“Gần dân, trọng dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng – Kinh nghiệm từ Đảng bộ Thành phố Hà Nội”
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2200 của Thành ủy Hà Nội về ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” là một trong những giải pháp quan trọng, một bài học quý báu về xây dựng Đảng, được Đảng bộ Thành phố Hà Nội vận dụng linh hoạt trong nhiều năm qua và thu được những thành quả to lớn.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh vai trò to lớn của “lòng dân”, “sức dân”. Ngay từ thời phong kiến, triều đại nào coi trọng lòng dân, ý dân, được nhân dân ủng hộ, huy động được sức mạnh cả nước đồng lòng, góp sức thì phát triển cường thịnh. Ngược lại, triều đại nào sống xa hoa hưởng lạc, bỏ mặc người dân khốn khổ, oán hận đến mức cùng cực phải đứng lên chống lại, thì kết cục đều đi đến chỗ bị diệt vong. Bởi thế, ông cha ta đã đúc kết muốn dựng nên đại nghiệp phải “lấy dân làm gốc”, coi trọng lòng dân, ý dân. Triết lý ấy đã được vua Lý Thái Tổ chỉ dẫn khi ban “Chiếu dời đô”, dời Kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Ðại La, đổi tên thành Thăng Long: "Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi".
Tầm quan trọng của việc lắng nghe ý kiến quần chúng nhân dân cũng được các lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới nhiều lần khẳng định. V.I.Lê-nin cảnh báo một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất đối với đảng cộng sản là “tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”. Theo Lê-nin: “Đánh giá người và gạt bỏ những kẻ “chui vào đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hóa”, thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài đảng nữa, rất là quý báu”(V.I. Lê-nin: Toàn tập, t. 44, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật).
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”, vì vậy phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật).
Là người đứng đầu chính phủ bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tiếp đón và đi thăm hỏi các tầng lớp nhân dân. Theo thống kê, trong vòng 10 năm, từ năm 1955-1965, Người đã có hơn 700 lần về địa phương, cơ sở và đến với nhân dân để mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở. Đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt. Ngày 16-10-1954 tại Bắc Bộ Phủ, Người tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô tại Bắc Bộ Phủ, căn dặn Thủ đô phấn đấu để trở thành thành phố gương mẫu, làm đầu tàu cho cả nước: “Việc khôi phục cuộc sống hòa bình là công việc hết sức khó khăn, phức tạp phải có sự tham gia của nhân dân”. Người còn thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ…, đi đến đâu, Người cũng ân cần thăm hỏi công việc, sức khỏe, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Thành phố Hà Nội luôn nêu cao ý thức thực hành tác phong "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".
Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945 - Người lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội khi nói về vai trò của quần chúng nhân dân đã đúc kết: “Không xây dựng được cơ sở, căn cứ lòng dân vững chắc thì cách mạng sẽ không thể tồn tại”.
Ngày 12-10-2020, đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, đánh giá những kết quả toàn diện, quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) cũng nhấn mạnh: "Để có được những kết quả đó, chúng ta càng thấm thía bài học “Dân là gốc” và vai trò, công sức đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, chủ thể của sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô".
Ngược dòng thời gian về những ngày Thủ đô mới được giải phóng, nhiều người vẫn nhắc hình ảnh các đồng chí lãnh đạo thành phố, trong đó có bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đầu tiên của Hà Nội luôn sâu sát cơ sở, đến các nhà máy, trường học, thăm những người nông dân, tham gia các phong trào lao động. Có những đêm, một mình ông đi kiểm tra các điếm canh đê, đề phòng nước lũ lên. Những người từng giúp việc cho bác sĩ Trần Duy Hưng kể lại: Ngoài việc chủ trì, tham dự các cuộc họp, ông tận dụng thời gian để tiếp dân bất kể lúc nào. Tiếp dân trong giờ hành chính tại công sở, nhiều buổi tối, ngày nghỉ, ông tiếp dân tại nhà riêng...
Hay hình ảnh đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương (giai đoạn 1976-1986) gần gũi, bình dị, đi kiểm tra các quầy bán lương thực, điện, nước ở các tổ dân phố, sao cho dân được cung cấp đủ gạo, mì và các nhu cầu thiết yếu. Kiên quyết yêu cầu cán bộ cải tiến lề lối làm việc “ra nghị quyết hoặc tổ chức một hội nghị cán bộ thông báo nghị quyết, thế là đã tròn nhiệm vụ”, đồng chí chỉ rõ: “Vấn đề cơ bản vẫn là phải biến nghị quyết thành hành động cách mạng thực tiễn của đông đảo quần chúng nhân dân…”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân phát huy vai trò làm chủ, bày tỏ ý kiến đóng góp đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng ta cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định cụ thể về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, về tăng cường sự tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân,…
Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, quy chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn, như: Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017, về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Quyết định số 2200); Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”; Chỉ thị 15-CT/TU, ngày 26-12-2016, về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”….
Cùng với đó, Thành phố cũng thực hiện nghiêm Luật tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo. Lịch tiếp công dân được thông báo và niêm yết công khai, mỗi buổi tiếp đều có sự tham gia của lãnh đạo cơ quan chức năng để trực tiếp giải quyết các kiến nghị, đề nghị của công dân. Thành phố luôn có các kênh hằng ngày tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc đối thoại với nông dân Thủ đô, sáng 27-9-2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà bà con nông dân Hà Nội quan tâm, đề xuất, mong muốn được trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh”.
Để việc “gần dân, lắng nghe dân” không bị gián đoạn, những năm qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được các cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố Hà Nội được tổ chức linh hoạt kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt là trong 2 năm bị ảnh hưởng của Covid-19, đối thoại được tổ chức trực tuyến đến từng cơ sở đảm bảo về nội dung đối thoại như đối thoại trực tiếp; thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự và đóng góp ý kiến.
Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc, đối thoại với người dân còn được các cấp ủy, chính quyền thực hiện thông qua chế độ tiếp xúc đối thoại thường xuyên, như: tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, làm việc, giao ban giữa thường trực cấp ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, hoặc tiếp xúc đối thoại đột xuất khi có yêu cầu phát sinh về nhiệm vụ chính trị - xã hội.
Cùng với đó, các địa phương cũng tăng cường đối thoại chuyên đề về những nội dung, lĩnh vực nhân dân quan tâm hoặc còn có khó khăn, vướng mắc; mở rộng đối tượng chủ trì và tham gia đối thoại, mở rộng quy mô đối thoại, không chỉ là bí thư cấp ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp mà người đứng đầu phụ trách ngành, lĩnh vực, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố ở nhiều nơi đã chủ động tổ chức đối thoại với đối tượng quản lý và nhân dân…
Huyện Mê Linh, Quốc Oai, quận Ba Đình còn có cách làm hay, sáng tạo khi sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện nhân dân trước khi tiếp xúc, đối thoại; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; lãnh đạo huyện về tận xã; các đồng chí ủy viên thường vụ, phụ trách địa bàn trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo và theo dõi việc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại liên quan đến địa bàn phụ trách; lãnh đạo xã về tận thôn để thực hiện đối thoại. Nhiều cấp ủy có sáng kiến giao cho cán bộ hằng tháng về dự họp chi bộ địa bàn dân cư, tham gia giao ban dư luận xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân để kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở.
Thông qua việc chuẩn bị và tổ chức các hội nghị đối thoại, các cấp ủy, chính quyền đã chủ động trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dự báo chính xác tình hình, nhất là xác định trước các nguy cơ tiềm ẩn phức tạp, để đối thoại, tháo gỡ, không để phát sinh “điểm nóng”, đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân trước những vấn đề quan trọng tại địa phương. Nhiều địa phương không còn tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất an ninh trật tự.
Đơn cử như trước khi có Quyết định số 2200-QĐ/TU, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp (từ năm 2016 đến năm 2017: số đơn, thư tiếp nhận tăng 31,7%, số vụ khiếu nại, tố cáo tăng 12%). Đến nay, số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã giảm rõ rệt (năm 2017, thành phố đã tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, còn 446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo).
Hiệu quả quan trọng khác từ hoạt động tiếp xúc, đối thoại phải kể đến là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, thực hiện dân chủ ở cơ sở được phát huy mạnh mẽ. Nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên được hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp nhận, xử lý và thông tin trở lại kịp thời theo đúng quy định, góp phần định hướng dư luận, không để các tổ chức, cá nhân chống đối lợi dụng xuyên tạc, gây phức tạp tình hình. Trong 5 năm qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội đã tổ chức hơn 20.000 hội nghị tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thu hút hàng triệu lượt người tham gia; góp ý đối với hơn 5.000 dự thảo văn bản của Đảng và hơn 2.000 cán bộ, đảng viên, công chức.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: Việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân tại các buổi đối thoại còn giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đào tạo, rèn luyện cán bộ, đảng viên, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh; kết quả thực hiện đối thoại trở thành một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, đánh giá sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp.
Tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực xử lý các ý kiến góp ý chính đáng của nhân dân được Thành phố Hà Nội coi là giải pháp căn cơ, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của địa phương. Đó còn là sự cụ thể hóa quyết tâm của Đảng về quan điểm “dân là gốc”, đề cao hơn nữa trách nhiệm với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Nội dung: NHÓM PV BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ
- Ảnh: Tư liệu, CTV.
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC