QĐND Online - Nhà báo Hồng Chương (1921 – 1989), nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từng nhận xét: Nếu Bác Hồ là người cha của báo chí cách mạng Việt Nam, thì đồng chí Trường Chinh là người anh cả trong làng báo cách mạng nước ta. Đồng chí Trường Chinh cũng là nhà báo có một không hai trong lịch sử báo chí thế giới khi liên tục chủ trì, tổ chức hàng chục tờ báo để "dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ".
Nhà báo Trường Chinh: "Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ"
GS, TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là người có nhiều nghiên cứu và bài viết chuyên sâu về đồng chí Trường Chinh, có loạt bài 9 kỳ đăng trên Báo Nam Định thuật lại chặng đường làm báo đầy sôi động của nhà báo – Tổng Bí thư Trường Chinh.
Theo đó, Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1926, vì tham gia các hoạt động đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và đòi tổ chức Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, ông bị đuổi học vĩnh viễn cùng 46 học sinh Trường Thành Chung và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Năm 1927, ông lên Hà Nội thi lấy bằng Diplome, sau đó thi đỗ vào Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Mùa hè năm 1928, kết thúc năm học thứ nhất, Đặng Xuân Khu về quê nghỉ hè. Chứng kiến tình cảnh thống khổ của người dân, ông vận động một số người là anh em họ hàng ra tờ báo Dân cày để thức tỉnh tinh thần yêu nước, hướng dẫn nhân dân đấu tranh, chống lại sự bóc lột của thực dân, địa chủ. Báo Dân cày do Đặng Xuân Khu làm chủ bút, người em họ Đặng Xuân Thiều trực tiếp viết tay các bài báo để in thạch. Một số thanh niên trong làng tình nguyện bí mật đưa báo đi phát hành trong vùng. Báo Dân cày ra được bốn số thì Đặng Xuân Khu hết thời gian nghỉ, phải quay về Hà Nội sau đó phải đình bản.
Ngày 16-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, một số đại biểu tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ đã nhóm họp và tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và ra báo Búa liềm. Đặng Xuân Khu được phân công làm công tác biên tập của tờ báo.
Tháng 9-1929, Tổng hội sinh viên ra đời và quyết định xuất bản tờ báo Người sinh viên. Đặng Xuân Khu được cử làm chủ bút của báo. Cuối năm 1929, Đặng Xuân Khu bỏ học, dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai và hiểm nguy.
Ngày 4-11-1930, Đặng Xuân Khu bị mật thám bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Cùng bị giam trong khám tù với Đặng Xuân Khu và các đảng viên cộng sản còn có các tù nhân Quốc dân Đảng. Thời gian này, hai phía "Quốc" và "Cộng" bắt đầu cuộc đấu khẩu về các quan điểm chính trị, và bí mật tổ chức xuất bản các tờ báo. Đặng Xuân Khu được chi bộ phân công làm chủ bút tờ Con đường chính, mỗi số được chép tay ra 5-7 bản rồi bí mật chuyển đến các trại cho các tù nhân cộng sản truyền tay nhau đọc. Báo Con đường chính xuất bản từ tháng 2-1932 đến cuối năm 1932 thì đình bản do sự khủng bố gắt gao của bộ máy cai quản nhà tù.
Tháng 9-1936, sau khi được trả tự do, Đặng Xuân Khu nhanh chóng liên lạc với tổ chức Đảng và bắt nhịp với phong trào cách mạng đang mở rộng trong điều kiện chính phủ cánh tả ở Pháp thực hiện chính sách cởi mở ở Đông Dương. Đồng chí được phân công tham gia Ban Biên tập báo Le Travail, xuất bản công khai bằng tiếng Pháp.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đặng Xuân Khu và chi bộ cộng sản, Le Travail trở thành một diễn đàn rộng rãi tố cáo chế độ cai trị thuộc địa của thực dân Pháp, giáo dục lòng yêu nước, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc, bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động cần lao. Đồng chí Đặng Xuân Khu trực tiếp viết nhiều bài báo quan trọng, trình bày những vấn đề lý luận, nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Vừa tham gia biên tập cho tờ Le Travail, Đặng Xuân Khu vừa gánh vác nhiệm vụ Trưởng ban của ủy ban hành động hợp pháp của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động hợp pháp của các đảng viên công khai và những trí thức có cảm tình với Đảng, đặc biệt là chỉ đạo hoạt động báo chí công khai của Đảng, như: tờ Rassemblement (số đầu ra ngày 16-3-1937), En avant (số đầu ra ngày 20-8-1937). Bên cạnh đó, đồng chí cũng được Xứ ủy giao trách nhiệm trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các đảng viên làm tổng thư ký các tòa soạn như: Học Phi ở báo Tiểu thuyết thứ năm (từ ngày 18-3-1937 đến ngày 1-8-1937), Nguyễn Đức Kính ở báo Hà thành ngọ báo (từ ngày 6-4-1937 đến ngày 26-3-1938), Trần Đình Tri ở báo Thời thế (từ ngày 30-10-1937 đến ngày 12-2-1938).
Sau khi các tờ báo trên lần lượt bị đình bản do chính quyền thu hồi giấy phép, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định xuất bản công khai báo Tin tức và giao cho Đặng Xuân Khu phụ trách và trực tiếp làm Giám đốc chính trị, Trần Huy Liệu làm chủ bút, Lương Văn Tuân làm quản lý.
Báo Tin tức ra số đầu tiên ngày 2-4-1938 với danh nghĩa "Cơ quan Mặt trận Dân chủ". Định kỳ của Tin tức là hằng tuần, khổ báo 440 X 375 mm, thông thường mỗi số in khoảng 6.000 bản, tuy nhiên cũng có số in nhiều hơn (số 26 in đến 8.000 bản), do có những sự kiện quan trọng. Báo tồn tại được gần bảy tháng, số cuối cùng là số 43 ra ngày 15 và 19-10-1938.
Vừa chỉ đạo báo chí công khai hợp pháp của Đảng, chỉ đạo vận động thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, đồng chí Đặng Xuân Khu vừa trực tiếp viết bài cho báo Tin tức dưới bút danh T.t. (Tin tức) và QN (Qua Ninh).
Sau số 43, báo Tin tức ngừng xuất bản do chính quyền thực dân thu hồi giấy phép. Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mua lại tờ Đời nay để tiếp tục cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai. Đặng Xuân Khu tiếp tục đảm nhận trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tờ báo và xuất bản được 38 số.
Cùng trong năm 1939, Đặng Xuân Khu còn thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo chính trị các tờ báo: Notre voix, Ngày mới và Người mới. Trong các tờ báo này, Notre voix xuất bản bằng tiếng Pháp, là tờ báo để lại dấu ấn quan trọng trong giới trí thức đương thời. Việc ra báo tiếng Pháp là tranh thủ điều kiện thuận lợi khi theo luật định của chính quyền thực dân, báo tiếng Pháp không cần phải xin phép. Notre voix có nhiều tin bài thể hiện rõ các quan điểm chính trị của Đảng, được phát hành ra cả ngoài biên giới Việt Nam. Vào thời điểm này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ở Quế Lâm, Trung Quốc thường xuyên theo dõi và viết bài gửi về cho tòa soạn Notre voix dưới bút danh P.C.Lin. Đồng chí Đặng Xuân Khu là người nhận và đăng các bài viết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên tờ Notre voix trong mục Thư từ Trung Quốc.
Đầu năm 1941, thực dân Pháp xử bắn một loạt cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các ủy viên Trung ương Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Bí thư thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai... Sau khi về nước lãnh đạo cách mạng, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 5-1941 tại Pác Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bầu Đặng Xuân Khu làm Tổng Bí thư. Đồng chí chỉ đạo báo chí, trực tiếp viết báo tuyên truyền, nhất là trên Báo Giải phóng.
Tháng 10-1942, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xuất bản báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng Cộng sản Đông Dương do Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp phụ trách. Cờ Giải phóng trở thành cầu nối giữa Trung ương Đảng và địa phương. Theo nhà báo Phan Quang: "Các cán bộ hoạt động cách mạng thời bấy giờ coi báo Cờ Giải phóng là "cẩm nang cách mạng" của mình".
Lúc này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang bị chính quyền Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch giam cầm ở Trung Quốc, từ tháng 8-1942 đến tháng 10-1944, Đặng Xuân Khu vừa chỉ đạo báo chí và trực tiếp viết những bài báo quan trọng, phân tích đánh giá tình hình thời cuộc như: "Sinh hoạt Đảng", "Cải cách", "Thế giới hòa bình", "Liên bang Xôviết chiến thắng muôn năm".
Đặc biệt, Đặng Xuân Khu đã dự báo sát, phân tích kịp thời tình hình, nhận định "dịp tốt ngàn năm có một mang lại" khi Nhật – Pháp bắn nhau. Đồng chí kêu gọi "Hãy tiến gấp! Hãy kíp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra". Ngày 28-1-1945 trên báo Cờ Giải phóng số 10, lần đầu tiên xuất hiện bút danh Trường Chinh với bài báo "Chúng ta học được những gì trong cuộc đấu tranh võ trang ở Thái Nguyên. Từ đây, cái tên Trường Chinh gắn bó cho đến cuối cuộc đời cách mạng của đồng chí.
Ngày 21-8-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh về Hà Nội, đón Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tổng Bí thư Trường Chinh viết một loạt bài báo đăng trên báo Cờ Giải phóng, bám sát tiến trình cách mạng, thực sự là những định hướng lãnh đạo, mệnh lệnh chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới.
Suốt Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đồng chí cũng là người chịu trách nhiệm chỉ đạo báo chí, trực tiếp viết hàng trăm bài báo, truyền bá quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Sau khi Cờ Giải phóng nói lời từ biệt bạn đọc, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản báo Sự thật với danh nghĩa "Cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương" do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo. Thời kỳ kháng chiến, tòa soạn báo Sự thật chuyến từ Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc và xuất bản số cuối cùng (số 155) ngày 21-12-1950. Vừa trực tiếp chỉ đạo hoạt động của báo, đồng chí Trường Chinh vừa là cây bút chủ lực của với những bài viết quan trọng, định hướng nhận thức và hành động cách mạng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Đầu năm 1947, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn khi Trung ương Đảng và Chính phủ vừa rút lên Việt Bắc, đồng chí Trường Chinh viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật từ số ra ngày 4-3-1947 đến số ra ngày 1-8-1947 dưới đề mục Kháng chiến nhất định thắng lợi. Nhà xuất bản Sự thật đã tập hợp các bài báo đó và ngày 19-9-1947 xuất bản thành cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi. Trong tác phẩm này, đồng chí Trường Chinh đã khái quát tiến trình lịch sử và nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, chỉ ra kẻ thù của nhân dân ta chính là bọn thực dân xâm lược Pháp. Đồng chí nhận định cuộc kháng chiến của dân tộc là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh nhưng nhất định thắng lợi.
Từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau Đại hội lần thứ II của Đảng, báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam ra đời, xuất bản số đầu tiên ngày 11-3-1951, kế tiếp sự nghiệp của báo Sự thật trong điều kiện Đảng ra hoạt động công khai. Trước đó, tạp chí Cộng sản, với tư cách là cơ quan lý luận của Đảng đã xuất bản số 1, tháng 7-1950.
Từ sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, do gánh vác những trọng trách của Nhà nước, đồng chí Trường Chinh không trực tiếp làm báo và chỉ đạo báo chí nữa. Nhưng đồng chí luôn quan tâm đến công tác báo chí và những người làm báo, nhiều lần trực tiếp giảng bài cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo, nói chuyện nghề nghiệp với các nhà báo trẻ.
Đồng chí Trường Chinh là một người khiêm tốn, giản dị nhưng rất cẩn thận và nghiêm khắc trong công việc. Đối với từng bức ảnh, bản tin liên quan đến những công việc thuộc về trách nhiệm của mình, đồng chí đều xem xét trực tiếp để góp ý sửa chữa với nhà báo. Nhiều khi, đồng chí tự tay chỉnh sửa vào bài viết, cho văn phòng đánh máy lại cẩn thận rồi mới chuyển lại cho các nhà báo. Đồng chí chú ý đến từng dấu chấm, phẩy, cân nhắc từng chữ, từng từ sao cho trong sáng, dễ hiểu.
Nhà báo Ngô Tất Hữu kể lại kỷ niệm về một lần viết bài về đồng chí Trường Chinh rồi trình lên đồng chí xem xét. Tuy nhiên, do người đánh máy không biết cách trình bày và dùng giấy than cũ nên có nhiều chỗ chữ bị mờ. Đồng chí đã cho mời nhà báo Ngô Tất Hữu đến gặp và nghiêm khắc nhắc nhở: "Tôi không thể chấp nhận được ở một cơ quan thông tin báo chí lại đánh máy cẩu thả đến như thế này…Đảng, Nhà nước, nhân dân còn nghèo, song với các cơ quan báo chí, Đảng, Nhà nước sẽ không tiết kiệm ở chỗ này. Bởi vì sản phẩm của các đồng chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, nó có tác động rất rộng lớn không gì thay được, nó còn là tài liệu lưu trữ lâu dài, cho nên những người có tính hời hợt đại khái, thiếu trách nhiệm thì không nên để làm việc trong các cơ quan báo chí".
Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, đồng chí được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đến tháng 10-1956.
Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Trước đổi mới, đồng chí Trường Chinh từng sớm đưa ra nhận định: “Nếu không đổi mới sẽ đi vào ngõ cụt! Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Vì vậy, dù là người cực kỳ nguyên tắc, năm 1986, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã đề ra chủ trương đổi mới ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng, thậm chí quyết định viết lại dự thảo báo cáo chính trị. Đồng chí nói: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”.
Sau này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: “… ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới”.
Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền
Đó là hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Là thi sĩ” viết năm 1942 của Sóng Hồng – một bút danh của Trường Chinh trên góc độ là một nhà thơ đã toát lên quan điểm cầm bút và tính chiến đấu trong làm báo của ông, giống như bút danh Trường Chinh ông sử dụng khi làm báo cũng đã trở thành tên gọi chính thức theo suốt ông trên cuộc đời hoạt động cách mạng.
Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập
Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH
Nội dung: NGUYỄN VĂN MINH - NGUYỄN VĂN DUYÊN
Kỹ thuật, đồ họa: VIỆT HƯNG - THANH HƯƠNG
Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA, Tư liệu