Để văn hóa trở thành con đường “Nam quốc sơn hà” - Bài 2: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự thịnh vượng
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thực hiện trong vòng 10 năm được coi như một đại công trình của thế kỷ với rất nhiều hạng mục cần được đầu tư, nâng cấp, với kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển bứt phá, từng bước thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam như tinh thần Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đặt ra.
Thế nhưng, trong số rất nhiều hạng mục ấy, phải bắt đầu từ đâu, đầu tư những hạng mục nào để đại công trình cán đích thành công, để văn hóa luôn được đặt ngang hàng với kinh tế - chính trị, thực sự là nguồn lực phát triển đất nước là bài toán cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
--------------------------*****--------------------------
Đầu tư phát triển văn hóa cần xứng tầm
Có thể khẳng định, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa hiện nay còn không ít bất cập, chưa xứng tầm, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đúng địa chỉ, dàn trải, hiệu quả chưa được như mong muốn.
Trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm".
Trong điều kiện không được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất của ngành văn hóa ở nhiều địa phương xuống cấp nghiêm trọng. Bảo tàng, thư viện phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa vì thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực, hiện vật không phong phú… Nhiều nơi thiếu đi các thiết chế văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần của người dân chưa được quan tâm đúng mức.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa".
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), đề cập đến công tác phát triển văn hóa, Đảng cũng chỉ rõ: "Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội".
Tiếp đó, hội thảo văn hóa "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" năm 2022 cũng đưa ra quan điểm: "Đối với các nguồn lực của nhà nước, cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này."
Hội thảo thống nhất phải đẩy mạnh đầu tư, tăng cường đầu tư của cả Trung ương và địa phương không chỉ còn trong khung dự toán, trong khoảng 2% mà còn cần hơn; phải nâng mức đầu tư của Nhà nước lên một cách hợp lý, đồng thời phải khơi thông các nguồn lực để phát triển, chấn hưng văn hóa.
Đây đều là định hướng quan trọng để các địa phương, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả việc đầu tư cho phát triển văn hóa.
Thế nhưng, thời gian qua, có tư duy cho rằng, phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít. Ngược lại, ý kiến của nhiều chuyên gia khẳng định, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự thịnh vượng, cho sự phát triển bền vững, cho gốc rễ của con người, dân tộc.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã từng nói trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng: “Lâu nay chúng ta cứ hiểu văn hóa là ngành đi tiêu tiền, nhưng trên thế giới hiện nay, đây là ngành làm ra rất nhiều tiền, là ngành có giá trị gia tăng rất cao. Các ca sĩ Hàn Quốc sang đây diễn mấy đêm bằng một doanh nghiệp của chúng ta làm trong nhiều tháng... Ngành công nghiệp văn hóa đem lại lợi nhuận rất lớn, mà Nhà nước không phải đầu tư nhiều, quan trọng là tạo điều kiện cho xã hội phát triển”.
Thực tế, nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030 cũng nêu rõ quan điểm, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, văn hóa nhưng cũng là kinh tế. Do vậy, công nghiệp văn hóa là xu thế của thời đại, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng.
Trong khi đó, hiện nay, trên thế giới, công nghiệp văn hóa rất phát triển, trở thành động lực tăng trưởng, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Văn hóa không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.
--------------------------*****--------------------------
Nguồn vốn quý đầu tư cho sức mạnh và tương lai đất nước
Trước những đề xuất quan tâm đến văn hóa như vậy, với hàng trăm mục tiêu mà chương trình phát triển văn hóa trong vòng 10 năm tới đã đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất số tiền dự kiến để thực hiện "đại công trình" này là 256.250 tỷ đồng. Có thể nói, đây là nguồn lực lớn nhất mà Chính phủ dự kiến đầu tư cho một chương trình mục tiêu quốc gia, cao hơn so với mức đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và cao hơn gấp nhiều lần so với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện ở các giai đoạn trước đó (chỉ khoảng hơn 18.000 tỷ đồng cho hai giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020).
Việc dự kiến dành một nguồn đầu tư lớn như vậy cho thấy sự quyết tâm rất cao của Chính phủ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đã được Đảng, Nhà nước ta đề ra.
Không bột sao gột nên hồ, thực tế cho thấy, muốn xây dựng bất kể công trình nào cũng cần có nguồn vốn đầu tư, nhất là những công trình thế kỷ thì đương nhiên, nguồn lực cần là rất lớn, xứng tầm để có những cú hích, những bước chuyển mình đột phá về văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới nhiều biến động khó lường như hiện nay.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư chương trình ở thời điểm hiện nay là thực sự cần thiết, là nguồn lực quý góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Ở khía cạnh tích cực, chúng ta có thể thấy sự quan tâm rất lớn của xã hội đối với văn hóa, mong muốn chấn hưng văn hóa của đất nước.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, hãy khoan nói về tổng số tiền thực hiện chương trình, vì nếu đầu tư hiệu quả, thực sự chấn hưng được văn hóa, để văn hóa trở thành niềm tự hào dân tộc, sức mạnh nội sinh của đất nước, thì dù có nhiều tiền đến đâu, việc đầu tư cho sức mạnh và tương lai đất nước cũng là việc nên làm, phải làm; còn ngược lại, nếu đầu tư không hiệu quả, lãng phí, thì dù chỉ là một xu, chúng ta cũng không nên chi.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, thực trạng phát triển văn hóa, con người của chúng ta hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập mà nếu không giải quyết ngay, sẽ ảnh hưởng lớn, gây cản trở đến sự phát triển văn hóa nói riêng, kinh tế - xã hội và tương lai của đất nước nói chung. Vì thế, chúng ta cần có nguồn lực đầu tư để nguồn nhân lực, thiết chế văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, nguồn lực hơn 256.000 tỷ đồng sẽ vô cùng hữu ích cho việc phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo nữ đại biểu, trong cơ cấu đầu tư của các địa phương thì các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… thường được ưu tiên hơn. Do vậy, nếu không được xác định một khoản đầu tư có mục tiêu riêng thì đầu tư cho văn hóa, thể thao chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với vai trò, tầm quan trọng và tạo ra được bước đột phá trong phát triển lĩnh vực này.
--------------------------*****--------------------------
"Gia cố" thêm nguồn lực ngoài ngân sách
Song song với đề xuất tăng mức đầu tư cho văn hóa, các chuyên gia cho rằng, cần đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nếu có mức đầu tư tương xứng, kỳ vọng văn hóa sẽ được chấn hưng và phát huy được vai trò, vị thế của mình.
PGS, TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, để có một định nghĩa về văn hóa là rất khó. Vì vậy, PGS, TS Trần Hoàng Ngân lưu ý, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, văn hóa không chỉ bao gồm văn học nghệ thuật mà còn bao gồm cả phong cách sống, phương thức chung sống và các hệ giá trị truyền thống của dân tộc...
Do đó, PGS, TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị, cần đầu tư đúng nơi, đúng chỗ có khả năng bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc hoặc các di tích lịch sử. Từ đó phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành sức mạnh “mềm”, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, cần chú ý nhiều hơn đến nguồn lực xã hội ngoài nguồn lực ngân sách Nhà nước. "Hiện nay một số địa phương đã có cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa bằng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP)", PGS, TS Trần Hoàng Ngân gợi mở.
Nhấn mạnh chương trình là một bài toán lớn và khó, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế, phần kinh phí đầu tư từ ngân sách cho phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là hơn 122.000 tỷ đồng; giai đoạn 2030-2035 là hơn 135.000 tỷ đồng, không quá lớn. Vấn đề ở đây là hiệu quả, đầu tư như thế nào mà thôi.
Từ thực tiễn địa phương mình, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã gợi ý một cách để "gia cố" thêm nguồn lực để phát triển văn hóa, thay vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước: Đó là huy động nguồn lực xã hội; xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia thực hiện chương trình; bao gồm cả các doanh nghiệp văn hóa, đơn vị sự nghiệp công và tư nhân.
Rõ ràng, dành nguồn lực lớn đầu tư cho phát triển văn hóa là chủ trương rất đúng đắn. Nhưng điều quan trọng hơn là, các nguồn lực này phải được rà soát, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm tính chắc chắn, khả thi, hiệu quả cả về khả năng phân bổ, huy động, thực hiện, giải ngân... Có như vậy mới giúp đất nước có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hóa. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam; tạo động lực khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và xây dựng nền tư tưởng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
- Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
- Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ, Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC