LONGFORMHiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Đúng ngày này cách đây nửa thế kỷ, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, chúng tôi đã tìm đến tư gia của nhà ngoại giao Phạm Ngạc, Thư ký phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán Hiệp định Paris, nguyên Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Iceland).

Với nhiệm vụ phiên dịch và ghi biên bản các cuộc họp công khai lẫn bí mật tại Hội nghị Paris, nhà ngoại giao này luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi được tham gia sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của dân tộc. Người phiên dịch năm xưa giờ đã ở vào tuổi “bát thập cổ lai hy” nhưng giọng nói vẫn hào sảng. Đặc biệt, ông vẫn còn nhớ rất rõ về những ngày thực hiện nhiệm vụ tại Hội nghị Paris. Trong căn phòng nhỏ nhưng chứa đựng rất nhiều tư liệu về Hội nghị Paris, những hình ảnh, tài liệu… và cả không khí của sự kiện lịch sử 50 năm về trước lại ùa về…

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Sinh ra ở Ninh Bình-vùng đất kinh đô của triều đại Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên từ thuở nhỏ, trong lòng người thanh niên Phạm Ngạc luôn một lòng son sắt với Đảng, Bác Hồ và con đường cách mạng.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc
Chân dung ông Phạm Ngạc, nhà ngoại giao trẻ tuổi nhất trong Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán Hiệp định Paris. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Về công tác tại Bộ Ngoại giao khi mới 18 tuổi, vào thời điểm mà ở Việt Nam còn chưa có trường đào tạo tiếng Anh nên thời gian đầu, Phạm Ngạc đã phải tự học ngoại ngữ. Lúc đó, ông được tham gia một lớp học tiếng Anh ngắn hạn do Bộ Ngoại giao mở và nhà báo người Australia Wilfred Burchett trực tiếp giảng dạy. Tuy chỉ được học tiếng Anh trong thời gian rất ngắn nhưng đây là “viên gạch đầu tiên” giúp ông bén duyên với nhiệm vụ quan trọng sau này. Đặc biệt, nhờ tranh thủ từng giờ, từng phút để tự học nên vốn từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh của ông đã tiến bộ nhanh chóng.

“Sau khi học xong khóa tiếng Anh ngắn hạn ở Bộ Ngoại giao, tôi được cử sang Trung Quốc làm công tác báo chí và phiên dịch tiếng Anh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh. Khi sang đây, tôi tiếp tục tự học để có thể nói được giọng Bắc Kinh. Thời gian sau này, khi kết thúc nhiệm kỳ công tác trở về Việt Nam năm 1956, cấp trên thấy tiếng Anh, tiếng Trung Quốc của tôi khá tốt nên giao nhiều nhiệm vụ phiên dịch. Khi được cử đi phiên dịch tại Hội nghị Paris, tôi là người ít tuổi nhất đoàn”, ông Phạm Ngạc nhớ lại.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc
Ông Phạm Ngạc có tên trong danh sách Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán Hiệp định Paris với tư cách là người phiên dịch. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ phiên dịch cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán Hiệp định Paris đã để lại dấu ấn sâu đậm trong suốt cuộc đời của ông Phạm Ngạc. 50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc lại ký ức gần 5 năm lịch sử ấy, trong lòng ông lại bồi hồi xúc động.

Nhà ngoại giao Phạm Ngạc nhớ lại: “Hồi ấy, tôi có nhiệm vụ theo sát Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán Hiệp định Paris. Sau mỗi buổi đàm phán, tôi lại cùng với một số đồng nghiệp đánh máy và hoàn thành các biên bản cuộc họp trước khi gửi về Bộ Chính trị. Nhiều đêm thức trắng để bóc băng ghi âm rồi dịch. Ngày hôm sau lại tiếp tục làm việc. Hầu như thời gian để ngủ của tôi rất ít, chỉ tranh thủ chợp mắt trên đường di chuyển đến các địa điểm đàm phán”.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc
Hàng trước từ phải qua: Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch; trợ lý Lưu Văn Lợi; cùng các thành viên trong đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi ký tắt Hiệp định Paris, ngày 23-1-1973. Ông Phạm Ngạc đứng ở hàng sau (thứ ba từ phải qua). Ảnh: Baoquocte

Việc thức đêm triền miên nên có những thời điểm ông bị cơn đau bụng hành hạ… Tuy nhiên, ông luôn ý thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ và cố gắng tự khắc phục khó khăn để hoàn thành công việc được giao. “Tôi luôn tâm niệm, Hội nghị Paris là cuộc họp mang tính lịch sử, vô cùng quan trọng và biên bản cuộc họp phải hoàn thiện rất chuẩn mực nên nhiều phiên dịch khác của cả phía Mỹ và Việt Nam nếu dịch không đúng với nội dung thì tôi nghe lại ghi âm và làm lại biên bản cuộc họp, đánh máy đầy đủ rồi sau đó mới chuyển đi”, ông Phạm Ngạc kể lại.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Theo ông, nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức ảnh hưởng cả trong và ngoài hội nghị. Các nhà ngoại giao, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, đã vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi.

Theo ông Phạm Ngạc, Paris được chọn làm địa điểm tiến hành hội nghị là nằm trong sự cân nhắc kỹ càng của Đảng và Nhà nước ta. Paris được xác định là nơi mà ta có thể tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nhờ việc được tiếp cận với các hãng thông tấn báo chí không chỉ có sức ảnh hưởng ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp và cộng đồng người Việt sinh sống tại Paris khi quá trình đàm phán diễn ra.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Cộng đồng người Việt tại Pháp tập trung trước Trung tâm Hội nghị quốc tế Kleber để chào đón phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến tham dự Hội nghị Paris tháng 1-1973. Ảnh: Cinearchives

Những kinh nghiệm và bài học đắt giá từ Hiệp định Genève năm 1954 đã quyết định ngay từ đầu lập trường cương quyết và đường lối thương thuyết của Việt Nam tại Hội nghị Paris. Gắn liền với diễn biến trên chiến trường và tình hình quốc tế, Hội nghị Paris thể hiện sự mạnh mẽ, tự chủ của Việt Nam trong việc lựa chọn thời điểm lẫn hình thức tiến hành đàm phán và nội dung thỏa thuận.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Hiệp định Paris do 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Nguỵ quyền Sài Gòn ký kết tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kleber ở thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) ngày 27-1-1973. Đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; là đỉnh cao và mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam và ghi dấu ấn vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình và công lý.

Bắt đầu từ cuối những năm 1940 của thế kỷ XX, sáu đời Tổng thống Mỹ liên tiếp đã không ngừng leo thang can thiệp dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau vào Việt Nam thông qua viện trợ quân sự cho thực dân Pháp tiến tới trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới ở miền Nam, ném bom phá hoại miền Bắc. Trước tình hình đó, cùng với việc đấu tranh trên mặt trận chính trị, quân sự, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng nâng cao vị thế và vai trò của đấu tranh ngoại giao lên tầm chiến lược, chủ trương mở đường cho Mỹ đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thắng lợi đã buộc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc
Phiên họp riêng giữa phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bên phải) và phái đoàn Hoa Kỳ vào ngày 13-1-1973. Ảnh: Getty Images.

Trải qua gần 5 năm với những cuộc đấu trí đầy bản lĩnh của một nền ngoại giao cách mạng non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường, Hội nghị Paris là cuộc đàm phán hòa bình cam go và kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới. Từ nước cờ “tuy hai mà một, tuy một mà hai” đến chiến lược phối hợp nhịp nhàng “vừa đánh, vừa đàm”, Việt Nam đã buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận ký kết Hiệp định Paris. Thắng lợi của ta tại Hội nghị Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Những bài học kinh nghiệm quý báu của việc đàm phán và ký kết Hiệp định Paris vẫn luôn được ngành ngoại giao nước ta phát huy cao độ để xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ, toàn diện, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc

Hội nghị Paris trở thành sự kiện ngoại giao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới, với những cuộc đấu lý, đấu trí quyết liệt và gay cấn kéo dài. Để cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về lẽ phải và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết là đỉnh cao của Mặt trận ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ - ngụy vẫn ngoan cố phá hoại hiệp định, không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã quy định. Mặc dù với việc ký kết Hiệp định Paris - cánh cửa hòa bình đã mở ra nhưng quân và dân Việt Nam phải tiếp tục những bước chông gai để “đánh cho ngụy nhào”, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ta đã kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao và liên tiếp giành những thắng lợi vang dội. Đặc biệt, với tinh thần tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc
  • Hiệp định Paris trong ký ức nhà ngoại giao Phạm Ngạc
  • Nội dung: KHÁNH HUYỀN, TRUNG THÀNH
  • Ảnh, video: TTXVN, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Getty Images, Cinearchives.
  • Kỹ thuật, đồ họa: TRUNG THÀNH
top