Chiến thắng Đường 14 - Phước Long: Củng cố quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Mùa khô 1974 - 1975, quân và dân ta mở Chiến dịch Đường số 14 - Phước Long giành thắng lợi. Đây là chiến thắng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lần đầu tiên giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975). Đặc biệt, chiến thắng này đã góp phần củng cố vững chắc quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của Đảng ta.
Tỉnh Phước Long là địa bàn rừng núi, tiếp giáp với cực Nam Trung Bộ và vùng giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp; là cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc; là đoạn cuối Đường Hồ Chí Minh - nơi tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn đối với chiến trường Nam Bộ. Từ những nét đặc thù về vị trí địa lý khẳng định Phước Long là một địa bàn chiến lược quan trọng về quân sự.
Bước vào mùa khô 1974 - 1975, quân ta đẩy mạnh hoạt động tạo thế, tạo lực trên các chiến trường của toàn miền Nam. Trước tình hình đó, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định sử dụng Quân đoàn 4 để mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, làm bàn đạp tạo thế đe dọa, tiến công hệ thống phòng thủ của quân đội ngụy Sài Gòn, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng, mở rộng tuyến hành lang vận chuyển nối thông với Tây Nguyên.
Ngày 13-12-1974, ta nổ súng đánh chiếm đồn bảo an ở Km19 trên Đường 14, mở màn chiến dịch. Sau 5 ngày chiến đấu liên tục, ta đã tiêu diệt chi khu Bù Đăng, yếu khu Bù Na, diệt hơn 60 đồn bốt địch, giải phóng khu vực dài hơn 100km dọc Đường 14 từ Bù Đăng đến Đồng Xoài, giải phóng 14.000 dân.
Từ ngày 23-12 đến ngày 28-12-1974, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7), tiến công tiêu diệt chi khu Bù Đốp và một số đồn bốt địch trên Đường 311; Trung đoàn 141 và Trung đoàn 290 (Sư đoàn 7) tiến công chi khu Đồng Xoài, giải phóng Đường 14, đưa lực lượng áp sát, cô lập hoàn toàn thị xã Phước Long.
Rạng sáng 31-12-1974, ta nổ súng tiến công Chi khu quân sự Phước Bình, cùng lúc bộ đội địa phương tiến công Phước Lộc. Sáng 1-1-1975, Tiểu đoàn 79 đặc công chiếm núi Bà Rá. Ngày 2-1-1975, ta tiến công và ngày 6-1-1975, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phước Long.
Sau 25 ngày chiến đấu, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc thắng lợi. Ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân; tạo bàn đạp chiến lược quan trọng uy hiếp hệ thống phòng thủ phía Bắc thủ phủ Sài Gòn của địch. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở gần Sài Gòn. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là đòn đánh thăm dò phản ứng của Mỹ, góp phần củng cố vững chắc thêm quyết tâm chiến lược của Đảng ta là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong 2 năm 1975 - 1976.
Từ ngày 30-9-1974 đến ngày 8-10-1974, Bộ Chính trị họp mở rộng với sự tham gia của các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu (đợt 1) bàn về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị khẳng định: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được hồi phục… thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”[1].
Từ ngày 8-12-1974 đến ngày 7-1-1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp (đợt hai). Các đồng chí lãnh đạo chỉ huy chủ chốt ở chiến trường Nam Bộ và Khu V được mời tham dự. Hội nghị đã thảo luận ba vấn đề cụ thể: Lực lượng so sánh ta - địch diễn ra từ sau Hiệp định Paris đến lúc này; những yêu cầu phải đạt của kế hoạch hai năm 1975 - 1976; nhiệm vụ cụ thể của từng chiến trường.
Hội nghị cho rằng, thế mới và lực mới của cách mạng đã thể hiện trên các mặt sau đây: Một là, ta đã giành quyền chủ động tiến công địch trên khắp các chiến trường; hai là, ta đã củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, từ rừng núi Trị - Thiên đến Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; ba là, ta đã xây dựng và tăng cường các binh đoàn chủ lực cơ động ở vùng rừng núi, tập trung được nguồn dự trữ chiến lược trên những địa bàn quan trọng; bốn là, ta đã cải thiện được tình hình nông thôn đồng bằng; năm là, ta đã phát động được phong trào đấu tranh chính trị dưới khẩu hiệu hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc; sáu là, ta tiếp tục tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới[2].
Về phía địch, thế của chúng ngày càng xấu, lực của chúng ngày càng suy, biểu hiện ở chỗ: Quân ngụy ở thế phòng ngự, bị động, bảo an, dân vệ bị tan rã từng mảng; hỏa lực, cơ động và trình độ hiệp đồng của quân chủ lực ngụy giảm sút nghiêm trọng; tinh thần quân ngụy đang xuống dốc, kế hoạch bình định đang phá sản; nội bộ ngụy rối loạn. “Trước tình hình quân sự, chính trị, kinh tế đó, Nguyễn Văn Thiệu khó bề đứng vững”[3].
Căn cứ vào thế và lực so sánh giữa ta - địch, Hội nghị đã phân tích cụ thể thời cơ lịch sử và khả năng thực tế của ta mở trận quyết chiến cuối cùng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Bộ Chính trị khẳng định: “Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976… Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[4].
Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Trận quyết chiến chiến lược này là một sự nghiệp trọng đại. Nó sẽ đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, góp phần làm thay đổi cục diện ở Đông Dương, Đông Nam Á, mở ra một bước phát triển mới trong phong trào cách mạng của nhân dân thế giới" [5].
Ngày 6-1-1975, một ngày trước khi Hội nghị kết thúc, tin chiến thắng giải phóng thị xã Phước Long đã bay vào phòng họp. Từ chỗ hô hào “kiên quyết lấy lại Phước Long”, Nguyễn Văn Thiệu chịu mất Phước Long và kêu gọi dành 3 ngày cầu nguyện cho Phước Long. Trước đó, từ ngày 9-10-1974, Nguyễn Văn Thiệu và tướng lĩnh ngụy đã nhận định: Bắc Việt Nam (chỉ Quân Giải phóng) không có khả năng tiến đánh và chiếm giữ các thành phố quan trọng. Nay bị đánh bất ngờ và thất bại nặng, chính quyền Sài Gòn chờ xem thái độ của Mỹ có đến cứu viện không và hoàn toàn thất vọng khi Đại sứ Martin báo cho biết “Việc yểm trợ bằng máy bay của Mỹ lúc này chưa được phép”[6].
Chiến thắng Phước Long mang ý nghĩa một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng. Lần đầu tiên, một tỉnh miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Vùng căn cứ quan trọng của ta ở miền Đông Nam Bộ được mở rộng. Sự kiện này đánh dấu một bước suy sụp mới của quân đội ngụy Sài Gòn[7]. Sự kiện này khẳng định thêm đế quốc Mỹ không có khả năng trở lại can thiệp bằng quân sự ở miền Nam Việt Nam.
Chiến thắng Phước Long cổ vũ quân, dân cả nước và là một sự kiện chứng tỏ khả năng quân Mỹ quay trở lại miền Nam không còn nữa. Nó chứng tỏ nhận định của Bộ Chính trị là hoàn toàn chính xác. Chiến thắng Phước Long còn cho thấy khả năng giải phóng miền Nam có thể tiến hành với nhịp độ lớn hơn, nhanh hơn. Việc thu được 10.000 viên đạn đại bác ở Phước Long đã mở ra khả năng hiện thực giải quyết việc thiếu đạn đại bác bằng biện pháp “lấy súng đạn của địch đánh địch”.
Bản dự thảo lần thứ tám về kế hoạch tổng tiến công được trình ra Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975. Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng tập trung cao độ, hạ quyết tâm giành toàn thắng. Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với yêu cầu cao hơn. Bộ Chính trị thông qua Kế hoạch chiến lược hai năm 1975 - 1976, một kế hoạch lớn được chuẩn bị công phu từ giữa năm 1973, qua tám lần dự thảo của Bộ Tổng Tham mưu. Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm, Bộ Chính trị còn dự kiến phương án nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Kết thúc Hội nghị, Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc…, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”[8]; “tiến tới tổng tiến công và nổi dậy, thắng địch tại sào huyệt quan trọng nhất của chúng là Sài Gòn, để kết thúc chiến tranh”[9]. “Đánh trận cuối cùng này, trước hết là nhiệm vụ của các lực lượng quân sự, chính trị trên chiến trường Nam Bộ, trong đó có lực lượng Sài Gòn - Gia Định, đồng thời là nhiệm vụ của quân dân cả nước, trong đó khối chủ lực Miền và các binh đoàn chủ lực từ các chiến trường khác đến đóng vai trò quyết định” [10].
Như vậy, chiến thắng Đường 14 - Phước Long nói lên khả năng mới nhất của quân và dân ta, khẳng định ta có đầy đủ tinh thần và lực lượng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến thắng Phước Long có thể coi là đòn trinh sát chiến lược cực kỳ xuất sắc và thành công, làm thay đổi cục diện trên địa bàn chiến lược quan trọng; làm thay đổi tương quan về thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường miền Đông Nam Bộ; làm suy yếu hệ thống phòng ngự của địch trên cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn; thực tiễn diễn biến chiến trường cho ta hiểu biết chính xác khả năng của Mỹ và chính quyền, quân đội ngụy Sài Gòn; là nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 35, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004 tr.179. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.3. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Sđd, tr.5. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Sđd, tr.6. [5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Sđd, tr.11. [6] Nguyễn Tiến Hưng- Jerrold L. Schecter, Từ tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc Lập, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr.342. [7] Đội quân này không còn khả năng giải tỏa với quy mô lớn để chiếm lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng bị ta đánh chiếm, ngay cả trên tuyến phòng thủ vành ngoài Sài Gòn - Gia Định. [8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 - Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.26. [9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 - Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội,2005, tr.28. [10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 - Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr28.
- Nội dung: Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
- Ảnh: Tư liệu, TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC