Đường Trường Sơn - Biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt - Lào - Bài 2: “Lật cánh” sang Tây Trường Sơn trên đất bạn
Do địch điên cuồng chống phá, tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam mà Đoàn 559 đảm nhiệm lâm vào tình trạng bế tắc nghiêm trọng, có lúc gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Trước đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, theo đề nghị của Việt Nam, Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) hoàn toàn nhất trí, ủng hộ Việt Nam mở Đường Hồ Chí Minh sang phía Tây Trường Sơn. Ngày 14-6-1961, tuyến gùi thồ ở phía Tây Trường Sơn chính thức đi vào hoạt động. Lịch sử gọi sự kiện này là “lật cánh sang Tây Trường Sơn”.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, sau khi tuyến đường đi vào hoạt động, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã sử dụng tối đa sức mạnh của vũ khí, kể cả vũ khí bị nghiêm cấm sử dụng trong chiến tranh, hòng xóa bỏ Đường Hồ Chí Minh, cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam.
Trước tình thế đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã thỏa thuận đi đến thống nhất mở con đường chiến lược Tây Trường Sơn; quyết định “lật cánh” đường vận tải chiến lược và đường giao liên từ phía Đông dãy núi Trường Sơn sang phía Tây Trường Sơn, mở đường vận tải chiến lược quân sự Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào kéo dài hàng trăm ki-lô-mét từ Ðường 9 đến Mường Phalan, nối Trung Lào với Hạ Lào.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi nhập ngũ ngày 20-2-1961, khi mới 17 tuổi. Sau một năm huấn luyện, học lái xe và rèn tay lái trên các tuyến đường Tây Bắc, đầu tháng 2-1962, lần đầu tiên xe của đồng chí Trần Minh Khâm (lái chính) và tôi (lái phụ) cùng Đại đội 1 được giao nhiệm vụ đặc biệt. Đó là nhiệm vụ bí mật chở quân, vật chất hậu cần vào Trường Sơn. Đến mùa khô 1962-1963, chúng tôi được lệnh quay ra chuyển quân, chuyển hàng trên hướng Đường 12. Khi vào đến Thanh Lạng thì được trang bị quân phục của Bộ đội Pathet Lào và chính thức bắt đầu những ngày cùng bạn chiến đấu chống kẻ thù chung.
Cùng với xây dựng tuyến đường Tây Trường Sơn qua đất Lào, quân và dân Lào đã phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam đánh bại các cuộc hành quân phá hoại của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để bảo vệ tuyến đường. Trong những năm 1961, Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Pathet Lào đã mở nhiều đợt hoạt động quân sự, tiến công địch ở nhiều nơi thuộc Trung-Hạ Lào, giải phóng Khamkeut, Laksao đến Muangphine, Sepon, bản Đông, làm cho Đường 12 và Đường 9 nối thông với nhau tạo thành một hành lang dài hàng trăm ki-lô-mét. Toàn bộ 6 huyện của Lào ở Bắc và Nam Đường 9 được giải phóng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc mở tuyến vận tải chi viện chiến lược này. Sau này, tuyến đường còn được mở qua 7 tỉnh của nước bạn Lào anh em.
Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12 có hơn 10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu tại Đường Trường Sơn với cương vị Phó chủ nhiệm Chính trị Đoàn 559, hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh kể rằng: Khi Mỹ, ngụy ném bom ác liệt trên tuyến Đông Trường Sơn thì chúng ta vận chuyển trên nước bạn Lào là chính. Nhân dân Lào sinh sống dọc tuyến Tây Trường Sơn đã phối hợp với các đơn vị Quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam kiên cường bảo vệ con đường chiến lược, chiến đấu giữ vững và phát triển vùng giải phóng Trung-Hạ Lào. Địch đánh phá đường này ta mở đường khác, tạo thành một mạng đường như trận đồ bát quái.
Cho dù đế quốc Mỹ mở các cuộc tấn công chiến lược quy mô lớn và liên tục thay đổi thủ đoạn đánh phá hòng biến đại ngàn Trường Sơn thành vùng đất chết thì chúng cũng không thể khiến những người lính Trường Sơn nao núng tinh thần. Những mất mát, hy sinh trên tuyến đường này cũng không hề nhỏ, không quân Mỹ đánh phá đường Trường Sơn rất ác liệt, chủ yếu trên đất Lào, trên toàn Đông Dương phải hứng chịu 7 triệu tấn bom đạn, trong đó đường Trường Sơn phải chịu 4 triệu tấn. Cũng đã có nhiều người dân, chiến sĩ Lào hy sinh trên cung đường này.
Chia sẻ về những hy sinh mất mát mà quân dân nước bạn Lào cùng “chia lửa” với Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việc mở đường Trường Sơn trên đất Lào gây khó khăn cho Mỹ - ngụy trong việc chặt đứt chi viện cho chiến trường, chính vì vậy chúng càng điên cuồng đánh phá".
Hàng chục nghìn gia đình, hàng chục vạn nhân dân các bộ tộc Lào đã không quản gian khổ, nghèo đói, hy sinh cả tài sản, cuộc đời cho con đường kháng chiến vĩ đại của Việt Nam - Lào. Con đường "máu thịt" đã tồn tại 16 năm trong chiến tranh ác liệt là 16 năm nhân dân các bộ tộc Lào gồng mình trong mưa bom, hai dân tộc vá từng hố bom, đánh từng trận càn để hàng hóa, thuốc men, cán bộ... vào được với chiến trường, đi đến ngày toàn thắng.
Thực tiễn cách mạng cho thấy, từ khi mới hình thành cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ năm 1975, đường Tây Trường Sơn đã đi qua 17 mường (huyện) ở Trung và Nam Lào, với tổng chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét. Có gần 1.400km/4.990km tuyến đường ống xăng, dầu quốc gia (bao gồm cả làm mới và khôi phục tuyến cũ) chạy trên Đường Hồ Chí Minh đi qua trên đất bạn Lào. Và còn có cả mạng thông tin dây bọc và dây trần tải ba trải dài từ Đông sang Tây Trường Sơn, tới Đông Nam Bộ (Bù Đăng) với chiều dài 1.350km... Đó thực sự là những con số ấn tượng, thể hiện sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân các bộ tộc Lào trong việc “chia lửa”, đồng hành, giúp đỡ Bộ đội Trường Sơn Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, đầy ắp nhọc nhằn và cả những hy sinh nhưng cũng không kém phần vinh quang, tự hào.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh khẳng định: "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên đất Lào, là một biểu tượng chiến thắng bởi tình đoàn kết keo sơn, bởi sự hỗ trợ chiến đấu tuy hai mà như một, tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, đã vượt qua mọi thử thách và được tôi luyện trong cuộc chiến đấu chung chống đế quốc Mỹ xâm lược. Mối tình đó là bất diệt, và đời đời bền vững như non sông. Đó là tài sản tinh thần vô giá mà các thế hệ người dân hai nước Việt Nam - Lào cần phải nâng niu, trân trọng".
Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Choummaly Sayasone đã đánh giá: “…Đường Hồ Chí Minh còn là biểu tượng tinh thần quốc tế cao cả và tình đồng chí, anh em của Việt Nam – Lào đã kề vai sát cánh đánh bại kẻ thù chung. Ở đó mồ hôi, nước mắt, máu và cuộc đời của các chiến sĩ quân đội Việt Nam và Lào đã quện lẫn để cho chiến thắng của cách mạng, giải phóng và thống nhất đất nước của chúng ta”. Tình đoàn kết chiến đấu đó của hai Đảng, hai dân tộc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong xây dựng tình hữu nghị đoàn kết Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hiện nay về mối tình hữu nghị tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi, thật sự tin cậy, thủy chung gắn bó, giúp đỡ nhau toàn diện vì lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng hai dân tộc.
Nội dung: Nhóm phóng viên Báo QĐND
Ảnh: Tư liệu, TTXVN, QĐND
Kỹ thuật, đồ họa: NGUYỄN CÚC - ĐẶNG CƯỜNG