LONGFORMĐại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong Võ Giáp (tên khai sinh của đồng chí Võ Nguyên Giáp) ý chí sôi sục và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở Trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (năm 1927); tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ, bị kết án hai năm tù và giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế (năm 1930). Sau đó, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế đỏ của Pháp, ông được trả tự do. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, ông ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục theo học ngành Luật và Kinh tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ.

Năm 1940, với bí danh là Dương Hoài Nam, ông cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc và được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sinh thời, khi nhớ về lần đầu tiên gặp Người bên bờ Thúy Hồ (Côn Minh, Trung Quốc) Đại tướng cho biết: “Từ lúc mới 13-14 tuổi giác ngộ cách mạng, tôi đã được biết và ngưỡng mộ Người. Lúc đầu, được xem ảnh Bác, được đọc tác phẩm của Người; về sau tham gia các tổ chức cách mạng, lại được tiếp xúc với nhiều bài viết của Người. Lòng hâm mộ đối với Bác trong trái tim tôi lúc bấy giờ thật là không bờ bến. Và tôi hằng mơ ước có ngày được gặp nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng nước ta.

Thế rồi, lần đầu tiên được gặp Bác, ấn tượng sâu sắc để lại trong tâm trí tôi là con người Bác sao mà giản dị thế. Bác gọi tôi là đồng chí, tôi gọi Bác là anh. Ngay từ giây phút đầu, câu chuyện đã hết sức thân mật, gần gũi. Con người của Bác khác hẳn với hình ảnh về một con người vĩ đại mà lâu nay tôi hằng tưởng tượng. Bác là một con người giản dị và vĩ đại, càng giản dị lại càng vĩ đại. Về sau, được sống và làm việc gần Bác, ấn tượng của buổi gặp ban đầu ấy càng thêm sâu sắc, càng được khẳng định”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thời trẻ cùng một số bài báo trên báo "Tiếng Dân".

Tháng 11-1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944.

Đến cuối tháng 12-1944, tại hang Pác Bó, Bác trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ thành lập đội quân chủ lực đầu tiên. Đại tướng từng nhiều lần kể lại rằng: “Lúc ấy, ta đã có nhiều đội du kích, đội vũ trang ở Bắc Sơn, Cao Bằng, các nơi khác. Bác đã chủ trương tập trung cán bộ, tập trung phương tiện và vũ khí, lập đội quân chủ lực để phối hợp với địa phương và du kích. Bàn kế hoạch xong rồi, tôi còn ở lại một đêm. Trong hang đá lạnh lẽo, cùng nằm trên giường làm bằng cây rừng ghép lại, ánh lửa bập bùng, trò chuyện đã rất khuya, bỗng Bác nói: Làm cách mạng là phải “dĩ công vi thượng”. Câu nói ngắn gọn ấy, tôi nhớ mãi đến bây giờ. Việc dân, việc Đảng đặt lên trên hết, không nghĩ đến cá nhân. Điều tâm đắc đó đã trở thành máu thịt trong tôi. Cứ “dĩ công vi thượng” và “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nhằm mục tiêu cách mạng mà tiến tới”.

Sáng sớm hôm sau, khi lên đường đi làm nhiệm vụ mới, Bác tiếp tục căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Chú bây giờ trách nhiệm nặng đấy, phải dựa vào dân, có dân thì có tất cả”, “Trận đầu, nhất định phải đánh thắng”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, đồng chí đã chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần. Nhận trách nhiệm lớn là người xây dựng và chỉ huy Quân đội ta từ ngày đầu thành lập, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa đội quân du kích với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ từng bước lớn lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai bùng nổ cuối tháng 12-1946, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Tổng tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp giành thắng lợi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Đầu năm 1948, tại Lục Rã, chân đèo De (phía Tuyên Quang), Hội đồng Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quân hàm Đại tướng cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Được phong hàm Đại tướng vào tháng 1-1948, với vai trò là Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, như: Chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947), Biên Giới (10-1950), Trần Hưng Đạo (12-1950), Quang Trung (5-1951), Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (9-1952), Thượng Lào (5-1953)… Đặc biệt, năm 1954, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy các đại đoàn của Quân đội ta và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc (1949).

Tuy nhiên, Hiệp định Geneva ký kết chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã nhanh tay hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình hình cách mạng mới, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược.

Trên cương vị là Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Võ Nguyên Giáp là người có nhiều công lao trong việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên cách mạng, chính quy, từ việc xây dựng các quân chủng: Phòng không-Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, Tăng thiết giáp... đến mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên bộ và Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam. Chính Đại tướng đã trực tiếp đôn đốc việc mở đường Trường Sơn thô sơ từ năm 1959 và đề xuất làm đường Trường Sơn cơ giới từ những năm 1960, bảo đảm việc chi viện hiệu quả cho các hướng chiến trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Ảnh 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên Giới năm 1950.
Ảnh 2: Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên Giới tháng 6- 1950 (Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngoài cùng bên phải).
Ảnh 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nghiên cứu sơ đồ tác chiến Chiến dịch Biên Giới.
Ảnh 4: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng (1950).
Ảnh 5: Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chào những đoàn quân thắng trận Biên Giới trở về (1950).

Nhiều đêm, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thức trắng vì tình hình ở một hoặc một số chiến trường có những diễn biến phức tạp, không lợi cho ta. Những ngày theo dõi tác chiến ở Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào hay các chiến dịch Quảng Trị, Tây Nguyên… Đại tướng đã nhiều đêm mất ngủ, hoặc nhiều lần rơi nước mắt khi nghe báo cáo số lượng cán bộ, chiến sĩ thương vong quá cao trong một số trận đánh. Chính trong những đêm đặc biệt đó, ông trăn trở và tìm ra những cách xử lý tình hình ở chiến trường tốt nhất, giảm thương vong cho bộ đội. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đã đề xuất khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để tạo sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh lớn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Ảnh trái: Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Ảnh phải: 17 giờ 05 phút ngày 13-3-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Gần như Đại tướng làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Ngay cả những khi đau yếu, ông vẫn gọi cán bộ tác chiến đến Viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Bên giường bệnh, ông chăm chú lắng nghe báo cáo tình hình chiến trường. Đã nhiều lần Đại tướng sửa đi sửa lại các bức điện, các bản mật lệnh, chỉ thị chiến đấu gửi các tư lệnh chiến trường do cơ quan tác chiến chuẩn bị sao cho ngắn gọn, rõ ràng nhất. Thậm chí ông tự tay viết điện vào sổ điện cơ yếu và ký tên. Một trong số đó là bức điện ký ngày 7-4-1975.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị đang hành quân vào chiến trường, ngày 7-4-1975. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bức điện với nội dung: “1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Mệnh lệnh lịch sử này được coi là kim chỉ nam để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ ngoài mặt trận chiến đấu và giành chiến thắng lợi vẻ vang trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4-1975). Ảnh: TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết

Đồng chí Võ Nguyên Giáp là Đại tướng, đảm nhiệm trọng trách lớn lao là Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi. Dù chưa trải qua một học viện hay trường lớp quân sự nào, song ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của Tổ quốc, bằng ý chí và nghị lực phi thường, sự phấn đấu không ngừng, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và của nhân dân Việt Nam.

Trong những thời điểm bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp to lớn, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, hòa vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc; trở thành một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự. Nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới ngưỡng mộ, kính trọng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư dinh của Đại tướng ở Hà Nội (ảnh bên trái). Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, những người từng chỉ huy hai bên chiến tuyến, gặp mặt trực tiếp hai lần sau khi Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ (ảnh phải).

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1978), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Năm 1980, Đại tướng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật. Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80.

Từ năm 1992 đến lúc từ trần, Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm đề tài: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về "Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh”. Với những công lao đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Suốt chặng đường cách mạng, đôi vai nặng gánh việc nước, việc quân, hàng chục năm tham gia Bộ Chính trị, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh Quân đội, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm, sử dụng báo chí để đem lại hiệu quả lớn lao trong mọi thời kỳ, ở mọi tình huống. Ảnh: Trần Hồng

Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng, một dạ phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản. Dù trong lúc cách mạng gặp thuận lợi hay khó khăn, đồng chí vẫn tin tưởng, thủy chung, son sắt với Đảng, với nhân dân, đúng như lúc sinh thời đồng chí từng nói: "Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
Một số hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân chụp.

Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta: Vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay Đảng là Chính phủ đã ủy cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo Quân đội ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

“Quân đội nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

“Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất”.

Thượng tướng-giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

“Phải là vị tướng thao lược mới dám thừa nhận sai lầm của mình qua hai lần thất bại cho một mục tiêu. Tướng Giáp là thế. Để sửa chữa, ông sớm nghĩ ngay cách đánh khác, không hy sinh cán binh cho kế hoạch tác chiến liều mạng vào “lòng chảo”. Để khắc phục sơ hở, ông tìm ra cách không cho “con thú” thoát khỏi “cái lồng” kiên cố của nó. Ông đã thành công bằng cách đánh độc đáo của mình.

Phải có bản lĩnh lớn mới dám không sợ mếch lòng các vị cố vấn nổi tiếng. Tướng Giáp đã đặt cả sinh mệnh chính trị của mình cho trận đánh. Nếu thua, tướng Giáp sẽ không tồn tại, dù vẫn sống. Một sự “phản kháng” có tính lịch sử, để lại dấu ấn cho tương lai Việt Nam, và cho sự thay đổi bộ mặt thế giới thứ ba.

Phải tràn đầy đức khiêm tốn của vị tướng mới nhận thức đúng Điện Biên Phủ là “cụm pháo đài đích thực”, không thể coi thường. Cần hết sức tỉnh táo để rõ mình, rõ người, mới tìm đúng cách chiến thắng. Tuyệt đối không một hành vi khinh xuất.

Đó là tư chất lớn của tướng Giáp”.

G. Boudarel – nhà sử học người Pháp

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

“Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn. Đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh.

Tên của ông được nghe nhiều nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Không phải vì ông là Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh, Phó thủ tướng, mà vì ông đã đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ. Người Mỹ sống trong cơn ác mộng Điện Biên, và khi tình hình bắt đầu xấu đi, họ bảo “Ô, ông Giáp lại đang chuẩn bị cho một Điện Biên mới”. Hoặc đơn giản hơn: “Giáp đấy”. Họ bàn về Giáp khi Việt cộng phát động cuộc tiến công Tết Mậu Thân tháng Hai năm 1968. Họ tiếp tục nói về Giáp tháng Ba và tháng Tư khi quân miền Bắc lấy Huế, và bao vây Khe Sanh. Họ vẫn nói về Giáp vào tháng Năm và tháng Sáu khi Việt Cộng mở đợt tiến công thứ hai vào Sài Gòn và Tây Nguyên. Họ sẽ nói về Giáp nhiều năm nữa. Cái tên ngắn và khô như một cái tát vào mặt, như một sự đe nẹt lơ lửng trên đầu, như một ông ngáo ộp kể từ vĩ tuyến 17 trở xuống”.

Tướng Westmoreland, nguyên Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn, kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của ông cha chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới. Đồng chí hết sức coi trọng việc xây dựng tổ chức Đảng “trong sạch, vững mạnh” trong lực lượng vũ trang; quan tâm, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 / 25-8-2021).

  • Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Việc dân, việc Đảng, việc quân là trên hết
  • Nội dung: BÍCH TRANG
  • Ảnh: TRẦN HỒNG, Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top