LONGFORMHIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: “Vở diễn hoàn hảo”

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: “Vở diễn hoàn hảo”

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

Sau những màn thương lượng, mặc cả đi đến thống nhất thành phần tham dự, ngày 25-1-1969, Hội nghị bốn bên gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và ngụy quyền Sài Gòn, khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Đại lộ Kleber, Thủ đô Paris. Kể từ đây, với việc tồn tại song song hai đoàn đàm phán dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện một “vở diễn hoàn hảo”, tuy hai mà một, tuy một mà hai để giành những thắng lợi vang dội, hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến đấu ở trong nước.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

Câu chuyện về cái bàn và chiến thuật “hai phe” - “bốn bên”

Sau sự kiện Tết Mậu Thân - 1968, giữa Washington và ngụy quyền Sài Gòn xảy ra mâu thuẫn lớn. Jonhson viết trong hồi ký: “Khi chúng ta đạt được sự sắp xếp với Hà Nội thì sự hòa hợp với Tổng thống Thiệu lại tan vỡ”. Trong khi Johnson cố thúc đẩy hình thành cuộc thương lượng với sự tham gia của 4 bên, nhằm hỗ trợ cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng của Đảng Dân chủ, thì Nguyễn Văn Thiệu lại ra sức cự tuyệt, không chấp nhận thương thuyết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với tư cách là một thực thể chính trị độc lập.

Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ (6-11-1968), Nixon thay đổi thái độ cứng rắn với đồng minh, ép Nguyễn Văn Thiệu "xuống thang” chấp nhận sự tham gia hội nghị của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Âm mưu của Hoa Kỳ lúc này là giữ vai trò điều khiển, đưa ngụy quyền Sài Gòn ra đóng vai trò là nhân vật chính của cuộc đàm phán, lái Hội nghị Paris từ bàn đàm phán bốn bên thành đàm phán của “hai phe” cộng sản (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) với quốc gia (ngụy quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ).

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

Vì vậy, trong suốt thời gian hơn một tháng sau đó, Hội nghị Paris dành phần lớn thời gian để đi đến thống nhất về “hình thể chiếc bàn hội nghị” và “hình thức rút thăm phát biểu”. Phía Hoa Kỳ liên tục đưa ra nhiều “sáng kiến” về hình thể chiếc bàn nhằm thể hiện khái niệm “hai phe” trong đàm phán. Đầu tiên là đề nghị bàn hình chữ nhật, “mỗi phe” ngồi một bên. Sau đó, là loại bàn gồm hai hình bán nguyệt do một bàn tròn cắt đôi và đặt khoảng cách đối diện nhau, rồi một bàn tròn đầy được chia đôi bằng một sợi dây hoặc một bàn tròn hình bánh còng, nhưng được chia làm đôi bằng một lằn mực vẽ trên mặt bàn. Ngụy quyền Sài Gòn còn lập luận: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không được quyền có cờ, vì họ không có chính phủ, trong hội nghị quốc tế chỉ những phái đoàn có chính phủ mới có quyền có cờ. Thực chất chiến thuật của Nixon và Nguyễn Văn Thiệu là cố bác bỏ tư cách độc lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong đàm phán.

Sớm nhận biết âm mưu của Hoa Kỳ, ngay sau khi kết thúc vòng đám phán hai bên, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tỏ rõ lập trường đàm phán bốn bên và chủ trương các phái đoàn phải được bình đẳng, độc lập với nhau và đề nghị một bàn vuông, bốn đoàn ngồi bốn cạnh hoặc bốn bàn riêng biệt đặt theo hình tam giác hoặc hình tròn. Đồng thời, kiên quyết yêu cầu tổ chức rút thăm phát biểu có sự tham dự của cả đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nguỵ quyền Sài Gòn, không phải chỉ giữa đại diện “hai phe” như Hoa Kỳ đề nghị. Sau nhiều lần cự tuyệt, trì hoãn không thành, Washington và nguỵ quyền Sài Gòn buộc phải “chấp nhận” hình thức bàn hội nghị là một bàn tròn, hai đầu đặt một bàn hình chữ nhật cho các thư ký; các phái đoàn tham gia sẽ không đề tên và cắm cờ.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Hình ảnh góc nhìn phía Đoàn Hoa Kỳ và Đoàn Việt Nam Cộng hòa trưng bày ở triển lãm chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 16-1-2023. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện chiến thuật đàm phán “hai phe”, ngay trong phiên khai mạc (25-1-1969), phái đoàn Sài Gòn đưa ra hàng loạt yêu cầu phi lý với lập luận đánh đồng cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, như: Tái lập khu phi quân sự, chấm dứt mọi sự xâm nhập người và kho vũ khí vào lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa (Cách phái đoàn Sài Gòn tự gọi), triệt thoái các lực lượng vũ trang về miền Bắc, không can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam, tôn trọng các Hiệp định Geneva năm 1954 và năm 1962, chấp nhận một sự kiểm soát quốc tế hữu hiệu.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
4 chiếc bút ký Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh: Khánh Huyền

Để đập tan chiến thuật đàm phán của Hoa Kỳ, phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã công bố “giải pháp hòa bình 10 điểm”, khiến đối phương lúng túng. Tổng thống Nixon phải triệu kiến Kissinger, Nhà trắng tuyên bố “chương trình mới của Mặt trận Giải phóng đưa ra có chứa đựng một vài đề nghị không chấp nhận được nhưng cũng có những yếu tố có thể khai thác được”. Trong các cuộc tranh luận, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam luôn sử dụng các cụm từ “các vị”, “các ngài” để tách bạch các bên trong đàm phán, quyết bảo vệ lập trường bốn bên, bác bỏ luận điệu “phía quý vị” mà Hoa Kỳ và Sài Gòn sử dụng với ngụ ý gộp chung hai phái đoàn ta với nhau.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Ông Lê Đức Thọ, đại diện đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bên phải) và ông Henry Kissinger, phái viên của Tổng thống Mỹ, cùng ký tắt vào Hiệp định Paris tại Trung tâm hội nghị quốc tế ngày 23-1-1973. Các bên tham gia đàm phán và ký kết hiệp định Paris gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (đoàn miền bắc Việt Nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ làm cố vấn) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (đoàn miền nam, do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn), Việt Nam Cộng hòa và Mỹ. Ảnh: AP

Thế áp đảo của ta tiếp tục được nhân lên khi ngày 6-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập, trở thành đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế. Sự kiện này đã xóa bỏ hoàn toàn lý do biện minh cho quan điểm đàm phán song phương hay “hai phe”, đưa Hội nghị Paris tiến lên một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn Hoa Kỳ và ngụy quyền Sài Gòn phải nhìn nhận vị thế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một bên trong cuộc đàm phán bốn bên về Việt Nam.

Một cây hai nhánh, một cội hai cành

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm, ngày 16-3-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bây giờ, ngoại giao của ta vừa là một mà lại là hai, vừa là hai mà lại là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Hai cái vừa là hai mà lại vừa là một, vừa là một mà lại vừa là hai. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau”.

Chỉ đạo của Bác Hồ đã được các nhà ngoại giao của ta vận dụng khéo léo, nhuần nhuyễn, hiệu quả trên nhiều phương diện và diễn đàn, với nhiều tổ chức, quốc gia có quan hệ với vấn đề Việt Nam. Trong suốt quá trình hội nghị, mọi kế hoạch, đấu pháp cho từng thời kỳ, các sáng kiến trong hội nghị hay họp báo, hoạt động ngoại giao bên lề…, đều được hai đoàn thảo luận kỹ lưỡng, phân công, phối hợp thực hiện khiến đối phương liên tục rơi vào thế bất ngờ, bị động đối phó.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

Theo ông Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên thành viên Đoàn đám phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris: Khi bước vào đàm phán, đối phương luôn luôn né tránh việc nói chuyện trực tiếp với Ðoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đòi tách riêng các vấn đề quân sự với các vấn đề chính trị trong một giải pháp toàn bộ, tức là vừa đòi hai bên cùng rút quân, vừa lẩn tránh vấn đề phải từ bỏ chính quyền Sài Gòn. Ngụy quyền Sài Gòn thì ngạo mạn tuyên bố chỉ công nhận Mặt trận như “một thực tế chứ không phải một thực thể”. Trước tình thế đó, Ðoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với tư cách đại diện cho nhân dân miền Nam đã lên án đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân ra khỏi miền Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do họ lập ra. Còn Ðoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên cương vị là chủ nhân của nước Việt Nam độc lập vừa đưa ra lập trường riêng của mình, vừa ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Ðoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy trước khi vào dự phiên đàm phán ở Hội nghị Pari (Ảnh tư liệu/Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

“Trước mắt thế giới, không ai không nhận thấy rằng lập trường và các kiến nghị về giải pháp do hai đoàn miền Bắc và miền Nam đưa ra tại Hội nghị từ lúc mở đầu đến khi kết thúc đều có chung một tiếng nói. Song cũng không ai không nhận thấy rằng đó là lập trường và kiến nghị về giải pháp của hai đại diện của nhân dân Việt Nam có vị trí khác nhau”, ông Hà Đăng nhấn mạnh.

Ông Hà Đăng dẫn chứng thêm, trong các cuộc họp công khai của Hội nghị, hầu hết các sáng kiến về giải pháp đều do Ðoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đưa ra và được Ðoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ, như: Giải pháp toàn bộ mười điểm ngày 8-5-1969, Tuyên bố tám điểm nói rõ thêm về giải pháp cho vấn đề Việt Nam ngày 14-9-1970, Tuyên bố bảy điểm ngày 1-7-1971 và tiếp theo là Tuyên bố hai điểm nói rõ thêm tháng 2-1972. Những tuyên bố về giải pháp này được phía Mỹ đặc biệt lưu tâm, bởi họ hiểu phía sau các đề nghị đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðến giai đoạn đàm phán thực chất, trong các cuộc nói chuyện riêng với Mỹ, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa ra những đề nghị có ý nghĩa then chốt. Như đề nghị chín điểm ngày 26-6-1971, sau đó được Ðoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra công khai tại Hội nghị bốn bên thành Tuyên bố bảy điểm ngày 1-7-1971 về thời hạn rút hết quân Mỹ và thả tù binh, thành lập ở Sài Gòn một chính phủ không có Thiệu để nói chuyện với Chính phủ Cách mạng lâm thời…

Là người trực tiếp soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo những bài phát biểu của Trưởng đoàn ta, ông Hà Đăng kể: Hội nghị họp mỗi tuần một lần vào thứ năm. Thứ sáu, hai đoàn ta họp liên tịch, đánh giá kết quả phiên họp vừa qua và bàn phương pháp đấu tranh trong phiên họp tới. Thứ bảy và chủ nhật, người soạn thảo chuẩn bị văn bản. Thứ hai, đoàn góp ý kiến vào dự thảo lần thứ nhất. Thứ ba, góp ý kiến vào dự thảo lần thứ hai. Thứ tư, hoàn chỉnh văn bản, dịch và in.

“Tôi cảm nhận rằng, những lúc ta đưa ra giải pháp là những lúc viết bài dễ nhất. Bởi vì mỗi giải pháp như vậy bao giờ cũng được soạn thảo luận rất kỹ càng, được chuẩn bị công phu và xét duyệt sẵn từ “nhà”, thậm chí được cân nhắc đến từng câu, từng chữ. Còn những bài phát biểu khác, “tự biên tự diễn”, được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Trưởng đoàn và ban lãnh đạo toàn đoàn”, ông Hà Đăng nói.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ cho rằng: Đó là nét sáng tạo độc đáo chỉ có ở Việt Nam, Mỹ biết nhưng không làm gì được. Bác Hồ chọn người rất sáng suốt, nòng cốt là những chiến sĩ cách mạng kiên cường đã trải qua tù đầy gian khổ. Trong đó, Bác chọn một người thật cứng rắn bên cạnh một người thật mềm mỏng. Ông Lê Đức Thọ được mệnh danh là ông “Sáu Búa” rất mạnh mẽ, còn ông Xuân Thủy như một nhà nho, rất điềm đạm, dí dỏm. Hai người cương-nhu kết hợp với nhau tạo thành đội chỉ huy. Hai đoàn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng mà trực tiếp là đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Lê Ðức Thọ và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Xuân Thủy, khi thực hiện nhiệm vụ có sự phối hợp, phân vai với nhau rất hiệu quả.

“Nhạc trưởng” vừa đàm phán vừa làm thơ

“Hôm nay tôi cũng đến Paris/Nắng mới tươi thêm lá Quốc kỳ/ Độc lập, hòa bình tranh thắng lợi/ Nhớ lời Bác dặn lúc ra đi”.

Bốn câu thơ khẳng định bản lĩnh, khí phách, niềm tin, được Bộ trưởng Xuân Thủy sáng tác khi vừa đặt chân đến Paris. Trong khi Nixon liên tục thay thế các trưởng đoàn đàm phán (Hariman, Cabot Lodge, David Bruce, William Parter…), Trưởng đoàn Xuân Thủy luôn tỏ rõ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sắc sảo không thể thay thế. Bằng phong thái đĩnh đạc, “nụ cười chiến thắng”, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc vai trò “Thủ lĩnh” dẫn dắt mọi hoạt động của hai đoàn.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Ông Xuân Thủy tại Paris, Pháp vào ngày 10-5-1968. (Nguồn: Getty Images)

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

Henry Kissinger, cố vấn đặc biệt của Phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Paris. Ảnh: Tư liệu

Trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân, ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Thư ký riêng của đồng chí Xuân Thủy, chia sẻ: Sự uyên bác, đĩnh đạc của Trưởng đoàn Xuân Thủy ở Hội nghị Paris thể hiện ở phong thái điềm tĩnh, khôn khéo, không bị cuốn vào những lời khiêu khích của đối phương. Trong suốt quá trình đàm phán, đồng chí Xuân Thủy luôn nhận định, phân tích đúng tình hình thực tiễn trong nước, thế giới; bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, kiên định về nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt, khéo léo về sách lược.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy trong những ngày đầu của Hòa đàm Paris, 1968. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Theo ông Hà Đăng, Bộ trưởng Xuân Thủy được biết đến vừa như một nhà ngoại giao tài ba, nụ cười luôn nở trên trên môi, vừa là một nhà văn hóa, một nhà thơ, đàm phán rất căng thẳng nhưng “Nắm vững phương châm giành thắng lợi/Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ” (Lời của nhà thơ Sóng Hồng, họa lại một bài thơ của Xuân Thủy vào những tháng đầu của Hội nghị). Trong lúc đấu tranh căng thẳng, cả bàn đàm phán cãi tay đôi quyết liệt, đập bàn đập ghế, ông ấy lại điềm tĩnh ngồi viết mấy câu thơ tặng cho bà Nguyễn Thị Bình.

“Tướng ngoài biên ải” Lê Đức Thọ

Được cử làm “Cố vấn đặc biệt” của Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Lê Đức Thọ cùng các thành viên phái đoàn ta đã khéo léo đưa Mỹ vào cục diện vừa đánh, vừa đàm, vừa đàm phán công khai, vừa thương lượng bí mật. Những lần “giương búa” của ông Sáu Thọ khiến đối phương phải “ngồi im”.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Từ trái qua: ông Xuân Thủy, ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger vẫy chào người dân sau khi buổi họp cuối cùng giữa các bên tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Paris kết thúc vào ngày 23-1-1973. Ảnh: AP

Trong một cuộc gặp riêng, Kissinger nói: “Ông Thọ này, nếu các ông cứng như thế này thì có lẽ chiến tranh sẽ còn tiếp tục, bom đạn sẽ còn tiếp tục rơi ở miền Bắc”.

Ông Sáu Thọ cắt ngang: “Tôi xin ngắt lời ông. Có phải tôi với các ông mới đánh nhau hôm qua đâu. Tôi với các ông đánh nhau bốn, năm năm rồi. Bom đạn rơi bốn, năm năm rồi. Các ông đem bom đạn ra dọa tôi hôm nay không được đâu!”. Tố cáo sự lật lọng của Mỹ, ông Sáu Thọ nói thẳng với Kissinger: “Chúng tôi đã bị người Nhật, người Pháp, người Mỹ lừa dối, nhưng chưa bao giờ sự lừa dối lại trắng trợn như lần này”, “Ông nói với chúng tôi như vậy rồi ông lật ngược đi thì ông nghĩ chúng tôi hiểu ông là người như thế nào?”.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Bộ chén-tặng phẩm của Henry Kissinger tặng đồng chí Lê Đức thọ sau khi ký Hiệp định Paris. Ảnh: Khánh Huyền

Ngày 8-1-1973 gặp lại Kissinger sau khi Mỹ ném bom lại miền Bắc, ông Sáu Thọ thẳng thắn: Hành động của các ông rất trắng trợn và thô bạo. Các ông tưởng rằng làm như vậy là có thể khuất phục được chúng tôi nhưng các ông nhầm. Chính các ông đã làm cho cuộc đàm phán khó khăn. Chính các ông đã làm cho danh dự nước Mỹ bị hoen ố!

Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger đã viết: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện bên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”; “Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo”.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

“Nữ hoàng Việt cộng” Nguyễn Thị Bình

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

Ngày 4-11-1968, khi vừa đặt chân đến Paris, với tuyên bố về “Giải pháp 5 điểm” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, “Madam Bình” - Theo cách gọi của truyền thông phương Tây, đã trở thành tâm điểm trên mặt báo với các dòng tít và lời bình rất kêu: “Đại diện của Việt cộng đã đến Paris”, “Madam Bình như một bà hoàng được đón như một quốc trưởng với đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt”…

Suốt gần 5 năm, bằng tài năng, khí chất và bản lĩnh của một nhà ngoại giao cách mạng, bà Nguyễn Thị Bình trực tiếp đấu tranh trên bàn hội nghị, tham gia các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, dự hội nghị quốc tế, đi khắp các châu lục để tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và dư luận Mỹ đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Một số nhà báo Mỹ thường đưa ra những câu hỏi “xỏ lá” để hạ thấp uy tín của đoàn ta, biện minh cho hành động xâm lược của Mỹ.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Trưởng đoàn trù bị Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tới Paris tham dự phiên họp chuẩn bị cho Hội nghị Paris 4 bên, ngày 4-11-1968. Ảnh: Tư liệu

Trong cuộc tranh biện bằng tiếng Pháp có chủ đề “Việt Nam” với khoảng 20 nhà báo quốc tế tổ chức tại Pháp ngay sau khi Mỹ thực hiện một phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam (Chương trình được phát sóng ngày 17-11-1970 trên Kênh 1 của Cơ quan Phát thanh truyền hình Pháp (ORTF), trước những câu hỏi: Sao ta không chấp nhận rút quân miền Bắc ra khỏi miền Nam? Vì sao Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không đàm phán với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu? Việc máy máy bay Mỹ do thám miền Bắc Việt Nam và việc có quân chi viện miền Nam...

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
Những bài báo phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bình tại ngôi nhà ở Verriere-le-Buisson được thành phố lưu giữ lại. Ảnh: Hà nội mới

Bà Nguyễn Thị Bình khảng khái trả lời: “Chúng tôi không đàm phán với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vì đó không phải là chính quyền của nhân dân mà là do Mỹ dựng lên làm tay sai cho Mỹ”; “Chẳng có luật pháp nào cho phép một nước do thám hay ném bom một nước khác. Cũng chẳng luật pháp nào ngăn cấm một nước, mà thực ra không có nước Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam. Chúng tôi là một quốc gia. Chẳng có lý do gì để những người anh em không giúp đỡ nhau”.

Nguyễn Thị Bình: Người Mỹ tự cho mình quyền tấn công và ném bom một nước tự chủ khác và điều đó chẳng thay đổi gì trong chính sách của Mỹ.

Arnaud de Borchgrave (phóng viên Tạp chí Newsweek, Hoa Kỳ): Gần đây cũng có nhiều vụ đánh bom ở Sài Gòn.

Nguyễn Thị Bình: Thưa ông, ông đang đánh đồng quân xâm lược Hoa Kỳ và dân tộc Việt Nam. Tôi cho rằng không ai có thể chấp nhận một nhận định như vậy.

Nói về người Trưởng đoàn của mình, ông Hà Đăng chia sẻ: Không biết do Trưởng đoàn ta là nữ, do phong thái của người đàm phán hay do cái chặt chẽ nhưng uyển chuyển trong phát ngôn, tôi ít thấy có trường hợp chị bị đối phương phản ứng gay gắt về thái độ. Sự tức tối của họ thường là do nội dung vấn đề ta nêu lên.

(Còn nữa)

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo

Đại biểu tham quan trưng bày ở triển lãm chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 16-1-2023. Ảnh: Khánh Huyền

* Tài liệu tham khảo: Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn (Trung tâm lưu trữ quốc gia II)

  • HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 2: Vở diễn hoàn hảo
  • Nội dung: NHÓM PV BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top