Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ được thiết kế theo hình chiếc mũ nan lưới của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Công trình gồm tầng trệt là nơi đón tiếp khách tham quan, nơi trưng bày triển lãm, phòng chiếu phim tư liệu, phòng sa bàn, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ khác. Tầng nổi là không gian trưng bày cố định các tài liệu, hiện vật và bức tranh Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Đây là một trong những công trình văn hóa trọng điểm có quy mô hoành tráng và hiện đại của tỉnh Điện Biên, được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2012, khánh thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng ngày 5-5-2014 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ là điểm hẹn không thể thiếu trong hành trình đến với Điện Biên những ngày tháng 5 lịch sử.
Bảo tàng được xây dựng với phần tầng trệt và phần tầng nổi, thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc mũ nan lưới của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Bảo tàng rộng hơn 7.000m2 và trưng bày hơn 1.000 hiện vật.
Phần I với chủ đề từ Việt Bắc đến Điện Biên đặt trang trọng tượng bán thân chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và trưng bày các ảnh, hiện vật bản thảo liên quan tới chỉ đạo của Người với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mô hình phục dựng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí lãnh đạo họp bàn về chiến dịch.
Không gian trưng bày về giai đoạn đầu của cuộc chiến đấu, khi thực dân Pháp đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ và trang bị, vũ khí của lực lượng lính viễn chinh Pháp.
Mô hình phục dựng chiến hào, công sự của Pháp khi đổ bộ xuống chiếm lĩnh cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên Phủ.
Nhân dân các dân tộc Tây Bắc mang theo lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến và lực lượng dân công hỏa tuyến bảo đảm công tác hậu cần cho chiến dịch với nhiều hình thức như: Gùi trên lưng, mang ngựa thồ, hoặc dùng xe đạp thồ cải tiến.
Những phương tiện vận chuyển hết sức thô sơ nhưng góp phần quan trọng vào bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Trong ảnh là hiện vật Xe cút kít – Ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa dùng chở gạo phục vụ chiến dịch.
Quá trình chiến đấu gian khổ, khi phải đào hầm hào vây lấn cứ điểm địch, bộ đội ta đã có sáng kiến sử dụng "Con Cúi" trong chiến thuật đánh lấn, giúp che chắn hỏa lực bắn thẳng của địch, tạo điều kiện cho bộ đội ta xây dựng công sự, áp sát địch.
Hoạt cảnh kéo pháo vào trận địa. Đây là khẩu Pháo cao xạ 37mm (Liên Xô sản xuất viện trợ cho Quân đội Nhân dân Việt Nam) - một trong bốn khẩu pháo cao xạ 37mm của Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, Đại đoàn Công pháo 351 đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát Moran đầu tiên của thực dân Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ, ngày 14-3-1954. Đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Một phần quan trọng trong không gian trưng bày của bảo tàng là tái hiện, phục dựng hoạt cảnh bằng cách sử dụng các tượng sáp với kích thước người thật kết hợp với các hiện vật trực quan sinh động.
Cảnh đời sống tinh thần của bộ đội ta trong chiến hào.
Cảnh chiến đấu anh dũng lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội giết giặc.
Cảnh quân y ta chăm sóc thương binh trong hầm tại chiến trường.
Ngoài trưng bày các hiện vật gốc, có giá trị tiêu biểu, bảo tàng còn kết hợp với trưng bày ảnh, sơ đồ các trận đánh góp phần mang đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh về chiến dịch.
Lựu pháo 105mm (Mỹ sản xuất và viện trợ cho Quân đội Pháp), ta đã thu được của quân Pháp trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Là một trong 4 khẩu pháo của Đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 đã được Bộ chỉ huy chiến dịch chọn và giao nhiệm vụ bắn những quả đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam. Đúng 17 giờ 10 phút ngày 13-3-1954, Đại đội 806 cùng 5 đại đội lựu pháo của Trung đoàn 45, 2 Đại đội sơn pháo 75mm, 3 đại đội súng cối 120mm của Trung đoàn 675, tất cả mang mật danh "sấm rền" đã bắn những loạt đạn đầu tiên vào Trung tâm đề kháng Him Lam, sân bay Mường Thanh, Phân khu Hồng Cúm mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Du khách tham quan sa bàn trận đánh và khẩu sơn pháo 75mm.
Các bạn trẻ trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu về Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tái hiện cảnh bộ đội phất cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ-cát chiều 7-5-1954.
Đông đảo du khách tham quan bảo tàng.
Phần lớn du khách tham quan bảo tàng đều lựa chọn nghe thuyết minh từ hướng dẫn viên của Bảo tàng qua đó có được những thông tin tư liệu quý về các hiện vật, bối cảnh lịch sử và những câu chuyện qua lời kể hấp dẫn của những thuyết minh viên chuyên nghiệp.
Trong không gian trưng bày về Tòa soạn tiền phương của Báo Quân đội nhân dân và 33 số báo đặc biệt xuất bản tại chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tòa soạn tiền phương vỏn vẹn chỉ có 5 người (gồm: 1 cán bộ phụ trách chung, 1 cán bộ phụ trách thư ký tòa soạn, 2 phóng viên và 1 họa sĩ), đã xuất bản được 33 số báo trong thời gian 140 ngày, bình quân cứ 4 ngày ra được 1 số báo. Tổng số 33 số báo đã đăng khoảng 300 tin, bài, bình quân mỗi số báo đăng 9 tin, bài, đấy là chưa kể hàng chục sơ đồ và tranh biếm họa.
Gian trưng bày cuối cùng, nổi bật với tượng bán thân chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh chiến dịch, người đã có những quyết định đúng đắn, sáng suốt và kịp thời góp phần tạo nên bước ngoặt của chiến dịch và đi đến thắng lợi cuối cùng.
Gian trưng bày ảnh chân dung các Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có các anh hùng như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can...
Nổi bật tại bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ là không gian trưng bày bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đây là một trong những bức tranh tròn lớn nhất thế giới.
Bức tranh panorama lớn nhất Việt Nam dài 132m, cao 20,5m, đường kính 32m với tổng diện tích 3.225m2 cho người xem góc nhìn trực quan, sinh động về những khoảnh khắc điển hình, sự kiện tiêu biểu trước và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Rất đông du khách, cựu chiến binh vào tham quan bức tranh panorama.
Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ nằm trong trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.
TUẤN HUY (thực hiện)