Văn hóa Thăng Long-Hà Nội ngàn năm hội tụ - Bài 2: Nhận diện nguồn lực văn hóa Thủ đô
Hà Nội là trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại” luôn là đích đến, khát vọng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội.
Trong nhiều nghị quyết, chương trình của Trung ương và thành phố Hà Nội, văn hóa đều được coi là nền tảng, động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác.
Vậy nguồn lực văn hóa Thủ đô bao gồm những gì? Cần nhận diện như thế nào về nguồn lực văn hóa Thủ đô và có những giải pháp gì cho việc tận dụng tối đa lợi thế nguồn lực văn hóa Thủ đô?
Tại Hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến-văn minh-hiện đại” do thành phố Hà Nội tổ chức, theo PGS, TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, có thể khái quát nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội bao gồm nguồn lực di sản văn hóa; nguồn lực thể chế và thiết chế văn hóa và nguồn lực con người tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa.
Đánh giá về nguồn lực di sản văn hóa, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Hà Nội có bề dày lịch sử và văn hóa.
Mảnh đất này từng là vùng đất cổ, nơi hội tụ rất sớm các cộng đồng người từ vùng đồi núi ven sông Đà, Ba Vì, Tam Đảo, Sóc Sơn phát triển xuống vùng Hà Nội hiện nay. So sánh về thời gian, Thăng Long - Hà Nội là một trong những Thủ đô cổ kính trên thế giới. Thăng Long và Cổ Loa cùng ở trong một vùng văn hóa có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến văn hóa Đại Việt và cho đến những giai đoạn sau này.
Với vị thế của vùng đất được lựa chọn là kinh đô của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, Hà Nội là nơi có lợi thế vượt trội về nguồn di sản văn hóa, xứng đáng là “Thành phố di sản” của cả nước. Hiện nay, thành phố có 5.922 di tích, trong đó 2.435 di tích được xếp hạng các cấp. Các di tích này bao gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích danh thắng, gắn liền với hệ thống đình, chùa, nhà thờ, đền, miếu, hội quán, thành quách, khu phố cổ, làng cổ.
Hệ thống di tích lịch sử cách mạng cũng rất phong phú gồm 46 di tích được xếp hạng, trong đó có 26 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích được xếp hạng cấp thành phố, được phân bổ trên 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn sở hữu một nguồn lực không gian, cảnh quan văn hóa và không gian kiến trúc nghệ thuật giàu bản sắc độc đáo như hệ thống sông, hồ, cây xanh thơ mộng, hệ thống các công trình kiến trúc truyền thống như khu vực phố cổ hoặc kiến trúc kiểu Pháp như Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật… Đặc biệt, khu di tích Hoàng thành Thăng Long vừa phát lộ với hàng triệu hiện vật đặc sắc chồng xếp các tầng văn hóa kéo dài hơn mười thế kỷ qua.
Về hệ thống di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội là nơi lưu giữ một nguồn tài nguyên lớn về các giá trị văn hóa phi vật thể thể hiện đặc trưng văn hóa của người Tràng An, Kinh đô của cả nước trong nhiều thời kỳ lịch sử. Thành phố đã ghi nhận hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện và kiểm kê, bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó có Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca trù được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.
Hà Nội sở hữu hơn 1.300 làng nghề thủ công truyền thống kết tinh tài năng, sức sáng tạo của người dân Thủ đô trong việc sản xuất các sản phẩm văn hóa tinh tế, phục vụ nhu cầu của xã hội.
GS, TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, bản sắc văn hóa Hà Nội nằm trong tổng thể văn hóa Việt Nam, rất nhiều di tích, di sản của Hà Nội đến nay đã gần như trở thành biểu tượng. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, thì hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Núi Nùng, đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng... hầu hết đều là “vật thể” mang giá trị của lịch sử.
Theo PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, Thủ đô Hà Nội - trái tim của đất nước, thành phố vì hoà bình đã được biết đến với những tinh hoa được chắt lọc từ văn hóa ngàn năm, từ muôn phương kết tụ. Cùng với sự tiếp biến văn hóa của bốn phương, hệ thống di sản văn hóa của vùng đất này ngày càng được làm giàu thêm, làm cho văn hóa nơi đây càng thêm phong phú, đa dạng, nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa đất Tràng An.
PGS, TS Đinh Thị Vân Chi, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, khi tiềm năng của hệ thống di tích được đánh thức với tư cách là nguồn vốn văn hóa, đã mang lại lợi ích kinh tế đáng ghi nhận cho Thủ đô: Trong năm 2019, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón hơn 1,5 triệu lượt khách, Đền Ngọc Sơn đón gần 1,2 triệu lượt khách, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón gần 400 nghìn lượt khách, Nhà tù Hỏa Lò đón hơn 450 nghìn lượt khách. Ngoài ra còn có Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đều thu hút đông đảo khách tham quan trong nước cũng như quốc tế…
Có thể thấy, vốn văn hóa dù ở trạng thái nào cũng có những tác động không hề nhỏ đối với kinh tế. Nếu chúng ta nhận thức được điều này, có những chính sách, chiến lược phù hợp để phát huy vốn văn hóa, khai thác chúng một cách hiệu quả, thì sẽ thu được những nguồn lợi lớn, không chỉ về tinh thần, mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, dưới góc độ phát huy nguồn lực văn hóa, phải khẳng định, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã có một quá trình cố gắng lâu dài trong mục tiêu phát triển văn hóa Thủ đô.
Một số kế hoạch, chương trình đáng chú ý có thể kể tới là Chương trình phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015; hoàn thành quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hà Nội đến năm 2020; triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình hệ thống thiết chế văn hóa Hà Nội giai đoạn 2010-2020; củng cố các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; xây dựng mô hình các gia đình truyền thống trong đời sống hiện đại;...
Đặc biệt, Hà Nội còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Trung ương trong việc phát huy nguồn lực văn hóa. Ngày 6-1-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 nhằm xây dựng định hướng phát triển cho Hà Nội. Trên cơ sở đó, ngày 22-2-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội được định hướng phát triển trở thành Trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của cả nước và đặc sắc trong khu vực; có các công trình văn hóa lớn, ấn tượng, dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội và nước Việt Nam; Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và tinh hoa văn hóa truyền thống của Hà Nội được bảo tồn, phát triển và phát huy có hiệu quả; có nền văn hóa đặc trưng của Hà Nội, đa dạng, tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, có nếp sống văn minh, lối sống lành mạnh và mức thụ hưởng văn hóa phong phú ngày càng cao.
Từ những định hướng, chỉ đạo từ trên, thành phố Hà Nội đã tập trung các nguồn lực văn hóa phát triển đời sống văn hóa Thủ đô theo định hướng đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long, phát huy sự đa dạng, bản sắc độc đáo của các tiểu vùng văn hóa trong mối quan hệ thống nhất trong đa dạng, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long, biến những tiềm lực văn hóa thành sức mạnh nội sinh, góp phần phát triển toàn diện Thủ đô.
Theo TS Đỗ Thị Liên Vân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, để phát huy sức mạnh văn hóa, Hà Nội cần phải tranh thủ mọi nguồn lực cả về tài chính và kiến thức khoa học, công nghệ; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế.
PGS, TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa nói chung, của nguồn lực văn hóa nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô hiện nay.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa thực hiện “chức năng kép”, vừa góp phần bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tình cảm lành mạnh của xã hội, vừa thực hiện chức năng kinh tế, góp phần làm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Hà Nội là nơi có một nguồn lực văn hóa đồ sộ và phong phú. Đây chính là một lợi thế trong cạnh tranh phát triển, cần phải được đặt vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nhằm phát huy sức mạnh của văn hóa và con người Thủ đô để thực hiện khát vọng phát triển Thủ đô phồn vinh, hạnh phúc, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
PGS, TS Phạm Duy Đức chỉ rõ, thể chế, chính sách phát huy các nguồn lực văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng để giải phóng tiềm năng của các nguồn lực văn hóa hiện nay.
Trong quá trình hoàn thiện xây dựng Luật Thủ đô, cần bổ sung chính sách thu hút và sử dụng nhân tài nói chung, nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói riêng, khắc phục tình trạng Hà Nội thì “nuôi”, khi trưởng thành thì chọn nơi khác để phát triển. Hà Nội cần có chính sách đặc biệt để hội tụ tài năng của đất nước, chú trọng ở cả các khâu đào tạo, sử dụng và tôn vinh; đồng thời, cần có chính sách tạo động lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
- Nội dung: HỒNG UYÊN
- Ảnh: Báo QĐND, HUY ĐĂNG, TUẤN HUY
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC