Để văn hóa trở thành con đường “Nam quốc sơn hà” - Bài 3: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
“Vạn sự khởi đầu nan”, sẽ chẳng có con đường nào đi đến thành công mà “trải đầy hoa hồng”, hơn nữa đó lại là “con đường” để góp phần chấn hưng, xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà.
Tại nghị trường Quốc hội và cả trong thâm tâm của những nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ… đều mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ mở ra một con đường mới, hướng đi mới cho văn hóa nước nhà.
Bằng sự tâm huyết dành cho văn hóa, các chuyên gia đã "hiến kế" nhiều giải pháp để chương trình vĩ mô mang tầm quốc gia về văn hóa khi được thông qua sẽ thực sự là bước đột phá cho văn hóa, đáp ứng được mong muốn của nhân dân cả nước, có tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
--------------------------*****--------------------------
Văn hóa xuất phát từ
con người!
Các chuyên gia cho rằng, thực trạng phát triển văn hóa của chúng ta, dù có nhiều cố gắng và có những thành tựu nhất định trong những năm vừa qua, nhưng vẫn thực sự gây ra nhiều lo ngại. Những hiện tượng như xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, mê tín dị đoan, sùng ngoại thái quá dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc, hay nhiều rối loạn xã hội khác là những thách thức an ninh văn hóa, đều bắt nguồn từ những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, rất cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn, giúp chúng ta tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp với tinh hoa văn hóa thế giới, tạo thành giá trị văn hóa thời đại Hồ Chí Minh đáng tự hào.
Không phải ngẫu nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thiết kế gồm 10 nội dung chính; trong đó xây dựng con người Việt Nam, cốt lõi là hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức được nhấn mạnh hàng đầu.
Theo các chuyên gia văn hóa, chấn hưng hay phát triển văn hóa chẳng phải thứ gì cao siêu, xa xôi ở tận đâu, mà cần phải bắt đầu ngay từ những việc nhỏ nhất là xây dựng con người Việt Nam với những đức tính tốt đẹp, ngay từ gia đình, tại trường học và ra ngoài xã hội.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhấn mạnh quan điểm, chương trình nên tập trung cho con người, cả con người Việt Nam nói chung và nhân lực ngành văn hóa nói riêng.
“Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”, nếu đầu tư của chương trình thực sự xây dựng được con người Việt Nam có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp như yêu nước, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình,... đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, giúp cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân có điều kiện tốt hơn để tỏa sáng tài năng của mình, thì tôi tin rằng, tất cả người dân Việt Nam đều ủng hộ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa", PGS, TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng nhấn mạnh đến việc ưu tiên cho việc đầu tư cho con người.
"Chúng ta phải có những giải pháp để phát huy được những đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam, hình thành được những thói quen văn hóa của người dân Việt Nam, để người mỗi người dân Việt Nam luôn sống nhân ái, chan hòa; và cũng là một điểm sáng ấn tượng về đức tính thân thiện, nhân ái trong lòng bạn bè quốc tế", đại biểu nói.
Cũng đề cập đến nội dung thành phần của chương trình, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cũng cho rằng, nội dung về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp là một nội dung khó nhưng hết sức cần thiết bởi văn hóa xuất phát từ con người đầu tiên.
Đồng quan điểm, nhấn mạnh đặc thù về đầu tư lĩnh vực văn hóa, GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Nói đến văn hóa là nói đến con người, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, vì thế phải đầu tư có chiều sâu và không thể định lượng một cách cơ học được.
Là giảng viên Trường Đại học Hà Nội, nhấn mạnh đặc thù về đầu tư lĩnh vực văn hóa, TS Ngô Thanh Hương cũng cho rằng, để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, chúng ta phải có một chiến lược về phát triển con người. Bởi, nói đến văn hóa là nói đến con người, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, vì thế phải đầu tư có chiều sâu và không thể định lượng một cách cơ học được. Chúng ta phải chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Ngoài việc xây dựng tâm hồn, thể chất thì phải chú trọng tới việc xây dựng sức khỏe, thể lực của con người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ có đủ sức khỏe, nhân cách và tài năng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
--------------------------*****--------------------------
Không thể coi văn hóa là “bánh xe dự phòng”
PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới cần có tư duy và cách nhìn mới. Chúng ta đã thành công trong công cuộc đổi mới về chính trị, kinh tế, giờ là lúc cần quan tâm thực sự đến một công cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, để công cuộc đổi mới của đất nước trở nên toàn diện hơn, đi vào chiều sâu, tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đã có thời, văn hóa được xem là “bánh xe dự phòng” trong cỗ xe 4 bánh. Văn hóa chỉ là lĩnh vực đơn thuần để giải trí hay cần khi cuộc sống đầy đủ về vật chất. Do đó, so với ưu tiên cho sự phát triển, tăng trưởng về kinh tế thì văn hóa gần như bị lãng quên. Hậu quả là nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị biến dạng hoặc triệt tiêu, nhiều di tích văn hóa lịch sử bị xuống cấp, bị bỏ mặc…Trong khi đó, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Sự phát triển, tăng trưởng về kinh tế mà gắn với mục tiêu văn hóa cũng tức là gắn với những giá trị nhân bản, tạo nguồn lực nội sinh, yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững.
Bày tỏ về quan điểm văn hóa phải được đầu tư, phát triển cùng với kinh tế, chính trị, TS Nguyễn Thị Hường, nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa ở nước ta có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, có thể được coi là một cuộc “chấn hưng văn hóa” trong bối cảnh nhiều giá trị văn hóa, nhất là đạo đức văn hóa xã hội đang xuống cấp, khi sức mạnh văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống dân tộc chưa được khai thác và phát huy triệt để.
"Phát triển văn hóa nhưng tránh thương mại hóa văn hóa. Không đánh đổi giá trị văn hóa truyền thống lấy sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Cần ưu tiên đầu tư để vực dậy những giá trị văn hóa truyền thống mang tính nhân văn, đề cao những chuẩn mực đạo đức con người", TS Nguyễn Thị Hường nêu quan điểm.
Đồng quan điểm phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: “Khi nhà nước đưa văn hóa ngang tầm kinh tế, xác định được mục tiêu này sẽ góp phần thay đổi cách suy nghĩ của nhân dân và công chúng để hướng tới một giá trị văn hóa tốt hơn. Xác định văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị sẽ góp phần đưa đất nước phát triển hơn nữa”.
Rõ ràng, văn hóa không thể là lĩnh vực thứ yếu so với lĩnh vực kinh tế, chính trị, mà thực sự văn hóa có vị thế quan trọng, sánh ngang với vị trí của lĩnh vực kinh tế, chính trị, sự phát triển hài hòa, đồng bộ trên cả phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa sẽ là sự phát triển mạnh mẽ, ổn định và bền vững đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
--------------------------*****--------------------------
Nhân rộng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài
Trong chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Nói về lĩnh vực quảng bá văn hóa con người Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quan điểm: Khi chương trình này được thông qua thì chúng ta có thể xây dựng những trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có đông đảo kiều bào Việt Nam đang sinh sống, nơi chúng ta có mối quan hệ văn hóa gắn kết và tương đồng.
"Đây sẽ nơi ngôi nhà chung của văn hóa Việt Nam, của kiều bào Việt Nam tại nước ngoài, là nơi quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xây dựng theo lộ trình, thứ tự ưu tiên vì nguồn lực của đất nước chúng ta đang có hạn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Trước đó, tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng từng bày tỏ trăn trở: "Kiều bào ở nước ngoài là bộ phận “máu thịt” của quê hương. Do đó, cần phải xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam tại những quốc gia có đông kiều bào để kiều bào có quyền hưởng thụ và trở thành nơi giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam."
Là người nước ngoài nhưng luôn dành tình cảm đặc biệt cho văn hóa Việt Nam, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã và đang làm rất tốt công tác quảng bá văn hóa của người Việt ra cộng đồng quốc tế. Việc cần làm tiếp theo là chúng ta tiếp tục cam kết mạnh mẽ để ủng hộ và tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị này trong cộng đồng quốc tế. Về phía UNESCO, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban quốc gia về UNESCO của Bộ Ngoại giao Việt Nam để đẩy mạnh hơn nữa những hình ảnh đẹp về văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Namra cộng đồng quốc tế."
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển độc lập, giảng viên ngành nghệ thuật thị giác, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Chúng ta có thể học bài học từ cách tư duy, cách tiếp cận của người Pháp khi họ tiếp cận nền văn hóa Việt Nam. Trong đó có thông qua mỹ thuật, kiến trúc… để phát huy, quảng bá văn hóa bản địa, bản sắc của mình ở nước ngoài. Điều đó chỉ có được khi phải tự hào, phải yêu văn hóa bản địa.
Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách, không thay thế các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hóa. Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và sự tham gia tích cực của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ đánh thức được giá trị Việt, sức sống người Việt, thực sự mang lại hiệu quả trong thực tế như mong muốn của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân; tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng!
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
- Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC