LONGFORMNghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

"Thăng hoa là khoảnh khắc một nghệ sĩ xuất thần trên sân khấu. Đó là khi nhạc và họa, lời và ca hài hòa trong từng giai điệu, nghe tiếng đàn mà ngỡ tiếng hát" (Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn). Đối với ông, khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu chính là đỉnh cao của nghệ thuật, là niềm say mê bất tận mà mỗi người nghệ sĩ đều khao khát đạt được.

--------------------------------

Nghệ sĩ violon Nguyễn Châu Sơn sinh năm 1951 tại Hà Nội. Ông là thế hệ đầu tiên của khóa Đại học Violon của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông nguyên là giảng viên, Chủ nhiệm Khoa Dây từ năm 1997 cho đến khi về hưu năm 2011. Năm 1997, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đến năm 2019, ông chính thức trở thành Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) với lĩnh vực âm nhạc cổ điển, đặc biệt là trong violon, cùng với nghệ sĩ Tạ Bôn, Ngô Văn Thành và gần đây là Bùi Công Duy. Đến nay, ông đã giành được hàng chục giải thưởng cao quý trong công tác giảng dạy và trình diễn, trong đó có Bằng khen của Thủ tướng vì “đã có thành tích công tác từ năm 2006 đến 2010 góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” trao năm 2011 cùng giải thưởng của các bộ, ban ngành.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Thước phim 73 năm cuộc đời người nghệ sĩ già tua ngược về những năm miền Bắc chìm trong khói lửa chiến tranh. Cậu bé Sơn năm đó may mắn được sống trong môi trường với sôi nổi các hoạt động âm nhạc, có cha là Chỉ huy dàn nhạc Dân tộc và sáng tác nhạc múa trong Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương đầu tiên của Việt Nam. Tại khu văn công ở Mai Dịch (Hà Nội), ông được tiếp xúc với rất nhiều nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối… Tình yêu với nghệ thuật và âm nhạc bắt đầu từ đây.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Đến khi 8 tuổi, ông tỏ ra say mê với đàn violon và được cha mình ủng hộ theo học. Cộng thêm sự giúp đỡ của các nhạc công nổi tiếng thời đó, ông tiến bộ nhanh chóng và đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). “Thời đó, tôi theo học chương trình sơ cấp với thời gian đào tạo kéo dài 9 năm. Nhưng trên thực tế, chỉ sau 5 năm, tôi đã được học lên hệ trung cấp. Năm 1969, tôi tốt nghiệp trung cấp loại Xuất sắc và được trường đề cử trở thành nghệ sĩ violon đi học tiếp tại Nga”, NSND Nguyễn Châu Sơn tự hào kể lại.

Tuy nhiên, sau đó ông được đề nghị ở lại nước để học khóa Đại học chính quy đầu tiên do trường thành lập, giảng dạy bởi hai giáo sư: Bích Ngọc và Tạ Bôn, chuyên ngành violon. Từ đây, ông chính thức trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của hệ Đại học ngành violon. Năm 1985, ông được Nhà nước cử đi học tu nghiệp Nghệ thuật Biểu diễn đàn violon tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc (Budapest, Hungary).

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Năm 1987 ông được chọn biểu diễn bản concerto viết cho violon của nhạc sĩ Beethoven và Caprice số 23 của Paganini tại phòng hòa nhạc Nhạc viện Liszt Ferenc (Budapest - Hungary). Nhưng với ông, thành tích đáng tự hào nhất thời trẻ chỉ đơn giản là lời nhận xét của Giáo sư Tastrai Vilmos - người đã trực tiếp giảng dạy khi ông theo học tại Hungary: “Một tiếng đàn đẹp, hấp dẫn, tinh tế, kỹ thuật hoàn hảo và khả năng thăng hoa trên sân khấu đáng ngạc nhiên”, Giáo sư Tastrai Vilmos đánh giá năm 1988.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa
Giáo sư Tastrai Vilmos và nghệ sĩ Nguyễn Châu Sơn thời trẻ.

Đến thập niên 1990, ông về nước và tiếp tục hoạt động nghệ thuật sôi nổi. Năm 1993, ông vinh dự trở thành nghệ sĩ violon đầu tiên được DIHAVINA (tức Đĩa hát Việt Nam - Phòng thu đĩa được Bộ Văn hóa - Thông tin thành lập năm 1978) mời thu đĩa phát hành, bao gồm 15 nhạc phẩm đến từ nhiều quốc gia như: Việt Nam, Pháp, Đức,... Cơ quan này là nơi chắp cánh cho hầu hết các nghệ sĩ âm nhạc tài năng của nước nhà trong thập niên 1980 - 1990. Các ấn phẩm, bản thu âm DIHAVINA thực hiện trong khoảng thời gian này hiện nay trở thành tư liệu lịch sử vô giá về âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20 bằng âm thanh.

Chia sẻ cảm nghĩ khi đĩa nhạc đầu tay được phát hành, ông vẫn còn nguyên những xúc cảm bồi hồi: “Nói sốc thì hơi quá nhưng vinh dự này đến với tôi rất đột ngột. Tự hào chứ, nhưng cũng áp lực. DIHAVINA yêu cầu rất cao về chất lượng và số lượng sản phẩm. Chỉ trong vòng 2 tuần ngắn ngủi, tôi vừa phải thực hiện công việc giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay), vừa phải thực hiện các màn trình diễn cùng piano và dàn nhạc”.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Năm 1995, ông được Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề cử tham dự Festival Âm nhạc Hiệp hội các nhà soạn nhà châu Á - Thái Bình Dương tại Băng Cốc, Thái Lan. Tại đây, nghệ sĩ Châu Sơn trình diễn tác phẩm “Bài ca chim ưng” của nhạc sĩ Đàm Linh. Tác phẩm này sau đó được chọn trình diễn một lần nữa tại Lễ Bế mạc trao giải Festival.

Những năm 1997 - 1998, Nhạc viện Hà Nội thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội bao gồm các giảng viên, nghệ sĩ độc tấu có tên tuổi cùng một số sinh viên xuất sắc. Nghệ sĩ Châu Sơn khi đó là một trong hai người chơi violon ở vị trí số 1 của dàn nhạc. Tháng 10-1997, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội nhận được giải thưởng trị giá 5 triệu yên của Hội đồng Nghệ thuật Hoàng gia Nhật Bản trao tặng. Hằng năm, dàn nhạc biểu diễn nhiều chương trình giao hưởng với các bản giao hưởng nổi tiếng thế giới và các tác phẩm Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhiều nhạc trưởng nổi tiếng.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa
Nghệ sĩ Châu Sơn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội đã nhiều lần được Đảng và Nhà nước chọn để biểu diễn phục vụ trong các hoạt động chính trị, đối ngoại của đất nước. Đây cũng là sự công nhận vô cùng lớn lao đối với Dàn nhạc.

Sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, ông tiếp tục tham gia biểu diễn với nhiều chỉ huy nổi tiếng trong các chương trình nghệ thuật. Cùng với đó, ông cũng là cộng tác viên nghệ sĩ solo khách mời với nhiều đơn vị nghệ thuật Trung ương như: Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV3),... Cứ mỗi 5 năm kỷ niệm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ông vẫn được mời tham gia trình diễn. “Được khoa và ngành tin tưởng, tôi vui lắm” - ông nói.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Thầy Sơn lần đầu đứng trên bục giảng vào năm 1975 ngay sau khi tốt nghiệp đại học loại Xuất sắc, được giữ lại làm giảng viên và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đến năm 2011 thì về hưu. Nhưng hiện tại, sau hàng chục năm, thầy Sơn vẫn là giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Dây của Học viện và mở nhiều lớp dạy học tại nhà cho những học sinh có nhu cầu.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa
NSND Nguyễn Châu Sơn ở thời điểm hiện tại. Ảnh: VOV

Hiện nay, học sinh nhỏ tuổi nhất của ông mới 9 tuổi, đang học Sơ cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi tò mò: “Bạn ấy tuổi còn nhỏ mà đã học đàn rồi sao, thưa ông?”. NSND Nguyễn Châu Sơn đáp: “Nhạc cổ điển thường người ta phải dành mười mấy năm để đào tạo. Đây là tiêu chuẩn chung của cả thế giới. Tại Việt Nam hiện chương trình học có rút ngắn hơn, bao gồm 9 năm sơ trung và 4 năm đại học. Tuy nhiên, nhiều gia đình cũng cho con cái theo học âm nhạc trước đó vài năm từ khi mới 5 hay 6 tuổi. Cộng cả vài năm này thì thật ra chương trình học của một “nghệ sĩ” ở Việt Nam cũng không có gì thay đổi so với trên thế giới, vẫn phải tốn hàng chục năm để thành tài”.

Mỗi học sinh, mỗi năng lực, mỗi độ tuổi khác nhau, ông giáo Sơn lại có những phương pháp giảng dạy riêng sao cho phù hợp. Song, triết lý giảng dạy nhất quán trong suốt gần nửa thế kỷ làm nghề của ông là định hướng đúng con đường phát triển cho học sinh. “Tôi thường giáo dục cho học sinh mình về cách lựa chọn hướng phát triển trong tương lai. Có những em đã xác định rõ hướng đi ngay từ ban đầu, phát triển theo đúng hướng dòng nhạc cổ điển. Có những em lại chọn hướng đi khác, chẳng hạn như một học trò xuất sắc của tôi - nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền. Em ấy phát triển thành một nghệ sĩ trình diễn, chuyên đàn những ca khúc thuộc thể loại nhạc nhẹ”, NSND Nguyễn Châu Sơn nhận xét.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Đối với vấn đề tuổi tác, theo ông, việc dạy học sinh nhỏ tuổi hay lớn tuổi đều có những khó khăn nhất định. Khi dạy các cháu nhỏ, thầy Sơn đặc biệt hứng thú, nhất là những cháu bộc lộ năng khiếu từ sớm. “Nhiều khi đến giờ lên lớp, tôi hào hứng lắm, còn mong cháu đến học sớm để được dạy. Tự nhiên có thêm niềm vui tuổi già, chắc vì thế mà tôi vẫn đam mê dạy học đến bây giờ”, NSND Nguyễn Châu Sơn bày tỏ.

Với các học sinh đã lớn, ông chú trọng vào những kỹ thuật nâng cao và đàn những tác phẩm khó hơn - “những tác phẩm mà chính mình cũng chơi”. Bởi vậy, ông luôn trau dồi chuyên môn để đem đến học sinh những kiến thức chính xác nhất. Ông tâm niệm, ngày xưa xuất sắc 1 thì bây giờ xuất sắc 10, không chỉ giỏi để học sinh noi gương mà còn phấn đấu hoàn thiện để tiến bộ hơn mỗi ngày.

Khi hỏi về học sinh xuất sắc, trong ký ức "thầy Sơn", nghệ sĩ Lê Hoài Nam là người để lại nhiều ấn tượng nhất. “Một nghệ sĩ tài năng và vô cùng khiêm tốn, không chỉ với bản thân mà còn với đồng nghiệp xung quanh”, NSND Nguyễn Châu Sơn tự hào nói.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Chừng ấy năm giảng dạy, với hàng chục thành tích lớn nhỏ, thầy Sơn vẫn đau đáu khi nhớ về những lứa học trò chưa thành tài như mong đợi. NSND Nguyễn Châu Sơn tâm sự: “Từ năm 1975 đến giờ, có rất nhiều lứa học trò. Khi dạy, tôi quan niệm là luôn nỗ lực hết sức để làm sao họ phát huy hết những khả năng của họ. Tôi muốn khơi hết điểm mạnh để họ phát triển thành tài. Có những em không thật sự xuất sắc, tôi không yêu cầu quá cao, cưỡng ép vượt ngoài khả năng”.

Để trở thành một nghệ sĩ violon nói chung, NSND Nguyễn Châu Sơn cho rằng người học cần tu dưỡng nhiều phẩm chất. Violon nói riêng và nghệ thuật nói chung, bao giờ cũng hướng tới cái đẹp, cái thiện, cái thẩm mỹ trong cuộc sống. Chơi violon giúp con người ta sống nhân ái, nghị lực hơn qua các tác phẩm. Mỗi tác giả ở các quốc gia có những trải nghiệm khác nhau. “Nhạc phẩm từ Đức thường mang màu sắc triết lý, logic. Chơi những tác phẩm của các nghệ sĩ Pháp như Saint Saens, Lalo rất tinh tế, đẹp, bay bổng, tựa những công trình điêu khắc có từ thời Phục hưng. Chơi những tác phẩm của nghệ sĩ người Nga Tchaikovsky lại giáo dục con người tình yêu thương, lòng ái quốc. Các tác phẩm của Việt Nam lại gần với những làn điệu dân ca, nghe gần gũi, thân thương vô cùng”, NSND Nguyễn Châu Sơn cho hay.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Thời gian đào tạo lâu, quá trình đào tạo khó, thị trường càng cạnh tranh hơn với sự xuất hiện của nhiều dòng nhạc hiện đại, NSND Nguyễn Châu Sơn chứng kiến không ít những trường hợp phải bỏ ngành, bỏ nghề hoặc rẽ sang hướng khác.

Nhiều lần kể chuyện về cơ duyên đến với âm nhạc, ông đều bắt đầu bằng 2 chữ “may mắn”. May mắn vì được sinh ra trong gia đình truyền thống âm nhạc, may mắn vì được sống trong môi trường nghệ thuật,... Tuy nhiên, ông nhận thức rõ rằng ngày nay không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con cái tiếp xúc với nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc cổ điển. Chính vì vậy, khi có cơ hội, ông luôn duy trì truyền thống nhạc họa của gia đình với con gái mình - chị Nguyễn Châu Thùy Trang (hiện là cộng tác viên giảng dạy bộ môn Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Cha là nghệ sĩ violon tài ba, nhưng con gái lại phát triển tài năng với lĩnh vực piano. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến thuở đầu, khi NSND Nguyễn Châu Sơn trưởng thành trong môi trường âm nhạc truyền thống, nhưng sau cùng trở thành một nghệ sĩ với nhạc cụ phương Tây. Lý giải băn khoăn của tôi, NSND Nguyễn Châu Sơn cho biết: “Âm nhạc và nghệ thuật không có giới hạn. Việc truyền cảm hứng giữa những thể loại âm nhạc, giữa những nhạc cụ khác nhau là không biên giới. Chính vì vậy, việc tôi, hay sau này là cháu Trang theo đuổi những hướng đi khác nhau, nhưng sau cùng vẫn chảy về vùng biển nghệ thuật rộng lớn, nơi chan chứa những vẻ đẹp chân - thiện - mỹ”.

Những năm gần đây, nhạc cổ điển đã được đón nhận rộng rãi hơn, NSND Nguyễn Châu Sơn bày tỏ sự lạc quan về thực tế nhiều triển vọng của thị trường này: “Nhạc cổ điển ngày nay được biểu diễn thường xuyên và nhìn chung đã đến gần hơn với công chúng. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng thường có những buổi biểu diễn mở cửa tự do thu hút rất nhiều các bạn sinh viên trường ngoài. Ngày nay, kinh tế Việt Nam đã phát triển, nhiều trung tâm âm nhạc tư nhân được mở ra hỗ trợ trẻ em phát triển năng khiếu từ rất sớm. Theo tôi đây là một điều đáng mừng”.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa

Để nhạc cổ điển đi sâu hơn vào đời sống đại chúng, theo NSND Nguyễn Châu Sơn, chúng ta cần chú trọng công tác “đào tạo khán giả từ bé”. “Một đứa trẻ tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ, sau này lớn lên cùng âm nhạc, ngấm dần như ngoại ngữ, giúp đứa trẻ có khả năng cảm thụ, cảm nhận âm nhạc và thế giới một cách sâu sắc. Tôi còn hay nói đùa đây là quá trình "đào tạo khán giả từ nhỏ". Khi trưởng thành, chúng sẽ là những người cha, người mẹ, lại tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau. Có những trường hợp cha mẹ đam mê âm nhạc nhưng chưa có điều kiện theo đuổi, nhưng con cái của họ đủ khả năng viết tiếp được ước mơ ấy” - NSND Nguyễn Châu Sơn nhấn mạnh.

  • Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Châu Sơn: Có một tiếng đàn thăng hoa
  • Thực hiện: MẠNH TIẾN
  • Ảnh: VOV, TẠP CHÍ ĐẸP
top