LONGFORMCách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại

Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập tự do, quyết không chịu làm nô lệ. Cách mạng tháng Tám là kết quả của tám mươi năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp. Không những “giật tung” được xiềng xích của bọn đế quốc phát-xít, Cách mạng Tháng Tám lại lật nhào được chế độ quân chủ thành lập trên đất nước ta hàng chục thế kỷ, làm cho nước Việt Nam thành một nước cộng hòa dân chủ, đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong [1].

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại

Tháng 5-1941, Bác đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Đảng tại Khuổi Nậm (Pác Bó). Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, tập hợp quần chúng cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng to lớn, người cầm lái con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập, tự do. Nguồn: baotanghochiminh.vn

Từ những quyết sách lịch sử...

Bước sang năm 1945, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng trước thời cơ lớn. Cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 truất quyền của Pháp, chiếm hẳn lấy Đông Dương làm thuộc địa riêng của phát xít Nhật đã tạo ra cơ hội cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Trong tình thế ngặt nghèo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức khôn khéo, linh hoạt đẩy lùi nguy cơ để tạo ra thời cơ thuận lợi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, trực tiếp tham gia chiến đấu bên cạnh các cơ sở, lực lượng dân quân ở các địa phương, đóng vai trò nòng cốt, quyết định sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhận định ba cơ hội tốt giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chóng chín muồi là: Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng); Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước); Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật)". Chỉ thị là lời hiệu triệu mạnh mẽ đối với dân chúng cùng khẩu hiệu chỉ đạo hành động quyết liệt “phá kho thóc giải quyết nạn đói” cho đồng bào đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh và khởi nghĩa trong nhân dân, tập dượt quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến những hình thức đấu tranh cao, kết hợp đấu tranh kinh tế, chính trị, vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Ảnh trái: Đồng bào Sài Gòn hưởng ứng Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ảnh phải: Ngày 14-8-1945, đội du kích Ba Tơ tiến về thị xã Quảng Ngãi, cùng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ tháng 3 đến tháng 8-1945, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy cao trào kháng Nhật, cứu nước tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, sẵn sàng đón thời cơ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, như triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ; ra Chỉ thị “Về việc tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng"; thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân.

Nhạy bén trước sự chuyển biến của tình hình, với tinh thần tích cực khẩn trương, đầu tháng 5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Chiến khu Hoàng Hoa Thám, chọn Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) làm đại bản doanh chỉ đạo phong trào cả nước, chuẩn bị gấp một số công việc cho Tổng khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Lán Nà Nưa (Tuyên Quang) - nơi Bác Hồ làm việc trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc. Nhiều văn kiện, chỉ thị, các chủ trương kế hoạch được Bác khởi thảo từ căn lán này. Tại đây, Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4-6-1945, quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng Việt Bắc, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời và thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng.

Giữa tháng 8-1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã đến. Ngay sau khi nhận được tin Nhật Bản gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn, Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh họp vào ngày 12-8-1945, quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngày 13-8, nhận được tin phát xít Nhật bại trận và sắp đầu hàng Đồng minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, 23 giờ cùng ngày, Uỷ ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số I, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Ngày 14-8, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào, phân tích chính xác tình hình và nhất trí: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập hoàn toàn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại

Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, Đại hội đại biểu Quốc dân cũng được tổ chức tại Tân Trào vào ngày 16-8. Với sự tham dự của hơn 60 đại biểu là các nhà cách mạng, giới trí thức, phụ nữ, thanh niên thuộc cả ba miền Bắc - Trung - Nam cùng một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào, Đại hội như Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai của dân tộc; biểu tượng cho ý chí đồng lòng, quyết tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng tháng Tám. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 17-8, Đại hội đại biểu Quốc dân bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ, bày tỏ lòng kiên quyết hi sinh “đến giọt máu cuối cùng không lùi bước” để lãnh đạo nhân dân tiến lên, chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, tháng 8-1945, Hồ Chí Minh. Ảnh: baotanghochiminh.vn

Thực hiện nghị quyết tổng khởi nghĩa giành chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, với sức mạnh như được nhân lên gấp bội: Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945 (từ 13 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Ảnh 1,2: Ngày 19-8-1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, tự vệ và quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Phủ Khâm Sai (Bắc Bộ phủ), cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Ảnh 3: Nhân dân Cần Thơ khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 26-8-1945. Ảnh 4: Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình.

Kỳ tích mang tầm thời đại

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2].

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3-9-1945. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[3], chúng ta tự hào về năng lực lãnh đạo của Đảng ta, một đảng ra đời ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến nhưng đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền và toàn xã hội, thực sự là một tổ chức chính trị tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, chiến đấu quên mình vì lợi ích thiết tha nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng của chúng ta đã thực hiện được một kỳ tích mang tầm thời đại: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 30 ngày 19-8-1951 đã đăng “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Độc lập".
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2237 ngày 19-8-1967 đã trích Lời Hồ Chủ tịch "Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn."

Cách mạng Tháng Tám thành công đã giải phóng 25 triệu đồng bào ta. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập là Nhà nước đầu tiên của nhân dân ta. Từ đó nhân dân ta làm chủ đất nước của mình, cùng nhau ra sức xây dựng cuộc đời độc lập, tự do, hạnh phúc (Thư gửi thanh niên, 2-9-1965, Hồ Chí Minh).

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, khi mà chúng ta phải đối diện với thực dân Pháp - một trong số các quốc gia tư bản chủ nghĩa phát triển bậc nhất vào thế kỷ XIX, XX; phải đương đầu với chủ nghĩa phát-xít và lực lượng đồng minh, những thế lực đang chi phối đời sống chính trị quốc tế lúc đó. Lần đầu tiên một dân tộc đã tự lực tự cường, đứng lên làm cách mạng để giành lấy những quyền dân tộc cơ bản nhất của mình, mà không phải do ai ban cho, từ trong tay hệ thống thuộc địa lâu đời của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thành công khi khơi dậy được nguồn lực mạnh mẽ nhất của dân tộc - chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và lợi ích của các giai tầng, của mỗi con người là thống nhất với lợi ích dân tộc. Để từ đó tập hợp hết thảy các lực lượng yêu nước, đoàn kết toàn thể nhân dân Việt Nam tạo thành một lực lượng cách mạng vô cùng to lớn làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thiết lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Ảnh trái: Ngày 28-8-1945, đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh phải: Tại Sài Gòn, ngày 25-8, hơn một triệu quần chúng nội thành và ven đô cùng một số tỉnh lân cận tiến hành mít tinh, tuần hành vũ trang khổng lồ, lật đổ chính quyền phát xít Nhật.

Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám đã thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam khi đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa đế quốc trong gần một thế kỷ, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế ngót nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, giải quyết thành công vấn đề cơ bản của một cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền. Cuộc cách mạng này đã chứng minh tính đúng đắn của những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng thuộc địa, về tính chủ động của cách mạng thuộc địa, về cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới mà Người đã nghiên cứu, đã chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ XX. Với Người, một cuộc cách mạng thành công, cách mạng “đến nơi”, nghĩa là: “cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người” và dân chúng phải “được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật...”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế. Trong ảnh: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ bên phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 21-9-1977. Ảnh: UN.ORG.

Chính vì vậy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù gặp muôn vàn khó khăn thử thách, song Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã kiên quyết thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, xúc tiến tổ chức Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Khác với các hình thức nhà nước của phong kiến, thực dân đã từng tồn tại ở Việt Nam, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước của dân, do dân và vì dân, “tất cả mọi quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”. Trong nhà nước đó, cán bộ, công chức là “công bộc”, đầy tớ cho nhân dân chứ không phải đè đầu, cưỡi cổ dân như dưới thời Pháp, Nhật. Không chỉ phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành, Đảng và Nhà nước đó còn phải yêu dân, kính dân và quán triệt yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đề nghị: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, “phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế. Trong ảnh: Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ảnh: TTXVN, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cung cấp.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Đội Công binh số 1 của Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc ở khu vực Abyei (UNISFA) phối hợp với lực lượng Pakistan tổ chức hoạt động nhân đạo khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho nhân dân địa phương tại khu vực Chợ Amiet.

Thứ ba, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình. Đây là một cuộc đổi đời chưa từng có trong lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã hoàn thành một bước hết sức cơ bản trong sự nghiệp giải phóng con người ở Việt Nam khỏi mọi sự áp bức về mặt dân tộc, sự bóc lột về mặt giai cấp và sự nô dịch về mặt tinh thần. Dưới chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám 1945, người dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được hưởng những quyền tự do dân chủ đầu tiên như quyền tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc, quyền bầu cử và ứng cử, quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, quyền tư hữu tài sản, quyền học tập, quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài… Những quyền bình đẳng, dân chủ này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đều là những điều chưa từng có trong các mối quan hệ xã hội và kinh tế của xã hội phong kiến Việt Nam trước đó.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
Đất nước ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cách mạng là “...một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ”, trong đó “những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm”[4].

Từ bước ngoặt vĩ đại mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 tạo nên đã khơi nguồn, bồi đắp sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước trên chặng đường mới, viết tiếp những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế ngày hôm nay.

Đó cũng chính là cơ sở để Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) khẳng định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn mới là “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên cường đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

[1] Trích từ tác phẩm "Cách mạng tháng Tám" của đồng chí Trường Chinh, Nxb Sự thật, 1955

[2] Tuyên ngôn độc lập, đăng báo Báo Cứu quốc, số 36, ngày 5-9-1945

[3] Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, báo cáo ngày 11-2-1951

[4] Đạo đức cách mạng, Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958

Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
78 năm đã qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu lớn lao, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ.

  • Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Dấu ấn thời đại
  • Nội dung: VŨ KIM YẾN (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)
  • Ảnh: Tư liệu - TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top