LONGFORMChủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy

Những năm qua, chủ nghĩa dân túy ngày càng nổi lên và có xu hướng lan rộng, gây nên những bất ổn trong nền chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia; thách thức nhiều giá trị, định chế quốc tế. Đối với Việt Nam, chủ nghĩa dân túy vẫn là vấn đề khá mới mẻ, chưa có cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội để trở thành một “chủ nghĩa” hay “hệ tư tưởng”, mà mới biểu hiện dưới dạng quan điểm thể hiện qua lời nói và hành động của một số cá nhân. Tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực đó vẫn có sức phá hoại lớn đến đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, việc nhận diện, nhất là mặt tiêu cực của chủ nghĩa dân túy để chúng ta có các giải pháp phòng, chống là việc cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy (populism) theo nghĩa gốc của từ populus trong tiếng Latinh là dân, quần chúng nhân dân. Trong nghĩa Hán Việt, chữ “túy” (醉) trong chủ nghĩa dân túy (民醉主义) là say sưa, say mê. Chủ nghĩa dân túy là làm cho đám đông nghe và tin theo chủ đích chính trị của mình.

--------------------------*****--------------------------

Chủ nghĩa dân túy là một “hệ tư tưởng mỏng”

Chủ nghĩa dân túy đã xuất hiện từ sớm trong đời sống chính trị thế giới, nhưng nổi lên từ khoảng thế kỷ thứ XIX trong các phong trào nông dân, trí thức ở nhiều nước tư bản.

Tại Mỹ-nơi được coi là quê hương của chủ nghĩa dân túy, trào lưu này xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX trong phong trào nông dân đòi những cải cách về thuế, sở hữu đất đai, sự quản lý của chính phủ đối với nền kinh tế. Đến những năm 90 của thế kỷ này thì nổi lên một cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy người nông dân ở nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Đảng Cộng hòa sống chủ yếu ở các đô thị. Cùng thời gian này là phong trào các trí thức, nhà tư sản ở Nga quay lưng lại với giai cấp, tầng lớp của mình, ấp ủ xây dựng những “công xã nông thôn” cho giai cấp nông dân dựa trên nền tảng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Ban đầu phái dân túy có nhiều tư tưởng tiến bộ, đóng vai trò quan trọng chống lại chế độ chuyên chế Nga hoàng, bảo vệ lợi ích của quần chúng. Tuy nhiên, phong trào này đã nhanh chóng bộc lộ bản chất phản động, cải lương, gây trở ngại cho việc truyền bá Chủ nghĩa Mác vào Nga.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
Cas Mudde, nhà khoa học chính trị Trường Đại học Georgia (Mỹ). Nguồn: spia.uga.edu

Những năm 1950, thuật ngữ dân túy được sử dụng rộng rãi hơn để chỉ các phòng trào chính trị khác nhau như chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản châu Âu, chủ nghĩa chống cộng hay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc…. Trong suốt giai đoạn về sau, khái niệm về chủ nghĩa dân túy vẫn chưa có sự thống nhất giữa các quan điểm học thuật khác nhau.

Đến năm 2004, Cas Mudde, nhà khoa học chính trị Trường Đại học Georgia (Mỹ), đã đưa ra định nghĩa được coi là phổ biến, khái quát nhất về chủ nghĩa dân túy, coi đây là một “hệ tư tưởng mỏng”, hay một khuynh hướng tư tưởng chính trị với nội dung cơ bản là nhấn mạnh sự đối lập giữa “quần chúng nhân dân” với “tầng lớp tinh hoa” mà họ cho là suy thoái, từ đó tranh giành, lợi dụng lòng tin của quần chúng cho mục đích riêng bằng lời hứa, phát ngôn mềm dẻo. “Hệ tư tưởng mỏng” này có thể được pha trộn với các lý thuyết, phong trào khác, như chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng chống đế quốc hoặc chống phân biệt chủng tộc, nhằm giải thích và biện minh cho những mục tiêu cụ thể. Điều này tạo nên những cách tiếp cận, xu hướng và hình thức riêng của chủ nghĩa dân túy trong từng hoàn cảnh khác nhau ở mỗi quốc gia, khu vực.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
Ảnh trái: Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tập trung gần tòa nhà Quốc hội ở Washington DC., ngày 6-1-2021. Ảnh: THX/TTXVN)
Ảnh phải: Những người ủng hộ phong trào Áo vàng biểu tình bạo loạn tại Paris, Pháp hồi năm 2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
Sự phát triển của các đảng dân túy ở Châu Âu.

--------------------------*****--------------------------

Những xu hướng và hình thức cơ bản của chủ nghĩa dân túy
Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
Nhà Chính trị học, Giáo sư Kinh tế chính trị quốc tế Đại học Johns Hopkins Yoshihiro Francis Fukuyama. Nguồn: ednews.net

Nhà Chính trị học, Giáo sư Kinh tế chính trị quốc tế Đại học Johns Hopkins Yoshihiro Francis Fukuyama cho rằng, chủ nghĩa dân túy bao gồm 2 nhóm lớn là: Chủ nghĩa dân túy cánh tả và chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Chủ nghĩa dân túy cánh tả phổ biến ở khu vực Mỹ Latinh và Nam Âu, được tầng lớp dân nghèo ủng hộ, theo đuổi các chương trình xã hội với mục tiêu tái phân phối lợi ích nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng về kinh tế; không nhấn mạnh vấn đề sắc tộc hay nhập cư. Chủ nghĩa dân túy cánh hữu phổ biến ở khu vực Bắc Âu, chủ trương dựa vào tầng lớp trung lưu, nhấn mạnh vấn đề sắc tộc và chống nhập cư, bảo vệ nhà nước phúc lợi nhưng không coi trọng mở rộng dịch vụ, trợ cấp xã hội...

Dưới góc độ khoa học xã hội, chủ nghĩa dân túy được xem như một khuynh hướng tư tưởng và chính trị, nhấn mạnh sự đối lập giữa “quần chúng nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa”, thể hiện trong những phát ngôn tự cho là bảo vệ quyền lợi của “dân thường”. Dân túy còn được coi như một phong trào chính trị mà ở đó có sự trái ngược về lợi ích, văn hóa, tình cảm giữa những người dân thường với tầng lớp đặc quyền hay một chính sách để những kẻ cơ hội tìm cách lấy lòng quần chúng.

Về mặt lịch sử, đến nay chủ nghĩa dân túy phát triển qua bốn thời kỳ. Thời kỳ đầu tiên như nói ở trên diễn ra dưới hình thức chủ nghĩa dân túy nông nghiệp ở Mỹ và Nga nửa cuối thế kỷ XIX. Thời kỳ thứ hai tính từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với sự ra đời của một loạt đảng nông dân ở khu vực Đông Âu. Thời kỳ thứ ba của chủ nghĩa dân túy diễn ra ở giai đoạn Chiến tranh lạnh (1947-1991), xu hướng ở Tây Âu với màu sắc chủ nghĩa dân tộc, lan sang khu vực Mỹ Latinh và một số nước châu Phi và manh nha xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á sau khi kết thúc sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ. Hiện nay, chủ nghĩa dân túy đang ở thời kỳ thứ tư (từ đầu thế kỷ XXI) – thời kỳ trỗi dậy với những xu hướng mới tập trung vào vấn đề di cư, thuế, tội phạm và chủ nghĩa dân tộc.

--------------------------*****--------------------------

Đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa dân túy

Từ các cách tiếp cận trên có thể nhìn nhận dân túy là một biến dạng của chính sách mị dân, đặc điểm chung của nó là tách rời lời nói với hành động, đánh vào tâm lý đám đông, chỉ làm thỏa mãn nhu cầu trước mắt của dân chúng hoặc một nhóm người, sau đó nhanh chóng thay đổi quan điểm và không nhất quán một nguyên tắc nào.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy

Đối tượng lôi kéo, tranh thủ của những người theo chủ nghĩa dân túy là một bộ phận dân chúng ở nông thôn hoặc thành thị, thường là những nhóm xã hội có trình độ tương đối thấp về văn hóa chính trị và pháp quyền, có ít thông tin nhưng chiếm số đông trong xã hội. Những người theo chủ nghĩa dân túy thường lấy danh nghĩa nhân dân, đại diện cho quyền lợi của số đông, nhưng mục đích không hẳn vì người dân mà đều có yếu tố cá nhân hoặc một nhóm nào đó.

Đối tượng đấu tranh của chủ nghĩa dân túy là giới tinh hoa, cầm quyền mà họ cho là tham nhũng, thối nát. Họ tìm cách phá bỏ những luật lệ, nguyên tắc, cơ chế đã tồn tại từ nhiều năm bị cho là bất công, nhưng thường có xu hướng lảng tránh khi nhắc đến các giải pháp cho các vấn đề hoặc đơn giản hóa các giải pháp nhằm vào các vấn đề bức xúc theo kiểu giải thích nguyên nhân, mà thiếu tầm nhìn mang tính lâu dài.

Về phương thức đấu tranh, những nhà dân túy tạo ra sự ủng hộ chính trị thông qua lấy lòng một bộ phận người dân; lợi dụng các mâu thuẫn, đối kháng trong xã hội của một bộ phận dân chúng với chính quyền để kích động, thổi bùng lên mâu thuẫn. Đấu tranh chủ yếu qua các kỳ bầu cử, nghị trường, mang tính cải lương, những nhóm người này không chủ trương làm cách mạng, không phá bỏ triệt để những khuôn khổ, cơ chế cũ mà mục đích chính là tìm kiếm quyền lực hoặc đấu tranh về chính sách trong các khuôn khổ đã có sẵn.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
Lãnh tụ V.I.Lênin diễn thuyết ở Quảng trường Đỏ, Moscow năm 1917. Ảnh tư liệu

Biểu hiện công khai thường là bất mãn rõ rệt với hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với dòng chính thống. Tinh vi hơn nữa là phản đối các hình thức dân chủ gián tiếp, cổ súy dân chủ trực tiếp, qua đó lợi dụng sức mạnh của đám đông, sức ép của công luận nhằm đạt được mục đích của mình. Lãnh đạo phong trào dân túy thường là những nhân vật có tham vọng chính trị cá nhân lớn, có khả năng hùng biện, thuyết phục đám đông.

Phong trào dân túy thường kém bền vững, nổi lên ở những quốc gia có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều biến động, do một cá nhân đứng ra tập hợp, kêu gọi, tuy nhiên khi xã hội chuyển sang một trạng thái khác thì phong trào cũng tự suy giảm.

Điều kiện hình thành của nó là ở những nền dân chủ đa đảng, điều kiện chính trị, xã hội phức tạp; giai đoạn xảy ra các cuộc khủng hoảng hoặc trước bước ngoặt trong sự phát triển của xã hội. Ngoài ra, khi lòng tin của người dân vào chính quyền bị suy giảm, sẽ có xu hướng tìm kiếm những chủ nghĩa khác để thay thế, đây chính là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy phát triển. Điều kiện đủ là chủ nghĩa dân túy phải gắn với một vài cá nhân lợi dụng các phong trào xã hội, đám đông hoặc truyền thông để công kích các chủ trương, chính sách, dòng chính thống vì mục đích của mình. Ở các nước dân chủ, biểu hiện ra mạnh mẽ, rõ rệt nhất là ở các cuộc bầu cử.

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
V.I. Lê-nin luôn đấu tranh không khoan nhượng với các phái phi mác-xít, trong đó có phái dân túy để bảo vệ chủ nghĩa Mác _Tranh tư liệu. Nguồn: tapchicongsan.org.vn

Từ các cách tiếp cận trên, có thể thấy chủ nghĩa dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, công cụ của những phần từ cơ hội mượn danh nhân dân, dùng sức mạnh của đám đông theo kiểu nửa vời, cải lương để kêu gọi, tổ chức phong trào vì mục đích cá nhân hoặc một nhóm người. Bản chất phản động, không tưởng của nó đã bị V.I.Lênin chỉ rõ khi phê phán chủ nghĩa dân túy Nga thế kỷ XIX, V.I.Lênin: Đó là chủ nghĩa đã làm chệch hướng tiến lên của cuộc sống, làm lẫn lộn các nguyên tắc khách quan của lịch sử với những đề xuất có tính nửa vời và lừa mị của các nhà tư tưởng, các chính trị gia. Đó là sự thể hiện sinh động của những bế tắc, của những dao động tư tưởng khi con người đối diện với những bước ngoặt của lịch sử mà không đủ trí tuệ, dũng khí để tiến lên. Đôi khi, chủ nghĩa dân túy đó lại cổ súy cho những tư tưởng manh động, có tính cực đoan mà suy cho cùng là không đứng về phía lợi quyền chân chính của đại đa số người không chỉ vì hiện tại mà còn vì cả tương lai.

(còn nữa)

Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
Biểu tình phản đối Hội nghị lãnh đạo các chính đảng và phong trào có quan điểm dân túy, dân tộc chủ nghĩa và chống người nhập cư tại Prague ngày 16-12-2017. Ảnh: AFP/TTXVN

  • Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam - Bài 1: Nhận diện về chủ nghĩa dân túy
  • Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top