LONGFORMVăn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ "chất" người Hà Nội thời hội nhập

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ "chất" người Hà Nội thời hội nhập

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập

"Thân thương quá nụ cười người Hà Nội / Đã gặp rồi mà bồi hồi, nhớ mãi Hà Nội ơi…” - Qua chiều dài lịch sử, trải qua nhiều phen binh lửa, thăng trầm nhưng "trái tim của cả nước" Hà Nội vẫn tiếp nối dòng chảy văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa, là nơi thu hút hiền tài, hội tụ tinh hoa của mọi miền, hình thành nên nét riêng tinh tế, hào hoa, là nơi luôn để nhớ, để thương và để yêu!

Đến nay, trong dòng chảy hiện đại thời hội nhập, việc gìn giữ nét đẹp thanh lịch, văn minh và bổ sung thêm nhiều tiêu chí khác nữa của người Hà Nội sẽ góp phần xây dựng văn minh đô thị Hà Nội, để người ta vẫn có thể cảm nhận được sự lắng lại của chiều sâu văn hóa nghìn năm và cả sự lịch lãm, hiện đại trong "chất" người Hà Nội.

Tinh thần này được thể hiện rõ nét trong yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Khi ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự ("Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An").

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập

TINH HOA NGƯỜI THĂNG LONG - HÀ NỘI

Theo các chuyên gia nghiên cứu, nằm trên một vùng đất đai phì nhiêu, trung tâm của châu thổ Sông Hồng, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đã mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý và nhân học, về chính trị, kinh tế và văn hóa con người.

Từ xưa đến nay, người dân Thăng Long - Hà Nội luôn tự hào là đã có nhiều người đỗ đạt cao, là nơi quy tụ của nhiều nhân tài trong cả nước, chính vì vậy, nơi đây đã để lại một kho tàng tri thức, văn hóa đồ sộ cho dân tộc; chẳng thế mà người ta gọi Thăng Long là mảnh đất ngàn năm văn hiến.

GS, TS Đặng Cảnh Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên dẫn lại lời của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, người có nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội cho rằng, tính trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội tạo nên một trong những đặc trưng xuyên suốt lịch sử của mảnh đất này là nó không chỉ đón những người từ các vùng lân cận tới sinh sống mà còn tiếp thu văn hóa, văn minh của các vùng khác nhau. Thăng Long - Hà Nội không chỉ là điểm đến nhiều hứa hẹn, cuốn hút đối với những cư dân có năng lực và tài năng trong khắp đất nước mà còn cả tinh hoa văn hóa của quê hương họ.

Bàn về nét thanh lịch của người Hà Nội, GS, TS Đặng Cảnh Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng, người Tràng An sở dĩ thanh lịch cũng chính là bởi họ đã tiếp thu được sự thanh lịch từ rất nhiều hướng và hun đúc thành nét thanh lịch của riêng mình.

"Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước, Thăng Long - Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những nhân tài cho đất nước. Về phương diện này, chính môi trường Thăng Long - Hà Nội cũng tạo cho con người sống tại Thăng Long - Hà Nội có điều kiện thuận lợi hơn những khu vực khác trong học tập và sáng tạo", GS, TS Đặng Cảnh Khanh nêu quan điểm.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập

Dẫn lời của GS, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam Nguyễn Huệ Chi, GS, TS Đặng Cảnh Khanh thừa nhận, chính môi trường văn hóa Thăng Long - Hà Nội “đã có một ưu thế riêng vừa cải biến nhanh chóng cốt cách của những con người nhập cư, biến họ thành người Hà Nội, vừa chưng cất, tinh lọc mọi sản phẩm mà họ sáng tạo để sớm trở thành những giá trị mới mẻ, khác xa với văn hóa gốc rễ nơi họ ra đời”. Ông cũng nhắc lại lời của sử gia Ngô Thì Sĩ khi nói về trường hợp của Lê Quý Đôn đã cho rằng phải thông qua môi trường học vấn của Kinh đô Thăng Long thì Lê Quý Đôn mới có thể trở thành một ông Bảng nhãn uyên bác đến như vậy, mà “nếu chỉ ở Thái Bình thôi thì quyết không bao giờ có được”.

Nhấn mạnh "Tổ tiên ta từ xa xưa đã dồn toàn bộ tâm huyết, trí tuệ và tài năng để tồn tại trên mảnh đất này, để mưu cầu sự phồn vinh, hạnh phúc và truyền lại cho muôn đời con cháu những di sản quý báu về văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long", GS, TS Đặng Cảnh Khanh nêu rõ: Chúng ta, những người Hà Nội sẽ quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long, không phải chỉ cho các thế hệ tương lại của Thủ đô mà còn cho cả đất nước.

Xây dựng người Hà Nội yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết

Rõ ràng, những tinh hoa về văn hóa của đất Thăng Long xưa đã để lại cho đời nay những di sản vô cùng quý giá và bổn phận của những người hậu thế là phải trân trọng, biết ơn, bảo tồn và giữ gìn những nét đặc sắc văn hóa ấy.

Là thế hệ thứ 7 của một gia đình gốc Hà Nội, lại có truyền thống làm quan, nên ngay từ nhỏ, cô bé Ánh Tuyết đã được giáo dục theo những quy chuẩn đức hạnh của người con gái Hà Nội xưa, trong đó nữ công gia chánh là một trong những quy chuẩn đầu tiên phải học. Bởi vậy, mới lên 9 tuổi, cô bé Ánh Tuyết đã theo chân bà ngoại đi chợ chọn nguyên liệu, vào bếp học cách nấu những món ăn truyền thống của người Hà Nội. “Nghiệp ẩm thực” của bà được nuôi dưỡng từ những ngày thơ ấu đó.

Với nghệ nhân Ánh Tuyết, nấu ăn là nghệ thuật, món ăn sẽ làm nên hồn đất nước, lưu lại những ký ức tốt đẹp cho những người luôn hướng về quê hương. Người nấu ăn cũng là người lưu giữ, truyền tải tinh hoa ẩm thực Hà Thành.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập
"Người Hà Nội" Ánh Tuyết năm nay đã 70 tuổi, là một trong số những người vẫn giữ được vẹn nguyên phong thái, văn hóa và chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh” của người con gái Hà thành xưa.

Đến nay, giữa lòng Hà Nội với biết bao đổi mới, "người Hà Nội" Ánh Tuyết năm nay đã 70 tuổi, là một trong số những người vẫn giữ được vẹn nguyên phong thái, văn hóa và chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh” của người con gái Hà thành xưa - điều mà bà nhận được sự chỉ dạy khắt khe của một gia đình nề nếp từ hồi tấm bé.

Thế nhưng, TP Hà Nội hiện nay với tính chất đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế thị trường, đòi hỏi Hà Nội không chỉ phải phát huy các giá trị truyền thống mà còn phải hướng tới xây dựng các giá trị mới phù hợp với cơ cấu có tính chất mở về dân cư, kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, hiện nay, TP Hà Nội đề ra việc xây dựng con người văn minh cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải luôn luôn vươn lên với tầm cao của văn hóa. Bởi lẽ, nền văn minh chúng ta nói hôm nay không còn giống như nền văn minh qua các thời kỳ lịch sử từ trước tới nay.

"Toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng và lôi cuốn mọi dân tộc vào trong guồng máy chung của thời đại. Tình hình trên đòi hỏi mỗi một quốc gia, dân tộc phải có những con người thông minh, cơ chế chính sách thông minh, tổ chức thực tiễn thông minh với một kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng của tiến bộ, văn minh", PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ phân tích và nhấn mạnh quan điểm: Một xã hội văn minh, một Thủ đô văn minh, một con người văn minh không để tụt hậu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập

Vì lẽ trên, xây dựng Thủ đô văn minh ngày nay phải được nhìn với mọi góc độ từ bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế tri thức và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng kế thừa, phát huy những giá trị của nền văn hiến ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải không ngừng tìm tòi, phát huy sáng tạo, có quyết tâm lớn để không ngừng nâng cao trí tuệ, phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn của mình trong học tập và lao động.

Theo PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ, để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng sâu rộng những phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô. Thành phố cũng cần cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân.

"Cần đổi mới cơ chế và đầu tư toàn diện cho văn hóa về lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý, công tác cán bộ... tạo cho văn hóa Hà Nội, qua đó xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tạo bước chuyển biến rõ rệt. Về quan hệ người Hà Nội phấn đấu ứng xử đẹp: Đẹp từ gia đình ra ngõ xóm, ra đường phố, nơi công sở, nơi công cộng, trên đường tham gia giao thông... ứng xử đẹp để có sự bình an, tin cậy nhau", PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ lưu ý.

Hài hòa thanh lịch - hiện đại

Đồng quan điểm trên, ThS Hà Đỗ Quyên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng con người Hà Nội văn minh là yếu tố cốt lõi góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng văn minh đô thị Hà Nội.

ThS Hà Đỗ Quyên đưa ra nhận định, trong thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền TP Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố then chốt thực hiện xây dựng văn minh đô thị Hà Nội. Điều này đã được cụ thể hóa trong nhiều phong trào được đề ra, như xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa"; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh...

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập
Thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội luôn quan tâm tới việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thông qua triển khai các giải pháp, bước đầu ghi nhận những kết quả khả quan với nhiều mô hình, sáng kiến hay. Vì vậy, việc ban hành và triển khai các kế hoạch đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trên địa bàn thành phố đã được đẩy mạnh, góp phần từng bước đi vào cuộc sống, thiết thực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa con người Hà Nội.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ThS Hà Đỗ Quyên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh còn cho rằng, bên cạnh những đặc trưng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra với người Hà Nội (văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, có lối sống văn hóa, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng), con người Hà Nội văn minh còn cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác nữa để thích ứng với sự phát triển của xã hội, khoa học, công nghệ.

Đó là, xây dựng con người có trình độ và kỹ năng lao động cao đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Đặc biệt, đối với Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước, thì việc con người Hà Nội có trình độ, kỹ năng lao động cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng là điều hết sức cần thiết nhằm nắm bắt các xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ, áp dụng vào xây dựng thành công đô thị văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt công nghệ, khoa học, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng góp phần giúp con người Hà Nội thích nghi, hình thành nên phong cách lao động mới, năng động, sáng tạo, hiện đại.

Một yêu cầu nữa mà ThS Hà Đỗ Quyên nhắc đến là khả năng thực hành, khả năng ngoại ngữ và khả năng thích nghi với môi trường cạnh tranh công nghiệp của con người Hà Nội. Bởi lẽ, điều này sẽ tạo được lợi thế trong thu hút đầu tư, trong giao lưu và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội so với các địa phương khác, xứng đáng với vị thế trung tâm của cả nước.

"Đặc biệt, con người Hà Nội văn minh không chỉ hướng tới các giá trị hiện đại, tân tiến mà còn phải là những con người hiểu, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay", ThS Hà Đỗ Quyên nhấn mạnh.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, tạo ra một lối sống đô thị mà ở đó có sự quyện hòa giữa nét thanh lịch cổ truyền với văn minh, thanh lịch, hiện đại, thích ứng với thời kỳ hội nhập không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Muốn vậy, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có khát vọng đổi mới sáng tạo, có ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.

Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược phát triển con người Hà Nội hiện đại, văn minh, thanh lịch, vừa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mang những nét đặc trưng của người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Theo đó, phải xây dựng được bộ tiêu chí về con người Hà Nội văn minh, có tính bao quát, thể hiện rõ cả trong đời sống gia đình, công việc và quan hệ xã hội....

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập
Ở nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, các thế hệ người Hà Nội không ngừng xây dựng Thủ đô vững bước trên con đường phát triển và hội nhập.

Rõ ràng, trong suốt dặm dài lịch sử, với bao biến đổi thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội từ ngàn năm nay đã sản sinh ra biết bao văn nhân, sĩ phu và nhân tài cho đất nước. Cho đến tận bây giờ, Hà Nội vẫn là nơi quy tụ những anh tài tuấn kiệt từ khắp bốn phương để cùng với nhân dân cả nước vững bước trên con đường hội nhập.

Ở nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, các thế hệ người Hà Nội luôn cần có ý thức gìn giữ, tiếp tục bồi đắp những di sản, những giá trị nhân văn cha ông để lại, coi đó là nền tảng, là giá trị “gốc” để xây dựng Hà Nội vững bước trên con đường phát triển và hội nhập, khẳng định vị thế, trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

  • Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 3: Gìn giữ chất người Hà Nội thời hội nhập
  • Nội dung: THẢO PHƯƠNG
  • Ảnh: Báo QĐND, CTV, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top