LONGFORM Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

LTS: Hôm nay 22-8, chính trường Campuchia chứng kiến một thời khắc lịch sử trọng đại, cảm xúc-thời khắc chuyển giao giữa hai thế hệ lãnh đạo tại Campuchia. Samdech Techo Hun Sen chính thức rời cương vị Thủ tướng, vị trí mà ông đã đảm nhiệm trong suốt hơn 38 năm qua và bàn giao lại cho người kế nhiệm ông-Tiến sĩ Hun Manet, con trai cả xuất sắc của ông.

Nhân dịp diễn ra sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử Campuchia, Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện loạt bài viết “Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia”, nhằm mang đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực về sự nghiệp chính trị Thủ tướng Hun Sen trước khi từ nhiệm và những cống hiến to lớn của ông cho nền hòa bình, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước Campuchia.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Khi chế độ tàn bạo Khmer Đỏ phủ bóng đêm lên đất nước Campuchia, gây nên thảm họa diệt chủng tàn bạo ở trong nước và phát động cuộc chiến tranh xâm phạm vào lãnh thổ Việt Nam, tội ác không gì có thể tả hết. Không chấp nhận số phận nghiệt ngã của dân tộc, ông Hun Sen khi đó là một Trung đoàn trưởng trẻ tuổi đã đưa ra một quyết định nguy hiểm đến tính mạng, ly khai khỏi hàng ngũ Khmer Đỏ, dẫn đồng đội vượt qua sự truy sát của kẻ thù, tìm đường sang Việt Nam, tìm sự giúp đỡ lật đổ chế độ Khmer đỏ, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi tình thế cận kề “cửa tử”, hồi sinh đất nước chùa tháp từ đống tro tàn.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Thủ tướng Hun Sen sinh ngày 5-8-1952, trong một gia đình thuần nông ở làng Peam Koh Sna, huyện Stung Trang, tỉnh Kampong Cham. Ông là con thứ ba trong gia đình có 6 anh chị em. Cha ông là Hun Neang, trước kia từng đi tu và là học trò của một nhà tu đạo hạnh tên Samdech Chuon Nath. Sau khi ông Hun Neang cởi bỏ áo cà sa hoàn tục, ông gia nhập phong trào Issarak đấu tranh giải phóng đất nước khỏi chế độ cai trị của thực dân Pháp. Mẹ ông là một người nội trợ, bà không được học nhiều nhưng bà có khả năng tính toán giỏi.

Quê hương Thủ tướng Hun Sen được coi là vựa lúa của cả nước, nhưng trước đây vẫn là miền quê nghèo, nhìn đâu cũng là sông nước, mỗi mùa mưa đến là cả vùng lại bị lụt lội.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Hình ảnh Thủ tướng Hun Sen thời trẻ. Ảnh: SPM

Thủ tướng Hun Sen sinh năm Thìn vào đúng đêm trăng rằm. Theo tín ngưỡng của người Campuchia, trẻ con sinh vào ngày rằm, năm Thìn sẽ có tính cách bướng bỉnh nhưng​ rất bản lĩnh, thông minh. Và thực tế đã được chứng minh, với tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh có tài thao lược giúp ông vượt qua mọi giai đoạn khó khăn nhất, trở thành một nhà lãnh đạo Campuchia tài ba nổi tiếng trên thế giới.

Thủa nhỏ, Hun Sen đã cho thấy cậu là một đứa trẻ ham học, sáng dạ. Học xong cấp tiểu học, do trong vùng không có cấp trung học, cậu đã rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ khi mới chỉ là cậu bé 13 tuổi, một mình khăn gói lên thủ đô Phnom Penh để được học tiếp. Tại đây cậu học tại trường Lycée Indra Dhevi. Do nhà nghèo nên gia đình đã gửi gắm cậu vào chùa Neak Vann trong khoảng thời gian 1965-1968.

Quãng thời gian sống và học tập tại Phnom Penh cũng rất vất vả, theo lời ông kể thì một ngày của cậu bé ở chùa bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Cậu phải phải chuẩn bị bữa sáng dâng sư thầy, quét dọn sân chùa và một số việc khác trước khi đi học. Ngoài giờ học, cậu cũng theo sư thầy đi khất thực trên các tuyến phố.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Những hình ảnh về cưỡng bức lao động, về tội ác tày trời của Khmer Đỏ. Ảnh: Tư liệu

“Thời đó, tình hình đất nước Campuchia rất khó khăn, tình cảnh nghèo khó cũng diễn ra khắp nơi, buộc hàng ngàn đứa trẻ phải xa gia đình và tìm đến nương náu trong các ngôi chùa ở thủ đô” ông hồi tưởng.

Con đường học vấn của ông cũng bị gián đoạn vì những biến cố chính trị trong nước. Ông thôi học vào năm 1969, trở về sống với bố mẹ tại quê nhà. Mỗi khi hồi tưởng về thời niên thiếu, Thủ tướng Hun Sen đều chia sẻ, thời đi học ông chỉ mơ ước sau này được làm thầy giáo, nhưng ước mơ ấy bị dang dở bởi đất nước chìm trong khủng hoảng chiến tranh khi tướng Lon Nol tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Hoàng thân Norodom Sihanouk ngày 18-3-1970.

Sau cuộc đảo chính, hưởng ứng lời kêu gọi cứu quốc của Hoàng thân Norodom Sihanouk đang lưu vong tại Bắc Kinh, ông cùng hàng vạn những thanh niên yêu nước khác quyết định gia nhập tổ chức du kích, phong trào giải phóng dân tộc có tiếng vang lớn do Hoàng thân Sihanouk khởi xướng sau cuộc đảo chính nhằm chống lại quân đội Mỹ và chế độ Cộng hòa Khmer của tướng Lon Nol.

Thời điểm đó, Thủ tướng Hun Sen mới 18 tuổi, ông không hề biết Pol Pot và quân Khmer Đỏ cũng là một bộ phận của quân du kích và Khmer Đỏ đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát, thao túng tổ chức này.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Hình ảnh về tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Với tài trí thông minh, bản lĩnh của mình, khi là một người lính kháng chiến, ông được lãnh đạo quân đội kháng chiến tin tưởng và có những bước phát triển nhanh chóng, trẻ tuổi nhưng đã trở thành một chỉ huy quân đội tài giỏi rất được tín nhiệm.

Bi kịch bắt đầu xảy ra, ngay sau khi lật đổ chế độ của Lon Nol (17-4-1975), Khmer Đỏ đã thực hiện chính sách phản động trên toàn quốc, chúng áp đặt những chính sách độc tài hết sức dã man, thủ tiêu mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân. Với luận điệu và khẩu hiệu “xóa bỏ giai cấp” chúng lùa người dân từ thành thị về nông thôn, ép buộc họ phải làm nông dân, cưỡng bức lao động khổ sai và chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày (17-4-1975 / 7-1-1979) chúng đã sát hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội.

Không cam chịu trước tội ác tập đoàn phản động Khmer Đỏ, không thể đứng nhìn dân tộc đang bên bờ vực diệt vong, ông Hun Sen khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 21, Quân khu Đông Campuchia đã nung nấu quyết tâm phải tìm ra con đường giải cứu dân tộc thoát khỏi sự cai trị tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Những trăn trở, nung nấu khi ông phải đưa ra quyết định con đường đi cho mình vào thời điểm đó cũng đã được ông giãi bày rất cảm xúc trong phim tài liệu lịch sử quý “Hành trình cứu nước”, bộ phim đã được công chiếu rộng rãi cả ở Campuchia và Việt Nam. Diễn biến phim mô tả sinh động và chân thực nhất hành trình giải cứu dân tộc của Thủ tướng Hun Sen khi ông cùng 4 đồng đội vượt biên sang Việt Nam tìm sự giúp đỡ cứu Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Tại những thời khắc nguy nan và cấp thiết đó, không có nhiều lựa chọn cho ông, bởi ông xác định con đường ông đi không phải để tìm đường sống cho riêng mình, mà đó còn là hy vọng có thể cứu lấy sự tồn vong của cả dân tộc trước họa diệt chủng.

Theo lời kể của ông, một số lựa chọn đấu tranh chống lại Khmer Đỏ được ông đưa ra, nhưng sau cùng ông quyết định tìm đường vượt biên sang Việt Nam đề nghị Việt Nam giúp đỡ giải phóng đất nước và chắc chắn đây là lựa chọn tối ưu nhất.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh: VGP

Chia sẻ về lựa chọn này ông nói, lựa chọn này cũng rất khó khăn và đầy rủi ro, ông không biết mình có thể sống sót khi vượt qua biên giới Campuchia-Việt Nam hay không, bởi trên thực tế thì hai nước đang xảy ra nhiều cuộc giao tranh! Rất nhiều những câu hỏi ông tự đặt ra, nhưng sau tất cả ông có niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không làm ngơ khi thấy Campuchia gặp nạn.

“Việt Nam sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi thấy Campuchia gặp nạn. Dẫu biết rằng đi cũng có thể sẽ chết, nhưng dù chỉ có 0,1% hy vọng tôi vẫn quyết định ra đi”, “Và đừng quên tôi còn những sự lựa chọn khác. Đó là tất cả cùng chết. Tức là không làm gì cả, chỉ chờ bọn Pol Pot đến mang đi giết. Sự lựa chọn cuối cùng là tự sát, nhưng lựa chọn này tôi để dành sử dụng khi ở Việt Nam. Tôi có 12 chiếc kim lúc nào cũng mang theo người để đâm vào cổ họng trong trường hợp bị Việt Nam bắt trao trả lại”, ông Hun Sen xúc động nói. (trích từ phim tư liệu "Hành trình cứu nước").

Nhân dịp dự Lễ kỷ niệm 40 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” (20-6-1977 / 20-6-2017) và đi lại cung đường khi xưa ông cùng đồng đội đã băng cắt từ Campuchia vượt biên sang Việt Nam. Thủ tướng Hun Sen khẳng định:

“...Tôi không chối bỏ Tổ quốc, không chạy đi tìm cuộc sống tốt hơn. Đó là sự chuẩn bị từ trước, cho dù nguy nan tôi cũng quyết đi. Tôi không màng đến tính mạng của mình. Tôi chỉ mong muốn duy nhất là thông báo với lãnh đạo Việt Nam biết về tình hình nguy cấp tại Campuchia và đề nghị giúp đỡ giải phóng nhân dân Campuchia”.

21 giờ ngày 20-6-1977, tại sở chỉ huy Trung đoàn vùng 21 (căn cứ Koh Thmar, xã Tunloung, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham), ông Hun Sen bắt đầu cuộc hành trình cách mạng thay đổi số phận mình và vận mệnh của cả dân tộc Campuchia. Hành trang mang theo chỉ là “đôi bàn tay trắng, nỗi đau chia ly với người vợ đang mang thai 5 tháng và một ý chí sắt đá”…, như cách nói rất hình tượng của ông là “tôi lấy tính mạng của mình làm vốn liếng đấu tranh giải phóng nhân dân thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot”.

Nhằm đảm bảo bí mật, tránh gây hiểu lầm và có thể xảy ra sự tấn công từ phía Việt Nam, ông chỉ dẫn theo 4 đồng đội thân tín nhất. Đêm đó, trời mưa tầm tã, sấm chớp giăng đầy trời. Nhóm của ông Hun Sen bí mật di chuyển luồn qua các cánh rừng chằng chịt cây, điểm băng ngang của họ ở phía Campuchia là Koh Thmar, một ngôi làng nhỏ, là một phần của xã Tunloung ở huyện Memot trong tỉnh Kompong Cham và nằm ngay phía trước huyện biên giới Lộc Ninh án ngữ của Việt Nam thuộc tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước).

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen đến thăm bia đá lưu niệm tại khu vực X16 thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - điểm dừng chân đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen và đồng đội nhân dip kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (20-6-1977 / 20-6-2022). Ảnh: VGP

Vượt qua cả một quãng đường dài đầy hiểm nguy qua biên giới hai nước, 14 giờ ngày 21-6-1977, nhóm của ông đã đến ấp Hoa Lư của Việt Nam cách biên giới Campuchia khoảng 20km.

Tại đây, nhóm của ông đã gặp được những người dân Việt Nam đầu tiên và người dân ấp Hoa Lư đã nấu đầy một nồi cơm số 10 (thường dành cho 10 người ăn) cho nhóm 5 người của ông ăn no. Đây là một kỷ niệm xúc động với ông và đồng đội, bởi đây là lần đầu tiên sau hơn một năm họ mới được ăn cơm, vì ở Campuchia chế độ ăn hằng ngày của họ chỉ là cháo.

Tối 21-6-1977, nhóm của Hun Sen được đưa về huyện Lộc Ninh và hôm sau được di chuyển đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé…

Nhớ về kỷ niệm ngày đầu trên đất Việt Nam, ngày 20-6-2022, trong chuyến đi thăm lại nơi dừng chân đầu tiên khi tới Việt Nam 45 năm trước (ấp Hoa Lư nay là ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Tại đây, Thủ tướng Hun Sen đã có những chia sẻ rất ân tình: “…Tôi chân thành biết ơn người dân ấp Hoa Lư, ấp Làng 9, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước 45 năm trước đã cưu mang chúng tôi khi vừa đặt chân lên mảnh đất này. Những nghĩa tình này không thể diễn tả hết bằng lời…May mắn thay tôi đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, chân thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam giúp tôi hoàn thành nguyện vọng. Tôi còn nhớ rõ, ngày 21-6-1977, chúng tôi được người dân Việt Nam cho ăn bữa cơm đầu tiên sau hơn 1 năm chúng tôi chỉ ăn cháo ở Campuchia. Một bữa cơm hôm đó là vô giá”.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 45 năm "Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot" của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. Ảnh: VGP

Đây thực sự là những lời chia sẻ rất chân tình của Thủ tướng Hun Sen khi ông ôn lại những kỷ niệm xúc động về sự đối đãi nhân đạo, cách hành xử nhân văn của người Việt Nam thời điểm ông vừa “chân ướt, chân ráo” đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam. Và những ngày sau này trên đất Việt Nam, ông và đồng đội cũng vẫn luôn nhận được sự đối đãi rất ân cần, tình nghĩa và sẻ chia như vậy.

Cuối cùng những nỗ lực của ông và đồng đội đã cho quả ngọt. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã đọc được những báo cáo, những lá thư của ông; càng hiểu thêm những điều khủng khiếp đang diễn ra tại Campuchia, những hành động tàn bạo của Pol Pot chống lại nhân dân Việt Nam và một điều vô cùng quan trọng nữa là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã bắt đầu đặt niềm tin vào ông, vào những cộng sự của ông khi đồng ý quyết định giúp đỡ các đồng chí Campuchia tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang để giải phóng đất nước.

Trải qua nhiều gian nan, với ý chí, khát khao giải phóng dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng, ông Hun Sen cùng một số nhà lãnh đạo Campuchia khác đã khởi xướng một phong trào đấu tranh vũ trang, cùng sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Quân tình nguyện Việt Nam, trở về lật đổ chế độ phản động Khmer Đỏ, giải phóng đất nước vào ngày 7-1-1979, mở ra trang sử mới cho dân tộc Campuchia.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của Việt Nam và Campuchia luôn khắc ghi mối quan hệ sắc son, gắn bó, đoàn kết chống lại kẻ thù chung của hai dân tộc và không thể phủ nhận rằng đây là mối quan hệ “cùng chung một chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc”.

Với mối quan hệ gắn bó đặc biệt này có thể lý giải được tại sao vào thời khắc sinh tử, ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy ông Hun Sen đã quyết định đặt cả sinh mệnh của mình và vận mệnh dân tộc vào Việt Nam với suy nghĩ “Việt Nam sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi thấy Campuchia gặp hoạn nạn”. Bởi ông tin rằng chỉ có những người đã từng cùng nhau vào sinh ra tử, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để giúp bạn mới có thể giúp được Campuchia trong hoàn cảnh hiểm nguy này.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Thủ tướng Hun Sen đến thăm nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, những người mà ông gọi bằng cái tên thân mật "thủ trưởng" nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 27-12-2013, tại Hà Nội. Ảnh: Tienphong.vn

Và cũng khởi đầu từ hành trình cứu nước của mình mà Thủ tướng Hun Sen đã trở thành người bạn thân thiết, gắn bó lâu năm của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Ở Việt Nam tên gọi “Thủ tướng Hun Sen” đã quá thân quen suốt gần 4 thập kỷ qua. Không cần phải là người “học rộng, hiểu nhiều” mới biết đến tội ác của Khmer Đỏ, biết đến tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Campuchia và biết đến Thủ tướng Hun Sen, mà có khi chỉ là một người dân bình thường khi được hỏi về Campuchia thì điều đầu tiên họ nói đến sẽ là những câu chuyện về Khmer Đỏ về Thủ tướng Hun Sen-người bạn thâm giao của Việt Nam.

Một thực tế rằng, trong suốt giai đoạn Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo Chính phủ Campuchia, quan hệ Việt Nam-Campuchia ngày càng nồng ấm, gắn bó mật thiết. Lãnh đạo hai nước định hướng mối quan hệ phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” và đây là nền tảng quan trọng mang lại những thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc của hai dân tộc.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Ảnh trái: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đón Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Samdech Pichey Sena Tea Banh tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tham dự chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ nhất (15-5-2022). Ảnh: qdnd.vn

Ảnh phải: Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Tea Banh thăm trường Tiểu học Lộc Tấn A. Ảnh: qdnd.vn

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Ảnh trái: Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Tea Banh thăm trường Tiểu học Lộc Tấn A. Ảnh: qdnd.vn

Sự thật luôn hiển nhiên là vậy, dù vẫn còn đâu đó những luận điệu cực đoan, thù địch của những kẻ cơ hội, đang cố tình xuyên tạc lịch sử, kích động, gây chia rẽ mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.

Thậm chí, những hy sinh to lớn, tinh thần quốc tế cao cả và trong sáng của Việt Nam khi giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ còn bị bóp méo, quy kết là “xâm lược Campuchia” và còn bị không ít dư luận từ cộng đồng quốc tế hiểu sai suốt thời gian dài.

Cũng đã không biết bao nhiêu lần Thủ tướng Hun Sen cũng như những lãnh đạo cao nhất Campuchia đã lên tiếng phản bác những luận điệu xuyên tạc, bất công, vô cảm đối với dân tộc Việt Nam, Campuchia khi đặt ra câu hỏi rằng: “Ngoài Việt Nam, trên thế giới này có đất nước nào đứng ra giúp nhân dân Campuchia giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và ngăn chúng quay trở lại?”.

Hay lời khẳng định của ông: “Đúng vào thời khắc người dân Campuchia cận kề cái chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu Đức Phật cứu giúp thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

Những “ấm ức” này chúng ta phải chịu đựng mãi đến ngày 16-11-2018, khi Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống lại nhân loại của Khmer Đỏ, trả lại công bằng cho các nạn nhân Việt Nam và Campuchia, lúc này sự chính nghĩa, tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Việt Nam khi đưa quân sang giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng mới được sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia

Khi Tòa án xét xử Khmer Đỏ ra phán quyết này, nhiều dư luận trong và ngoài nước cho rằng “thế giới đang nợ Việt Nam một lời xin lỗi”. Nhưng nói như quan điểm của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thì có lẽ chúng ta không cần một lời xin lỗi, mà cần cộng đồng quốc tế nhận thức đúng đắn về lịch sử.

Chúng ta tiếp tục kỳ vọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp bằng công sức, xương máu của biết bao thế hệ tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

 Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại Campuchia, minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.

(Còn nữa)

  •  Thủ tướng Hun Sen: Người khởi tạo nền hòa bình Campuchia
  • Nội dung: ĐOÀN TRUNG
  • Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, Tư liệu, VGP
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC

top