HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? BÀI 5: HIỆP ĐẤU CUỐI CÙNG
Buộc phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ chưa từ bỏ âm mưu cơ bản của chúng là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ và thi hành Hiệp định diễn ra gay go, quyết liệt và giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm cho tình hình miền Nam có nhiều chuyển biến quan trọng và đưa đến cục diện rất thuận lợi cho nhân dân ta.
Quá trình đấu tranh để đi đến ký kết và thi hành Hiệp định Paris đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, được Đảng ta vận dụng hiệu quả trong tình hình mới.
Mỹ - ngụy rũ bỏ trách nhiệm đối với Hiệp định
Ngay sau khi đạt được bước đột phá trong đàm phán với ông Lê Đức Thọ ngày 8-10-1972, Kissinger điện khẩn cho Đại sứ Bunker, để nhắc nhở Nguyễn Văn Thiệu “phải nỗ lực lấn chiếm càng nhiều đất càng tốt, nhất là các vùng quan trọng, đông dân xung quanh Sài Gòn”. Theo đó, Mỹ đã mở hai chiến dịch quy mô lớn là Enhance và Enhance Plus, từ giữa tháng 10-1972 đến trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào lúc 0 giờ (giờ GMT) ngày 28-1-1973, để chuyên chở ồ ạt vũ khí, đạn dược cho quân đội Sài Gòn, với tổng giá trị lên đến 2 tỷ USD, vi phạm “Điều 4” của Hiệp định. Đồng thời, họ cũng chuyển giao các căn cứ quân sự của Mỹ cho quân đội Sài Gòn, vi phạm “Điều 6” của Hiệp định.
“Đế quốc Mỹ chưa từ bỏ âm mưu cơ bản của chúng là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Sau Hiệp định Pari, chúng tiếp tục thực hiện âm mưu đó bằng những thủ đoạn phù hợp với học thuyết Níchxơn, chiến lược toàn cầu hiện nay của chúng: củng cố và tăng cường ngụy quân, ngụy quyền; viện trợ quân sự và kinh tế cho ngụy; dùng quân Mỹ đóng ở Thái Lan và hạm đội 7 để “răn đe”; đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao toàn cầu” hòng hạn chế và ngăn chặn sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Mục tiêu của Mỹ là cô lập, làm suy yếu, đi đến thủ tiêu các lực lượng cách mạng ở miền Nam Việt Nam, xóa bỏ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đặt toàn miền Nam dưới quyền kiểm soát của chính quyền lệ thuộc Mỹ ở Sài Gòn”.
Trích BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HAI NĂM ĐẤU TRANH THI HÀNH HIỆP ĐỊNH PARI VỀ VIỆT NAM (Do ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình bày tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá IV, ngày 24-12-1974
Tiếp tục dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã ồ ạt tuôn vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh vào miền Nam, tìm hết cách tăng viện trợ quân sự và kinh tế cho tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, duy trì ở miền Nam Việt Nam một bộ máy chỉ huy quân sự núp dưới danh nghĩa đại sứ quán, tổng lãnh sự quán và lãnh sự quán, với hàng chục ngàn cố vấn và nhân viên quân sự đội lốt dân sự.
Với sự “chống lưng” của Mỹ, đúng vào ngày ký tắt Hiệp định Paris 23-1-1973, Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh “tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia” và tuyên bố “sẽ không có chính phủ liên hiệp hay chính phủ ba thành phần ở Nam Việt Nam”. Do đó, vài giờ trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, một lữ đoàn hỗn hợp quân đội Sài Gòn đã tấn công lấn chiếm cảng Cửa Việt, là vùng giải phóng của ta từ “mùa Hè rực lửa 1972”. Quân ngụy đã bị trừng trị nghiêm khắc và phải tháo chạy trong hỗn loạn, bỏ lại hàng trăm xác xe tăng, xe thiết giáp, xác lính chết và mấy trăm tên lính bị bắt làm tù binh. Những tháng sau đó, quân ngụy ráo riết tiến hành các “chiến dịch cắm cờ”, các “cuộc hành quân tràn ngập lãnh thổ” trên khắp miền Nam, từ cảng Cửa Việt ở cực Bắc đến mũi Cà Mau ở cực Nam.
Nghiêm trọng hơn, vào đúng giờ hẹn đón Trung tướng Trần Văn Trà và Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ sáng 28-1-1973, phía ngụy quyền Sài Gòn đã cho máy bay ném bom xuống điểm hẹn ở sân bay Thiện Ngôn (tỉnh Tây Ninh) hòng sát hại Trung tướng Trần Văn Trà và phái đoàn của ông. Nhờ sớm có biện pháp đề phòng, chúng ta đã tránh được tổn thất và đánh bại âm mưu thâm độc của họ làm tê liệt hoạt động của Ban Liên hợp quân sự (LHQS) và phá hoại Hiệp định Paris.
Để ngừng bắn thực sự có hiệu lực, một điều hết sức quan trọng là phải triển khai bộ máy Ban LHQS xuống tất cả 7 khu vực và 26 địa phương. Trên thực tế, Ban LHQS 4 bên, sau đó là Ban LHQS 2 bên hầu như chỉ hoạt động ở cấp Trung ương và mọi nỗ lực triển khai xuống các cấp dưới đều thất bại. Lý do là vì phía ngụy quyền Sài Gòn dùng mọi thủ đoạn để cản trở việc triển khai các Ban LHQS, vi phạm “Điều 15” của Nghị định thư về ngừng bắn và các Ban LHQS quy định “Ban LHQS khu vực sẽ bắt đầu hoạt động trong vòng 48 giờ kể từ ngày ngừng bắn có hiệu lực” và “Tổ LHQS địa phương sẽ bắt đầu hoạt động trong vòng 15 ngày kể từ ngày ngừng bắn có hiệu lực”.
Là “bên chủ nhà”, họ không bảo đảm cho ta những điều kiện tối thiểu về ăn ở, làm việc, đi lại, an ninh, an toàn, và các quyền ưu đãi và miễn trừ khác. Họ bố trí cho ta những khu nhà tồi tàn, phương tiện vừa thiếu vừa cũ nát, lại nằm giữa các lớp rào kẽm gai và bãi mìn, xa các khu dân cư hoặc bên trong các căn cứ quân sự. Nguyên nhân là do “thái độ bất hợp tác của người Nam Việt Nam” và do “không có lệnh từ các trưởng đoàn, tỉnh trưởng hoặc chỉ huy quân khu về việc chọn địa điểm và sửa chữa xong cơ sở vật chất vào một ngày cụ thể”. Họ cãi bừa rằng điều kiện ăn ở, làm việc, đi lại chỉ có tính thủ tục, nhưng vấn đề này thực chất có liên quan đến sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Nam và địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời, là hai vấn đề họ chống đối quyết liệt.
Thậm chí, phía Sài Gòn còn tổ chức bọn côn đồ hành hung và gây thương vong cho các cán bộ, chiến sĩ ta đi làm nhiệm vụ, như ở Huế, Bảo Lộc, Buôn Ma Thuột và Quảng Ngãi. Về “sự cố” xảy ra ở Buôn Ma Thuột ngày 9-2-1973 làm 6 thành viên của ta bị thương, đại diện của Mỹ tại địa phương đã báo cáo lên phái đoàn Mỹ ở Sài Gòn: “Sự cố này là do các đại diện của chính phủ Việt Nam Cộng hòa sắp đặt và thực hiện, với sự tiếp tay của lực lượng cảnh sát quốc gia”.
Kiên quyết giương cao ngọn cờ hòa bình, chính nghĩa
Trong Lời kêu gọi lịch sử ngày 28-01-1973 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiệm vụ trước mắt của đồng bào ta đã được vạch rõ: “Tăng cường đoàn kết, luôn luôn cảnh giác, ra sức phấn đấu để củng cố những thắng lợi đã giành được, giữ vững hòa bình lâu dài, hoàn thành độc lập, dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Ngày 15-10-1973, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam ra lệnh: Kiên quyết giáng trả các hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, bất cứ ở đâu bằng các hình thức và lực lượng thích hợp.
Để làm thất bại âm mưu và các hành động của Mỹ và tập đoàn tay sai hiếu chiến ở Sài Gòn tiếp tục chiến tranh, phá hoại Hiệp định, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã kiên quyết lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Tại các diễn đàn Ban liên hợp quân sự và Hội nghị Hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không ngừng tỏ rõ thiện chí, đã đưa ra những đề nghị hợp tình hợp lý nhằm giải quyết đúng đắn các vấn đề quân sự và chính trị được đặt ra, như đề nghị 6 điểm ngày 25-4-1973, được nói rõ thêm ngày 28-6-1973 và sau đó là Tuyên bố nổi tiếng ngày 22-3-1974. Tháng 6-1974 trước việc phía Sài Gòn ngoan cố phá hoại các cuộc họp ở Hội nghị Hiệp thương và ở Ban Liên hợp quân sự, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã kiên quyết đình chỉ cả hai diễn đàn này, vạch mặt Mỹ - Thiệu là kẻ phá hoại đàm phán để mở rộng chiến tranh, do đó, càng làm cho chúng thêm cô lập trong dư luận.
Bộ Thống soái tối cao của ta đã đánh giá lại tình hình miền Nam và đưa ra quyết sách kịp thời. Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (1973) đã kiểm điểm 6 tháng thi hành Hiệp định Paris và chấn chỉnh “một số nơi lừng chừng, chập choạng trong việc đối phó với địch, để chúng lấn chiếm thêm đất, kìm kẹp thêm dân”.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 và những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời sau đó của Bộ Thống soái tối cao, đặc biệt là Kết luận của Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị tháng 12-1974 đã làm cho tình hình miền Nam đi đúng hướng và chuyển biến hết sức mau lẹ, làm cho ta ngày càng mạnh lên cả về thế và lực, khiến địch ngày càng suy yếu toàn diện. Những hành động phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, mặc dù hết sức quyết liệt và có tính hệ thống, không thể ngăn cản đà tiến lên như vũ bão của cách mạng. Với Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, hai Đoàn đại biểu quân sự ta - đội quân ngoại giao quân sự ở tuyến đầu, đã được cấp trên giao những nhiệm vụ đặc biệt. Là đội quân duy nhất của cách mạng có thế đứng công khai và hợp pháp trong lòng địch, lại có hiểu biết sâu sắc về địch và dày dạn kinh nghiệm sau hai năm đấu tranh trực diện với đối phương, hai phái đoàn ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin để hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao phó.
Những bài học còn mãi
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ: Từ tư tưởng độc lập, tự chủ đã làm nảy sinh những cách tiếp cận vô cùng độc đáo của chúng ta trong quá trình “vừa đánh, vừa đàm”. Sự độc đáo này có thể tóm tắt trong “bốn chữ K”: kết hợp, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp các mặt trận để hỗ trợ cho nhau. Đồng chí Trường Chinh viết bài về ba tầng mặt trận, trong đó chỉ ra sự đoàn kết dân tộc hai miền Bắc-Nam; đoàn kết Việt-Miên-Lào trên bán đảo Đông Dương; đoàn kết nhân dân toàn thế giới trước hết là đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình. Ba tầng mặt trận đó tạo nên sức mạnh gấp bội cho chúng ta, trong điều kiện sức mạnh vật chất có hạn, nhưng sức mạnh tinh thần rất lớn. Kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao. Bác Hồ đã dạy phải trông vào thực lực: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Vì vậy, thắng lợi trên mặt trận quân sự đã quyết định quá trình đàm phán. Sức mạnh quân sự là nền tảng, chỗ dựa cho cuộc đấu tranh về ngoại giao. Đó là một bài học lớn, trong điều kiện đất nước còn thiếu thốn về vật chất, muốn vững mạnh thì phải tạo được sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh đoàn kết quốc tế, sức mạnh của lòng dân.
Kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Tại bàn đám phán Paris, chúng ta kiên quyết Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện, quân ta ở lại; Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta phải kiên trì vì đàm phán với một nước lớn, có vị trí quốc tế rất cao, sức mạnh vật chất rất lớn như Mỹ, không thể ngày một ngày hai giành thắng lợi được. Chúng ta chủ trương đánh thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên ta giành thắng lợi hoàn toàn.
Khôn khéo kết hợp giữa chiến lược và sách lược. Chiến lược thì cần giữ vững, trong khi sách lược phải rất linh hoạt. Sách lược của chúng ta trong hội nghị Paris là chưa đòi ngay xoá bỏ ngụy quyền Sài Gòn. Mà chúng ta lúc đầu chỉ đòi xoá bỏ chính quyền của Thiệu và Kỳ thôi. Đến giai đoạn ký kết, chúng ta cũng không đặt ra yêu cầu đó nữa. Bởi vì, khi thực tế tương quan lực lược thay đổi thì chúng ta sẽ lật đổ được chính quyền đó mà thôi.
Nửa thế kỷ đã trôi qua (1973 - 2023), Hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, với những bài học kinh nghiệm quý giá.
Trước hết, đó là bài học về độc lập, tự chủ. Tại Hội nghị Paris, chúng ta đã tôn trọng nguyên tắc này trong mọi quyết sách, trong từng bước đi. Điều đó đã giúp ta đứng vững trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi tình hình quốc tế có những biến động không thuận. Bên cạnh đó, quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris là bài học tiêu biểu về kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Bởi trong suốt quá trình đàm phán tại Paris, chúng ta đã có được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Mỹ, góp phần tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam.
Trong giai đoạn mới, việc chắt lọc, vận dụng bài học này là đặc biệt quan trọng. Theo đó, chúng ta phải coi trọng phát huy sức mạnh nội lực là yếu tố mang tính chất quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng. Xử lý đúng đắn, hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế; giữa lợi ích quốc gia dân tộc và trách nhiệm quốc tế. Tuy nhiên, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phải luôn linh hoạt, thích ứng với các xu thế vận động của thế giới, nhưng trên hết phải phát huy nguồn lực tổng hợp với nguồn lực nội tại, giữ vững mục tiêu, nhiệm vụ và lợi ích quốc gia để đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hai là, giữ vững các nguyên tắc trên tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam; đòi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; yêu cầu chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ… Chúng ta đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể, nhưng không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc đó và chúng ta đã chiến thắng… Vận dụng bài học này, trong giai đoạn hiện nay chính là kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đó, “sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo từng vấn đề, từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác”, “thêm bạn bớt thù”, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đặc biệt là “quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 14-12-2022.
Ba là, vừa đánh, vừa đàm; vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Trong suốt quá trình đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, giữa “đánh” và “đàm”, giữa các binh chủng, hợp thành thế trận chiến tranh nhân dân, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hơn nữa, quá trình thực hiện phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, Việt Nam có bốn lần giành thắng lợi từng bước. Đó là: 1- Ép Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc; 2 - Buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc; 3 - Ép Mỹ đơn phương rút dần quân Mỹ về nước; 4 - Buộc Mỹ ký Hiệp định, “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Vận dụng bài học này, trong giai đoạn hiện nay, theo quan điểm của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Người ta thường cho rằng đối ngoại là phải làm vui lòng nhau và tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế không nhất thiết như vậy. Trong công tác đối ngoại, các bên có thể không hoặc chưa tìm được tiếng nói chung nhưng vẫn phải duy trì quan hệ, không để xảy ra căng thẳng, xung đột. Vì vậy, bên cạnh hợp tác, đấu tranh cũng rất quan trọng để bảo vệ các giá trị của Việt Nam, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và ổn định, không cho nước khác xâm phạm lợi ích chiến lược của đất nước”.
Bốn là, biết địch, biết ta. Đi vào đấu tranh trong từng phiên họp tại Hội nghị Paris, trên các vấn đề lớn, ta luôn biết cách gạt các mũi tên tiến công, các đòn gây sức ép của đối phương bằng những lý lẽ, lập luận sắc bén, các cách ứng xử quyết liệt. Không phiên họp nào phía Mỹ không đề cập đến vấn đề “rút quân miền Bắc”. Mỹ xoáy vào vấn đề này nhằm đánh lừa dư luận, gây khó khăn cho ta. Ta khẳng định: “Thực hiện quyền dân tộc tự vệ thiêng liêng, mọi người Việt Nam đều có quyền chiến đấu trên bất kỳ mảnh đất nào của Tổ quốc mình”. Sau đó, ta đưa ra phương thức “Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”. Lập trường này đã được đưa thành một điều khoản (Điều 13) của Hiệp định Paris. Dưới thời Nixon, Mỹ mấy lần cho ném bom lại một số nơi ở miền Bắc để gây sức ép, khiến không khí đàm phán căng thẳng. Đoàn đàm phán ta đến phiên họp đọc bản tuyên bố lên án Mỹ rồi bỏ họp mà không để đối phương kịp phản ứng. Chủ động bỏ họp như vậy, cũng là một cách tiến công gây tác động mạnh trong dư luận. Ta giành được thế chủ động trong đàm phán vì chủ động trong điều hành cục diện cuộc chiến, ta biết phát động và biết kết thúc đấu tranh theo mưu lược của ta. Mặt khác, đi vào đàm phán, ta nắm chắc chiến trường, nội bộ Mỹ và xu thế quốc tế để tính toán cung cách và bước đi chặt chẽ, giữ vững quyền chủ động trong quá trình thương lượng, đó chính là bài học “biết mình, biết người” trong đàm phán Paris.
Trong giai đoạn hiện nay, vận dụng bài học này, chúng ta cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng về xác định đối tác, đối tượng vào thực tiễn; trong từng thời điểm cụ thể chúng ta phải căn cứ vào đường lối, chiến lược, âm mưu, thủ đoạn hiện hành và phải có cách nhìn nhận biện chứng, khoa học; dựa trên tư duy thực tế, linh hoạt để luôn nhận biết rõ đâu là đối tác, đâu là đối tượng. Thực hiện vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên tinh thần gia tăng hợp tác, phát huy mặt tích cực của quan hệ đối tác; hạn chế, khắc phục tác động trái chiều của quan hệ đối tượng; triệt để khai thác các nhân tố có lợi từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tránh quan điểm, nhận thức mơ hồ, ảo tưởng, mất cảnh giác cách mạng; đánh đồng, nhầm lẫn, cứng nhắc, tuyệt đối hóa đối tác hoặc đối tượng; tránh để đối tác chuyển hóa thành đối tượng; tránh cho rằng đối tác là để hợp tác, đối tượng là để đấu tranh một cách đơn thuần.
Trong những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực dự báo sẽ có những diễn biện phức tạp, khó lường. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam bên cạnh những thuận lợi vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cùng với phát huy sức mạnh nội lực, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; việc chắt lọc, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris 50 năm về trước là đặc biệt quan trọng, qua đó từng bước nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trước mắt là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021) đề ra là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.
Với việc Hiệp định được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi rất vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam…
… Thắng lợi rực rỡ này là kết quả của hơn 18 năm kiên trì chiến đấu, vượt qua muôn nghìn hy sinh, gian khổ, của bốn mươi triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước ta. Đó là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam…”
Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 28-1-1973, “Về Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”
..............................................................
“Đối với ta, điều quan trọng của Hiệp định Paris không phải là ở chỗ thừa nhận hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, tiến tới thành lập chính phủ ba thành phần, mà mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại, hành lang Nam Bắc vẫn nối liền, hậu phương gắn với tiền phương thành một dải liên hoàn thống nhất; thế trận tiến công của ta vẫn vững”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn (Điện gửi đồng chí Phạm Hùng, ngày 10-10-1974)
..............................................................
“Người dân Hoa Kỳ cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng và đối với họ, vấn đề Việt Nam chìm vào quên lãng”.
William Colby - nhân viên cao cấp của Cục Tình báo Trung ương Mỹ hoạt động ở Việt Nam
..............................................................
“Việc Mỹ rút quân mà không phải thừa nhận thất bại quân sự sau gần hai thập kỷ nỗ lực bất thành là một thắng lợi cay đắng của một siêu cường quốc tế”.
Tác giả Gabriel Kolko, trong cuốn sách “Giải phẫu một cuộc chiến tranh”
..............................................................
“Nixon đã kiên quyết tìm đến một nền “Hòa bình trong danh dự” để duy trì địa vị của Mỹ trên thế giới, nhưng Mỹ đã ra khỏi cuộc chiến tranh với hình ảnh rất nhem nhuốc trong con mắt của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ vốn đã chán ngấy việc dính líu vào chiến tranh”.
Nhà sử học Mỹ George C. Herring, trong cuốn sách: “Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ”
..............................................................
“Không bảo đảm nào là chế độ Thiệu sẽ sống sót sau khi Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam. Mặc dù cam kết bí mật của họ với Thiệu, cả Nixon và Kissinger phải biết rằng tương lai của Nam Việt Nam là ảm đạm”
Nhà sử học Mỹ Joseph A. Amter
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
- HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO?
- HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: “Vở diễn hoàn hảo”
- HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 3: VỪA ĐÁNH VỪA ĐÀM
- HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN