LONGFORMVực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới

-------------------***-------------------

Trận lũ ống, lũ quét gây ra sạt lở kinh hoàng ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã biến ngôi làng cư dân quần tụ đông đúc trở thành một bình địa trắng với bùn lầy nhão nhoét, nước suối cuộn đục ngàu. Sau trận sạt lở, các lực lượng đã tích cực tìm kiếm những nạn nhân nằm ở đâu đó dưới lớp bùn sâu, bên bìa rừng, khe suối. Trên mảnh đất chất chứa nỗi buồn tang thương ấy, tất cả cùng chung sức đồng lòng tìm kiếm nạn nhân, cứu trợ thân nhân người bị nạn và khẩn trương tiến hành tái thiết cuộc sống mới cho người dân Làng Nủ.

-------------------***-------------------

Cơn lũ ĐI qua, nỗi đau để lại

Chiều Làng Nủ phủ đầy bóng hoàng hôn. Con đường mòn ven làng khi lũ tràn qua ngập đầy bùn thì nay đã khô lại. Vết chân người in trên đất chằng chịt, đường cuộn đầy bụi. Thường ngày, trên con đường ấy trẻ em vui đến trường, xe chạy bon bon lên phố huyện, người làng dắt trâu bò đủng đỉnh ra đồng. Nhịp sống yên bình dưới thung lũng Làng Nủ đẹp như một bức tranh. Thế mà chỉ một cơn lũ kinh hoàng, tất cả bị san phẳng chìm sâu dưới bùn nâu lạnh ngắt. Trời xám màu tang thương.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Khu vực sạt lở ở Làng Nủ rộng 24 ha bị san phẳng nhấn chìm 35 ngôi nhà dưới bùn sâu.

Lặng bước trên con đường làng, chị Sầm Thị Nhiên như người vô hồn. Những bước chân mệt mỏi rã rời. Cả 5 người trong gia đình chị bị vùi dưới bùn sâu. Những ngày qua chị vật lộn kiếm tìm mà lòng đau như cắt. Được lực lượng chức năng hỗ trợ, những người thân bị nạn lần lượt được tìm thấy đưa về. Bàn tay chị tự lo chôn cất trong nỗi đau đớn xót xa. Chồng chị Nhiên bị thương nặng phần đầu, con gái nhỏ 7 tuổi bị gãy chân, thương tích đầy mình đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên. Thương chồng con nhưng chị chưa thể gặp mặt vì còn lo chuyện hậu sự ở nhà. Vừa mới chôn cất bà nội trở về, chị Nhiên nói trong nước mắt: “Em lo chồng con em lắm. Cả hai bị thương nặng không biết sau này có phục hồi không”.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Chị Hoàng Thị Bóng mòn mỏi chờ tìm chồng.

Tôi vẫn ám ảnh bởi tiếng gào như xé ruột của chị Hoàng Thị Bóng trên đường vào Làng Nủ. Chị khóc thương người chồng xấu số. Ngôi nhà chị Bóng trước đây ở giữa làng được xây dựng khang trang bằng số tiền tích góp của gia đình cộng thêm vay mượn người thân. Có nhà, niềm vui nhen lên trên từng gương mặt các thành viên. Người chồng ở nhà chịu khó cấy trồng, chăn nuôi. Còn chị Bóng lên thành phố Lào Cai xin làm giúp việc. Trước khi đi, chị dặn chồng cẩn thận: “Mình ở nhà, em đi xa kiếm ít tiền, đủ trả nợ thì về”. Lời dặn trước lúc đi xa nào ngờ lại là lời cuối vợ chồng tâm sự với nhau. Chị mãi mãi không gặp lại người chồng. Đi ven suối, tiếng người phụ nữ dân tộc Tày cứ gào lên thảm thiết: “Các chú ơi, tìm chồng giúp tôi với…”.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Anh Hoàng Văn Thới kê khai thông tin thân nhân bị nạn

Nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai khi chỉ còn một mình không có người thân bên cạnh. Anh Hoàng Văn Thới suốt những ngày qua mặt bơ phờ, mắt trũng sâu, người rộc rạc, luôn tự trách mình không thể cứu được mẹ, vợ và 3 con. Cái đêm định mệnh ấy, anh đã đưa 5 người đi tránh trú sạt lở ở nhà họ hàng còn mình ở lại trông nhà. Nơi tránh trú tưởng là an toàn ngờ đâu lại hứng chịu trận sạt lở kinh hoàng. Cả 5 người đã nằm sâu dưới bùn đất. Anh còn một mình cứ lang thang dọc bờ suối, khe sâu. Có lúc chân anh khuỵu xuống, mong tìm người thân để đưa về an táng. Khi được gọi đến nhận quà hỗ trợ, người đàn ông ngoài ba mươi tuổi lại bật khóc.

Thôn Làng Nủ trước khi bị sạt lở vùi lấp có cư dân quần tụ đông đúc, nhiều gia đình khá giả xây được nhà hai tầng khang trang. Trận sạt lở kinh hoàng cuốn trôi 35 ngôi nhà làm 56 người chết, 11 người mất tích, 14 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Trong đó, có 2 gia đình người bị tử nạn hết không còn một ai.

Trong những ngày chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân tại Làng Nủ, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Đây là trận sạt lở kinh hoàng, chưa bao giờ thiệt hại về người lại lớn như vậy”. Nhiều ngày qua những con số nạn nhân mất tích vẫn cứ ám ảnh khi chưa thể xóa đi trên bản đồ tìm kiếm. Họ vẫn nằm đâu đó mà chưa thể trở về để người thân vơi đi nỗi mong ngóng chờ trông.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Ảnh trái: Nỗi đau mất người thân như cào xé ruột gan những người còn sống. Ảnh phải: Những cuốn sách bị lũ cuốn được vớt lên từ bùn lầy.

Bộ đội hết mình vì người dân Làng Nủ

Trong những ngày qua chứng kiến những việc làm nghĩa tình của bộ đội, tôi càng thấm thía lời của Trung tá Lương Vĩnh Phúc, Phó chính ủy Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2): “Chúng tôi về với dân như trở về nhà. Bộ đội giúp dân tận tâm tận lực, bằng cả trái tim”.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới

Khi nhận lệnh tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ, 300 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98 đã thức trắng đêm để làm công tác chuẩn bị vật chất và tức tốc cơ động thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù trước đó, bộ đội đã dầm mình chống lũ ở huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ). Không để bà con chờ mong, bộ đội xuyên đêm về Làng Nủ. Đường đi uốn theo sườn núi quanh co, mưa tuôn xối xả, đất đá sạt lở chắn lối. Không quản hiểm nguy, bàn tay bộ đội lại xúc đất mở đường. Đoàn xe nối đuôi nhau ôm cua tiến về tâm sạt lở. Khi thấy bóng những chiến sĩ đặt chân xuống con đường ngập bùn lầy lội, người dân đã ào chạy ra hô lên: “Bộ đội về rồi, bà con ơi!”.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Hàng trăm chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) đào bới rác mong tìm thấy nạn nhân bị vùi lấp ở dưới.

Bộ đội về, bà con sẽ không đơn độc, địa phương có điểm tựa để tìm kiếm nạn nhân, khắc phục hậu quả bão lũ. Những công việc chất chồng được triển khai nhanh chóng. Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn được thiết lập ngay tại thực địa cạnh khu vực sạt lở. Các lực lượng tìm kiếm, thông tin, cảnh giới, cứu hộ cơ động thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công hiệp đồng. Những người lính mặc áo phao, đeo găng tay, chân đi ủng, mang trên mình dây kéo, bình tông, áo mưa, dũng cảm tiến về phía sạt lở. Trận chiến đấu vô cùng gian nan khi bãi sạt lở có phạm vi 24 ha. Bùn sâu ngập ngang bụng. Dưới sình lầy, cây cọc lổng chổng, rác thải ngập ngụa, chứa đầy vật sắc nhọn. Nước từ thượng nguồn vẫn đổ về cuộn lên đục ngầu. Trên cao đất đá no nước, chực chờ đổ ập xuống bất kỳ lúc nào. Bao nhiêu gian khó và cả những hiểm nguy luôn rình rập. Thế nhưng những người lính không chùn bước. Họ ngập mình dưới bùn sâu, lật từng cọc gỗ, bới từng đống rác để tìm nạn nhân. Có những tổ, nhóm đi hàng chục ki-lô-mét men theo suối xuôi về hạ lưu để tìm vớt thi thể.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Bộ đội dầm mình dưới bùn sâu để tìm kiếm nạn nhân.

Vất vả và cả những hiểm nguy luôn thường trực khi điều kiện địa hình, thời tiết không ủng hộ. Ban ngày trời nắng như rang nhưng đêm xuống lại sầm sập đổ mưa. Có khi bộ đội đang tìm kiếm thì tín hiệu từ các vọng quan sát cảnh giới báo tin, tiếng kẻng báo động vang lên thất thanh khi nước từ trên thượng nguồn bất ngờ đổ về hay điểm sạt lở trên núi cao ập xuống. Các chiến sĩ gắng sức chạy từ dưới điểm sạt lở lên bờ, áo quần lấm bết bùn đất.

Cùng với các lực lượng chức năng, cán bộ, chiến sĩ Trường trung cấp 24 Biên phòng phối hợp tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Làng Nủ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những người lính quân hàm xanh đã sử dụng “đội quân đặc biệt” là những chú chó nghiệp vụ được huấn luyện bài bản và từng tham gia nhiều hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong nước và quốc tế. Trong công tác tìm kiếm cứu nạn càng về sau càng gặp khó khăn do điều kiện địa hình thay đổi, các loại mùi gia súc gia cầm, cá chết, cỏ cây thối rữa pha tạp. Mỗi chú chó với khả năng đặc biệt đã xông xáo lội bùn, chui rúc vào những nơi thấp hẹp tích cực đánh hơi, tìm kiếm nạn nhân.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Tổ công tác đi hàng chục ki-lô-mét men theo suối xuôi về hạ lưu để tìm vớt thi thể.
Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Từ trái sang phải: Những chiến sĩ lặn lội tìm kiếm dưới khe suối. * Huấn luyện viên đưa chó nghiệp vụ sục sạo những nơi nghi có nạn nhân. * Không quản hiểm nguy, bộ đội lội xuống suối sâu tìm nạn nhân.

Trong những ngày qua không thể kể hết những khó khăn vất vả của bộ đội. Khu vực sạt lở chứa trong đó là bùn lầy, đá hộc, đinh, dao sắc nhọn. Nhưng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) sẵn sàng lao xuống với tinh thần nước lũ rút ra thì bộ đội tiến vào, không một ai chùn bước. Và đã có những giọt máu thấm bùn. Binh nhì Thào Mí Lình, chiến sĩ, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316) bị đinh nhọn cắm sâu vào lòng bàn chân khiến máu chảy rất nhiều. Quân y đã khẩn trương sơ cứu, chích rộng vết thương khử trùng, tiêm phòng uốn ván và đưa Lình đi viện điều trị. Ở khu vực tâm sạt lở, Binh nhất Phùng Như Quyền, chiến sĩ, Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 và Hạ sĩ Đỗ Tiến Nam, chiến sĩ, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8 cũng bị vật sắc nhọn đâm vào bàn chân. Thế nhưng khi vết thương tạm ổn, hai đồng chí đã xung phong xin ra viện trở về chung sức cùng đồng đội ở Làng Nủ.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Binh nhì Thào Mí Lình, chiến sĩ, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316) bị đinh nhọn cắm sâu vào lòng bàn chân khiến máu chảy rất nhiều.

Vất vả, khó khăn và cả những hiểm nguy luôn thường trực thế nhưng không một ai ngại khó, ngại khổ. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã tổ chức quán triệt chặt chẽ, động viên tư tưởng bộ đội. Tất cả đều hăng hái coi cứu người bị nạn như cứu người thân trong gia đình mình. Cùng hành quân tìm kiếm với bộ đội khắp lòng suối, bìa rừng, Trung tá Lương Vĩnh Phúc, Phó chính ủy Trung đoàn 98 cho biết: “Bộ đội nhìn thấy mất mát ngoài thực địa đều chia sẻ nỗi đau sâu sắc với bà con. Cán bộ, chiến sĩ nhìn khu sạt lở càng hiểu khối lượng công việc rất lớn, rất khó khăn. Thế nhưng, động lực tiếp sức ấy là tinh thần vì nhân dân. Khi bên cạnh người chiến sĩ luôn có đồng đội thì khó khăn đến mấy cũng vượt qua”.

Trong bóng chiều chạng vạng, đồng chí Phó chính ủy Trung đoàn 98 đi cùng bộ đội bỗng dừng lại. Anh lấy trong túi lọ dầu gió ra rồi nhỏ vài giọt vào khẩu trang đeo lại cho chiến sĩ. Mùi dầu gió át đi mùi hôi khó chịu. Thì ra đã có nạn nhân được tìm thấy. Một nhóm chiến sĩ gạt bùn đất đưa thi thể nạn nhân về bàn giao cho gia đình. Niềm mong ngóng của thân nhân người bị nạn vơi đi phần nào nhờ công sức của những chiến sĩ đã dấn thân nơi gian khó, hiểm nguy.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Tìm vớt những nạn nhân xấu số

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Đưa những thi thể nạn nhân từ dưới bùn sâu về bàn giao cho gia đình.

Hơi ấm tình người

Đêm ở Làng Nủ bóng tối xuống nhanh. Núi cao im lìm lừng lững như những người khổng lồ đen ngòm đang nằm ngủ. Nhìn có vẻ yên bình và tĩnh lặng đấy, thế nhưng khi núi khẽ cựa mình trở dậy là sạt lở, là sập đổ, là tan hoang. Ngồi trong nhà, bà cụ Hoàng Thị Thủy cứ lẩm nhẩm cầu khấn xin trời đừng đánh sấm tạo mưa, chọc tức những quả núi đã uống no bụng nước. Mưa xuống, từng mảng đất sẽ ập đổ bất cứ lúc nào. Trong căn nhà sàn nhỏ, mấy chục chiến sĩ đang nằm nghỉ sau một ngày tìm kiếm mệt nhoài. Nghe tiếng sấm rền, cả chủ nhà và bộ đội đều thao thức âu lo, mong sao trời đừng đổ mưa, để việc tìm kiếm nạn nhân được thuận lợi, để mảnh đất này bớt đi những nguy hiểm rập rình.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Địa phương tổng hợp thông tin, hỗ trợ gia đình có người tử vong.

Sớm hôm sau, những chiến sĩ trẻ lại tiếp tục hành quân ra hiện trường vụ sạt lở. Đồng hành cùng bộ đội là bà con Làng Nủ. Nhiều người dân xung phong vào các tổ tìm kiếm, dẫn đường, canh gác, cảnh giới vị trí có nguy cơ sạt lở ở phía núi cao. Người dân phối hợp chặt chẽ trong công tác cung cấp thông tin để việc tìm kiếm đạt hiệu quả. Từng tốp, từng nhóm cứ thế lặng lẽ dầm mình dưới bùn sâu, nước lạnh để tìm người bị nạn. Khi quá trưa trở về, tất cả lại cùng nhau ăn bữa cơm chung dưới nếp nhà sàn. Dẫu vất vả nhọc nhằn nhưng không một lời kêu than. Bộ đội giúp dân, dân càng thương bộ đội.

Làng Nủ trong những ngày đau thương, ngọn cờ treo rủ trên nóc nhà văn hóa. Cùng với bộ đội, các lực lượng đều hướng về nơi đây, chung sức đồng lòng trong công tác tìm kiếm hỗ trợ người dân. Suốt những ngày qua, bà Hoàng Thị Sợi thơ thẩn đi tìm con cháu. Bốn người trong gia đình bà đã tử nạn. Bà đau như cắt từng khúc ruột. Nhà không còn để về. Khi các đoàn thiện nguyện đến, địa phương mời bà đến nhận hỗ trợ. Nhận gói quà trên tay mà nước mắt bà ngắn dài chỉ ngậm ngùi cúi đầu cảm ơn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những sự giúp đỡ lúc này thực sự quý báu. Bà Sợi đón nhận tấm lòng của đồng bào giúp đỡ để lo cuộc sống sau này.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Ảnh trái: Lãnh đạo huyện Bảo Yên lấy ý kiến của người dân Làng Nủ về khu tái định cư. Ảnh phải: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai trao quà hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do sạt lở.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Ảnh trái: Dân quân xã Phúc Khánh vận chuyển đồ tiếp tế cho bà con. Ảnh phải: Những suất cơm nghĩa tình hỗ trợ bà con Làng Nủ.

Thương người trong cơn hoạn nạn, cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ người dân Làng Nủ. Khi biết tin nhiều hộ gia đình mất người thân, nhà cửa sập đổ, các hộ dân ở tổ 9A, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã tự nguyện quyên góp thực phẩm đến nhà chị Đào Thị Ninh để cùng nấu ăn tiếp tế cho người dân Làng Nủ và các đoàn xe thiện nguyện chạy trên dọc đường. Hay như các gia đình trong thôn Bảo Vinh (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) mặc dù bị ảnh hưởng của mưa lũ ngập nhà nhưng mọi người đã gác lại việc riêng đến tận Làng Nủ nấu hàng trăm suất cơm hỗ trợ bà con nơi đây. Những hộp cơm nóng, canh ngọt tuy nhỏ nhưng thực sự nghĩa tình giúp sưởi ấm lòng người giữa những ngày đau thương tê tái.

Con đường từ trung tâm huyện Bảo Yên về tới Làng Nủ quanh co đèo dốc, sạt lở liên tiếp thế nhưng từng đoàn xe vẫn theo nhau tiến vào. Trên mỗi tấm băng rôn in những khẩu hiệu giản dị mà ấm áp: “Đoàn xe thiện nguyện về vùng bão lũ”, “Tất cả vì bà con Làng Nủ”, “Mỗi chuyến xe triệu tấm lòng”… Quả thực, mỗi chuyến xe thiện nguyện chất chứa trong đó biết bao tình cảm sẻ chia của đồng bào trong cả nước. Chị Từ Thu Thủy trong đoàn thiện nguyện ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Khi biết chúng tôi ra đây hỗ trợ bà con Làng Nủ, người thì góp bao gạo, thùng mỳ, người thì ủng hộ hộp bánh, bịch sữa. Họ đến gửi gắm mà nước mắt rưng rưng, mong sao những món quà nhỏ sớm đến tay người bị nạn”.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Bộ đội, dân quân giúp xây nhà tạm cho bà con
Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Khu nhà tạm gấp rút được xây dựng để hỗ trợ người dân bị mất nhà về ở trong thời gian xây dựng khu tái định cư.

Những đoàn xe từ Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… cứ nối đuôi nhau về đây. Họ thấu hiểu và cảm thông sự khó khăn, thiếu thốn của người dân Làng Nủ, bởi chính họ cũng đã từng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Địa phương đã đứng ra tiếp nhận những tấm lòng thơm thảo của đồng cả nước và trao lại cho người dân Làng Nủ. Ông Đoàn Xuân Hưng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Yên, Trưởng ban vận động cứu trợ huyện Bảo Yên chia sẻ: “Hơn 300 đoàn đã đến ủng hộ bà con bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra. Đây là sự hỗ trợ hết sức quý báu giúp người dân vơi bớt khó khăn, sớm khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống”.

Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
Bé Nguyễn Thị Tuynh (là con gái chị Sầm Thị Nhiên) bị lũ cuốn gãy chân được bác sĩ chăm sóc tận tình.

Cơn bão đi qua để lại hậu quả nặng nề. Nhưng trong đau thương hoạn nạn càng thấy tình quân dân, nghĩa đồng bào thực sự ấm áp, nghĩa tình. Cách đó chừng hơn 1 ki-lô-mét, chính quyền địa phương, bộ đội, dân quân chung sức dựng 25 ngôi nhà tạm để người dân mất nhà trở về tạm trú. Và xa hơn, khu tái định cư mới được khởi công xây dựng trên khu vực đồi Sim (rộng khoảng 10ha). Khu vực này cách chỗ sạt lở thôn Làng Nủ khoảng 2 ki-lô-mét. Các ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, đồng thời đảm bảo các điều kiện sinh hoạt và sản xuất. Về khu ở mới, người dân Làng Nủ sẽ có 300m2 đất ở, 500-1.000m2 đất để trồng rau, chăn nuôi. Khu đất mới qua khảo sát được xác định bảo đảm an toàn, có các điều kiện phù hợp cho đồng bào sinh kế.

Người dân Làng Nủ không ly hương mà vẫn gắn bó với nương sắn, đồi ngô từ bao đời cha ông để lại. Sau trận sạt lở cây cối sẽ lại lên xanh, nỗi đau vơi dần, vết thương lòng liền lại. Bà con Làng Nủ cùng nhau đứng lên mạnh mẽ như cây rừng giữa phong ba bão táp. Cuộc sống mới sẽ hồi sinh trên chính mảnh đất này.

  • Vực dậy sau đau thương, ươm mầm sống mới
  • Ghi chép của VŨ DUY - VIỆT TRUNG
  • Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top