LONGFORMHIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN

Trong đấu tranh ngoại giao với đối thủ sừng sỏ như Mỹ, các nhà đàm phán của Việt Nam luôn kiên định đường lối độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên trì nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, chủ động tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đây cũng là bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN

Kiên quyết, linh hoạt, cương-nhu kết hợp

Sinh thời, nắm vững “ngũ tri” và luôn “biết mình, biết người” là một nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở nhận thức được vai trò và vị thế Việt Nam là một nước nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp tư duy phương Đông về “Ngũ tri” (Năm cái biết: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong quan hệ với các nước lớn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu chủ trương “trải thảm đỏ” hoặc “nhịp cầu vàng” để Mỹ rút quân về nước. Người căn dặn phái đoàn ngoại giao của Việt Nam trước khi đàm phán tại Hội nghị Paris với Mỹ: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả”. “Đây như kỹ thuật nấu cơm, nếu sớm quá thì cơm sống, muộn quá thì cơm cháy”.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Ngày 18-1-1969, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp) diễn ra phiên họp đầu tiên của Hội nghị 4 bên về Việt Nam, gồm 4 đoàn đại biểu: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Vận dụng tư tưởng đó, tại Hội nghị Paris, phái đoàn đàm phán của ta kiên quyết không khoan nhượng đối với những vấn đề có tính nguyên tắc. Tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Mỹ và quân đội nước ngoài phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, quân ta ở lại. Để đạt được những vấn đề “bất biến” đó, các nhà đàm phán của ta luôn tích cực, chủ động, linh hoạt, khôn khéo trong lựa chọn phương pháp, hình thức đấu tranh ngoại giao, nhân nhượng với đối phương những vấn đề thứ yếu có thể nhân nhượng được.

Kết quả cuối cùng chúng ta đạt được mục tiêu của mình: Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc Việt Nam, buộc phải cam kết rút quân và không can thiệp trở lại, còn chúng ta vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị, vũ trang của ta ở miền Nam, tạo cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để đi tới thắng lợi triệt để.

Đồng chí Hà Đăng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chia sẻ, câu chuyện ngoại giao ấn tượng nhất của ta tại Hội nghị Pari chính là câu chuyện các nhà đám phán của ta thời đó đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc, chiến lược nhưng rất linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Bác Hồ từng căn dặn cán bộ ta: Trong ngoại giao cũng như trong xử lý các tình huống phức tạp, “chính sách phải có cương, có nhu. Cương quá thì dễ gãy. Nhu quá thì hèn. Nói nên nhu. Làm nên cương”. Tại bàn đàm phán, ngoại giao của ta luôn biết hướng tới thắng lợi lớn toàn cục nhưng cũng biết giành từng thắng lợi nhỏ trong mỗi trận đấu, mỗi phiên họp. Biết tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước, chắc chắn, thận trọng nhưng không để rơi vào thế bị động. Kiên quyết phê phán những sai trái, khai thác chỗ yếu của đối phương nhưng có thái độ trọng thị với người đối thoại.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN

Giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi quyết định

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan chia sẻ: Từ tư tưởng độc lập, tự chủ đã làm nảy sinh những cách tiếp cận vô cùng độc đáo của chúng ta trong quá trình “vừa đánh vừa đàm”. Kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng chúng ta phải kiên trì đàm phán, vì Mỹ là một nước lớn, có vị trí quốc tế rất cao, sức mạnh vật chất rất lớn, không thể ngày một ngày hai giành thắng lợi được. Chúng ta chủ trương đánh thắng từng bước, từng bộ phận, tiến lên ta giành thắng lợi hoàn toàn.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Ông Xuân Thủy tại Paris, Pháp vào ngày 10-5-1968. (Nguồn: Getty Images)

Còn theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, sau Tết Mậu Thân, với cục diện vừa đánh, vừa đàm, ngoại giao trực tiếp vận dụng phương châm đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng bước. Trước hết, đó là thắng lợi cuối năm 1968 buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc và đi vào Hội nghị bốn bên. Đến giữa năm 1969, Việt Nam buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ, góp phần thay đổi cục diện và so sánh lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho quân ta.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Ngày 23-1-1973, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ ký tắt Hiệp định Paris.

Sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và chuẩn bị mở Hội nghị bốn bên, đầu năm 1969, Bộ Chính trị đề ra một số nhiệm vụ của cách mạng: Một là, đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Hoa Kỳ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ. Hai là, khoét sâu mâu thuẫn, khó khăn nội bộ Mỹ, nội bộ ngụy, mâu thuẫn Mỹ - ngụy. Ba là, đề cao vị trí quốc tế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời). Bốn là, tranh thủ các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ ta về vật chất và chính trị, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ mạnh mẽ, có hiệu quả của phong trào nhân dân thế giới, bao gồm cả nhân dân Mỹ, đấu tranh đòi Mỹ rút nhanh, rút hết và không điều kiện quân ra khỏi miền Nam. Trong bức điện gửi Đoàn Paris ngày 1-1-1969, Bộ Chính trị chỉ thị “đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Hoa Kỳ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ”. Tháng 4-1969, Nghị quyết Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: “Mặt trận ngoại giao xuất phát từ chiến lược đánh Mỹ với chủ trương nhất quán là đánh lùi Mỹ từng bước, đánh thắng Mỹ từng bộ phận, kết hợp vừa đánh vừa đàm và cuối cùng buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Ngày 27-1-1973, tại Paris, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng đại diện các bên ký chính thức Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực ngay lập tức. Bà Nguyễn Thị Bình là phụ nữ duy nhất đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris giai đoạn 1968 - 1973. Ảnh: cecv.edu

Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ đó, cuối năm 1971, Mỹ buộc phải đơn phương rút trên 30 vạn quân. Việt Nam cũng giành thắng lợi quan trọng nữa là: Mỹ từ bỏ yêu sách đòi quân miền Bắc rút - một đòi hỏi cơ bản, then chốt nhất của Mỹ trong suốt cuộc đàm phán, đồng thời cũng là nguyên tắc lớn nhất và bất di bất dịch của Việt Nam.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Bà Nguyễn Thị Bình trong buổi trao đổi với phóng viên hãng thông tấn AP ngày 30-7-1971, khẳng định miền Bắc Việt Nam sẽ trao trả toàn bộ tù binh chiến tranh nếu Mỹ đưa ra được một thời hạn rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Tháng 10-1972, trước tình thế đàm phán không tiến triển, Bộ Chính trị đề ta quyết sách táo bạo: “ Ta cần gác lại một số yếu tố khác về nội bộ miền Nam. Những vấn đề chưa đạt được là do tình hình chưa cho phép đạt được dẫu ta có tiếp tục đàm phán đến sau bầu cử ở Mỹ thì ta cũng không đạt được... Nhưng nếu chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam thì trong đấu tranh với ngụy sau này, ta có điều kiện để đạt các vấn đề đó và còn giành thắng lợi lớn hơn...” (Điện của Bộ Chính trị gửi Đoàn Paris ngày 4-10-1972).

Đồng chí Vũ Khoan cho rằng, đây là sự khôn khéo kết hợp giữa chiến lược và sách lược. Sách lược của chúng ta trong hội nghị Pari là chưa đòi ngay xoá bỏ chính quyền Sài Gòn. Mà chúng ta lúc đầu chỉ đòi xoá bỏ chính quyền của Thiệu và Kỳ thôi. Đến giai đoạn ký kết, chúng ta cũng không đặt ra yêu cầu đó nữa. Bởi vì khi thực tế tương quan lực lược thay đổi thì chúng ta sẽ lật đổ được chính quyền đó mà thôi.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris cho biết: “Ngày 8-5-1969, ta đưa ra “giải pháp toàn bộ 10 điểm” chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề chính trị ở miền Nam, có tác động rất lớn, đặc biệt đối với dư luận Mỹ”.

Chính Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger hiểu rõ đây là một đòn tiến công ngoại giao sắc bén của Mặt trận và nhận xét, riêng việc tồn tại một kế hoạch hòa bình của cộng sản mặc dù bản thân nó là một sự bất ngờ đã gây ra ngay lập tức sự phản ứng trong quốc hội, trong các phương tiện truyền thông và trong dư luận công chúng. Họ gây sức ép với chính phủ đừng bỏ qua cơ hội đó.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bình: Tại bàn đàm phán, ngày 17-9-1970, ta tiếp tục đưa ra tuyên bố 8 điểm đòi Mỹ rút quân trước ngày 30-6-1971 và gạt bỏ ngụy quyền Sài Gòn, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam. Tuyên bố gây tiếng vang lớn ở các đô thị miền Nam và dư luận quốc tế. Năm 1971, tình hình chiến trường rất căng thẳng. Trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý cũng hết sức gay gắt. Đoàn đàm phán ta thực hiện “đối ngoại phối hợp chiến trường”. Tiến hành “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” thất bại, Mỹ đi vào âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong cuộc họp báo tại Paris. (Nguồn: Getty Images)

Thế của ta ngày càng mạnh lên, trên chiến trường ta ở thế phản công. Cục diện dẫn đến ngày 1-7-1971, ta đưa ra giải pháp 7 điểm chấn động: Mỹ rút hết quân đi; chính quyền Sài Gòn từ chức, nhường chỗ cho một chính quyền mới, bàn bạc với Chính phủ Cách mạng lâm thời để lập ra Chính phủ hòa hợp dân tộc”. Ta chủ động tách vấn đề rút quân Mỹ với vấn đề chính trị ở miền Nam. Đây là một bước đi rất quan trọng, linh hoạt, khôn khéo. Trong ngoại giao, nhiều khi mềm dẻo, lại chính là tiến công. Chúng ta giữ vững lập trường kiên quyết, sắt đá, đấu tranh trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa các cường quốc; đồng thời tìm giải pháp có lợi nhất ra khỏi chiến tranh, giành thắng lợi. Tiếp đó, đầu năm 1972, ta đưa ra tuyên bố 2 điểm nói thêm: rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần. Đây là sự thể hiện “một sách lược lớn” tạm gác vấn đề chính trị ở miền Nam, tập trung đòi Mỹ rút quân - đã có tác động rất mạnh, đúng lúc, đẩy đối phương vào thế bị động.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾNBà Nguyễn Thị Bình (người ngồi giữa) tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973/ 27-1-2023) do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Sau chiến thắng Xuân - Hè 1972 trên năm mặt trận lớn, từ Trị Thiên đến đồng bằng sông Cửu Long, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, làm thay đổi tương quan lực lượng, tạo ra khả năng kết thúc chiến tranh. Tháng 7-1972, Bộ Chính trị đưa ra quyết sách chuyển từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình. Tại Hội nghị Paris, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Mỹ đi vào đàm phán “bí mật”, hai mặt trận quân sự và ngoại giao đi vào hồi quyết liệt. Cuối tháng 9-1972, ta đưa ra “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Đầu tháng 10-1972, hai bên thỏa thuận về cơ bản Dự thảo và dự định ngày 30-10-1972 sẽ ký kết Hiệp định.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Bà Nguyễn Thị Bình và ông Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam (diễn ra từ ngày 26-02 / 02-03-1973).

Tuy nhiên, đầu tháng 11-1972, phía Mỹ lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định có lợi cho Mỹ. Và để gây áp lực buộc ta chấp nhận, Mỹ tiến hành cuộc không kích bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972. Ngày 21-12-1972, ta tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Chiến dịch không kích thất bại, Mỹ phải trở lại bàn đàm phán.

Nắm bắt thời cơ này, cùng với những khó khăn trong nội bộ Mỹ do phe chống chiến tranh mạnh lên và sức ép bầu cử, hai phái đoàn ngoại giao của ta đẩy mạnh tiến công, ép Mỹ chấp nhận Dự thảo và ngày 23-1-1973, ta và Mỹ ký tắt văn bản Hiệp định; tiếp đó, sáng ngày 27-1-1973, Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được chính thức ký kết.

Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ

Ngay sau khi phái đoàn ta đến Paris, ngày 14-5-1968, Bộ Chính trị chỉ thị: Mục đích đấu tranh của ta trong giai đoạn này là tố cáo, lên án địch một cách mạnh mẽ, dẫn chúng đến chỗ cụt lý, phải gục trước lý lẽ đanh thép của ta…

Trong suốt tiến trình đàm phán, hai phái đoàn ngoại giao miền Bắc và miền Nam đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, nhiều diễn đàn khác nhau để tiến công đối phương. Trong đó có diễn đàn công khai để tranh thủ dư luận, có diễn đàn gặp riêng (họp bí mật) để thăm dò đối phương và đàm phán thực chất. Quá trình đó diễn ra những cuộc đối chọi quyết liệt, đối đáp gay gắt, thậm chí là bỏ họp có báo trước hoặc không báo trước. Tại Paris, hai đoàn ta tiến hành gần 500 cuộc họp báo. Có những cuộc do hai đồng chí Trưởng đoàn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình trực tiếp chủ trì. Qua đó, tranh thủ dư luận, tập hợp lực lượng quốc tế và tác động vào nội bộ đối phương.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Bà Nguyễn Thị Bình và ông Xuân Thủy tại Paris năm 1970. Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

Nắm bắt tâm lý người dân Mỹ muốn đưa con em họ từ chiến trường về nước, phái đoàn ta ở Paris đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, hướng vào bốn nội dung: Nêu cao chính nghĩa của Việt Nam, khẳng định quyết tâm giành độc lập của Việt Nam; nêu cao thiện chí hòa bình của Việt Nam; tố cáo tội ác và vạch trần tính phi nghĩa của xâm lược Mỹ. Một trong những đòn tấn công ngoại giao có sức mạnh, tác động sâu rộng vào nội bộ Mỹ nhất là giải pháp Bảy điểm (1-7-1971), trong đó nêu rõ “thời hạn rút hết quân Mỹ là thời hạn thả hết tù binh”, đáp ứng mối quan tâm sâu sắc của dư luận Mỹ về số phận của các phi công Mỹ bị bắt trên miền Bắc.

Từ năm 1968 đến năm 1972, phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ phát triển đến đỉnh cao với nhiều hình thức phong phú, tập hợp rất nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Đáng chú ý là phong trào thanh niên, sinh viên đốt thẻ quân dịch, chống đi lính, đào ngũ hàng loạt; phong trào tình nguyện đi chiến đấu chống Mỹ ở Việt Nam... Tháng 10-1969, tại 1.200 thành phố, thị xã, thị trấn ở 53 bang của nước Mỹ nổ ra đồng loạt các cuộc biểu tình chống chiến tranh. Tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam còn có hàng trăm Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ Mỹ, hơn 30 vạn viên chức và trí thức cùng nhiều binh lính Mỹ từ chiến trường Việt Nam trở về.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Phong trào phản chiến đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam của những người Mỹ yêu chuộng hòa bình.

Năm 1971, tại Washington nổ ra cuộc đấu tranh của hơn nửa triệu người, trong có hàng ngàn cựu binh đã từng tham chiến ở Việt Nam tham gia. Các cựu chiến binh đã ném tất cả huân chương họ được tặng ở chiến trường Việt Nam lên các bậc thềm nhà Quốc hội Mỹ. Các lực lượng phản chiến của binh sĩ Mỹ trên toàn nước Mỹ đã xuất bản hơn 250 tờ báo, thường xuyên có nội dung tuyên truyền kêu gọi chấm dứt chiến tranh xâm lược, từ chối thi hành lệnh sang chiến đấu ở Việt Nam vì họ coi đây là một cuộc chiến tranh “vô đạo lý”. Cuối năm 1972, phong trào phản chiến, chống chiến tranh xâm lược lại bùng lên dữ dội ở Mỹ, thu hút hàng vạn binh sĩ Mỹ tham gia. Tháng 1-1973, trước đài kỷ niệm ở Washington, hơn 75 nghìn người tập trung biểu tình và hô vang những khẩu hiệu đòi Tổng thống Nixon phải chấm dứt ngay chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Phong trào phản đối chiến tranh xâm lược và âm mưu trì hoãn, luận điệu xảo quyệt trong đàm phán của Mỹ cũng lan rộng ra nhiều nước, trong đó có cả những nước là đồng minh của Washington. Ngày 26-7-1968, Ban thư ký thường trực Ủy ban đoàn kết Á-Phi đã gửi phái đoàn Hoa Kỳ bị vong lục, mạnh mẽ lên án: Thay mặt nhân dân các nước Á, Phi, chúng tôi tố cáo mạnh mẽ và cực lực lên án sự xâm lược của Mỹ ở Việt Nam... Chúng tôi tố cáo mạnh mẽ và cực lực lên án những âm mưu trì hoãn và những luận điệu xảo quyệt của đại diện Mỹ tại cuộc nói chuyện chính thức ở Paris. Tờ Guardian (Anh) viết: Con đường duy nhất tiến tới hòa bình là đám phán với Hà Nội. Người Mỹ phải tỏ ra là họ nghiêm chỉnh muốn điều đó, bằng cách chấm dứt ném bom.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Ảnh trái: Tù binh Mỹ John McCain được thả tự do vào tháng 3-1973 sau hơn 5 năm ông bị bắt tại chiến trường Việt Nam. Máy bay C-141 chở McCain tới Căn cứ Không quân Clark ở Philippines sau khi rời khỏi Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định Paris là việc phóng thích tù binh của hai bên. Sau này, ông McCain là một trong những thượng nghị sĩ có ảnh hưởng tại Mỹ thường vận động ủng hộ phát triển mối quan hệ Việt - Mỹ. Ảnh: AP
Ảnh phải: Ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Nhóm quân lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền nam Việt Nam. Sự kiện có sự chứng kiến của các quan chức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt dính líu quân sự, tạo thuận lợi cho cách mạng phát triển. Trong khi đó, ngụy quyền ở Sài Gòn mất chỗ dựa về quân sự, bị suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng chính trị. Ảnh: AFP

Tố cáo Nixon ra lệnh cho máy bay B.52 ném bom miền Bắc Việt Nam, báo Le Monde (Pháp) đã so sánh hành động đó của Mỹ với cuộc ném bom của phát xít Đức thực hiện ở Guernica, Tây Ban Nha. Tờ Daily Mirror (Anh) đánh giá: “Việc Mỹ quay lại ném bom Bắc Việt Nam đã làm cho cả thế giới lùi lại vì ghê sợ”. Chính phủ Thụy Điển lên án “cuộc ném bom là một tội ác chống lại loài người trên quy mô đạo đức” ngang bằng với sự tàn bạo của phát xít tại trại tập trung Treblinka. Thủ tướng Thụy Điển Palme còn đích thân thu thập chữ ký, phát động phong trào đòi Hoa Kỳ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam trên toàn quốc.

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Nói đến Hiệp định Paris, không thể không nói tới thành phố Choisy-le-Roi, cách Paris khoảng 20 km về phía đông nam. Choisy- le Roi được cho là đã chứng kiến những câu chuyện đàm phán tài tình được giữ kín tới mức “bí ẩn”. Trong ảnh là tấm biển trước khu nhà tại Choisy le Roi. Ảnh: hanoimoi.com.vn
HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Căn nhà 106 Avenue du Général Leclerc của thị trấn Gif-sur-Yvette bình thường như bao ngôi nhà khác ở vùng ngoại ô Paris, ít ai biết rằng nơi đây 40 năm trước đã diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Hoa Kỳ. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Có thể nói, một thành công lớn của Hội nghị Paris là đã nắm chắc ba nhân tố: chiến trường, nội bộ Mỹ và xu thế quốc tế để tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi từng bước, đẩy lùi địch từng bước, tạo thuận lợi cho chiến trường, góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân, của bạn bè quốc tế.

Thực tế, nắm chắc những nhân tố trên, đặc biệt là “Cuộc chiến trong lòng nước Mỹ”, từ năm 1968 đến năm 1973, ta đã 5 lần kéo đối phương xuống thang rõ nét, : Buộc Mỹ hạn chế ném bom toàm miền Bắc tháng 3-1968; buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc tháng 10-1968; buộc Mỹ đơn phương rút dần 40.000 quân (1969 - 1972); buộc Mỹ phải từ bỏ đòi hỏi “Hai bên cùng rút quân” tháng 10-1971 và cuối cùng là buộc Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris, rút hết quân về nước.

(Còn nữa)

  • HIỆP ĐỊNH PARIS 1973: CHÚNG TA ĐÃ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO? - Bài 4: DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
  • Nội dung: NHÓM PV BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top