LONGFORMĐợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Ngày 13-3-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng những loạt đạn, pháo như sấm rền, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam, được người Pháp mệnh danh là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm trong hệ thống Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

"Pháo đài bất khả xâm phạm” Him Lam

Him Lam - hay còn có tên Béatrice, là “cánh cổng thép” của quân viễn chinh Pháp án ngữ đường 41 từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ bảo vệ tập đoàn cứ điểm từ xa. Trung tâm Him Lam gồm ba cứ điểm có công sự tương đối vững chắc; một lưới lửa mạnh bố trí rất cẩn mật, vừa yểm hộ lẫn cho nhau, vừa ngăn chặn mọi con đường ta có thể tiến vào; một hệ thống công sự phụ gồm dây thép, chướng ngại vật và bãi mìn, có nơi rộng đến hơn 100m. Lực lượng bảo vệ căn cứ được trang bị súng có kính ngắm điện tử phát hiện mục tiêu ban đêm. Him Lam được trọng pháo 105mm và 155mm ở Mường Thanh và Hồng Cúm yểm hộ theo một kế hoạch hỏa lực dày đặc.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Ảnh trái: Ngày 20-11-1953, Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành "pháo đài bất khả xâm phạm". Ảnh phải: Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản vững chắc, quân lương đầy đủ, người Pháp cho rằng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là “pháo đài bất khả xâm phạm”.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép
Ảnh 1: Phó tổng thống Mỹ Nixon đến Việt Nam kiểm tra và động viên quân viễn chinh Pháp. Ảnh 2: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và viên chỉ huy De Castries ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh 3: Tướng Cogny và viên chỉ huy De Castries đi thị sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hai ngày trước khi diễn ra trận đánh, đồng chí Sơn Hà, Trưởng ban Quân báo của Đại đoàn 312 tổ chức một trận đột kích táo bạo vào trung đội địch cảnh giới ở Him Lam, bắt về một viên trung úy người Đức bị thương nặng. Sau khi được ta tận tình cứu chữa, viên trung úy cho ta biết về hệ thống hỏa lực ở Him Lam, đặc biệt là cứ điểm 1, nơi đại đội 9 của y đóng quân. Y thành thật khuyên ta "không nên đánh vào Him Lam, vì đây là trung tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm".

Chuyển đổi phương án tác chiến

Ngày 25-1-1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc; đồng thời, việc đưa pháo vào trận địa và công tác tổ chức hiệp đồng chiến đấu bộ binh-pháo binh của ta chưa hoàn tất, nên Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định sửa đổi kế hoạch, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt, chuyển sang thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, dùng cách đánh vây hãm tiến công, đột phá lần lượt để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép
Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu

Nhiệm vụ của bộ đội ta trong đợt tiến công thứ nhất là tiêu diệt ba trung tâm đề kháng: Him Lam, Đồi Độc Lập, Bản Kéo, bảo vệ cho tập đoàn cứ điểm ở hướng Bắc và Đông Bắc, ngăn chặn quân ta từ hai trục đường Lai Châu - Điện Biên Phủ và Tuần Giáo - Điện Biên Phủ tiến vào cánh đồng Mường Thanh.

Ban đầu, ta chủ trương đánh cả Him Lam và đồi Độc lập trong một đêm, sau đó sẽ tiêu diệt nốt trung tâm còn lại là Bản Kéo. Đánh cả hai nơi có lợi là phân tán được hỏa lực chi viện của tập đoàn cứ điểm. Nhưng khi tính toán cụ thể, thấy không đủ sơn pháo 75mm đi cùng một lúc với hai đơn vị xung kích, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đánh Him Lam trước, ngay sau đó chuyển pháo sang cho đơn vị đánh đồi Độc lập vào đêm hôm sau.

Các đơn vị được bố trí như sau: Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 tiêu diệt trung tâm đề kháng Đồi Độc Lập. Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308 tiêu diệt trung tâm đề kháng Bản Kéo. Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 kiềm chế pháo binh địch ở Hồng Cúm.

Đại đoàn Công pháo 351 tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích vào cơ quan chỉ huy ở Mường Thanh, sân bay và các kho tàng.

Chuẩn bị bước vào chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” cho Quân đội và gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ:

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Cùng ngày, Lệnh động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được gửi tới các đơn vị:

"Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước tới nay... Đánh thắng ở Điện Biên Phủ, chúng ta sẽ phá tan kế hoạch Nava hiện đã bị thất bại nặng nề, sẽ giáng một đòn chí tử vào âm mưu mở rộng chiến tranh của bọn đế quốc Pháp - Mỹ. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi sẽ có một ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt - Miên - Lào... Giờ ra trận đã đến"!

Xé toang cánh cửa thép

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: Đêm 11-3, bộ đội Đại đoàn 312 tiến hành đào trận địa xuất phát xung phong. Các chiến hào trước đó vẫn nằm ẩn mình dưới tán cây rừng, những chỗ trống đều được ngụy trang cẩn thận, nay đổ xuống cánh đồng đâm thẳng vào cứ điểm địch. Lúc này địch mới biết trận đánh vào Him Lam sắp bắt đầu. Suốt ngày 12, địch cho máy bay, đại bác bắn phá các cửa rừng, nơi chúng nghi ngờ có quân ta và đưa bộ binh, xe ủi đất ra san lấp trận địa chiến hào ta vừa đào.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa và chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Ảnh trên: 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954 trọng pháo của ta đã bắn những quả đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 2 ảnh dưới: Bộ đội pháo binh dội bão lửa xuống căn cứ của địch tại Him Lam, ngày 13-3-1954; 17 giờ 5 phút chiều 13-3-1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đúng 8 giờ sáng ngày 13-3-1954, những viên đạn sơn pháo của bộ đội ta bắn vào sân bay Mường Thanh làm hai chiếc máy bay Dakota của quân Pháp vừa hạ cánh xuống đây bốc cháy.

Đến 17 giờ 05 phút chiều ngày 13-3-1954, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75mm đến 120mm đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút đêm ngày 13-3-1954 thì kết thúc. 7 giờ 30 phút ngày 14-3-1954, quân địch tổ chức lực lượng phản kích hòng chiếm lại Him Lam nhưng bị thất bại và tiếp tục bị thiệt hại nặng, phải từ bỏ hoàn toàn ý định chiếm lại cứ điểm Him Lam. Kết quả: Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị…

Hạ sĩ Kubiak sống sót trong trận Him Lam đã kể lại về trận pháo hỏa mở màn chiều ngày 13- 3-1954, như sau:

"Vào lúc đó, dập một cái, ngày tận thế đã đến... Béatricc bay đi, tan thành bụi. Quanh tôi đất đá tung lên, những người lính lê dương gục xuống, bị thương và chết nằm la liệt. Tất cả đều kinh ngạc và tự hỏi không biết Việt Minh lấy ở đâu ra nhiều pháo đến thế, có thể bắn mạnh đến thế. Đạn đại bác trút xuống không ngừng như một trận mưa đá bất thần buổi chiều thu. Lô cốt, đường hào nối tiếp nhau đè bẹp, chôn vùi người và vũ khí".

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép
Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để quân ta chớp thời cơ, xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13-3-1954. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong chiến dịch này đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, mưu trí “gan không núng, chí không mòn”. Đó là hình ảnh Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo và ngay trong ngày 13-3-1954, mở màn Chiến dịch, anh hùng Phan Đình Giót đã chiến đấu kiên cường và dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho đơn vị xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép
Hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh chụp một góc bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ”). Ảnh: toquoc.vn

Thừa thắng xông lên

16 giờ 45 phút ngày 14-3-1954, Quân ta nổ súng đánh đồi Độc Lập. Trận đánh kéo dài đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15-3-1954 thì kết thúc, cờ Quyết chiến Quyết thắng bị đạn bắn thủng lỗ chỗ đã được cắm trên đỉnh đồi Độc Lập. Kết quả: Tiểu đoàn Bắc Phi của Pháp bị xóa sổ, 483 tên địch bị tiêu diệt, 200 tên bị bắt…

Cả ngày 15-3-1954, quân Pháp tổ chức phản công tái chiếm đồi Độc Lập nhưng đều bị đánh lui và tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề.

Để khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội, ngày 15-3-1954, ngay sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã có điện văn gửi tới toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Toàn văn bức điện như sau:

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Cả ngày 16-3-1954, hai bên ra sức củng cố trận địa. Tuy nhiên, tinh thần chiến đấu của bộ đội ta rất cao và bước vào chuẩn bị tiến đánh Bản Kéo. Về phía quân Pháp, tinh thần chiến đấu đã bắt đầu hoang mang, rất nhiều ngụy quân người dân tộc Thái đã ra hàng…

Sáng ngày 17-3-1954, thấy quân ta chuẩn bị tấn công, quân Pháp ở Bản Kéo sợ hãi bỏ chạy. Trung đoàn 36 của ta không cần phải nổ súng đã chiếm được Bản Kéo và thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía Bắc sân bay Mường Thanh.

Cũng trong ngày 17-3-1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức hội nghị sơ kết đợt 1 tại Sở Chỉ huy Mường Phăng. Hội nghị kết luận: "Nhiệm vụ chiến đấu đợt 1 đã được cán bộ và chiến sĩ ta hoàn thành với tinh thần quyết chiến quyết thắng dành cho một trận đánh lịch sử. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, với việc bộ đội triệt hạ cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, mở toang cánh thép phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thành công của đợt 1 chứng tỏ ta đã tìm ra cách đánh đúng, nên mặc dù kẻ thù hết sức đề phòng, vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt".

Chính kẻ địch đã phải công nhận những chiến thắng này là "do đối phương dũng cảm, có ý chí và quyết tâm cao... áp dụng một chiến thuật hoàn hảo, chính xác". Đợt tiến công mở màn đã giáng một đòn chí tử vào hy vọng giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ của nhà cầm quyền và giới quân sự Pháp.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Tại hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: "Hai trận chiến đấu vừa qua là hai trận đầu của một chiến dịch lịch sử, là hai trận đầu đánh vào một tập đoàn cứ điểm của địch, là hai trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, là hai trận đánh theo lối chính quy. Đánh thắng hai trận đó, chúng ta đã thu được thắng lợi lớn, quân địch đã bị thất bại nặng, nhưng lực lượng của chúng còn mạnh và chúng còn ra sức đối phó. Chúng ta cần phải có một nhận thức đúng đối với tương quan lực lượng giữa địch và ta, giữ vững quyết tâm trong những cuộc chiến đấu gay go sắp tới".

Cũng tại cuộc họp, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định trao Cờ Quyết chiến Quyết thắng, phần thưởng luân lưu của Bác Hồ trong chiến dịch cho Đại đoàn Công pháo 351. Đại đoàn trao lại Lá cờ cho Đại đội lựu pháo 806, đơn vị đã bắn những phát pháo đầu tiên vào cứ điểm Him Lam (ngày 13-3-1954) mở màn chiến dịch lịch sử.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân ta được cắm trên cứ điểm Him Lam, Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3-1954. Ảnh tư liệu

Qua những tập hồi ký của một số tướng tá Pháp các tác giả tỏ ra ngỡ ngàng trước sự sụp đổ nhanh chóng của hai trung tâm mạnh nhất tập đoàn cứ điểm. Langlais viết: "Không hiểu vì lý do gì mà các cứ điểm ngoại vi Him Lam và Độc Lập bị tiêu diệt trong vòng 6-12 giờ. Các cứ điểm này được bảo vệ bằng một dải phòng ngự phụ rộng, tổ chức hỏa lực bắn chặn tốt, do các đơn vị thiện chiến giữ và được chỉ huy hoàn hảo".

Từ Thủ tướng Pháp Lanien đến Navarre, Cogny chuyển sang "thái độ bi quan sâu sắc". Navarre than phiền: "Tổn thất của chúng ta là nặng nề và chúng ta đã tiêu phí một số rất lớn vũ khí, dự trữ của chúng ta đã bị xuống rất thấp, cần phải nhiều thời gian mới bổ sung được". Cogny thú nhận với một số nhà báo: "Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta". Vì sao kẻ thù nhanh chóng thay đổi thái độ như vậy?

(còn nữa)

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

Ảnh trái: Tù binh Pháp bị quân ta bắt trong đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh phải: Một góc tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt.

Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép

  • Đợt tiến công thứ 1: Xé toang cánh cửa thép
  • Nội dung: HUY ĐÔNG (theo sách Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị quốc gia; sách Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nxb Quân đội nhân dân)
  • Ảnh: Tư liệu, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top