh vực hợp tác khác, điển hình là: Hợp tác an ninh - quốc phòng duy trì ở mức phù hợp với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh.
Hợp tác giáo dục đạt nhiều bước tiến gần đây với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ. Hiện nay Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương.
Hợp tác y tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19 tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt là trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân.
Hai bên cũng tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN.
- Nội dung: LINH OANH
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC