LONGFORMBa chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải “đánh chắc, tiến chắc”?

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải “đánh chắc, tiến chắc”?

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?

Nếu Chiến dịch Điện Biên Phủ được cả nước và thế giới biết đến với chiến công của những đại đoàn bộ binh, đại đoàn công pháo, dân công hỏa tuyến… thì chúng ta vẫn còn chưa biết nhiều đến những người đã âm thầm góp sức vào chiến thắng chấn động địa cầu này.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu loạt bài về công tác quân báo, trinh sát của các đơn vị thuộc Cục Quân báo, Bộ Tổng Tham mưu, đặc biệt là Tiểu đoàn 122, đơn vị đã lập nhiều chiến công tối quan trọng, góp phần thay đổi phương châm tác chiến ở Điện Biên Phủ, giúp pháo binh tác chiến hiệu quả và trinh sát xác định hầm ngầm ở Đồi A1, mở đường cho lực lượng công binh đào hầm đặt bộc phá, tiến đến chiến thắng cuối cùng ở Điện Biên Phủ.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?

Chiến dịch Điện Biên Phủ được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến hành với phương châm ban đầu là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, các nguồn tin do lực lượng quân báo, trinh sát thu thập được từ cuối năm 1953, đầu năm 1954 đã đi đến kết luận rằng đã có sự thay đổi đáng kể trong tương quan lực lượng giữa Pháp và ta cũng như việc bố trí lực lượng của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Với mục tiêu quan trọng nhất là phải “đánh chắc thắng”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh tư liệu: TTXVN

----------*****----------

Địch tập trung lực lượng ở Điện Biên Phủ với mục đích gì?

C

ác chiến dịch tiến công và phản công của quân và dân Việt Nam trong những năm 1950-1953 đã khiến thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề về lực lượng, thiệt hại lớn về tài chính. Để cứu vãn tình thế, chúng tăng thêm quân số, thay đổi kế hoạch tác chiến và “thay máu” đội ngũ chỉ huy. Đầu năm 1953, địch nghi ngờ và phát hiện Tiểu đoàn 468 (phiên hiệu thường gọi của Tiểu đoàn 426) là đơn vị quân báo, trinh sát của Bộ Quốc phòng. Để giữ bí mật nhiệm vụ và ý định tác chiến của Bộ, Tiểu đoàn 468 được đổi tên thành Tiểu đoàn trinh sát 122. Các đại đội trực thuộc 85, 86 và 87 cũng lần lượt được đổi tên thành Đại đội 62, Đại đội 63 và Đại đội 64.

Sau khi đã có thể phối hợp chặt chẽ và sát cánh chiến đấu chống Pháp với cách mạng Lào, Trung ương đánh giá tình hình và ra chủ trương phối hợp với Chính phủ kháng chiến Lào mở chiến dịch tấn công địch trên hướng Thượng Lào, hướng chính là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng khu vực kháng chiến giữa ta và bạn Lào. Cục Quân báo được lệnh chuẩn bị chiến trường, luồn sâu vào Sầm Nưa nắm chắc tình hình địch, lập hồ sơ binh yếu địa chí, vị trí trú quân, xây dựng cơ sở cách mạng.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Bộ Tổng tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954.
Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Các đơn vị nhận nhiệm vụ triển khai kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954.

Ngày 20-11-1953, Hội nghị cán bộ nhóm họp nghe phổ biến kế hoạch Đông-Xuân 1953-1954. Tại đây, Cục Quân báo thông báo đã thu được thông tin cho biết: Địch cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Từ thông tin này, một loạt câu hỏi được đặt ra: Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ với mục đích gì? Có phải do địch đã phát hiện Đại đoàn 316 đang hành quân lên Lai Châu hay không? Lực lượng nhảy dù xuống Điện Biên để yểm trợ hay đón quân của chúng ở Lai Châu rút về? Chúng có đóng quân lại không? Nếu đóng quân lại thì chúng sẽ dùng bao nhiêu lực lượng và bố trí như thế nào?

Để trả lời các câu hỏi nêu trên, các thành phần nắm địch đã nhanh chóng được Cục Quân báo triển khai, bao gồm các bộ phận nghiên cứu, trinh sát bộ đội, trinh sát kỹ thuật, cung tù binh, bình địa, đồ bản. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa trinh sát mặt đất và trinh sát kỹ thuật, lực lượng quân báo, trinh sát ta đã nắm chắc binh lực và phương tiện địch cũng như bố trí lực lượng của chúng tại Điện Biên Phủ. Cụ thể, quân số của địch khi đó là khoảng 1,62 vạn tên, đóng thành 49 cứ điểm trên 3 phân khu. Trả lời cho câu hỏi Địch tập trung lực lượng ở Điện Biên Phủ với mục đích gì? là để bảo vệ Thượng Lào và nếu có điều kiện thì chúng sẽ mở rộng chiếm lại Tây Bắc.

----------*****----------

Công tác quân báo và “Kế hoạch NavaRRE”

Tuy nhiên, quân Pháp sau đó đã thất bại ở Thượng Lào. Bù lại, quân Pháp đã thực hiện nhiều cuộc hành quân càn quét vào hậu phương ta để phá công tác chuẩn bị tiến công của các đơn vị. Địch đồng thời cũng tập trung mọi nỗ lực xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tháng 5-1953, tướng Henri Navarre được cử làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và lập kế hoạch quân sự mới có tên gọi “Kế hoạch Navarre” với hy vọng sẽ kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Ảnh 1: Navarre sang Đông Dương thay Salan làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp, tháng 5-1953. Ảnh 2: Nhân dân Pháp biểu tình phản đối chiến tranh ở Đông Dương, năm 1953. Ảnh 3: Phát biểu của tướng Navarre đăng trên các báo của Pháp năm 1953 về triển vọng của cuộc chiến tranh Đông Dương.

Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Cục Quân báo khẩn trương điều tra thu thập thông tin về “Kế hoạch Navarre” để báo cáo kịp thời lên Bộ Quốc phòng. Tiểu đoàn 122, Cục Quân báo được lệnh củng cố lực lượng, bổ sung biên chế tổ chức, luyện tập cách đánh cứ điểm. Đầu tháng 7-1953, Cục Quân báo đã đánh giá và báo cáo kịp thời với thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh về “Kế hoạch Navarre” do tướng Henri Navarre, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, xây dựng và trực tiếp chỉ huy như sau:

Nội dung chính của “Kế hoạch Navarre” được chia làm 2 bước:

Bước 1: Thu-Đông 1953 và Xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam.

Bước 2: Từ Thu-Đông 1954, tập trung toàn bộ lực lượng, quyết chiến với chủ lực Việt Minh trên chiến trường miền Bắc Việt Nam, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.

Kế hoạch được chia làm 2 bước, dự kiến thực hiện trong 18 tháng, dựa trên nỗ lực cao nhất của chính phủ Pháp và viện trợ lớn nhất của Mỹ, với số quân đông nhất, khối cơ động chiến lược mạnh nhất và số phương tiện chiến tranh nhiều nhất nhằm đưa quân Pháp giành quyền chủ động trên chiến trường.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Bản Nhật lệnh số 8 của tướng Navarre hiện được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Ngày 5-7-1953, Navarre cho rút quân khỏi Nà Sản vì cho là không có giá trị về chiến lược quân sự và mở cuộc hành quân “Cos-tor” xuống Mường Thanh, đánh chiếm Điện Biên Phủ, lập phòng tuyến dọc sông Nậm Hu, ngăn cách Điện Biên Phủ với Thượng Lào. Cùng thời gian này, địch rút khỏi Lai Châu để tăng cường cho Điện Biên. Địch đã cơ bản xây dựng cứ điểm mạnh có hệ thống hầm, hào kiên cố, do một tiểu đoàn Âu-Phi đóng giữ ở phía Bắc đồi Độc Lập. Ở phía Đông Bắc, chúng xây dựng điểm cao Him Lam thành một trung tâm phòng ngự kiên cố án ngữ con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ. Ở các hướng khác, địch bố trí thêm nhiều cứ điểm. Đây là những thông tin có giá trị mà Tiểu đoàn 122 thu thập được, trong đó đặc biệt quan trọng là thông tin về toàn bộ lực lượng địch ở Điện Biên Phủ, gồm cả phiên hiệu đầy đủ của các tiểu đoàn và quân số chiến đấu cụ thể. Những thông tin này đã được kịp thời báo cáo về Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Ảnh trái: Lính dù Pháp đổ bộ xuống Mường Thanh để thiết lập Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 20-11-1953. 3.000 lính Pháp và chiến cụ đã được thả xuống Điện Biên Phủ trong đợt đổ bộ này. Ảnh phải: Máy bay Douglas C-47 ‘Dakota’ của Pháp hạ cánh ở Điện Biên Phủ sau khi đường băng được thiết lập từ ngày 24-11-1953. Ảnh: Getty Images.

Đầu tháng 8-1953, Cục Quân báo cử đồng chí Nguyễn Việt trực tiếp chỉ huy một lực lượng của Tiểu đoàn 122 lên vẽ lại sơ đồ toàn bộ căn cứ Nà Sản, làm tài liệu tập huấn đánh cứ điểm phục vụ chiến dịch sắp tới. Tháng 9-1953, Bộ Chính trị đề ra phương châm chiến lược; Bộ Tổng Tư lệnh đề ra Kế hoạch tác chiến chiến lược Đông-Xuân 1953-1954. Cục Quân báo được giao nhiệm vụ tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động nắm địch, xây dựng quyết tâm góp phần cùng toàn quân và toàn dân đập tan “Kế hoạch Navarre” của địch. Đại đội 62, Tiểu đoàn 122 được Cục Quân báo cử đi chuẩn bị chiến trường ở phía Bắc Điện Biên Phủ và Lai Châu. Các tổ trinh sát ngày đêm tiềm nhập, điều tra và vẽ sơ đồ căn cứ địch. Cục Quân báo cũng mở các lớp huấn luyện cho lực lượng quân báo các liên khu, đại đoàn, trung đoàn để phục vụ chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?

Ảnh trái: 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. Ảnh phải: Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ.

----------*****----------

Chuyển hướng chiến lược - “Đánh chắc, tiến chắc”

Ngày 14-1-1954, tại Thẩm Púa, Tuần Giáo, Điện Biên, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ họp, nhận định: Địch mới tổ chức chiếm đóng, sẽ có nhiều sơ hở, đi đến kết luận phương châm tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Ngày 20-1-1954, Bộ Chính trị nhất trí mở chiến dịch tiến công địch ở Điện Biên Phủ với phương châm này.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Thung lũng Mường Thanh, Điện Biên Phủ trước khi quân Pháp đổ bộ. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, ngày 24-1-1954, trong quá trình tham gia chuẩn bị chiến dịch, Trinh sát kỹ thuật Cục Quân báo đã chặn thu được tin cho biết phía địch đã nắm được ngày nổ súng của ta (dự kiến 25-1) và thông báo với nhau trên đài liên lạc. Do đó, chúng đã xây dựng một cụm cứ điểm mạnh có hệ thống hầm hào kiên cố, nhiều trung tâm đề kháng có công sự vững chắc và vật cản dày đặc, bố trí thêm nhiều cứ điểm chi viện chặt chẽ cho nhau.

Cũng trong tháng 1-1954, Trinh sát Đại đoàn 312 bắt được một Trung úy Pháp, qua khai thác đã nắm được đầy đủ về bố trí binh lực, hỏa lực của Tiểu đoàn lê dương ở Hồng Cúm. Ban Quân báo chiến dịch Điện Biên Phủ tổng hợp nhiều nguồn tin và khẳng định, địch sẽ tập trung chiếm giữ và cố thủ ở Điện Biên Phủ. Trinh sát kỹ thuật của Cục Quân báo phát hiện Binh đoàn GM7 của địch đã đến Thượng Lào. Tin quân báo cũng cho thấy địch đã tổ chức xong binh đoàn tác chiến ở Tây Bắc và ra sức tăng cường lực lượng, củng cố phòng ngự, xây dựng xong một số cứ điểm ngoại vi như Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, thả nhiều vũ khí hạng nặng xuống Điện Biên Phủ và không có dấu hiệu rút khỏi đây. Ngoài ra lực lượng Trinh sát kỹ thuật của Cục Quân báo còn thu thập được những tin tức quan trọng khác như: Sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chỉ huy Pháp đã thông báo cho các đơn vị cấp dưới là có một đại đội Việt Minh đang thu nghe điện đài chung quanh Điện Biên Phủ; sau mỗi bức điện chúng đều nhắc lại: “Hãy coi chừng, Việt Minh đang nghe chúng ta”.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?

Ngày 20-11-1953, Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành "pháo đài bất khả xâm phạm".

Cục trưởng Cục Quân báo Lê Trọng Nghĩa đã nhanh chóng chuyển thông tin quan trọng này về Sở chỉ huy chiến dịch, nhận định địch tiếp tục cho 2 tiểu đoàn nhảy dù xuống phía Tây Điện Biên Phủ, nếu ta nổ súng chiều ngày 25-1, chúng sẽ sử dụng tối đa pháo binh, không quân phản kích. Ngoài ra, lực lượng trinh sát kỹ thuật, trinh sát chiến dịch đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân báo, trinh sát các đại đoàn, các đơn vị tham gia chiến dịch, liên tục theo dõi nắm chắc tình hình địch, giúp Ban Quân báo chiến dịch nắm chắc diễn biến tình hình và đi đến nhận định chính xác: Địch đã có nhiều thay đổi, không ngừng tăng cường lực lượng, tập trung củng cố phòng thủ kiên cố ở Điện Biên Phủ, hình thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất Đông Dương tại đây.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
Một mảnh trong tấm bản đồ 1:25.000 do Phân đội trinh sát Đại đội 62 thu được của Pháp tại Điện Biên Phủ tháng 12-1953.

Trên các hướng khác, địch cũng không còn sơ hở như trước nữa. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi kế hoạch mở màn chiến dịch thêm một ngày để cân nhắc công tác chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Ngày 26-1-1954, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch họp thảo luận các vấn đề: Đã nên nổ súng hay chưa? Đánh nhanh, giải quyết nhanh có bảo đảm chắc thắng không? Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Đảng ủy chiến dịch Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh chắc thắng”. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định đề nghị Bộ Chính trị chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” sau đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phê duyệt.

Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?

Sau khi thay đổi phương châm tác chiến, để tăng cường khai thác thông tin, Đại đội 63 được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ phối hợp với Đại đội 62 tiếp tục tổ chức nắm địch, phục kích bắt tù binh khai thác tin tức phục vụ Bộ chỉ đạo đánh địch. Tại thực địa, Tiểu đoàn 122 đã tổ chức điều tra, xâm nhập phá hoại trận địa địch; ngày giấu mình, đêm bí mật bò vào cứ điểm của địch. Các tổ cung tù đã bắt được hàng chục tù binh khi chúng đi tuần tiễu theo hướng Hồng Cúm - A1 - C - Nà Tấu, khai thác được nhiều tin tức quan trọng, kịp thời báo cáo cấp trên. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch với phương châm tác chiến mới đã sẵn sàng. Với tầm quan trọng đặc biệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho tất cả các lực lượng của ta như sau: “…Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được...”.

(còn nữa)

  • Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 1: Vì sao phải đánh chắc, tiến chắc?
  • Nội dung: HẢI DƯƠNG (Theo sách Lịch sử Tiểu đoàn 122 và tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top