ASEAN: Thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển
-------------------***-------------------
Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Sonexay Siphandone, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 44, 45 và các HNCC liên quan tại Vientiane (Lào), từ ngày 8 đến 11-10-2024.
Đây là lần thứ ba Lào đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN (trước đó là vào năm 2004 và 2016). Lào đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN lần này vào thời điểm rất quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng, với việc ASEAN hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
-------------------***-------------------
Điểm sáng về đoàn kết, phát triển, tự lực, tự cường
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các HNCC liên quan lần này là các hoạt động cấp cao duy nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới ngày càng phức tạp, khó lường với các diễn biến nhanh chóng chưa từng có tiền lệ, tác động mạnh đến ASEAN. Kinh tế thế giới duy trì xu hướng phục hồi nhẹ, thương mại toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại, song các yếu tố rủi ro vẫn thường trực do xung đột và bất ổn ở nhiều nơi. Các thách thức an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Tuy xu thế lớn tiếp tục mang lại động lực tăng trưởng mới nhưng cũng đặt ra yêu cầu ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đi kèm như: An ninh mạng, quản trị công nghệ, trí tuệ nhân tạo...
Trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, ASEAN tiếp tục giữ vững được đoàn kết, định vị vững chắc vị trí là vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực; là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển; là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến, liên kết ở khu vực, nâng cao năng lực ứng phó với những thách thức đang nổi lên, củng cố lập trường nguyên tắc trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
ASEAN tiếp tục là điểm sáng về kinh tế với dự báo tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới. ASEAN quyết tâm đẩy nhanh đàm phán các hiệp định cả nội khối và giữa ASEAN với các đối tác như: Nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh, thúc đẩy hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, hoàn thành thủ tục phê duyệt Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand.
Nhiều khuôn khổ hợp tác được thúc đẩy, thể hiện sự chủ động của ASEAN trong việc nắm bắt và tận dụng các động lực tăng trưởng mới như đàm phán Hiệp định Kinh tế số ASEAN, Thỏa thuận khung về Lưới điện ASEAN, Kế hoạch hành động ASEAN về nông nghiệp bền vững, Lộ trình về tiêu chuẩn thương mại số ASEAN… Hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các lĩnh vực này cũng được đẩy mạnh, góp phần đưa quan hệ, kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực.
Hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) tiếp tục đạt nhiều tiến bộ, với việc thành lập những cơ chế hợp tác mới và các hoạt động liên quan. Việc mở rộng quan hệ quốc phòng của ASEAN thông qua việc thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và triển khai 7 nhóm chuyên gia ADMM+ cũng đã chứng tỏ ADMM+ là một cơ chế hiệu quả trong kiến tạo lòng tin, thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa ASEAN và các nước đối tác. Việc ngày càng nhiều đối tác bên ngoài ADMM+ bày tỏ mong muốn được tham gia ADMM+ dưới các hình thức khác nhau phần nào phản ánh thành công và sức hấp dẫn của cơ chế này.
Hợp tác văn hóa-xã hội được tăng cường, chú trọng ứng phó các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, môi trường, hướng mạnh vào các nhóm dễ bị tổn thương với nhiều hoạt động có ý nghĩa như Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 3 về thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc, Diễn đàn Trẻ em ASEAN, ưu tiên tái cơ cấu chiến lược thu hẹp khoảng cách phát triển.
Phát huy hiệu quả tinh thần “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, ASEAN, dưới vai trò dẫn dắt của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2024, đạt nhiều kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng trên cơ sở triển khai các kế hoạch tổng thể năm 2025 trên cả 3 trụ cột: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, củng cố nền tảng và tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Hiệp hội, hướng tới các mục tiêu về một Cộng đồng tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ, hợp tác sâu rộng hơn đến năm 2045.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch ASEAN đã và đang thực hiện tốt các chương trình nghị sự đề ra, nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM 57) trong tháng 7 vừa qua. Việc đạt được Tuyên bố chung của Hội nghị AMM 57 có thể coi là thành tựu rất quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào.
Vị thế Việt Nam trong thực hiện tầm nhìn phát triển của ASEAN
Gần 3 thập niên tham gia “mái nhà chung”, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế. Con đường phát triển của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập luôn gắn liền với ASEAN và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực trong mối quan hệ chặt chẽ này. Việt Nam luôn nỗ lực và đóng góp tận tâm vì một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực cũng như trên thế giới. “Việt Nam là nước thành viên ASEAN có vai trò quan trọng trong thực hiện tầm nhìn phát triển của ASEAN, có đóng góp to lớn trong việc đề ra chính sách và quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội”, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh.
Kể từ khi Lào tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN 2024 vào cuối năm 2023 và trong năm 2024, trên cơ sở mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và truyền thống, Việt Nam đã thể hiện rõ ràng vai trò đồng chí, anh em, người bạn thân thiết của Lào qua việc ủng hộ và hỗ trợ nước bạn đầy tích cực, hiệu quả thông qua nhiều hình thức cả về vật chất và chia sẻ kinh nghiệm. Điều này được thể hiện rõ qua các cam kết, hành động cụ thể như: Hỗ trợ về tài chính cho công tác tổ chức các hội nghị; hỗ trợ xe ô tô, mô tô tuần tra và nhiều trang thiết bị điện tử để phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các hội nghị trong khuôn khổ Năm ASEAN.
Đáng chú ý, vào tháng 4 năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn tương lai ASEAN 2024, với chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm” là minh chứng sắc nét về vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với công việc chung của khu vực và thế giới. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu theo hình thức trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ ba ngày 23-8 vừa qua, là một dấu ấn trong Năm Chủ tịch, được bạn hết sức trân trọng và đánh giá cao.
Sau gần 6 thập niên hình thành và phát triển, có thể khẳng định chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt như hiện nay và cũng chưa bao giờ ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức như vậy. Việc tổ chức HNCC ASEAN lần thứ 44, 45 và các HNCC liên quan chính là dịp để các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy hoàn tất đúng hạn các kế hoạch tổng thể năm 2025, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và các chiến lược triển khai trong giai đoạn tới; kiểm điểm, định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, nhất là về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, được quan tâm hiện nay; đồng thời trao đổi quan điểm về những vấn đề khu vực và quốc tế tác động đến ASEAN cũng như phát huy tính chủ động của Hiệp hội trước các thách thức hiện nay.
Bối cảnh quốc tế và khu vực với những tác động đa chiều, thuận nghịch đan xen đòi hỏi ASEAN phải nỗ lực nhiều hơn nữa, giữ vững và phát huy thành quả của gần 60 năm hợp tác. ASEAN hội tụ đầy đủ các điều kiện để thích ứng hài hòa với những biến động của thời cuộc và chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những thập niên tới. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên ASEAN đóng góp thực hiện thành công mục tiêu cao cả này.
- Nội dung: LINH OANH
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC