Ba chiến công của lực lượng quân báo, trinh sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài 2: Tấm bản đồ có giá trị “bằng vàng”
Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng, núi cao bao quanh, rừng rậm hiểm trở. Trong khi đó, địch luôn tổ chức lùng sục nhằm phát hiện, truy quét lực lượng trinh sát của ta, khiến hoạt động quân báo, trinh sát gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vượt qua các trở ngại, lực lượng trinh sát của Tiểu đoàn 122 đã lập chiến công lớn trước giờ nổ súng.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, Mặt trận Điện Biên Phủ đã trở thành trọng tâm số một của tình báo các bên. Phó cục trưởng Cục Quân báo Cao Pha được phân công cùng một bộ phận Phòng 2 đặc trách Mặt trận Điện Biên Phủ. Ngày ấy trên bản đồ Bắc Bộ, Điện Biên Phủ chỉ là một chấm nhỏ mà không có mấy thông tin. Bản đồ quân sự vì thế trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết cho hoạt động tác chiến.
----------*****----------
Thành lập Ban Quân báo chiến dịch Điện Biên Phủ
Cuối năm 1953, địch đã tập trung lực lượng khá lớn ở Bắc Bộ, gồm 112 tiểu đoàn, trong đó có 44 tiểu đoàn cơ động; 18 tiểu đoàn và 19 đại đội pháo binh; 3 trung đoàn, 4 tiểu đoàn và 2 đại đội thiết giáp; 7 tiểu đoàn và 8 đại đội công binh. So sánh về lực lượng, phương tiện khi đó, quân số của ta trên chiến trường Bắc Bộ chỉ bằng 2/3 của địch, 76 tiểu đoàn/112 tiểu đoàn; binh khí kỹ thuật lại càng kém hơn. Đầu năm 1954, thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, có công sự hầm hào kiên cố, chia thành ba phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Trung tâm và Phân khu Nam. Chúng cho rằng Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm” và sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của ta.
Để tiếp tục nghiên cứu sâu tình hình, tương quan và bố trí lực lượng của địch, tháng 11-1953, Ban Quân báo Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập gồm các bộ phận: Nghiên cứu, Cung tù binh, Binh địa và Đồ bản. Ban Quân báo Chiến dịch Điện Biên Phủ do Cục trưởng Cục Quân báo Lê Trọng Nghĩa làm Trưởng ban, Cục phó Cao Pha làm Phó ban. Lực lượng trinh sát kỹ thuật gồm một trung đội, 10 máy thu; lực lượng trinh sát bộ đội do đồng chí Nguyễn Việt phụ trách. Ngoài lực lượng của Tiểu đoàn 122 của Cục Quân báo còn có các đại đội trinh sát, các Ban 2 của các đại đoàn, các đại đội trinh sát và Tiểu ban 2 của các trung đoàn bộ đội. Đồng chí Nguyễn Việt được Cục Quân báo cử đi cùng Cục phó Cao Pha theo Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ lên Điện Biên Phủ chuẩn bị chiến dịch.
Ở Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Việt được Cục trưởng Cục Quân báo Lê Trọng Nghĩa giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo lực lượng trinh sát địch. Cụ thể, Đại đội 62 của Tiểu đoàn 122 có nhiệm vụ bám địch ở Phân khu Trung tâm. Đại đội 63, Tiểu đoàn 122 bám địch ở phía Him Lam. Tin tức hàng ngày phải thường xuyên, kịp thời báo cáo về Bộ Chỉ huy tiền phương và Bộ Chỉ huy chiến dịch, kết hợp với tin trinh sát kỹ thuật và các nguồn tin khác giúp cho Bộ có cơ sở nhận định, đánh giá, kết luận chính xác về tình hình địch.
Trong tháng 11-1953, khi Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị và Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 thì ngày 20-11-1953, lực lượng trinh sát kỹ thuật của Cục phát hiện địch mở cuộc hành quân cấp tốc, đổ quân tăng cường lực lượng cho Điện Biên Phủ (6 tiểu đoàn với 4.500 tên). Thông tin đã được kịp thời chuyển về phục vụ Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tác chiến, trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 của ta.
Trước tình hình địch tăng cường lực lượng tại Điện Biên Phủ, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Cục Quân báo xác định: Địch đóng ở lại Điện Biên Phủ hay chúng rút? Để phục vụ Bộ nghiên cứu chính xác tình hình của tập đoàn cứ điểm, Tiểu đoàn 122 đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội 62 đặt đài quan sát bí mật nắm các hoạt động của địch; ban ngày quan sát theo dõi, ghi nhật ký; ban đêm tiềm nhập để điều tra xác minh. Đại đội đã tổ chức nhiều nhóm, mũi phát hiện địch, nắm địa hình, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do địch tổ chức tuần tra, lùng sục liên tục.
Sau khi tiềm nhập trinh sát nhiều lần các điểm cao phía Đông đồi A1, đồi C, đồi D, và khu vực phía Nam sân bay Mường Thanh, kết hợp chặt chẽ với lực lượng trang bị vô tuyến điện sóng cực ngắn để trinh sát phát hiện mạng thông tin của địch, Đại đội 62 đã phát hiện địch tổ chức đào giao thông hào, xây dựng lô cốt và các cứ điểm kiên cố. Dựa trên kết quả đó, Tiểu đoàn 122 báo cáo kịp thời về Cục Quân báo, khẳng định địch chiếm đóng Điện Biên Phủ lâu dài. Bên cạnh đó, những ngày cuối tháng 12-1953, Đại đội 62 đã phục vụ thu thập tin tức, điều tra và phối hợp với đơn vị bạn tổ chức hai lần phục kích bắt được một số tù binh và tập kích phá hủy một máy bay hai thân C119, một máy bay vận tải, bắt sống 13 lính dù, thu 200 chiếc dù, 30 hòm đại bác 105mm.
----------*****----------
Tấm bản đồ có giá trị “bằng vàng”
Đêm 24-12-1953, Phân đội trinh sát thuộc Đại đội 62 gồm 6 đồng chí, do đồng chí Phân đội phó Trần Phận chỉ huy, cùng 6 đồng chí tổ chức tiềm nhập điều tra địch, đánh bắt tù binh, khai thác tin tức tại khu vực sân bay Mường Thanh. Khi vào đến vị trí và đang ém quân tại chân hàng rào dây thép gai, Phân đội phát hiện địch thả rất nhiều dù, trong đó có một chiếc dù màu đỏ. Phân đội đã nhanh chóng tiếp cận lấy chiếc dù đỏ, đưa về vị trí ém quân kiểm tra, phát hiện trong dù chứa ba hòm, trong đó một hòm gỗ và hai hòm sắt. Hòm gỗ chứa thực phẩm, hai hòm sắt có 25 bản đồ vùng lòng chảo Điện Biên Phủ tỷ lệ 1:25.000 và 32 bức ảnh ghép cảnh bản đồ khu vực Điện Biên Phủ. Những bản đồ này có giá trị đặc biệt về quân sự, thể hiện tương đối đầy đủ và chi tiết các yếu tố địa hình, địa vật, bình độ, phục vụ kịp thời cho hoạt động tác chiến của ta.
Sự kiện này được báo cáo lên Bộ Tham mưu mặt trận. Tham mưu trưởng mặt trận Hoàng Văn Thái vô cùng mừng rỡ, lập tức chuyển cho Phòng Đồ bản - Bộ Tổng Tham mưu nhân thêm thành 50 tấm bản đồ và 48 ảnh ghép cảnh đồ, tức tốc gửi tới các đơn vị tham chiến, kịp thời phục vụ công tác tham mưu mặt trận, đặc biệt là phục vụ cho tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh. Phó cục trưởng Cục Quân báo Cao Pha tiếp tục trực tiếp trinh sát trận địa Điện Biên Phủ, đôn đốc lực lượng lên sơ đồ và sa bàn mặt trận.
Từ những địa điểm không tên tuổi, với tấm bản đồ, những địa danh mà giờ đây đã đi vào lịch sử lần lượt hiện lên. Đó là những đồi A1, C1, những Him Lam, Hồng Cúm... Tất cả các mục tiêu của địch đều xuất hiện đầy đủ trên sa bàn, cho thấy hệ thống phòng ngự của địch không chỉ vững chắc ở phía Đông mà đã tăng cường tuyến phòng thủ kiên cố ở phía Tây, dọc sân bay vào trung tâm, trên các hướng tiến công chính của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308.
Những dữ kiện cực kỳ quan trọng do tình báo quân sự thu được này cũng cho thấy ta không còn khả năng đánh nhanh, giải quyết nhanh ở Điện Biên Phủ như dự định ban đầu nữa. Với thành tích đó, Phân đội trinh sát đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; đồng chí Trần Phận được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai ngay tại mặt trận. Bản chính tấm bản đồ chiến lợi phẩm đặc biệt quan trọng này hiện đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ.
Nhà báo Pháp Béc-na Phôn khi có mặt tại Sở Chỉ huy chiến dịch quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ đã viết: “…Những thiệt hại về sinh lực của quân đội Pháp đã là một tổn thất nặng thì việc Việt Minh thu được những tấm bản đồ tỷ lệ 1:25.000 khu vực Điện Biên Phủ mới in là một mất mát lớn hơn. Từ bản đồ này, pháo binh Việt Minh có điều kiện chỉ huy bắn với độ chính xác cao gây thiệt hại nặng cho quân viễn chính Pháp sau này…”.
(còn nữa)
- Nội dung: HẢI DƯƠNG (Theo sách Lịch sử Tiểu đoàn 122 và tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)
- Ảnh: Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC