Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên - Bài 2: Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII, khi nói về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng…”. Điều đó cho thấy, việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng mà khâu đầu tiên là quán triệt, phổ biến có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Đây chính là một trong những giải pháp để khắc phục khâu yếu được Văn kiện Đại hội XIII chỉ ra: “Việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”.
Đó là cách nói của đồng bào dân tộc thiểu số ở một tỉnh Tây Nguyên, được đồng nghiệp của chúng tôi là Đại tá Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban đại diện Báo Quân đội tại miền Trung-Tây Nguyên chia sẻ sau chuyến đi tìm hiểu thực tế tại địa phương. Sở dĩ đồng bào nơi đây gọi “cán bộ trên cây” là bởi một số cán bộ ở cơ sở tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng thông qua hệ thống loa phát thanh, được treo trên những cây cao, trụ điện ở các buôn, làng..., nhưng theo lối một chiều, nội dung chung chung, đại khái, mà không trực tiếp xuống cơ sở để tiếp xúc, tìm hiểu xem đồng bào nói gì, cần gì. Chính cách tuyên truyền “qua loa” ấy mà nhiều chủ trương, đường lối của Đảng chưa đến được cụ thể với dân, nhiều chính sách mới ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều chủ trương mới về giao đất, giao rừng, giao khoán sản phẩm... chưa được giải thích rõ ràng, thấu đáo nên đồng bào dân tộc thiểu số sinh ra băn khoăn, trăn trở.
Lâu nay, tuyên truyền, vận động quần chúng thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn được các địa phương áp dụng nhằm đưa thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, tức thì. Thế nhưng từ câu chuyện “cán bộ ở trên cây” gợi mở một vấn đề lớn về sự cần thiết phải đổi mới cách lãnh đạo bằng vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân. Bởi nghị quyết có hay đến mấy, phù hợp mong mỏi của người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng không được cụ thể hóa, tuyên truyền vận động không đến nơi đến chốn, thì nghị quyết cũng chỉ nằm trên cây, trên giấy mà thôi.
Đổi mới cách tuyên truyền, vận động cũng chính là một nội dung của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Đảng viên và cán bộ nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo. Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Riêng đối với cán bộ phụ trách công tác dân vận, Người yêu cầu phải thay đổi cách vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân: “Những người phụ trách dân vận cần phải có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói tay làm. Chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương cũng chỉ rõ vẫn còn không ít những hạn chế, như: Nhận thức lý luận về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng còn có những vấn đề chưa thật rõ. Việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của Đảng, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành luật pháp, chính sách của Nhà nước chuyển biến chưa thật sự rõ nét; vẫn còn tình trạng chất lượng một số Nghị quyết chưa sát thực tế; Việc tổ chức thực hiện nghị quyết chưa hiệu quả...
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả, những mặt tồn tại và các giải pháp, Hội nghị Trung ương VI khóa XIII đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, muốn hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng thì rất cần biến lời nói thành hành động. Một thực tế thường thấy ở nhiều nhiệm kỳ đó là, khi học tập Nghị quyết thì rất tốt, nói rất hay, nghe rất trôi chảy, “vào tai” lắm, nhưng đến khi thực hiện lại có biểu hiện chây ì, không năng động, sáng tạo. Chính vì thế, theo đồng chí nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, để hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống cần quan tâm một số vấn đề chính. Trong đó, trước hết phải thống nhất nhận thức, quan điểm. Phải tuyên truyền, giáo dục làm sao để toàn bộ cán bộ, đảng viên, đến mọi tầng lớp nhân dân nhận thức được đúng những mục tiêu, quyết sách lớn của Đảng. Từ nhận thức đúng đắn mới chuyển hóa thành hành động đúng đắn.
Cùng quan điểm này, GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, muốn biến ý nguyện thành khả năng, thành hiện thực, đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách có chất lượng, hiệu quả thì không có gì khác hơn là phải tạo ra sự đồng bộ trong nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài.
Theo GS, TS Nguyễn Trọng Phúc, khi triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng cần chú ý tới chương trình hành động. Thực hiện Nghị quyết của kỳ họp lần này, chương trình hành động cần rất bài bản, có giải pháp, mục tiêu đàng hoàng, thực hiện đúng căn dặn trước đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” thì mới có thể hiện thực hóa được việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Một vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết là phải có bước đi vững chắc, phải từ thực tiễn của địa phương, ngành, tổng thể đất nước mà đi vào những việc trọng tâm cụ thể của từng năm một. Ví dụ năm nay tập trung cái gì, năm sau thế nào, kế hoạch trung hạn, dài hạn. Đồng thời cũng cần nắm vững hơn 3 đột phá chiến lược trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Hoàn thiện thể chế (trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng (cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý, coi đây là nguồn nhân lực chất lượng cao); xây dựng cơ sở vật chất (trong nền tảng về vật chất, phải chú ý công trình giao thông vì đây là vấn đề lớn nhất hiện nay cần tập trung tháo gỡ).
Tuy nhiên, theo GS, TS Nguyễn Trọng Phúc, quan trọng nhất vẫn là cán bộ. Nếu cán bộ giỏi sẽ nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, hiện thực hóa nó rất nhanh. Ở địa phương hay ngành nào mà cán bộ yếu, có tâm lý chờ đợi, không năng động, sáng tạo thì chắc chắn việc triển khai Nghị quyết sẽ chậm chạp, lúng túng, thậm chí sai hướng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Người lưu ý: “Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong lãnh đạo. Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc thì phải thải đi. Ngoài ra có hai hạng người cũng phải chú ý: Một là có những người cậy mình là “công thần cách mạng”… Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu và để cho họ giữ vững kỷ luật của Đảng, của Chính phủ. Hai là hạng người nói suông. Hạng người này tuy thật thà, trung thành, nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông… Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế”.
Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn, bằng hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng lãnh đạo thông qua bộ máy Nhà nước, các tổ chức quần chúng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là cụ thể hóa nghị quyết vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đơn vị.
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Phạm Thị Thanh Xuân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Mương Tè (Lai Châu) - địa phương từng có thời gian là “điểm nóng” về hoạt động tôn giáo, cho rằng việc các cán bộ chủ động tiếp cận, gần gũi với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân là rất quan trọng. Việc quán triệt, học tập, tuyên truyền nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân đảm bảo về nội dung và thời gian; lựa chọn phương pháp linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, bối cảnh cụ thể và điều kiện thực tế địa phương. Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới; khắc phục sự khô cứng, hình thức trong học tập, quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, làm cho nghị quyết của Đảng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Theo đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) mỗi địa phương, mỗi một ngành có tính chất, đặc thù khác nhau, cho nên, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, không rập khuôn, cứng nhắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết. “Các cấp ủy, đảng tại các địa phương cần nắm được tinh thần, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết nhưng khi triển khai thì phải tùy theo đặc điểm, tình hình của từng địa phương mà có phương án tối ưu. Bởi lẽ, đặc thù của mỗi ngành, mỗi địa phương là khác nhau, hoạt động sản xuất kinh tế-xã hội cũng khác nhau”, đồng chí Hà Đăng nhấn mạnh.
Như vừa qua, lũ lụt ở miền Trung, hay dịch Covid-19 tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... ở mỗi nơi đều có nguyên nhân, đặc điểm, với diễn biến và hậu quả khác nhau. Chính vì thế, để lãnh đạo, chỉ đạo địa phương mình vượt qua những thách thức an ninh phi truyền thống như này, rất đòi hỏi sự năng động, linh hoạt của đội ngũ cán bộ.
Đồng quan điểm này, GS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng, Nghị quyết là như thế nhưng khi thực hiện, áp dụng vào mỗi ngành, mỗi địa phương, phải hết sức năng động, sáng tạo, tránh cứng nhắc. Không năng động, sáng tạo thì không thể thành công. Lý giải rõ hơn, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu: Thực tiễn cho thấy, chính nhờ việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta mới giành được những thành công lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay chúng ta vẫn đang yếu về khâu tổ chức thực hiện. Văn bản, pháp luật, chính sách đã rõ rồi nhưng đi vào tổ chức thực hiện thì lại lúng túng vì vậy cần khắc phục cho được.
Đây cũng là một nội dung cần đổi mới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ rất sớm trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc: “Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành”. Sự chần chừ, thiếu kiên quyết và thi hành nghị quyết không đến nơi đến chốn đều là cách lãnh đạo không đúng. Trong việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, yêu cầu đối với các tổ chức đảng là phải biết áp dụng chúng một cách sát hợp với hoàn cảnh thực tế của các địa phương, các ngành.
Người chỉ rõ: “Tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ “thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở”. Để lãnh đạo một cách thiết thực và có hiệu quả, hiện thực hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, Người căn dặn cán bộ lãnh đạo phải đổi mới phong cách làm việc, “phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước”. “Cách tiện nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng (hoặc binh sĩ), phái người đến báo cáo, giải thích. - Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ) phải thảo luận những mệnh lệnh và nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó và định cách thi hành cho đúng. - Cấp dưới cần phải báo cáo. Cấp trên cần phải kiểm soát”.
Trước đó, trong tác phẩm “Những nghị quyết trên giấy”, V.I.Lênin đã sớm cảnh báo: “Nghị quyết sở dĩ là một miếng giấy lộn vì trong đó người ta lặp lại cái công thức khuôn sáo đã được học thuộc lòng và nhắc đi nhắc lại một cách máy móc từ tháng Ba 1917: ʺXô‐viết đòi hỏi ở Chính phủ lâm thờiʺ. Người ta đã quen ʺđòi hỏiʺ và bây giờ lại nhắc lại những chữ đó vì thói quen, mà không nhận thấy rằng tình hình đã đổi khác rồi, rằng sức mạnh đã mất đi, và ʺđòi hỏiʺ mà không dựa vào sức mạnh thì chỉ là lố bịch”.
Để Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đi vào cuộc sống không thể bê nguyên xi nghị quyết áp vào từng cơ quan đơn vị mà phải trên nguyên tắc: Nắm vững, nắm chắc nội dung cơ bản, những nguyên tắc, quan điểm, chủ trương, những định hướng, giải pháp lớn của Nghị quyết.
Trên cơ sở đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào thực tiễn của mình vận dụng sáng tạo Nghị quyết để triển khai thực hiện bằng các đề án, chương trình, kế hoạch, việc làm thật cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần tránh tư tưởng cho rằng sáng tạo khi triển khai Nghị quyết mà đi xa rời các mục tiêu, quan điểm, đường lối, chủ trương trong Nghị quyết đã nêu ra.
Giải pháp triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là giải pháp mở đòi hỏi cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên phải vận dụng sáng tạo vào điều kiện của mình, tránh tư tưởng ỷ lại trông chờ hay dập khuôn máy móc thiếu sáng tạo.
- Nội dung: TRỊNH VĂN DŨNG - NGUYỄN VĂN DUYÊN - HÀ SƠN THÁI
- Ảnh: Tư liệu - QĐND
- Kỹ thuật, đồ họa: MINH NGỌC - VĂN PHONG