LONGFORMNghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: “Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên”

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: “Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên”

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên

Hơn 30 năm gắn bó với kịch nói và Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Nguyễn Sĩ Tiến đã trải qua hầu hết các vai trò tại nhà hát. Là một người đã được sống trong thời đại hoàng kim của loại hình nghệ thuật này cho đến khi chứng kiến thời thế đổi thay như hiện tại, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến luôn tin rằng, nghệ thuật kịch nói nước nhà sẽ không những không bị lãng quên giữa dòng chảy của xã hội hiện đại mà còn thăng hoa hơn nữa trong tương lai.

----------*****----------

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên

Từ tuổi mười tám, đôi mươi, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đã sớm tìm thấy con đường bản thân muốn theo đuổi khi quyết định học ngành Đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Ông chia sẻ, đam mê tuổi trẻ chính là cơ duyên đưa ông cũng như bao nghệ sĩ thời ấy đến với kịch nói. Năm 1990, Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên, ông đã được chọn và theo học ở đây. Đó cũng là khóa cuối cùng Nhà hát Tuổi trẻ tự đào tạo diễn viên.

Sân khấu trong ký ức về những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước vẫn là một loại hình nghệ thuật thu hút rất nhiều sự chú ý của đông đảo khán giả. Hồi đó, các phương tiện giải trí còn rất ít, sân khấu song hành với các rạp chiếu phim, mặc dù rất hiếm nhưng vẫn nhận được nhiều sự quan tâm. Có thể nói rằng vị thế của sân khấu kịch nói vào những thập niên đó có một sự ảnh hưởng rất lớn trong xã hội.

Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đã trải qua hầu hết các vai trò tại Nhà hát Tuổi trẻ. Ban đầu ông là học sinh, rồi học nghề, biểu diễn cho thiếu nhi, làm hậu đài, làm tất cả các việc liên quan đến sân khấu… Sau đó ông làm diễn viên, đi học lớp đạo diễn sân khấu do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Xuân Huyền chủ nhiệm. Dù đã đi qua biết bao thăng trầm trong nghề, nhưng chia sẻ về bước ngoặt lớn nhất, ông không chần chừ mà lựa chọn sự chuyển giao từ diễn viên thành đạo diễn, bởi nó thay đổi khá nhiều quan niệm làm nghệ thuật, sân khấu của ông.

Một dấu ấn quan trọng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến là vở diễn “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do ông đạo diễn đã đoạt ba Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018. Kịch bản do Lưu Quang Vũ soạn cách đây hơn 30 năm đã được các nghệ sĩ nổi tiếng dàn dựng thành công. Tiếp thu từ những người đi trước và mong muốn sáng tạo những điều mới mẻ, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đã có một thành quả đáng tự hào, gắn liền với tên tuổi của mình.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên

Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đạo diễn.

Với NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, kịch nói không chỉ đơn thuần là đam mê tuổi trẻ như hồi còn đôi mươi, đó còn là một nghề nghiệp có lúc thăng lúc trầm. Giờ đây, gánh trên vai trách nhiệm lãnh đạo một đơn vị nhà hát lớn, ông tự nhận thấy bản thân lại càng phải nỗ lực hơn nữa.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên

Trên hành trình làm nghệ thuật và từng trải qua hầu hết các vị trí tại Nhà hát, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cũng nhiều lần phải đối mặt với những áp lực để có thể tiếp tục duy trì và giữ ngọn lửa tình yêu với sân khấu.

Đối với ông cũng như đa số các nghệ sĩ khác, không có nỗi lo sợ nào hơn thái độ thờ ơ, quay lưng của khán giả. Để kéo khán giả đến rạp và giúp họ thêm yêu sân khấu, sau mỗi vở diễn, ông và đồng nghiệp lại cùng nhau rút kinh nghiệm, tìm cách hiểu hơn “món ăn” mà khán giả mong muốn. Từ đó, ông xây dựng cho những tác phẩm kế tiếp của mình một kịch bản hay, một lối biểu diễn phù hợp…

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên
Hình ảnh một số vở kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Với quan niệm “nghệ thuật vốn là bầu trời của tự do và sáng tạo”, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cùng đồng nghiệp luôn không ngừng sáng tạo và làm mới các vở kịch. Nhưng câu chuyện tìm được kịch bản hay vẫn luôn hóc búa bởi, “chưa thời nào kịch bản dễ cả, vì kịch bản dễ sẽ không hay, kịch bản hay thì không dễ”. Do vậy, để khai thác được những vấn đề đương đại nhằm mang đến câu chuyện có giá trị luôn cần nhiều công sức và đòi hỏi cái tầm của người nghệ sĩ.

Nỗ lực không ngừng nghỉ, tiếp thu kinh nghiệm từ người đi trước, và mạnh dạn đổi mới là phương châm làm nghề mà NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến đặt lên hàng đầu. Nhờ đó mà từ những vở kịch kinh điển của Williams Shakespeare dựng cách đây 300 năm, đến các tác phẩm nổi tiếng của Lưu Quang Vũ viết ở thời kỳ bao cấp, qua bộ óc sáng tạo của người nghệ sĩ tài hoa như ông đều trở thành những vở kịch ăn khách.

Khi dựng mới mỗi vở kịch, ông luôn cân nhắc giữ hay bỏ những chi tiết có thể gây khó hiểu cho khán giả, đặc biệt là người trẻ. Cách bày trí sân khấu, cách hóa trang hay lối biểu diễn cũng được sáng tạo để khơi gợi tối đa trí tưởng tượng của người xem. Quan niệm kịch nói phải song hành và phản ánh cuộc sống nên người nghệ sĩ ấy hy vọng làm sao phải thổi được cái hồn đương đại vào các vở diễn. “Đừng sợ, khán giả họ hiểu hết, họ chấp nhận và thấy đấy không phải là một điều phá cách mà nó giúp cho sự tưởng tượng được nhiều hơn”, ông tâm sự.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên

Với NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, câu chuyện bỏ nghề của những người diễn viên trẻ đã không còn quá xa lạ. Khi đời sống và mạng xã hội phát triển, đặc biệt là sự lớn mạnh của các hãng phim quốc gia như VFC thì “cơn khát” nguồn nhân lực lại càng lớn hơn. Vì thế, việc chiêu mộ diễn viên của các đơn vị nghệ thuật Hà Nội là điều đương nhiên, đơn cử có thể kể đến một số gương mặt diễn viên từng làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ và hiện tại đang tham gia đóng phim truyền hình như Duy Nam, Bảo Thanh, Mạnh Dũng,...

Khó khăn của người lãnh đạo như NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến là phải khéo léo trong việc dung hòa, vừa luyện tập và biểu diễn vở mới tại Nhà hát, vừa tạo ra một “cái ngách” để các diễn viên có thể tham gia vào những hoạt động nghệ thuật khác. Bởi ở thời đại nào, mối lo về “cơm áo gạo tiền” cũng vẫn luôn thường trực.

Mặc dù hiện tại catse của người diễn viên đã tốt hơn trước và Nhà hát cũng luôn cố gắng có những khoản bồi dưỡng thêm để giúp tăng một phần thu nhập, nhưng “chúng ta không quá lạc quan để nói rằng đời sống nghệ thuật lúc này đã trở nên dễ dàng và điều đó chi phối đời sống của những người làm nghề rất nhiều”. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến tâm niệm, trong thời đại này, dường như mọi loại hình nghệ thuật đều có sự khó khăn riêng, vì thế, việc hỗ trợ, tạo điều kiện lẫn nhau là cần thiết. Điều đó sẽ giúp cho các hoạt động phát triển lành mạnh, bền chặt và tạo ra những khoảng không gian hợp lý, giúp cho những người làm nghệ thuật biểu diễn cảm thấy thoải mái. Như vậy mới có cơ hội giữ được chân họ ở lại với nghề.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên

Là một người gắn bó sâu sắc với kịch nói, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho rằng khán giả xem kịch vẫn không thay đổi. Bên cạnh chức năng giải trí thì mỗi vở kịch thường gắn với một thông điệp nào đó. Do vậy, đối tượng khán giả của kịch nói vốn có đôi chút khó tính hơn so với các loại hình khác, đặc biệt là với khán giả trung niên trở lên. Ông tâm sự: “Tất nhiên mình phải thay đổi trước. Mình phải đi trước để khán giả đến đây xem một vở kịch hay xem một chương trình ca múa nhạc dành cho thiếu nhi hay người lớn thì đều cảm thấy có sự tươi mới, hấp dẫn từ thị giác, thính giác và nhiều phương tiện hỗ trợ cho vở diễn, giúp cho khán phòng luôn sôi động và giàu cảm xúc”.

Nhà hát Tuổi trẻ có chức năng phục vụ đối tượng khán giả chính là thanh thiếu nhi. Đây cũng chính là những người nhạy cảm nhất với những điều mới mẻ và những hình thức giải trí nhanh. Với hầu hết các bạn trẻ, việc bỏ ra hai tiếng để lướt mạng xã hội chắc chắn dễ dàng hơn so với đến xem một vở kịch tại Nhà hát. Thấu hiểu điều này, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cùng Nhà hát đã có những chiến lược riêng để thu hút đối tượng khán giả trẻ.

Hòa cùng dòng chảy của mạng xã hội, Nhà hát Tuổi trẻ hiện cũng đã có mặt trên Facebook, TikTok để tiếp cận khán giả một cách gần gũi nhất. Nhà hát thường xuyên cập nhật các vở diễn, chương trình có nội dung phù hợp với khán giả trẻ trên các nền tảng online này. Hay ngay gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã kết hợp với một Nhà hát Hàn Quốc phát động cuộc thi sáng tác kịch bản dành cho trẻ em với chủ đề “Câu chuyện của Việt Nam chạm tới thế giới” và biến nó thành một câu chuyện nhạc kịch để biểu diễn ở nước ngoài. Đây là cơ hội để các khán giả trẻ và những người sáng tác trẻ thử sức, ươm mầm tài năng cho nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên
Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến (giữa) cùng các nghệ sĩ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại cũng được Nhà hát Tuổi trẻ quan tâm khi thường xuyên liên kết với các đơn vị nước ngoài. Việc đưa các hoạt động của Nhà hát ra thế giới và ngược lại giúp cho những “bữa tiệc nghệ thuật” của khán giả ngày càng thêm phần thịnh soạn và hấp dẫn. Luôn tìm một phong cách tốt hơn để nâng cao vị thế của kịch nói và người Việt trên trường quốc tế, đó chính là mong muốn của NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến và cũng là định hướng phát triển của Nhà hát Tuổi trẻ.

Kịch nói là một bộ môn nghệ thuật có giá trị và đã xuất hiện hàng ngàn năm trước trên thế giới, nhưng chỉ mới du nhập vào Việt Nam được 103 năm kể từ vở “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long. Dù chứng kiến đủ thứ thăng trầm của kịch nói, song NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến vẫn khẳng định: “Kịch nói luôn có chỗ đứng, chỉ là đứng như thế nào, đứng ở vị trí nào trong một hoạt động tổng thể”.

Khi kịch nói có những nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm và giàu tâm huyết gìn giữ như NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, chúng ta có quyền tin rằng nghệ thuật kịch nói nước nhà sẽ không những không bị lãng quên giữa dòng chảy của xã hội hiện đại mà còn thăng hoa hơn nữa trong tương lai.

  • Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến: Kịch nói sẽ không bao giờ bị lãng quên
  • Nội dung, kỹ thuật, đồ họa: PHƯƠNG ANH - THANH BÌNH - PHƯƠNG THẢO
  • Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ
top