5 loại vũ khí nổi bật trước thềm Vietnam International Defence Expo 2022
Hàng loạt vũ khí, trang bị quân sự hiện đại của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Defence Expo 2022).
Dưới đây là một số sản phẩm nổi bật được trưng bày tại Vietnam International Defence Expo 2022
Là sản phẩm do Việt Nam tự thiết kế chế tạo tại nhà máy Z-111, các biến thể của súng trường STV có kiểu dáng hiện đại, được đánh giá là có nhiều nét tương đồng với súng trường AK và Gali Ace. Thực tế, STV là viết tắt của Súng tiểu liên Việt Nam với chữ số phía sau là chiều dài của nòng súng. Súng sử dụng cỡ đạn 7.62x39mm và có thể dùng chung hộp tiếp đạn với AK-47.
Điểm khác biệt chính của súng trường STV là nắp hộp khóa nòng STV-410 được cố định bằng 2 chốt ngang lắp ngược chiều nhau ở khu vực trên AK-47 là thước ngắm; đồng thời loại bỏ cơ cấu nút bấm như kiểu AK. Súng được tích hợp hệ thống ray gắn Picatinny để lắp đặt các thiết bị hỗ trợ chiến đấu tiện dụng và một vài thay đổi khác. Những điều chỉnh trên nhằm mục đích phù hợp và tiện dụng với đặc thù sử dụng của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các biến thể của súng trường STV được giới thiệu tại Vietnam International Defence Expo 2022
Đài radar VRS-2DM là một trong nhiều sản phẩm quốc phòng được nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, là hệ thống đài radar bắt thấp sóng Decimet (dm) cũng là loại radar chủ lực sử dụng làm nhiệm vụ cảnh giới bắt các mục tiêu bay thấp và rất thấp.
Đài radar VRS-2DM có khả năng phát hiện các mục tiêu xa hàng trăm km, đặc biệt toàn bộ tổ hợp được thiết kế để triển khai và thu hồi bán tự động bằng điều khiển điện hoặc thủy lực, giúp giảm thời gian thu hồi đài xuống còn bằng ¼ so với các thế hệ đài cũ.
Hiện tại đài radar cảnh giới VRS-2DM đã bắt đầu được đưa vào trang bị trong một số đơn vị trong Quân chủng Phòng không – Không quân và được đánh giá vượt trội hơn một số thế hệ đài radar cảnh giới tầm thấp từng được Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng.
Tại Vietnam International Defence Expo 2022, đài radar VRS-2DM được trưng bày tại gian trưng bày của Viettel High Tech và khu trưng bày ngoài trời.
Barak-8 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Tập đoàn IAI của Israel hợp tác phát triển. Theo IAI, tổ hợp vũ khí này được tích hợp radar đa năng, liên kết dữ liệu hai chiều và được trang bị hệ thống điều khiển linh hoạt giúp tăng cường khả năng xác định quỹ đạo bay của mục tiêu cũng như đánh chặn hiệu quả nhiều mục tiêu cùng lúc.
Barak-8 được thiết kế với nhiệm vụ tiêu diệt các mối đe dọa trên không bao gồm máy bay trực thăng, tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Đạn tên lửa Barak-8 có trọng lượng 275kg, trong đó khối lượng đầu đạn nặng 60kg. Tên lửa có chiều dài 4,5 m, đường kính thân tên lửa 0,225 m. Tên lửa có tốc độ tối đa đạt Mach 2 với tầm bắn đạt 70 km.
Bệ phóng của tổ hợp Barak-8 được đặt trên khung gầm xe tải quân sự. Barak-8 được phóng thẳng đứng từ TEL (Transporter Erector Launcher) và có tầm bao quát 360 độ. Bộ phận phóng gồm 8 thùng chứa tên lửa sẵn sàng khai hỏa, 8 tên lửa này có thể được bắn trong vòng chưa đầy 20 giây.
Một khẩu đội Barak-8 bao gồm đài điều khiển, hệ thống radar đa chức năng, đạn tên lửa và phương tiện phóng cơ động. Khi kết hợp với các hệ thống radar cảnh giới đa năng (chẳng hạn như MF-STAR AESA trên tàu khu trục lớp Kolkata), giúp cho Barak-8 có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu.
Tổ hợp tên lửa Spike là vũ khí chống tăng thế hệ thứ 3 do hãng Rafale của Israel phát triển. Nhờ hệ thống đầu dò quang điện-ảnh truyền hình hiện đại, tên lửa Spike có tầm bắn tới từ 50m tới 25km tùy phiên bản trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết vượt xa hoàn toàn so với các tổ hợp tên lửa chống tăng hiện có của Nga và phương Tây.
Điểm mạnh của dòng tên lửa này là khả năng “bắn và quên” (ngay sau khi khai hỏa, xạ thủ có thể thoát ly và đạn tên lửa sẽ tự dẫn tới mục tiêu) kết hợp với các thiết bị dẫn bắn thông minh cho phép tối ưu tầm bắn. Thiết kế đầu đạn tiên tiến cho phép tên lửa Spike tiêu diệt các phương tiện bọc thép của đối phương, kể cả khi chúng được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) hay các công trình kiên cố. Điểm đặc biệt khác của tên lửa Spike là khả năng tấn công đột nóc, nơi được bọc giáp kém nhất của các phương tiện chiến đấu để tối ưu khả năng tiêu diệt mục tiêu.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang quan tâm tới dòng tên lửa chống tăng này của Israel. Và nó sẽ được giới thiệu tại Vietnam International Defence Expo 2022.
Là sản phẩm của Công ty Ấn Độ, BrahMos Aerospace và phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks (Yakhont), BrahMos phiên bản tiêu chuẩn có thể đạt tốc độ từ Mach 2.5-2.8 và tầm hoạt động đạt 280km. BrahMos có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu với đầu nổ nặng 200kg. Việc ngăn chặn loại tên lửa nhanh nhất thế giới này là rất khó khăn do tốc độ và các chế độ bay phức tạp của nó. BrahMos Aerospace đang phát triển phiên bản tên lửa BrahMos nâng cấp với tốc độ bay có thể đạt Mach 5.
Ấn Độ đã thử thành công biến thể BrahMos-A trang bị trên các phương tiện bay và không quân quốc gia Nam Á này đang có kế hoạch đưa vào trang bị chúng trên máy bay Su-30MKI sửa đổi từ đầu năm 2020. Như vậy, dòng tên lửa hành trình siêu âm này đã có đủ các phiên bản dành cho hải-lục-không quân
Cùng với đó, Ấn Độ đang rất tích cực nâng cấp tên lửa BrahMos. Tháng 6-2019, Ấn Độ đã thử nghiệm bản nâng cấp tăng tầm bắn của BrahMos với hệ thống dẫn đường mới. Bản nâng cấp này được đánh giá không chỉ có tầm bắn xa hơn, mà còn cải thiện khả năng tấn công mục tiêu nhờ việc hoạt động tốt trong môi trường đối kháng điện tử mạnh. Cùng với đó, Ấn Độ còn đang lên kế hoạch phát triển tên lửa BrahMos thành vũ khí siêu vượt âm với tốc độ bay đạt Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).
Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng xuất khẩu tên lửa BrahMos tới các quốc gia có nhu cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Tại Vietnam International Defence Expo 2022, BrahMos Aerospace đã giới thiệu các biến thể của dòng tên lửa BrahMos.
- Nội dung: TUẤN SƠN
- Ảnh: BÁO QĐND
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC