LONGFORMGiáo dục STEM qua “di sản sống” nón lá Gia Thanh

Giáo dục STEM qua “di sản sống” nón lá Gia Thanh

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Nghề làm nón lá ở xã Gia Thanh thuộc huyện miền núi Phù Ninh, Phú Thọ đã có truyền thống gần 100 năm, tạo việc làm cho người dân trong xã. Ít ai ngờ, chiếc nón lá giản dị ấy còn mang lại giải thưởng trị giá 1.000 USD cho cô trò Trường THCS Gia Thanh khi là một trong 6 trường học trên thế giới được UNESCO vinh danh. Sáng kiến đưa nón lá vào trường học thông qua giáo dục STEM của Trường THCS Gia Thanh không chỉ giúp bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống làng nghề, mà còn góp phần đưa hình ảnh nón lá Việt Nam ra thế giới.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

“Không phải gàu cũng dùng để tát

Không phải quạt cũng để giải nồng

Không phải nong cũng dùng để đựng

Không phải mũ cũng để đội đầu”

Là cái gì? Thầy Hoàng Quốc Quân, giáo viên Trường THCS Gia Thanh vừa dứt câu hỏi thì hàng loạt cánh tay đã hào hứng xung phong trả lời “cái nón lá”. Giờ học Toán về hình nón của thầy Quân cứ thế lướt đi một cách sinh động và đầy hứng khởi. Học sinh giờ đây không chỉ đơn giản nhận ra hình thù, đặc trưng của hình nón trong Toán học, mà với kiến thức toán học các em còn biết cách tính toán tạo ra chiếc nón với nhiều kích thước khác nhau trên giấy một cách đơn giản thông qua đường kính đáy, chiều cao, đường sinh.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

STEM - Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học - đã trở thành xu hướng quan trọng trong giáo dục. Chưa bao giờ những kiến thức lại gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em đến thế. Học từ những vật dụng thân thuộc như chiếc nón lá bà làm hằng ngày, mẹ vẫn hay đội và có thể phát triển trong tương lai của các em… đã được học sinh đón nhận rất tích cực, tạo nên những giờ học hạnh phúc.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh
Cô Trần Thị Minh Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, kiêm phụ trách Câu lạc bộ STEM nón lá của trường.

Kết hợp di sản sống về nón lá Gia Thanh vào chương trình STEM ở trường đã mang lại nhiều lợi ích. Cô Trần Thị Minh Tâm, giáo viên môn Ngữ văn, kiêm phụ trách Câu lạc bộ STEM nón lá của trường chia sẻ: “Về góc độ thực tế, nhận thấy nghề làm nón dần bị mai một, không nhiều người trẻ ngày nay biết về nón lá. Bài giảng STEM nón lá tập trung vào thay đổi nhận thức việc sử dụng nón và phát triển làng nghề. Về góc độ giáo viên, việc đưa những thứ gần gũi, quen thuộc và thiết thực vào bài giảng vừa tiết kiệm, mở ra những hướng đi mới trong giảng dạy và hướng nghiệp cho người học. Học sinh rất hào hứng, say mê với các bài học. Các em được truyền cảm hứng và có thêm các ý tưởng để phát huy và bảo tồn những giá trị di sản của địa phương. Có thể thấy tính tương tác thầy cô với học sinh khá nhịp nhàng, hiệu quả”.

Việc vận dụng STEM nón lá vào giảng dạy được triển khai tại Trường THCS Gia Thanh từ năm 2022. Như với môn Lịch sử, học sinh thấy được vai trò, ý nghĩa, nguồn gốc và vì sao cần gìn giữ giá trị sản phẩm làng nghề; với môn Toán, học sinh áp dụng các công thức để tính diện tích, chu vi, đường kính hay khoảng cách giữa các vanh nón, cạp nón... rồi thiết kế khuôn nón. Trong môn Hóa học, các em tìm hiểu quá trình xử lý, ngâm lá, phơi khô, hong khô lá hay dùng hóa chất gì để bảo quản lá tránh bị mốc và bền hơn. Với môn Mỹ thuật, học sinh thực hành vẽ phong cảnh làng quê Phú Thọ trang trí nón, từ đó hình thành cho các em tình yêu quê hương, đất nước.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Em Hán Đức Duy, học sinh Lớp 7A, Trường THCS Gia Thanh cho biết: “Việc kết hợp STEM mang tính giải trí, học mà chơi, chơi mà học rất thú vị. Em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, ghi nhớ lâu hơn. Các tiết học vừa thiết thực, gần gũi lại mới mẻ, sinh động, không bị khô khan, gò bó. Trong tiết học, chúng em được tương tác với nhau, với thầy cô; được làm việc nhóm, sử dụng các kiến thức và kỹ năng để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Từ đó phát huy sự khéo léo, sáng tạo. Chúng em rất thích những bài giảng như vậy”.

Ông Bùi Tuấn Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Ninh chia sẻ: “Giáo dục STEM không còn là điều xa lạ đối với cộng đồng giáo viên và học sinh ở Phù Ninh, đặc biệt là ở cấp trường trung học cơ sở. Phương pháp này phù hợp với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung vào việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học. STEM với việc sử dụng nón lá tại Trường THCS Gia Thanh không chỉ đóng góp vào việc bảo tồn mà còn thúc đẩy giá trị văn hóa của nón lá Gia Thanh. Qua việc tiếp xúc với nón lá thông qua STEM, học sinh được trải nghiệm một cách toàn diện hơn, hiểu sâu hơn và trân trọng hơn nghề thủ công truyền thống của quê hương”.

Ngoài việc đưa nón lá vào các bài giảng, Trường THCS Gia Thanh thường xuyên tổ chức các hoạt động trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, chú trọng khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức việc truyền nghề và học nghề nhằm giữ gìn nghề nón truyền thống của địa phương qua việc học tập tại làng nghề do nghệ nhân hướng dẫn, học tập sinh hoạt cùng trong câu lạc bộ may nón của trường. Hiện số lượng thành viên tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ chiếm hơn 1/2 học sinh toàn trường (116/223 học sinh).

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Có mặt tại lớp làm nón lá, hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn cho học sinh, nghệ nhân Triệu Thị Nhường không giấu nổi niềm vui, niềm tự hào khi nghề làm nón mà gia đình bà, cũng như nhiều gia đình ở Gia Thanh đã gắn bó nhiều đời nay được đưa vào trường học. “Tôi có mặt ở đây hằng tuần để hướng dẫn các cháu làm nón. Tôi vui lắm vì không nghĩ cái nghề làm nón giản dị lại có thể mang vào dạy học, lại được giải thưởng của UNESCO. Nhìn học sinh yêu thích và miệt mài làm nón tôi không còn lo nghề truyền thống không có ai tiếp nối”.

Để làm được một chiếc nón, người làm phải thực hiện khoảng hơn 10 công đoạn cầu kỳ, từ vê lá, là lá, nén lá cho phẳng rồi làm vành xong quay nón, rồi mới may nón, may xong dỡ nón ra khỏi khuôn đến cắt cước, nức nón, luồn nhôi, may chóp. Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa 2 lần được lót thêm một lượt mo cây tre, diễn…. cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Mặt trong của nón được người thợ khéo léo luồn những sợi chỉ màu để buộc quai nón. Khi nón được bán ra người làm nón sẽ quang một lớp dầu để có một chiếc nón lá trắng ngà vừa bền, đẹp, mà không thấm nước. Tất cả những công đoạn, những bí quyết làm nghề đều được nghệ nhân Triệu Thị Nhường tận tâm chỉ dẫn, truyền nghề cho thế hệ sau trong những lớp học như vậy.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Thầy Ngô Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thanh nhấn mạnh việc thiết lập mục tiêu giáo dục STEM là ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ quan trọng trong việc đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông. Để thực hiện điều này, nhà trường đã triển khai một cách linh hoạt việc tích hợp các hoạt động giáo dục STEM vào kế hoạch giảng dạy.

Nội dung của các bài học STEM được xây dựng một cách chặt chẽ, theo nội dung chương trình học và liên kết với di sản ở địa phương. Điều này giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp nhận và ứng dụng kiến thức vào thực tế thông qua các hoạt động học tập cụ thể. Qua đó, niềm đam mê nghiên cứu khoa học được kích thích và khả năng sáng tạo của học sinh được thúc đẩy mạnh mẽ.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Nón lá không chỉ là một biểu tượng văn hóa mà còn là sản phẩm của kiến thức khoa học và kỹ thuật truyền thống. Học sinh được học về cấu trúc, vật liệu và quy trình làm nón lá thông qua các hoạt động thực hành. Các em có cơ hội tìm hiểu về sự linh hoạt của nguyên liệu, quy trình sản xuất và cách mà nón lá phản ánh tri thức của cộng đồng. Do đó, bên cạnh dự án “Nón lá Việt Nam” được giải thưởng của UNESCO về giải pháp giáo dục “Sử dụng "di sản sống" vào dạy học” của giáo viên, học sinh Trường THCS Gia Thanh cũng vận dụng thành công nội dung nón lá trong đề tài nghiên cứu khoa học. Với đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống nón lá Gia Thanh thông qua hoạt động giáo dục STEM”, học sinh Hán Phương Thảo và Lưu Thị Thanh Hằng, học sinh lớp 8B đã xuất sắc đoạt giải Nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học tỉnh Phú Thọ vào cuối tháng 12-2023.

Điều đó cho thấy, việc đưa nón lá, đưa "di sản sống" vào giảng dạy ở các môn học là phương pháp phù hợp, kết hợp hiện đại và truyền thống đem lại hiệu quả tích cực. Tạo hứng thú học tập, khơi gợi sự say mê, sáng tạo cho người học. Tuy nhiên, cô Tâm cũng chia sẻ khó khăn lớn nhất trong triển khai là không phải ai cũng hiểu hết về STEM. Vùng nông thôn không phải học sinh nào cũng có đủ điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin. Hơn nữa, đôi khi muốn làm một đồ dùng, dự án nào đó thì với một trường nghèo sẽ gặp khó khăn về kinh phí. Bởi vậy, cả giáo viên và học sinh phải tận dụng tất cả đồ dùng quen thuộc xung quanh để có thể sáng tạo ra những đồ dùng học tập.

Cô Trần Minh Tâm cho hay: “Khi nhận nhiệm vụ nhà trường giao, bản thân tôi phấn khởi vì được nhà trường tin tưởng giao trọng trách nhưng cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của ban giám hiệu, cùng với đồng nghiệp và tổ chuyên môn, chúng tôi nghiên cứu, tìm tòi và mọi việc được triển khai khá thuận lợi. STEM không chỉ tạo hứng thú cho học sinh mà ngay cả giáo viên cũng được thúc đẩy sự sáng tạo. Sau mỗi buổi học, các em có được những sản phẩm, phát huy tính sáng tạo. Dạy học hiện nay không chỉ mỗi môn khoa học tự nhiên mới có sáng tạo mà môn nào cũng đòi hỏi sự sáng tạo”.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

Cô Tâm cũng bật mí, có nhiều yếu tố để thúc đẩy hoạt động STEM của nhà trường, trong đó có sự truyền cảm hứng từ Liên minh STEM Việt Nam trong cuộc giao lưu với trường đã có những gợi ý để phát triển làng nghề. Nón lá không phải mục tiêu từ đầu tới cuối để áp dụng dạy học mà nhà trường đang áp dụng kế hoạch bảo tồn di sản thông qua hoạt động dạy học. Tuy nhiên, dự án nón lá giúp đạt được những kết quả về nhận thức và hành động; góp phần duy trì và kích cầu du lịch, phát triển kinh tế địa phương, tinh thần khởi nghiệp trong học sinh. Các giáo viên vẫn đang tìm tòi và khám phá thêm những sản phẩm, đồ dùng khác để làm linh hoạt, sinh động hơn cho mỗi bài giảng.

Việc đưa di sản sống nón lá Gia Thanh vào dạy học STEM tại Trường THCS Gia Thanh là một bước tiến quan trọng. Nó không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn về di sản văn hóa mà còn kích thích sự tò mò, sáng tạo và học hỏi. Sự kết hợp này giúp học sinh xây dựng kỹ năng không chỉ làm giàu kiến thức mà còn là kỹ năng sống và hiểu biết văn hóa, tạo ra những công dân toàn cầu có bản lĩnh.

Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh

  • Giáo dục STEM qua di sản sống nón lá Gia Thanh
  • Nội dung: THU HÀ
  • Ảnh: THU HÀ
  • Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
top