Đưa quan hệ Việt Nam – Malaysia sang giai đoạn mới ở tầm mức cao
-------------------***-------------------
Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và phu nhân thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến 23-11. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ và toàn diện.
-------------------***-------------------
Sự tin cậy chính trị cao
Cách đây hơn 50 năm, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Malaysia là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 3-1973), đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình dài nhiều thập niên của mối quan hệ gắn bó, không ngừng phát triển mạnh mẽ giữa hai nước. Đến năm 2015, Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, đưa hợp tác hai nước lên tầm cao mới cả trên góc độ đa phương và song phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và vì lợi ích của nhân dân hai nước. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất mà Malaysia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Trong suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến thiên thời cuộc, Việt Nam và Malaysia không ngừng tập trung vào các cơ hội để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ cả ở bình diện song phương và đa phương. Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng được củng cố thông qua duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Hai nước hiện đang tích cực triển khai Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025 và Biên bản thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Malaysia (tháng 7-2023).
Đảng ta quan hệ chính thức với Đảng Tổ chức Thống nhất Dân tộc Mã lai (UMNO) - đảng hiện tham gia liên minh cầm quyền - từ năm 1994; bắt đầu tiếp xúc với Đảng Công lý Nhân dân (PKR) của Thủ tướng Anwar Ibrahim.
Hợp tác nghị viện tiếp tục được thúc đẩy qua các chuyến thăm và trong các diễn đàn nghị viện đa phương. Trên diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới, hai bên hợp tác tích cực và về cơ bản có quan điểm tương đồng về các vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế và môi trường.
Hai nước có quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, WTO, APEC, ASEM…; thường xuyên phối hợp, ủng hộ nhau ứng cử vào các vị trí trong các cơ quan Liên hợp quốc .
Tại ASEAN, hai bên cam kết phối hợp chặt chẽ để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy các lợi ích và đề cao vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, duy trì trao đổi, phối hợp lập trường hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Ngoài ra, hai nước duy trì trao đổi và phối hợp quan điểm về các vấn đề như ứng phó thiên tai, bảo đảm lợi ích của các nền kinh tế đang phát triển trong hệ thống thương mại đa phương và tự do hóa thương mại, đầu tư.
Thành quả của hơn nửa thế kỷ hợp tác gắn bó
Trên nền tảng sự tin cậy chính trị cao, hợp tác giữa hai nước trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, hợp tác quân sự, quốc phòng song phương được hai bên coi trọng thúc đẩy, đạt kết quả thực chất, nổi bật trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp; duy trì hiệu quả cơ chế tham vấn hải quân, trao đổi kinh nghiệm giữa lực lượng không quân hai nước; đào tạo; tích cực tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, các sự kiện quốc tế do mỗi nước chủ trì tổ chức...
Trên cơ sở Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về hợp tác quốc phòng ký tháng 12-2023 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia, cùng với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, tiềm năng và dư địa hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước được đánh giá còn rất lớn.
Trong buổi tiếp Đại tướng Tan Sri Datuk Seri Mohammad bin Ab Rahman, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Malaysia nhân dịp thăm chính thức Việt Nam ngày 15-8 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, thời gian tới, quân đội hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả các lĩnh vực đã và đang triển khai; tham mưu triển khai cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng, thiết lập cơ chế tham vấn không quân, giao lưu sĩ quan trẻ; thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và thế mạnh như: Công nghiệp quốc phòng, quân y, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tiếp tục tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương...
Hợp tác an ninh tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia cũng như thông qua hoạt động tiếp xúc, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phòng, chống tội phạm khủng bố, tội phạm mạng.
Cùng với đó, hai nước là những đối tác kinh tế hàng đầu của nhau trong ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 12,7 tỷ USD trong năm 2023, và tính đến tháng 9-2024 đạt gần 10,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD (tăng 3,5%) và giá trị hàng nhập khẩu đạt 6,8% (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023).
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi tháng 7-2023, hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu và xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng và là thế mạnh của cả hai bên nhằm đạt được mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương là 18 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài ra, Malaysia còn là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 10/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 754 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 12,9 tỷ USD. Về địa phương, Malaysia đã đầu tư vào 34/63 tỉnh thành của Việt Nam. Tính đến ngày 30-9-2024, Việt Nam có 27 dự án còn hiệu lực sang Malaysia với tổng số vốn đăng ký đạt 854,5 triệu USD. Malaysia đứng thứ 9/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như lao động, giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Những thành quả đạt được trong hành trình nửa thế kỷ qua chính là nền móng vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam-Malaysia trong những chặng đường phát triển tiếp theo, là cơ sở để hai nước tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước hướng tới những chương mới.
Động lực cho sự hợp tác phát triển
Chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ và toàn diện, nhất là kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2015.
Chuyến thăm có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ vốn đã rất tốt đẹp giữa Malaysia và Việt Nam; được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hàng loạt lĩnh vực như: Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; năng lượng tái tạo và công nghệ xanh; công nghệ thông tin và truyền thông; kinh tế số; phát triển ngành công nghiệp Halal; du lịch, trao đổi văn hóa và giáo dục cũng như tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN.
Đặc biệt, chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia. Đồng thời, mong muốn cùng Malaysia đưa mối quan hệ tin cậy và hợp tác hiệu quả giữa hai nước sang giai đoạn mới ở tầm mức cao, thiết thực hơn nữa, đáp ứng các yêu cầu phát triển của hai nước trong giai đoạn mới; tích cực và có trách nhiệm cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
- Nội dung: LINH OANH
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC