Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 3: Phía sau khối bộc phá ở Đồi A1
Chiều ngày 13-3-1954, đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Hỏa lực mạnh tập kích bất ngờ và chính xác của ta ngay từ đầu đã phá hủy các trận địa pháo binh chủ chốt và sân bay địch. Phần lớn máy bay tại chỗ của địch bị bắn cháy. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt các cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, phá vỡ hệ thống phòng ngự của Phân khu Bắc và một trung tâm đề kháng ở Phân khu Trung tâm, đánh bại hoàn toàn quân địch phản kích; tiêu diệt, bức rút 1 tiểu đoàn và 3 đại đội ngụy Thái; bắn rơi 12 máy bay địch.
18 giờ ngày 30-3-1954, đợt 2 chiến dịch bắt đầu. Ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ (C1, D1, D2, 106 và 311). Sau 6 ngày chiến đấu, ta chiếm được các cứ điểm C1, D2, D1, 106 và 311. Trận địa của ta nằm trên một số điểm cao trực tiếp uy hiếp Phân khu Trung tâm của địch, nhưng ta vẫn chưa chiếm được Đồi A1 và C2. Tại Đồi A1, cuộc chiến diễn ra quyết liệt. Nhờ hệ thống hầm ngầm bí mật và vô cùng kiên cố, có bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai, địch chống trả điên cuồng do Đồi A1 là cứ điểm bảo vệ và khống chế trực tiếp khu trung tâm sân bay Mường Thanh. Trước tình hình đó, Bộ chỉ đạo lực lượng trinh sát phải phát hiện cho được hệ thống hầm ngầm của địch ở đây.
----------*****----------
Mở đường cho lực lượng công binh đặt bộc phá
Đồng chí Cao Pha, Cục phó Cục Quân báo, điện lệnh cho Tiểu đoàn 122 khẩn trương tổ chức lực lượng phát hiện hầm ngầm ở Đồi A1 phục vụ cho bộ đội chủ lực ta tiêu diệt cứ điểm này. Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 122 Nguyễn Ngọc Bảo dũng cảm trực tiếp dẫn một tổ trinh sát, bí mật tiếp cận điều tra vị trí hầm ngầm ngay trong đêm 8-4-1954 trong khi Pháp vẫn tiếp tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất và hỗ trợ tối đa hỏa lực để bảo vệ cứ điểm này đến cùng.
Khẩn trương với quyết tâm cao, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo dẫn tổ trinh sát ngày đêm bám sát địch, vùi mình trong đạn bom, kiên quyết không rời trận địa Đồi A1, tổ chức trinh sát điều tra hầm ngầm, bắt tù binh khai thác tin tức tại chỗ.
Kết quả là đã xác định được vị trí hầm ngầm lợi hại của địch, giúp Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo công binh sử dụng một tấn thuốc nổ để đánh sập hầm ngầm, tiêu diệt địch, tạo điều kiện để phát triển lực lượng vào bên trong tập đoàn cứ điểm. Trong trận này, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo cùng 6 đồng chí khác đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba tại Điện Biên và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30-8-1995.
Phân đội trinh sát Tiểu đoàn 122 sau khi phát hiện hầm ngầm đã phục vụ bộ đội ta tổ chức đào hầm đưa gần một tấn thuốc nổ vào Đồi A1. Đêm ngày 6-5-1954, gần một tấn thuốc nổ đã được kích nổ trong lòng Đồi A1, làm tê liệt một phần lớn hoạt động của quân địch đang án ngữ tại đây. Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 tổ chức tấn công địch. Đến sáng ngày 7-5-1954, ta làm chủ hoàn toàn Đồi A1. Cùng thời gian trên, Trung đoàn 98 chiếm được đồi C2.
Ngày 7-5-1954, toàn mặt trận Điện Biên Phủ tiến hành tổng công kích vào Phân khu Trung tâm. Bộ chỉ đạo các lực lượng trinh sát, trong đó có trinh sát Tiểu đoàn 122, tăng cường quan sát, nắm địch, phục vụ tổng công kích, bắt tù binh địch. 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" tung bay trên nóc hầm De Castries. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị xóa sổ. Chiến dịch Điện Biên Phủ giành toàn thắng.
----------*****----------
Trực tiếp tác chiến hỗ trợ mặt trận chính
Phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính ở Điện Biên Phủ, trong quá trình phục vụ chiến dịch, lực lượng quân báo, trinh sát đã tập trung mọi nỗ lực nắm địch, bắt tù binh khai thác tin tức, trực tiếp dẫn đường và cùng các đơn vị tham gia chiến đấu, bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch. Tổ Trinh sát Đại đội 63, Tiểu đoàn 122 qua khai thác hàng trăm hàng binh đã nắm được nhiều thông tin quan trọng. Tên quan 5 Pháp Lanande định tổ chức một đường máu rút sang Lào nhưng nhờ lực lượng của Tiểu đoàn 122, bộ đội ta đã kịp thời bắt sống, giúp khai thác nhiều thông tin quan trọng. Lực lượng trinh sát kỹ thuật cũng thu được nhiều thông tin có ý nghĩa quyết định như địch ra lệnh cho De Castries chiếm lại Him Lam, lệnh tăng viện cho Điện Biên Phủ, lệnh hủy tài liệu, bắn dốc đạn, lệnh hủy vũ khí, tự tổ chức phá vây chạy sang Lào, và tin về những lời tạm biệt của tướng, tá, báo vụ viên và tin địch chuẩn bị kéo cờ trắng đầu hàng.
Ngoài ra, Đại đội 64 thuộc Tiểu đoàn 122, Cục Quân báo liên tục đánh địch ra càn quét ở vùng tự do của ta ở Phúc Yên. Trong một trận phục kích, đại đội đã diệt 2 xe cơ giới và nhiều tên địch trong đó có một tên quan ba Pháp, bắt sống 4 tên, thu 8 súng các loại. Điển hình là trận phục kích ở Đồng Mui khu vực Núi Đôi, giáp ranh giữa Sóc Sơn (Hà Nội) và Vĩnh Phúc, Tiểu đoàn đã tiêu diệt 50 tên lính Âu-Phi, bắt sống 3 tên, thu toàn bộ vũ khí. Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, Đại đội 63, Tiểu đoàn 122 đã được lệnh sang Thượng Lào nắm địch, chuẩn bị chiến trường Luông-pha-băng phục vụ bộ đội ta và quân giải phóng Lào đánh địch.
Cục Quân báo cũng nắm được những tin tức quan trọng khác như: Tin về các cuộc hành quân lớn của địch lên Phú Thọ, Hòa Bình, chợ Bến, Nho Quan; tin chi tiết về cuộc hành quân của địch ra Ninh Bình và cuộc hành quân Atlente ở Liên khu 5; đặc biệt là tin thành lập các đơn vị công binh ứng cứu của địch, phục vụ kịp thời cho Chiến dịch Điện Biên Phủ; tin về sự phát triển lực lượng ngụy quân ở miền Bắc Việt Nam và ở Trung, Hạ Lào; tình hình vận chuyển của địch, tình hình trú quân, canh phòng, càn quét, khủng bố của địch trên các chiến trường... Cùng với lực lượng quân báo trực tiếp tham gia nắm địch ở phía trước, tại Sở Chỉ huy của Cục, thông qua các nguồn tin điệp báo, nguồn tin trinh sát kỹ thuật, nguồn tin của các quân khu, nguồn của Nha Liên lạc và tin công khai, Cục Quân báo đã kịp thời tổng hợp, làm báo cáo, góp phần phục vụ Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các chiến trường trên toàn quốc tăng cường các hoạt động đánh địch phối hợp, hỗ trợ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những chiến công và hy sinh thầm lặng, chịu đựng mọi gian khổ của lực lượng quân báo, trinh sát ở Điện Biên Phủ đã cho thấy vai trò to lớn của tin tức tình báo đóng góp vào chiến thắng chung của chiến dịch. Tình báo quốc phòng với tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ đã cống hiến một phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của nhân dân, đất nước ta trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ mở ra một bước ngoặt to lớn cho cách mạng Việt Nam. Chín năm kháng chiến gian khổ một lần nữa khẳng định ý chí độc lập và khát vọng tự do của cả dân tộc Việt Nam. Đóng góp vào chiến công chung của cả nước là sự hy sinh âm thầm nhưng đầy nhiệt huyết và mang tính chất quyết định của cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân báo, trinh sát, đặc biệt là Tiểu đoàn 122.
Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva bắt đầu bước vào đàm phán, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva vào ngày 21-7-1954 (giờ Việt Nam). Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi đã giáng một đòn mạnh vào dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Cả nước bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam.
- Nội dung: HẢI DƯƠNG (Theo sách Lịch sử Tiểu đoàn 122 và tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC