LONGFORMHai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên

Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 - 3 đến 3-4-1975) là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Với cuộc tiến công của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 10-3-1975 vào Buôn Ma Thuột, quân đoàn 2, quân lực Việt Nam cộng hòa đã bị sụp đổ.

Mất bình tĩnh sau các thất bại dồn dập, ngày 14-3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã có một bước đi hết sức sai lầm khi quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung Bộ. Việc rút quân tiến hành rất kém, nên chỉ ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ quân đoàn 2, quân lực Việt Nam cộng hoà với 60.000 quân đã bị tiêu diệt, đầu hàng hoặc tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7. Có hai vị tướng người Hà Nội đã trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch này, đó là Thượng tướng Vũ Lăng và Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
Ban chỉ huy Trung đoàn 64 hạ quyết tâm tiêu diệt lữ đoàn dù 3, quân đội ngụy Sài Gòn trong Chiến dịch Đường 9- Nam Lào (1971). (Đồng chí Khuất Duy Tiến ngoài cùng bên trái).

Mỗi khi tới những ngày tháng ba, Trung tướng Khuất Duy Tiến, người con quê xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, luôn nhắc đến những người thầy, người anh, những đồng đội, trong đó nhiều người đã khuất. Trò chuyện với ông, khi nhắc về Thượng tướng Vũ Lăng, vị tướng trận Khuất Duy Tiến vô cùng xúc động. Những kỷ niệm về người anh lớn - Thượng tướng Vũ Lăng ùa về sâu lắng và sôi nổi, dào dạt chảy như chỉ mới gần đây thôi, trên cương vị Trưởng phòng tác chiến, Khuất Duy Tiến báo cáo Tư lệnh Vũ Lăng những kế hoạch tác chiến ở Mặt trận Tây Nguyên, chuẩn bị cho trận then chốt Buôn Ma Thuột, những cuộc đánh lớn truy kích tiêu diệt những đoàn quân khổng lồ của địch ở Tây Nguyên đang tan rã.

Nhắc về Vũ Lăng, có những lúc, tôi thấy đôi mắt của vị tướng họ Khuất lấp lánh những giọt nước. Vũ Lăng là một tài năng quân sự hiếm thấy. Những cống hiến của vị Thượng tướng quê xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội thật đúng lúc khi cuộc cách mạng của chúng ta rất cần những tài năng quân sự đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc và đánh thắng đế quốc Mỹ thống nhất đất nước.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
Ảnh trái: Trên đường hành quân vào chiến trường Tây Nguyên năm 1971 (đồng chí Khuất Duy Tiến ngoài cùng bên phải). Ảnh phải: Xác máy bay trực thăng của Mỹ bị Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) bắn rơi trên đồi Không Tên.

Năm tháng thời gian, tuổi tác như không thể làm khó được vị tướng trận khi nhắc về Thượng tướng Vũ Lăng. Vũ Lăng hơn Khuất Duy Tiến 10 tuổi, ông sinh năm 1921 tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông sớm tham gia cách mạng và cũng là một trong những người đầu tiên được cử đi học ở Trường Quân chính Việt Nam. Tháng 11 - 1945, Vũ Lăng tham gia đoàn quân Nam tiến khi giặc Pháp gây hấn ở Sài Gòn, rồi lần lượt mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam và Nam Trung Bộ.

Đơn vị do ông chỉ huy đã chiến đấu tại chiến trường Khu 6, thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay. Trong chiến đấu, ông đã có nhiều thành tích, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2- 1947. Sau đó, Vũ Lăng được điều động ra Bắc, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ huy quan trọng: Trung đoàn phó Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98. Tháng 5- 1954, ông là Tham mưu trưởng Sư đoàn 316. Năm 1956, Vũ Lăng được cử sang Liên Xô học ở Học viện Vô-rô-xi-lốp. Kháng chiến chống Mỹ, ông được Đảng và Chính phủ lần lượt giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã góp trí tuệ vào các công tác chỉ huy chiến đấu trên nhiều mặt trận, và sau này là tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ chiến đấu, đào tạo cán bộ quân sự.

Đối với Trung tướng Khuất Duy Tiến, thời gian ông gắn bó và được rèn luyện nhiều nhất dưới quyền chỉ huy của Thượng tướng Vũ Lăng chính là thời kỳ Vũ Lăng làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1974); Phó tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân đoàn 3 (1975-1977). Đây cũng là thời điểm then chốt ta mở Chiến dịch Tây Nguyên với đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột, làm thay đổi cục diện toàn bộ chiến trường, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
Bản gốc “Kế hoạch nghi binh” được Trung tướng Khuất Duy Tiến nâng niu giữ gìn suốt 35 năm. Đến ngày 11-2-2009, hưởng ứng Cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”, ông đã tặng lại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật giáo dục truyền thống. Việc nghi binh được triển khai trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 11-1974 tới đầu tháng 3-1975)

Khi ấy, Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng Tác chiến, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Phòng tác chiến của mặt trận thường xuyên phải làm việc với Bộ Tư lệnh. Tư lệnh Vũ Lăng là người vô cùng sắc sảo, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đặc biệt là khả năng tác chiến lớn rất thành thạo. Vũ Lăng từng đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Tác chiến tham gia xây dựng kế hoạch tác chiến các chiến dịch lớn nên rất có kinh nghiệm và cả sự cảm thông sâu sắc với những cán bộ làm công tác tác chiến.

Từng trưởng thành từ người chiến sĩ, người chỉ huy trực tiếp cầm súng trong kháng chiến chống Pháp, sớm Nam tiến và sau này trực tiếp vào chiến trường đánh Mỹ, Vũ Lăng hơn ai hết hiểu rất rõ kẻ thù, hiểu rất rõ những yếu tố then chốt để giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên. Khi trình bày các phương án tác chiến với Bộ tư lệnh, Khuất Duy Tiến đã được lắng nghe lời chỉ dạy của các bậc đàn anh dày dạn kinh nghiệm - những bộ óc ưu việt của Mặt trận Tây Nguyên, đó là Vũ Lăng - Tư lệnh (tiếp đó là Trung tướng Hoàng Minh Thảo- sau này là thượng tướng); Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy; Nguyễn Năng - Phó tư lệnh; Nguyễn Quốc Thước - quyền Tham mưu trưởng… và sự chỉ đạo sâu sát của Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền vừa được biệt phái vào Tây Nguyên.

Mặt trận Tây Nguyên khi ấy được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hết sức quan tâm. Các phương án tác chiến liên tiếp được kiện toàn, bổ sung, điều chỉnh, thay đổi, thậm chí là hàng ngày, nhưng việc điều chuyển hàng vạn quân, hàng nghìn xe pháo, phương tiện kỹ thuật hậu cần để lừa địch, vây địch, đánh thắng địch không phải là điều dễ dàng. Phải đánh như thế nào đây để chắc thắng và tổn thất ít máu xương nhất luôn là bài toán hóc búa với các vị tướng trong Bộ tư lệnh mặt trận. Những thế trận đan cài, những kinh nghiệm chiến đấu mới được nâng cao, được xoay chuyển để lừa địch ở Tây Nguyên. Phương án đánh Buôn Ma Thuột được bàn bạc và cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng. Đây là trận mở đầu cũng là trận then chốt quyết định thành bại của chiến dịch. Phòng tác chiến đỏ đèn đêm đêm trên tấm bản đồ thị xã Buôn Ma Thuột. Tư lệnh Vũ Lăng nói với Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước và Trưởng phòng Tác chiến Khuất Duy Tiến:

- Ta phải tìm mọi cách nhử địch về Kon Tum và Pleiku rồi hãm chúng ở đó, tại Buôn Ma Thuột để ta đột phá thật nhanh vào đây tiêu diệt địch và làm chủ thị xã này trong thời gian ngắn nhất. Sau đó sẽ phát triển đánh chiếm Gia Nghĩa, Phú Bổn để mở rộng khu vực, làm bàn đạp phát triển tiến công các hướng khác. Để thực hiện được ý định này, vấn đề có tính quyết định là lập thế trận chiến dịch. Thế trận đó phải thể hiện chia cắt, vây hãm, vừa tiến công, đột phá, vừa bí mật, vừa nghi binh. Tôi giao cho đồng chí Tiến- Trưởng phòng Tác chiến làm Tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Các anh nghiên cứu phương án một là đánh địch không có phòng ngự dự phòng và một phương án nữa là đánh địch có phòng ngự dự phòng. Đánh địch không có phòng ngự dự phòng là số một, ta phải làm mọi cách điều địch theo ý ta để đánh địch không có phòng ngự dự phòng.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Khi kết thúc cuộc trao đổi, Khuất Duy Tiến nhìn đồng hồ đã 1 giờ 15 phút sáng. Trở lại hầm tác chiến, những căn dặn của Tư lệnh Vũ Lăng luôn văng vẳng trong đầu. Làm thế nào để đánh Buôn Ma Thuột mà địch không có phòng ngự dự phòng? Đây là việc vô cùng khó vì phải lừa địch. Vấn đề nghi binh, hút địch về Kon Tum và Pleiku là then chốt quyết định. Những vấn đề khó khăn nhất luôn được Bộ tư lệnh, đặc biệt là Tư lệnh Vũ Lăng, với trí tuệ và tầm nhìn chiến lược, đã từng bước chỉ đạo thực hiện một cách xuất sắc.

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi vang dội mà đặc biệt xuất sắc là đòn điểm huyệt quyết định Buôn Ma Thuột đã khiến toàn bộ địch ở Tây Nguyên bị tiêu diệt và rút chạy, dẫn đến tan rã hoàn toàn. Thời cơ chiến lược đã tới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thành lập Quân đoàn 3 bao gồm các lực lượng bộ đội chủ lực ở Tây Nguyên. Thiếu tướng Vũ Lăng đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân đoàn đã lập tức chấp hành mệnh lệnh tổ chức Quân đoàn 3 là mũi nhọn đột kích chủ yếu theo hướng Tây Bắc, Đường 22 trong đội hình 5 cánh quân hợp vây tiến đánh Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
Trung tướng Khuất Duy Tiến và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
Trung tướng Khuất Duy Tiến và đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trong những tháng ngày gần gũi vị Tư lệnh chiến trường Vũ Lăng, Khuất Duy Tiến càng hiểu sâu sắc một điều rằng đánh địch không chỉ ở lòng quả cảm, tinh thần tiến công đến cùng mà trước tiên phải bằng sự mưu trí, tầm nhìn sâu rộng để đánh những đòn điểm huyệt quyết định, tạo thế chiến lược làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh để ít tốn máu xương đồng bào, chiến sĩ nhất. Ông cũng học được ở người anh lớn Vũ Lăng sự sâu sát, tỉ mỉ, tính quyết đoán, táo bạo trên nền kiến thức quân sự vững chắc trong điều tiết chiến trường, trong đánh địch phản kích và trong hành tiến thọc sâu vào sào huyệt địch.

Thượng tướng Vũ Lăng, tiếp đó ở những cương vị mới đều luôn là tấm gương sáng, là người anh lớn của Trung tướng Khuất Duy Tiến. Vũ Lăng mất sớm (năm 1988) để lại sự tiếc thương vô hạn với đồng chí, đồng đội.

Khi Thượng tướng Vũ Lăng mất, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã cảm nhận sự mất mát lớn lao đến từ sâu thẳm trái tim mình. Khuất Duy Tiến ao ước giá như người anh sống thêm mươi tuổi nữa chắc chắn những tổng kết sâu sắc về nghệ thuật quân sự sẽ được đúc kết nhiều hơn để phục vụ nhân dân và Tổ quốc.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội thực sự là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thủ đô văn hiến ngàn năm.

Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
Trung tướng Khuất Duy Tiến thắp hương tưởng niệm đồng đội.

  • Hai vị tướng - hai người con Hà Nội trong Chiến dịch Tây Nguyên
  • Nội dung: PHÙNG VĂN KHAI
  • Ảnh: Tư liệu
  • Kỹ thuật, đồ họa: VĂN PHONG - TÔ NGỌC

top