Quốc hội khóa XV và trách nhiệm quản trị quốc gia: Đổi mới không ngừng để đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc - Bài 2: Những kỳ họp bất thường chất lượng cao
Hai năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng là ngần ấy thời gian đất nước chịu ảnh hưởng, tác động lớn của đại dịch Covid-19 cùng nhiều bất ổn, thách thức của kinh tế, chính trị trên thế giới. Xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Quốc hội đã tiến hành bốn kỳ họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Những quyết sách được xem xét, quyết định kịp thời tại bốn kỳ họp bất thường nơi nghị trường nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của cử tri, nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài; đồng thời cũng khẳng định thêm bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước những vấn đề quan trọng, cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước.
“Bất thường” theo nghĩa chung nhất là sự việc diễn ra khác với bình thường, khác với thông lệ. Do đó, kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp khác với quy định của kỳ họp thường lệ. Nội dung của kỳ họp bất thường chủ yếu là những nội dung cấp bách, triển khai sớm được ngày nào thì có lợi ngày ấy, là những việc không thể trì hoãn, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ.
Sở dĩ gọi là kỳ họp bất thường bởi theo Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp hai kỳ thường lệ mỗi năm và kỳ họp bất thường khi cần để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách. Kỳ họp thường kỳ khai mạc vào ngày 20-5 và 20-10 hằng năm như Nội quy kỳ họp Quốc hội đã ấn định; kỳ họp bất thường diễn ra giữa hai kỳ họp thường lệ liền nhau.
Còn nhớ, đầu năm trước, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, kỳ họp bất thường lần đầu tiên, chưa từng có trong tiền lệ trong lịch sử Quốc hội đã khai mạc vào ngày 4-1-2022, diễn ra trong thời gian gần 5 ngày làm việc, trong bối cảnh thực tiễn đất nước đòi hỏi Quốc hội cần phải xem xét, quyết đáp ngay một số vấn đề quan trọng để giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19.
Việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất khi đó đã được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam trong gần 80 năm qua; khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.
Kỳ họp bất thường đầu tiên đó đã xem xét, biểu quyết thông qua 1 Luật, 3 Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của kỳ họp.
Với tính chất “bất thường” nên các nội dung được đưa ra bàn thảo, xem xét tại kỳ họp đều là những nội dung lớn, cấp bách, tác động trực tiếp đến sự phục hồi, phát triển của đất nước trong điều kiện “bình thường mới”. Những việc Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nếu để đến khi Quốc hội họp thường kỳ vào tháng 5-2022 mới bàn thảo thì sẽ làm lỡ thời cơ của đất nước.
Theo đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và đông đảo cử tri, nhân dân, những quyết sách kịp thời, đúng và trúng được thông qua tại phiên họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội đã góp phần quan trọng để biến "nguy" thành "cơ", đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức do 2 năm cả nước dốc toàn lực phòng, chống dịch Covid-19, đưa đất nước tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong năm 2022, làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.
Trong đó, điểm nhấn chính là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Đối với nội dung “một luật sửa nhiều luật”, các đại biểu cho rằng, cũng rất cần thiết để giải quyết những điểm cần tháo gỡ nếu không sẽ tiếp tục ách tắc trong tổ chức thực hiện. Việc sớm sửa luật chính là giải quyết câu chuyện thể chế cho phát triển. Ngoài ra, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng cần được xem xét sớm để thúc đẩy các tuyến giao thông huyết mạch, thúc đẩy giao thương hàng hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Với việc tổ chức thành công kỳ họp, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, ngay trong những ngày đầu năm mới 2023 và khi Tết cổ truyền của dân tộc đã cận kề, Quốc hội đã quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, cấp bách, bảo đảm phản ứng kịp thời trước những yêu cầu đặt ra của đất nước.
Chỉ trong một thời gian 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, nhiều nội dung lớn, đặc biệt quan trọng, cấp bách tới quốc kế dân sinh đều được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự và bàn thảo kỹ lưỡng.
Một điểm nhấn nổi bật tại kỳ họp này là Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), lẽ ra đã được thông qua tại Kỳ họp thứ tư (10-2022).
Như vậy là, sau 3 kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng.
Đặc biệt, trong 5 quyết sách quan trọng được các đại biểu Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai có một nội dung “rất lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ” là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là vấn đề phức tạp, có phạm vi rộng, có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi cơ quan, bộ ngành, địa phương trên cả nước, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân. Bản quy hoạch tổng thể này là cơ sở, căn cứ lập quy hoạch trên cả nước, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Một nội dung quan trọng, cấp bách khác được thông qua tại kỳ họp này là Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Theo đó, Quốc hội đã cho phép các chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2023. Việc ban hành nghị quyết này với những quy định rất cụ thể, rõ ràng đã được Quốc hội nêu rõ, phần việc quan trọng còn lại là Chính phủ và các cơ quan liên quan cần sớm bắt tay triển khai nghị quyết bởi những thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Qua đó, giúp bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân trong chăm sóc sức khỏe, cũng như để những người từng xông pha phòng, chống dịch tránh được những tâm tư không đáng có.
Đáng chú ý, căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ đối với hai đồng chí: Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất cao.
Đánh giá về kết quả kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai của nhiệm kỳ khóa XV cho thấy sự quyết liệt, khẩn trương của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
Các nội dung trình tại kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao và quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội đối với những đòi hỏi thực tiễn khách quan về kinh tế - xã hội, thể hiện được tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của người dân lên trên hết, trước hết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá, Kỳ họp bất thường lần thứ hai có thời gian ngắn nhưng đã thông qua được các dự án luật, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan thẩm tra của Quốc hội giải trình ý kiến của các đại biểu trong thời gian ngắn. Các cơ quan hữu quan thậm chí đã làm việc cả thứ 7, chủ nhật, thậm chí cả đêm để hoàn thành công việc cho kỳ họp.
Kỳ họp bất thường lần thứ ba diễn ra vào ngày 18-1-2023, thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.
Sau đó, Kỳ họp bất thường lần thứ tư được tổ chức vào ngày 2-3-2023, thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước với đồng chí Võ Văn Thưởng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thực hiện nghi thức tuyên thệ trước quốc dân, đồng bào cả nước và phát biểu nhậm chức.
Đánh giá về Kỳ họp bất thường lần thứ tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Tuy kỳ họp diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ theo các quy định. Kỳ họp đã bám sát được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Trung ương có Ban Chấp hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn, công tác phối hợp giữa các cơ quan cũng rất tốt. Đồng thời phát huy được tinh thần dân chủ và ý thức, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
"Đại biểu Quốc hội tham dự rất đông, thảo luận sôi nổi, kỹ lưỡng và bày tỏ chính kiến với sự đồng thuận, nhất trí rất cao. Các khâu công tác chuẩn bị, các điều kiện bảo đảm an ninh, trật tự... cũng đều được bảo đảm, kể cả công tác thông tin và truyền thông", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, mặc dù các kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV được tổ chức với thời gian rất gấp, đúng vào dịp Tết nhưng chương trình kỳ họp đều được bố trí rất chặt chẽ, khoa học, đúng quy định để xử lý những vấn đề cấp bách đặt ra.
Mặt khác, mặc dù được chuẩn bị trong thời gian ngắn như vậy nhưng công tác điều hành của đồng chí Chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội rất khoa học, bài bản, chặt chẽ, phát huy được tinh thần trách nhiệm cao, cũng như tính dân chủ.
Bên cạnh đó, công tác phục vụ kỳ họp cũng được chuẩn bị rất khoa học, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian diễn ra kỳ họp.
"Công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp đã được phản ánh rất kịp thời, đầy đủ đến cử tri, người dân trong và ngoài nước, tạo được sự đồng thuận. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cũng ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời và hiệu quả. Điều này thể hiện rất rõ qua kết quả của các kỳ họp", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khẳng định.
Cùng chung nhận định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, việc triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 3 rất gấp và sát Tết (ngày 27 tháng Chạp, âm lịch) nhưng công tác chuẩn bị, bảo đảm hậu cần vẫn rất tốt. Công tác nhân sự tại kỳ họp bám sát quy định của Đảng, tuân thủ theo các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Ghi nhận ý kiến tổng hợp từ các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá, rút kinh nghiệm Kỳ họp bất thường lần thứ tư, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước đều ghi nhận mặc dù kỳ họp được tổ chức trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị gấp nhưng vẫn được tổ chức khoa học, hợp lý và bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quy trình, thủ tục.
"Kỳ họp đã hoàn thành chương trình và đạt được yêu cầu đề ra. Công tác nhân sự được chuẩn bị và tiến hành thận trọng, chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch và nhận được thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ.
Trước đó, lý giải về tên gọi “kỳ họp bất thường", Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã nhắc lại tinh thần của kỳ họp bất thường là vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước.
"Kỳ họp bất thường thể hiện sự đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra", Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nói thêm.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục có những kỳ họp bất thường nếu như cuộc sống và thực tiễn phát triển đất nước yêu cầu. Có lẽ, cần phải biến những kỳ họp bất thường trở thành điều bình thường, chúng ta mới có thể có một Chính phủ, Quốc hội thực sự chủ động, hành động, vì đất nước, vì nhân dân.
Sự nỗ lực và kết quả các kỳ họp cũng đã được cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Trong báo cáo công tác dân nguyện tháng 2-2023 gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường, trong đó đáng chú ý là kỳ họp lần thứ tư để xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao, bầu Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Cử tri tin tưởng và kỳ vọng Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại.
Cử tri và nhân dân cũng đồng thuận quan điểm, khi có những việc cần thiết, cấp bách, cần giải quyết sớm thì Quốc hội sẽ có thêm những kỳ họp bất thường khác bên cạnh 2 kỳ họp thường kỳ, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, phục vụ cho phát triển đất nước, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, không bị ách tắc; thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thể hiện rõ tính chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt cũng như tầm nhìn xa, trông rộng và sự vào cuộc, chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội.
Từ góc độ của người làm nghiên cứu và cũng là một cử tri, PGS, TS Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá rất cao Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng của đất nước.
Theo PGS, TS Phạm Duy Đức, Quốc hội tổ chức bốn kỳ họp bất thường trong thời gian qua đã thể hiện tinh thần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Việc họp bất thường cũng giúp Đảng, Nhà nước xem xét, xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách trong thực tiễn đời sống, nhất là về công tác cán bộ.
Từ đó, PGS, TS Phạm Duy Đức cho rằng, sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong thời gian qua do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó thể hiện kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, đội ngũ doanh nghiệp, song đặc biệt là nhờ sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội qua quyết sách "đặc biệt, đặc cách, đặc thù" từ các phiên họp bất thường của Quốc hội.
"Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân, như lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Quốc hội luôn tự hoàn thiện và đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn", PGS, TS Phạm Duy Đức nhìn nhận.
- Nội dung: LỆ HUYỀN - NGUYỄN THẢO
- Ảnh: VĂN PHÒNG QUỐC HỘI - BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC