Khát vọng xây dựng mạng xã hội thiện nguyện đầu tiên “Make in Viet Nam"
Sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động (tháng 9-2021), đã có gần 700 tổ chức và cá nhân tham gia vận động tài trợ thông qua tài khoản thanh toán minh bạch của Ngân hàng Quân đội. Qua đó thực hiện 720 mục tiêu vì cộng đồng, có hơn 700 nghìn người sử dụng, phủ rộng 57/63 tỉnh thành, số tiền vận động an sinh xã hội đạt hơn 100 tỷ đồng… Ông Vũ Thành Trung, Thành viên Ban điều hành MB, lãnh đạo dự án đã có những chia sẻ sâu hơn với Báo Quân đội nhân dân về nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, những con số biết nói ở trên có thể rất ý nghĩa nhưng rõ ràng chưa thể hiện đúng dư địa cũng như tâm huyết của MB trong việc đầu tư, xây dựng, vận hành một nền tảng thiện nguyện số đầu tiên của Việt Nam. Trở lại với câu chuyện ngày đầu MB tham gia, ông có thể chia sẻ thêm thông tin để độc giả biết rõ hơn về dự án này ?
Ông Vũ Thành Trung:
Vâng trước tiên phải quay lại thời điểm năm 2019, khi MB tham gia tài trợ một số chương trình thiện nguyện có liên quan tới Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” (iTrithuc) được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đề án này có nhiều cấu phần và cơ bản đã có các tổ chức, doanh nghiệp đảm nhận. Riêng phần nền tảng iNhandao cũng đã có đơn vị thực hiện tuy nhiên chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Trong quá trình đó, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi các doanh nghiệp mạnh về công nghệ và khao khát làm công tác thiện nguyện tham gia. Lãnh đạo MB khi đó đã khẳng định tinh thần phụng sự bằng cách nhận làm nội dung này, bởi chúng tôi biết nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng. Không chỉ là câu chuyện kết nối giữa người trao, người nhận, người tổ chức hoạt động thiện nguyện một cách nhanh chóng, hiện đại mà nó còn làm tăng tính minh bạch, góp phần hạn chế sự lừa đảo trong hoạt động tài trợ.
Xuất phát từ nhu cầu xã hội cùng năng lực công nghệ, tâm huyết của ngân hàng cần một công cụ số phục vụ cộng đồng cho hoạt động an sinh xã hội nên MB đã đề xuất với lãnh đạo Chính phủ nhận làm. Ngay sau khi được giao tham gia đề án, MB đã báo cáo hội đồng quản trị để mỗi năm đầu tư khoảng 40 tỷ đồng nhằm xây dựng nền tảng này. Đồng thời MB đã “setup” một đội ngũ nhân sự sáng tạo số của mình trực tiếp tham gia công việc.
Phóng viên: Quay lại thực tế, trước tiên rõ ràng MB là một định chế tài chính lớn và từ trước đến nay như các doanh nghiệp khác ngân hàng thường tham gia hoạt động cộng đồng bằng cách chi các khoản tiền tài trợ an sinh xã hội. Nhưng lần này MB trực tiếp tham gia chủ trì xây dựng một công cụ số phục vụ hoạt động thiện nguyện, những việc “đầu tiên” như vậy hẳn phải có thuận lợi ban đầu để ngân hàng tự tin làm ?
Ông Vũ Thành Trung: Đúng như anh nói, trước tiên tôi phải khẳng định thuận lợi lớn của MB là có được sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ khi chấp nhận để ngân hàng tham gia thực hiện cấu phần iNhandao trong đề án. Tiếp đó MB là ngân hàng chuyển đổi số rất mạnh trong giai đoạn 5 năm qua (từ 2017), với chúng tôi chuyển đổi số không chỉ là giải pháp cho phát triển mà chính là sự “sống còn”. Đến thời điểm hiện tại nhân sự làm công nghệ thông tin của MB là khoảng 1.500 người, thậm chí nhiều hơn nhân sự không ít công ty công nghệ lớn trên thị trường hiện nay.
Chúng tôi hiểu với năng lực công nghệ như vậy, hoàn toàn MB có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong việc xây dựng nền tảng số thiện nguyện đầu tiên của Việt Nam. Thời gian qua những giải pháp chuyển đổi số đặc biệt hữu ích trong kinh doanh của ngân hàng hoàn toàn là “Make in MB”, không phải thuê công ty nước ngoài, hay đối tác nào cả. Thuận lợi thứ 3 chính là vì nội dung này phù hợp với chiến lược của MB là một tổ chức mang tính phụng sự cao, cái “gen” chia sẻ đó là đặc trưng từ mỗi nhân viên đến toàn hệ thống của ngân hàng cũng như các công ty thành viên. Năng lực có, khát khao có, tâm huyết có nên MB tự tin làm, tạo nên một app có tiếng vang nhất định, đặc biệt là đưa vào sử dụng tài khoản minh bạch 4 số hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra không thể không kể đến sự tin tưởng và đồng hành cả các cá nhân, tổ chức tiên phong tham gia nền tảng, mong muốn và chung tay thúc đẩy giá trị minh bạch trong hoạt động thiện nguyện. Chúng tôi được truyền cảm hứng rất lớn từ cộng đồng những người Việt Nam không chỉ có trái tim ấm, sẵn sàng sẻ chia mà còn có một tư duy, cách làm chuyên nghiệp, đề cao giá trị minh bạch, bền vững. Chính sự lan toả, kết nối của cộng đồng những người tiên phong này đã góp phần mở rộng nền tảng với tốc độ khá nhanh và chúng tôi gần như không cần dùng đến kênh quảng cáo cho nền tảng.
Phóng viên: Vậy còn khó khăn thì sao thưa ông ?
Ông Vũ Thành Trung: Đối với khó khăn thì chắc chắn không ít, vì MB chỉ đơn thuần là một định chế tài chính có nền tảng công nghệ chứ chúng tôi không phải một tổ chức an sinh xã hội. Chúng tôi giống như người kỹ sư đã mất công bắc cây cầu nối hai bờ trao - nhận của hoạt động thiện nguyện, tuy nhiên việc đưa những dòng tài trợ qua cầu, hay đưa những hoàn cảnh khó khăn tiếp cận sự giúp đỡ thì phải là người khác. Đó chính là các tổ chức như Hội chữ thập đỏ, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xã hội, hay thậm chí chính những Kols (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội). Nguyên lý để cho nền tảng số hoạt động là thông tin và sự tương tác phải rất nhiều nhưng chúng tôi không có nguồn lực cũng như chuyên môn để bảo đảm hoạt động này. Đó chính là khó khăn lớn nhất của chúng tôi bây giờ. Khi nền tảng số đã có, tài khoản 4 số minh bạch đã có nhưng cần hơn nữa sự tham gia của các thành phần xã hội, các cá nhân, tổ chức để cho công cụ này thực sự trở thành một giải pháp hữu hiệu, một “phản xạ có điều kiện” cho tất cả những ai muốn tham gia hoạt động vì cộng đồng.
Phóng viên: Là người có nhiều năm tham gia tổ chức các chương trình an sinh xã hội, tôi hiểu được tâm tư của lãnh đạo MB khi mà “cây cầu thiện nguyện” nối người cho và nhận đã được khánh thành mà lượng lưu thông còn rất hạn chế. Là một người lãnh đạo MB chắc chắn ông còn nhiều kỳ vọng vào thành công của công cụ số này vì chắc chắn dư địa lòng tốt, sự chia sẻ trong xã hội là vô tận phải không ?
Ông Vũ Thành Trung: Đúng như vậy, đối với app thiennguyen hay tài khoản 4 số của MB, rõ ràng chúng ta cần một công cụ để tương tác trực tiếp, thường xuyên, lâu dài với đối tượng thụ hưởng tài trợ chứ không chỉ đơn giản là việc kết nối, đem tiền đi cho những người yếu thế. Chúng tôi kiên định với sứ mệnh xây dựng mạng xã hội thiện nguyện chuyên sâu đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng nỗ lực tạo ra các tiện ích và tính năng thông minh, đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan, thuận tiện của các bên tham gia nền tảng.
Các con số nói trên phần nào phản ánh được kết quả đề án đã đạt được. Nhưng thực tế chúng tôi còn mong muốn tác động được đến từng người yếu thế, đồng hành, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của họ có được từ sự ủng hộ của cộng đồng, đó mới là mục đích lớn nhất mà nền tảng hướng tới. Kết quả chắc chắn không thể chỉ đo bằng các con số hay phát triển mới các tính năng, giải pháp kỹ thuật mà cần nhiều hơn thế, đặc biệt cần sự chung tay của các tổ chức, cơ quan báo chí, truyền thông và cả cộng đồng cùng MB kết nối và chia sẻ vì một Việt Nam tốt đẹp hơn.
Phóng viên: Điều gì là cơ sở để Đề án đặt ra tầm nhìn trở thành một mạng xã hội thiện nguyện đầu tiên tại Việt Nam? Liệu chúng ta có thể tạo nên một mạng xã hội “Make in Vietnam” không thưa ông ?
Ông Vũ Thành Trung: Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 app Thiennguyen sẽ trở thành mạng xã hội thiện nguyện chuyên sâu, đầu tiên tại Việt Nam. Với sứ mệnh là ứng dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán về kết nối và lan tỏa hoạt động nhân đạo, thiện nguyện, phát triển cộng đồng bền vững trên cơ sở thúc đẩy tính minh bạch, xây dựng niềm tin và trải nghiệm thuận tiện.
Theo đó MB sẽ hợp nhất các chức năng hiện có của nền tảng iNhandao vào ứng dụng Thiện nguyện nhằm xây dựng mạng xã hội thiện nguyện chuyên sâu. Đồng thời nền tảng sẽ hoạt động hiệu quả, được quản lý và vận hành chuyên nghiệp, đáp ứng quy định của pháp luật và nhu cầu, trải nghiệm của người dùng.
Đặc biệt với hệ sinh thái app MBBank hiện có 10 triệu và dự kiến đến năm 2027 là 21 triệu khách hàng cá nhân, đây là tập khách hàng vô cùng lớn. Không chỉ ủng hộ “1 chạm” thông qua mini app thiện nguyện, khách hàng MB sẽ được đáp ứng các tiện ích thiện nguyện phong phú như ủng hộ định kỳ, ủng hộ bằng điểm tích luỹ MB Star, ủng hộ quy đổi từ hành động có ý nghĩa, ủng hộ bằng các hình thức phi tài chính khác...
Qua đó cung cấp tiện ích, thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia với tổng giá trị tiền ủng hộ qua nền tảng đạt 200 tỷ đồng mỗi năm. Đây không chỉ là thực hiện cam kết của MB với Chính phủ, bảo đảm tính ứng dụng và giá trị nhân văn của Đề án, mà còn là khát vọng của MB và chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đó.
Phóng viên: Xin cảm ông và chúc ông cùng MB sớm đạt được mục tiêu đề ra.
- Nội dung: HOÀNG TRƯỜNG GIANG, VƯƠNG DIỆU HƯƠNG
- Ảnh: Tuấn Huy, Tạ Ngọc Xuân, MB cung cấp
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC